Y tế chúng ta đang ở đâu

Võ Xuân Sơn

20-7-2020

Hồi đó, chúng tôi luôn có những ca bệnh u não mà thế giới này hầu như rất hiếm có. Đó là những khối u to bằng trái cam, trái bưởi, chiếm hết cả một phần hộp sọ. U tủy cũng vậy, có những khối u chiếm hết cả ống sống, dài gần cả chục đốt sống.

Chúng tôi tự hào, rằng chúng tôi có thể mổ được những ca như vậy. Mấy ca đó mà vào tay mấy bác sĩ nước ngoài chắc là họ chỉ biết khóc. Có khi cả đời họ chẳng được nhìn thấy một ca như vậy. Còn chúng tôi thì gần như ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng mổ mấy ca đó. Tay dao của chúng tôi không hề run sợ trước bất cứ khối u to đến đâu, những bệnh lí phức tạp đến thế nào.

Đến một ngày kia, chúng tôi mới giật mình. Thì ra ở nước họ, người dân được chăm sóc y tế rất tốt, cho nên, họ phát hiện những khối u từ rất sớm. Và họ đã mổ những khối u đó từ khi nó còn nhỏ, chỉ mới có vài ba triệu chứng nhẹ. Rõ ràng là việc chăm sóc y tế của ta còn kém, cho nên mới có nhiều những bệnh nhân với những khối u to đùng.

Nhớ hồi nào có vị bác sĩ nước ngoài sang Việt nam mổ cho bệnh nhân mang khối u trên 30kg. Nghe nói cũng lằng nhằng khốn khổ, bay qua bay lại mấy lần mới được mổ. Có người bảo ông ấy tốt, có người lại bảo ông ấy ham ca lạ. Chẳng biết ai đúng. Nhưng chắc chắn là nếu bác sĩ nào muốn tiếp xúc với những khối u khổng lồ như vậy trong thời đại hiện nay, họ chỉ có thể thực hiện điều đó ở những nước có nền y tế lạc hậu mà thôi.

Khi nói ra điều ấy, có bác sĩ chống chế. Bệnh nhân không quan tâm đến sức khỏe của mình thì bác sĩ nào lo cho họ được. Nghe rất có lí. Thân mình không lo thì y tế nào mà lo cho được. Thế tại sao ở các nước tiên tiến, họ lại chịu đi khám, để những khối u được giải quyết ngay từ khi còn nhỏ xíu?

Đó chính là thước đo cho sự phát triển của một nền y tế. Đó là truyền thông, là giáo dục kiến thức về sức khỏe cho người dân. Chúng ta tự hào là chúng ta có tỉ lệ người biết chữ cao trên thế giới, có tỉ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… cao so với nhiều nước. Nhưng chúng ta lại có những khối u to đùng, chúng ta lại có quá nhiều ca bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn quá trễ, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư của chúng ta cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới… Và chúng ta lại nổi tiếng với những ca song sinh dính nhau.

Có người viện dẫn tôn giáo, viện dẫn tư tưởng nọ kia. Tất cả các nước đều gặp những vấn đề tương tự. Hơn chúng ta, họ còn đề cao dân chủ, đề cao quyền con người. Vấn đề thuyết phục người dân đối với họ còn khó hơn chúng ta. Nhưng họ vẫn làm được.

Ngoài ra, những người hành nghề y ở Việt nam còn thường xuyên gặp những ca bệnh mặc dù được chẩn đoán từ lâu, nhưng vì nhiều lí do, mà hầu hết là lí do tài chính, người bệnh không đi chữa bệnh ngay, để đến khi bệnh nặng mới đi chữa. Gần đây, có trường hợp cậu thanh niên đi ăn trộm để kiếm tiền chữa bệnh. Rồi cậu ấy day dứt và ra tự thú. Và thế là cậu ấy bị bắt giam, xét xử, và bỏ tù, trong khi bệnh tình của cậu ấy vẫn không rõ ràng, và cậu ấy phải ngồi xe lăn ra tòa, và vào tù.

Ở những nước như Mỹ, Pháp… y tế là ngành dịch vụ, ngành y tế cung cấp dịch vụ và thu tiền. Họ không có khẩu hiệu “do dân, vì dân” như chúng ta. Như vậy lẽ ra người dân của họ phải khó khăn hơn chúng ta nhiều trong việc tiếp cận với chăm sóc y tế chứ.

Bác sĩ Việt nam giỏi. Đúng. Về kĩ thuật, kĩ năng, bác sĩ Việt nam giỏi, rất giỏi. Về mặt kĩ thuật, kĩ năng thực hành, tôi tin rằng bác sĩ Việt nam không thua kém bất cứ bác sĩ từ nước nào trên thế giới. Nhưng không vì thế mà chúng ta bảo, nền y tế của chúng ta là nền y tế hàng đầu thế giới. Kĩ thuật, kĩ năng thực hành của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên… mới chỉ là một góc nhỏ, rất nhỏ của y tế.

Để có một nền y tế tốt, chúng ta còn phải có những chính sách về tài chính y tế đúng đắn, hiệu quả, cả ở tầm vĩ mô và vi mô, chúng ta còn phải có khả năng quản trị, quản trị nền y tế, quản trị bệnh viện, quản trị hệ thống truyền thông… Về mặt này, chúng ta còn kém, kém lắm.

Hãy thẳng thắn nhìn vào những mặt yếu kém để mà phấn đấu. Chứ lúc nào cũng tự sướng vì vài kĩ năng, kĩ thuật, thủ thuật, vì tiền đầu tư xây nhà to, mua máy mắc tiền, mà vẫn cứ để tồn tại những khối u to đùng, những đứa bé với dị tật bẩm sinh đáng lẽ phải được sàng lọc từ bào thai… thì dù có vẽ lên hàng triệu anh hùng cũng không thể nào khá nổi.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Nói chung, những trò nói năng kiểu “chúng ta giỏi”, “chúng ta nhất”, “chúng ta chẳng kém ai” chỉ là những cách nói lên gân thiếu suy nghĩ mà thôi.

    “Chúng ta” là ai? Là bác sĩ ở thành Hồ, Hà Nội, Bắc Kạn, Hà Giang, Cà Mau? Khi so sánh, “chúng ta” phải là cái số nhiều, chứ không phải chỉ vài chục người biết cầm dao mổ xem được so với các đồng nghiệp có nền y khoa hiện đại. Chỉ vài người đó chẳng đại diện cho ai cả. Chẳng đủ để nói đến hai chữ “Việt Nam”.

    Còn “nhất” là so với ai? So với Mỹ, Pháp, Singapore, hay Lào? Nhất về cái gì? Về nội soi? Về mổ lấy khối u? Chẳng có gì cụ thể cả. Trong một nền y tế chín chắn không ai nói như thế.

    Thật ra, bác sĩ ngoại khoa nào cũng tự cho mình là giỏi cả, vì họ phải nói như vậy để có bệnh nhân. Đâu có bệnh nhân nào muốn “trao thân” cho “bác sĩ dở”. Do đó, câu nói “bác sĩ chúng ta giỏi” hoàn toàn vô nghĩa.

    Vài bác sĩ VN tự hào rằng họ mổ giỏi, thậm chí giỏi nhất thế giới! Nhưng lấy gì để nói như vậy? Số bệnh nhân mình mổ? Ấu trĩ. Sáng chế ra kỹ thuật mới? Zero. Số bệnh nhân bị biến chứng sau khi mổ? Chẳng ai biết. Số bệnh nhân bị chết sao khi mổ? Chẳng ai biết. Số bệnh nhân bị mổ KHÔNG CẦN THIẾT? Chẳng ai biết, nhưng chắc nhiều.

    Không có những “cân đo đong đếm” như thế thì cách tốt nhất là im lặng, học, và làm, chứ đừng nói ta đây là giỏi. Hoàn toàn không có bất cứ một chỉ tiêu nào để làm cơ sở cho sự tự khen cả, cho dù chỉ là tự khen trong mổ xẻ.

    Cái trò “mèo khen mèo dài đuôi” nó lan từ đảng cộng san sang tận y khoa cộng sản.

    Lại nói về đào tạo y khoa. Trước 1975 ở miền Nam, số trường y rất ít nhưng tiêu chuẩn đào tạo thì khó chê. Sinh viên nhận vào đều là những người xuất sắc. Ở đâu họ cũng là bác sĩ đúng nghĩa. Bệnh nhân ở tỉnh lẻ không cần lên thành phố vì đã có bác sĩ đào tạo bài bản. Tình trạng quá tải không xảy ra trước 1975.

    Còn sau 1975, con cháu cán bộ trong rừng ra, ngoài bắc vào, học hành lôm côm cũng được vào trường y. Con cháu của “nguỵ” dù học giỏi như thế nào cũng không được vào đại học.

    Thầy cô giỏi thì đã đi cải tạo hay vượt biên, thay vào đó là những kẻ trong rừng ra và ngoài bắc vào mà thuật ngữ bệnh lý tiếng Anh còn viết không xong. Những người đó đào tạo ra một thế hệ “bác sĩ rừng rú”, và thế hệ rừng rú con ông cháu cha đó đào tạo ra vài thế hệ rừng rú khác. Tiêu chuẩn đào tạo cứ trượt dài dài.

    Chưa kể ngày nay số trường y mọc lên như nấm, chẳng có bệnh nhân nào dám “trao thân” cho những bác sĩ tốt nghiệp từ những cái lò đó. Nền y tế giỏi là như vậy chăng? Hợm hĩnh!

  2. Theo tôi thì rất có thể bác sĩ tác giả là người giỏi, rất giỏi và trung thực nhưng hiếm đối với hệ thống y sĩ Vn hiện nay, việc mổ tay lấy đinh vít cho một bé trai mà làm bé ngừng tim liệt não là một thực trạng đau lòng là hệ thống y tế thời xhcn là vất đi. Mổ ca hai bé gái dính nhau cũng chưa là ca đặc biệt thế mà cả bộ chính trị nhảy vào ăn ké, thổi phồng thành tích và cái dám báo chí mạt hạng đua nhau tâng bốc. Tại sao người có tiền luôn muốn điều trị tại nước ngoài ? Hỏi là đã trả lời cho cái hệ thống lang băm xhcn.

  3. Theo tôi,bs.tác giả VXS.là người trung thực nên đã có những nhận định thẳng thắn
    về nền y tế VN.thời CS.toàn tri khi khá nhiều người trong ngành đang “tự sướng”!
    Đúng là thầy thuốc VN.có “điều kiện” thuận lợi là có nhiều trường hợp để thực hành
    hơn các nước tiên tiến nên mổ xẻ nhiều thì giỏi thôi nhờ kinh nghiệm.
    Thế nhưng,vấn đề không phải ở đó mà là nhà trường có đào tạo ra được những giải
    phẫu gia tương lai để kế thừa hay không ? Nếu những giáo sư tài giỏi về giải phẫu
    già đi hay về hưu thì ai sẽ thay thế họ ? Có thề vì sinh kế mà đôi khi thầy không có
    thì giờ hay hứng thú,kể cả thiện chí mà truyền nghề cho đàn em chăng ?
    Cũng rất đúng ý kiến trên của NTC.là y tế VN.không có gì đáng tự hào vì muốn tốt
    hơn nữa thì phải bao gồm những phương diện khác,chứ không chỉ một !

  4. Tôi đã từng được nghe vài bác sỹ XHCN kháo nhau Lương Y như Từ Mẫu phải hiểu là Lương Y thì Bỏ Mẹ cách đây đã hơn hai mươi năm rồi lúc còn nói đến lý tưởng CS là châm ngôn sống, đến giờ thời không biết hưu chạy đường nào nữa rồi.

  5. Cái nhìn của tác giả chỉ là 1 góc nhỏ của người chuyên mổ. Có thể 1% bác sĩ VN là mổ đạt chuẩn, 99% thì khó đạt chuẩn quốc tế của Âu Mỹ. Ở Âu Mỹ không có tình trạng lệch đó. Y tế không chỉ có mổ, mà còn chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học, và phòng bệnh. Hệ thống y tế VN thất bại cả 5 phương diện. Đã có bao nhiêu bệnh nhân chết dưới tay bác sĩ VN? Nếu điều tra được thì chắc nhiều lắm.

    Tôi nghĩ nền y tế VN dưới trung bình thế giới. Tuyệt đại đa số các trường y của VN còn rất lôm côm, đào tạo thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng phải thợ. Hệ thống đào tạo chuyên khoa sơ sài vì thiếu thầy giỏi. Bác sĩ ra trường đa số chỉ là thợ mổ, thợ ra toa, chứ chưa phải là bác sĩ đúng nghĩa. Nhiều bác sĩ chỉ biết mổ như mổ gà, lợn, thiếu quan tâm đến y đức và an toàn hậu phẫu. Họ có thể mổ xong và lên báo tuyên bố là ca mổ thành công, nhưng 2 ngày sau bệnh nhân chết thì chẳng có báo nào đăng. Đó là sự thật. Họ cao ngạo mà không chịu học hỏi thêm. Đó là sự thật. Họ chỉ ứng dụng sáng kiến của nước ngoài, chứ hiếm khi nào nghĩ ra kỹ thuật mới. Đó là sự thật. Đa số bác sĩ chỉ là người bán thuốc cho công ty được. Giáo sư thì trình độ quá kém so với các nước trong vùng. Nền y tế VN không có gì để tự hào.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây