Trường hợp bệnh nhân người Anh BN91, một bài học nhớ đời

Lê Nguyễn

12-7-2020

Sau khi ngành y tế và truyền thông Việt Nam tỏ ra hả hê về việc đã chữa khỏi căn bệnh Covid-19 cho viên phi công người Anh Stephen Cameron từng thập tử nhất sinh, thì nhiều biểu hiện dồn dập đã khiến dư luận… ngỡ ngàng. Cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước là VOV2.VOV.VN đăng tin với một hàng tít không bình thường “Bệnh nhân người Anh rối loạn tâm lý hay một kiểu “chảnh”?

Trang tin của VOV ghi “Trong quá trình điều trị, bệnh nhân người Anh nhiều khi thiếu hợp tác với các bác sĩ. Anh cũng không muốn xuất hiện tại lễ xuất viện, nơi các bệnh nhân thường chính thức nói lời cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống họ. Có thể anh chỉ nhận hoa chúc mừng của bệnh viện rồi ra thẳng sân bay để về nước”.

Nay thì không chỉ “có thể” nữa, anh ta đã lặng lẽ trở về nước thật rồi!

Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Thì đây, báo nhà nước cũng tường thuật rõ ràng: “Ngoài VOV, nhiều cơ quan truyền thông khác đã đề nghị phỏng vấn Stephen Cameron, bằng hình thức trực tiếp hoặc email hay hình thức nào đó phù hợp, nhưng thông qua bệnh viện, anh cho biết không đồng ý chia sẻ bất cứ điều gì với báo chí Việt Nam …”,

và đây nữa:

“Không chỉ từ chối sự quan tâm của xã hội và các cơ quan báo chí Việt Nam, BN91 cũng thiếu hợp tác với ngay cả chính Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi anh đang được điều trị. Bệnh viện cho biết, để cập nhật tình hình bệnh nhân này với công chúng, bệnh viện đã chụp và cung cấp một bức hình (có che mặt) bệnh nhân cùng thông tin về quá trình điều trị cho báo chí, nhưng BN91 đã bày tỏ sự không hài lòng về điều này. Thậm chí sau khi biết ekip bác sĩ có trao đổi với các phóng viên về tình hình điều trị Stephen Cameron đã phản ứng bằng cách nhịn ăn và không phối hợp luyện tập”.

Và đây nữa:

“đến sát ngày được trở về Anh, bệnh nhân 91 đã từ chối cả việc xuất hiện trong lễ xuất viện (dự kiến diễn ra ngày 11/7) để chính thức nói lời cảm ơn, hành động mà các bệnh nhân khác thường làm khi được công bố ra viện …. có ý kiến cho rằng, anh đang sử dụng quyền riêng tư đối với các thông tin cá nhân của mình, anh có quyền cung cấp hay bán câu chuyện rất đặc biệt của mình cho cơ quan truyền thông nào đó theo cách anh muốn, hoặc giữ cho riêng mình, và điều đó là bình thường từ góc nhìn của người Anh..” (hết trích)

Xem tới đây, các bạn nghĩ sao? Có ngạc nhiên về thái độ cư xử của bệnh nhân người Anh và cho đó là thái độ vô ơn không? Trong trường hợp này, ai cũng có quyền suy diễn theo nhận thức, cảm nghĩ của riêng mình.

Về phần cá nhân mình, tôi không ngạc nhiên về hành động của Cameron và cũng không nghĩ rằng anh ta cố ý thể hiện thái độ hoàn toàn vô ơn đối với những người đã cứu sống mình.

Những gì diễn ra trong thời gian qua cho người cả nước nhìn thấy cả một chiến dịch truyền thông nhằm mượn hình ảnh chữa trị bệnh nhân BN91 để khoe khoang thành tích của chính quyền và ngành y tế Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Muốn quảng bá thành tích thì phải thường xuyên tiếp cận với đối tượng và những toan tính này đã nhanh chóng khiến cho đối tượng có cảm giác mình là một loại “con tin”, một phương tiện truyền thông để người khác lợi dụng.

Quá trình điều trị một bệnh nhân là một quá trình cần được giữ kín, về mặt y học, cũng như về quyền được tôn trọng bí mật cá nhân của người bệnh. Bệnh viện chữa trị cho anh bằng cách “chụp và cung cấp một bức hình (có che mặt) bệnh nhân cùng thông tin về quá trình điều trị cho báo chí” thì việc bệnh nhân đã phản ứng lại là điều không có gì quá đáng.

Điều đó cho thấy bất cứ hành động tốt đẹp nào cũng có thể mang đến những tác dụng ngược lại. Đó là chưa kể sự chữa trị đầy quyết tâm của chính quyền và ngành y tế VN dành cho một cá nhân người nước ngoài đã làm chạnh lòng hàng triệu bệnh nhân người Việt đang sống dở chết dở trong những phòng bệnh chật ních con người, những thân nhân của họ có khi phải dùng cả gầm giường để làm chỗ ngủ qua đêm. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn công nhân VN bị mất việc, sống đói khát, cù bơ cù bất ở nước ngoài, chưa biết đến bao giờ được trở về quê hương, mà vẫn chưa thấy chính phủ có một quyết sách nào rõ ràng.

Dù gì thì bệnh nhân số 91 cũng sắp –hay đã – gặp lại người thân ở quê nhà. Thái độ của anh có thể bị xem là vô ơn, song suy nghĩ xa hơn, đó là thái độ sòng phẳng, nếu như anh ta lập luận thế này về các cơ quan chức nặng đã cứu sống anh “các ông đã chữa trị cho tôi, và đã dùng hình ảnh của tôi để quảng bá cho các ông nhiều rồi, thế là huề nhé! Từ nay hình ảnh của tôi là của tôi, tôi độc quyền sử dụng nó, chứ không phải ai khác!”.

Đó là bài học về truyền thông cho những ai thích khoe mình một cách quá đáng, bằng cách sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của người khác, dù với một chiêu bài, một mục tiêu cao đẹp nào. Bài học này không hề nhỏ, đối với những ai mang bệnh thành tích trầm kha!

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Hẳn người ta muốn một chút ân cứu mạng, phải cả đời trả không hết, như kiểu mà Nho học ngày xưa tôn xùng . Anh ta phải chăng, góp mặt trong buổi lễ cám ơn, cám ơn Chính Phủ và nhân dân Việt không biết sao cho hết, và rằng rất xúc động muốn được làm người Việt, lại vắt óc nghĩ ra một lô một lốc ” những câu chuyện cảm động” khi ông ta đang ngất trong ống thở, về tình cảm các bác sĩ dành cho ông ta, để báo chí trong nước chia ra mỗi báo một chuyện mà đăng , về nước ông ta sẽ phải tích cực tuyên truyền cổ vũ Việt Nam tốt thế này tốt thế nọ, chống dịch còn hơn cả các nước tiên tiến nhất thế giới ra sao, rằng Đảng và Chính phủ Việt là nhân ái và tốt đẹp như thiên thần mà Chúa của ông ta cử xuống trần ?? Tóm lại, sau khi khỏi, ông ta sẽ phải bán mình cho chính quyền Việt để mà trả cho hết cái nợ đã cứu mạng ông ta , có phải vì nhăm nhe kiểu thế không khi toàn thể nhà đài bật bết công suất chăm chú vào ông ta ? Và có mỗi một bệnh nhân mà phải toàn thể ngành y tế vào cuộc, các chuyên gia giỏi nhất đều đến, anh ta là ai mà quan trọng dữ vậy, hay chỉ là kiểu thông tin thổi phồng quá trớn ?
    Có lẽ ĐSQ Anh đã nhận ra điều đó, nên tư vấn trước cho ” người của mình” cách thức hành xử để tránh phiền phức chăng ?
    Thật là nhàm chán nếu ai đó còn ca ngợi sự yếu ớt của dịch Corona ở Việt Nam là do công tác chống dịch tốt, nhiều người theo dõi kĩ trong Tết có thể thấy Nhà nước còn bận ăn mấy ngày Tết đầu, phản ứng rất chậm lụt với dịch khi nó lan từ Vũ Hán ra các nơi . Ngay khi mà cả Triều Tiên và Nga , Mông Cổ bắt đầu cấm cửa biên giới, VN vẫn hành xử bình thường như chẳng có gì phải lo. Video từ các nơi tập trung cách li sẽ làm nhiều người toát mồ hôi khi thấy người ta tụ tập tranh thủ vui chơi, đi lại tự do trong trại, nói cười vui vẻ với nhau có khẩu trang hay không không ai dám chắc, thế mà không thấy nói ai bị lây lan trong đó. Thật là may mắn hoặc là ông trời thương ta chăng ?

  2. Chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân người Anh đã được bảo hiểm của ông ta chuyển trả cho bệnh viện Chợ Rẫy. Vấn đề ở đây không phải là chữa bệnh miễn phí. Y đức của BS là đức nghiệp cần phải có khi bước vào nghề này. Vì vậy không nên kể công. Lợi dụng bệnh nhân để khoe khoang thành tích thì thật là lố bịch…

  3. Anh ta đã bị bệnh viện trước làm cho suýt chết. Tới Chợ Rẩy, người ta chỉ đơn giản giảm can thiệp và cứu anh ta. Việc đưa hình ảnh và hồ sơ bệnh lý lên báo chí là vi phạm y đức nghiêm trọng. Anh ta không kiện bọn bộ y tế và phóng viên là may rồi. Bọn này phải xin lỗi anh ta, chứ sao có chuyện ơn nghĩa gì ở đây. Bọn khỉ trường sơn quen sống trong thế giới man rợ, rừng rú nên không biết đạo lý gì hết.

  4. Nếu bệnh nhân “vô ơn” thì người viết bà này cũng thuộc loại “vô thức”. Đội ngũ BS và nhân viên y tế cùng người dân Việt Nam không chỉ điều trị cho bệnh nhân người Anh mà còn hàng trăm người khác trong đó có nhiều người nước ngoài. Đến nay cả người Việt và người nước ngoài chưa có ai chểt vì Covid-19 ở Việt Nam. Đó là sự thật. Ai ra viện cũng hết lòng cảm ơn các BS, nhân viên y tế và Chính Phủ Việt Nam. Tôi không hiểu bệnh nhân người Anh có phải “vô ơn” như người viết bài này mô tả hay không. Nhưng một sự thật là Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho anh ta, trong khi ở nước Anh có hơn 40 .000 người chểt vì covid. Điều này Việt Nam cũng đáng tự hào lắm chứ.

  5. Thì ra, chữa bệnh để khoe công và để tuyên truyền.
    Cần phân biệt: Các thầy thuốc tận tâm
    Tuyên giáo muốn tuyên truyền

Leave a Reply to Đan Hà Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây