Nhà nước ta không Tam Quyền Phân Lập (Phần 5)

Nghiêm Huấn Từ

12-7-2020

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4

X. Quốc hội: Cơ quan đại diện cho Ông Chủ

1. Giám sát, hạch hỏi đầy tớ

Các ông chủ trong độ tuổi (khoảng 50 triệu người) phải lao động cật lực để có đủ tiền chi dùng mọi nhu cầu bản thân, nhu cầu gia đình (người già, trẻ nhỏ) và nuôi đầy tớ – như trên đã ví. Và còn phải dành dụm để phát triển cơ nghiệp.

Nếu đầy tớ thạo việc, chăm chỉ và tận tâm, sẽ được ông chủ trọng thị, tin cẩn và ưu đãi. Nếu ngược lại (lười, dốt) phải mắng mỏ. Nếu tới mức xà xẻo (tham nhũng): phải đuổi cổ. Nếu phản chủ: phải trừng trị. Tóm lại, nhất thiết ông chủ phải giám sát và đánh giá đầy tớ.

Chuyện chất vấn (đầy tớ) ở QH lẽ ra phải làm đúng thực chất, có đề bạt và có xử lý. Phải loại bỏ được những vị đầy tớ vi phạm nặng nề quyền dân. Vâng, phải thế này, phải thế kia, phải thế khác… Nhưng QH ta hẩu lốn 3 quyền, do vậy nếu một vị đầy tớ (ví dụ, vụ trưởng) lọt vào quốc hội liệu có dám chất vấn bộ trưởng của mình hay không?

2- Đại diện dân, nhưng…

Không thể có chuyện cả 50 triệu ông chủ cùng giám sát đầy tớ (lấy ai lao động kiếm sống?). Do vậy, các ông chủ chọn (từ nội bộ mình) ra 500 ông, đáng tin cẩn nhất để làm việc này. Đó là cuộc bầu Quốc hội. Đây là điều rất lo các đấng đầy tớ tìm ra kẽ hở để lọt vào danh sách ứng cử. Nhưng lo nhất là họ được phép (ngang nhiên) ứng cử. Nếu vậy, QH sẽ nhan nhản đầy tớ, tránh sao được chuyện lũng đoạn?

Các Luật do thứ QH này soạn ra sẽ bất chấp quyền ông chủ, mà phục vụ quyền đầy tớ. Mức lộng quyền lớn nhất hiện nay, là đám Đầy Tớ (tự xưng Nhà nước, tự xưng toàn dân) nhằm tự cho mình cái quyền sở hữu toàn bộ đất đai, chỉ ban cho ông chủ “quyền sử dụng”.

Xin tìm đọc câu nguyên văn trong Hiến Pháp: “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Do vậy, phải có tiêu chuẩn cho đại biểu quốc hội. Tiêu chuẩn này lẽ ra phải được dạy trước khi các cháu học sinh trở thành công dân (đủ tuổi đi bầu). Nhưng ở nước ta thì chưa hề, kể từ khi “đời ta có đảng”.

3- Phải có tiêu chuẩn cứng cho đại biểu Quốc hội

Giám sát đầy tớ cũng vẫn là lao động, nhưng đây là thứ rất chuyên nghiệp; do vậy, cần tuyển đúng người (chớ để đầy tớ lọt vào QH) và đúng năng lực (chuyên nghiệp). Nói khác, đại biểu QH phải là nhà hoạt động chính trị, không thể nghiệp dư.

Như vậy, tiêu chuẩn để được vinh dự làm đại diện ông chủ (tức là đại biểu QH) đương nhiên phải là:

a) Khả năng làm Luật, và đánh giá Luật (câu hỏi số 1: Luật này có vì quyền lợi Ông Chủ hay không; và có điều khoản nào mơ hồ hoặc xâm phạm quyền dân hay không). Hiểu thì dễ, nhưng không dễ chọn người phù hợp.

b) Khả năng giám sát đầy tớ, tức là nhận ra sớm nhất các hành vi của đầy tớ xâm phạm lợi ích của chủ. Để chất vấn kịp thời (không để hành vi kéo dài), và để… mắng mỏ. Nếu vi phạm nặng nề, hoặc nhiều lần: Đuổi cổ thẳng cánh.

4- Vài ví dụ chọn sai đại biểu Quốc hội

Đã có 14 khóa Quốc hội. Nếu tìm hiểu kỹ, có thể phát hiện cả… ngàn trường hợp đã chọn sai. Nguyên nhân: Đã không tam quyền phân lập thì Quốc hội chỉ là danh nghĩa. Lúc nhúc những công chức (hành pháp, tư pháp) kiêm luôn đại biểu Quốc hội: Đó đều là chọn sai. Do vậy, ở đây chỉ xin nêu vài ví dụ gần đây nhất, ai cũng thấy hoặc tra cứu được.

a) Trường hợp bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (vị công bộc cao cấp của dân): Ông này có hai tội:

– Tội trà trộn. Được đưa vào danh sách ứng cử QH, lẽ ra “vị đầy tớ loại gộc” này phải xin rút; nhưng muối mặt, không chịu rút – vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập.

– Tội bênh vực sự chậm chễ ra đời Luật Biểu Tình; đã vậy, còn trơ trẽn nói rằng “cứ thay Luật Biểu Tình bằng cái Nghị Định “cấm tụ tập đông người” (thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành).

b) Trường hợp ông TS Luật Đỗ Văn Đương: Xuất xứ Tư Pháp, lọt vào Quốc hội (Lập Pháp). Quả nhiên, ông này nằng nặc phủ định Quyền im lặng khi bàn về Luật hình sự mới.

Chỉ xin nói thêm, khi “Nhà nước ta không tam quyền phân lập” thì trong Quốc hội ta nhan nhản đầy tớ (chiếm 70% số ghế) là tất nhiên. Đáng trách là những cá nhân này thiếu liêm sỉ, lẽ ra phải tự thấy ngượng vì ngồi tiếm chỗ.

XI. Cách thức bầu Quốc hội chúng ta từng trải nghiệm

Nói chung, giống như bầu ở các nước phe XHCN (ba quyền không tách). Trên lý thuyết và danh nghĩa, Quốc hội ở các nước XHCN cũng quyền lực tối cao (như ai), cũng làm Luật và cũng đại diện dân (như ai). Nhưng Luật Bầu Cử, cách thức bầu Quốc hội và kết quả bầu khiến QH hết là đại diện dân, thậm chí… chống dân.

1- Tuổi trải nghiệm

Quốc hội khóa I bầu năm 1946 soạn ngay được bản Hiến Pháp (cũng năm 1946) với Lời Nói Đầu ngắn nhất, nhưng có nhưng câu giá trị nhất, ví dụ: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo… nghĩa là hoàn toàn không theo hình mẫu của Hiến Pháp Xô-viết.

Chiến tranh xảy ra ngay sau đó (cũng năm 1946) khiến Hiến Pháp 1946 chưa được thi hành. Nhưng Quốc hội khóa II bầu năm 1960 đã đặc sệt đường lối giai cấp và chứa hổ lốn cả 3 quyền. Nó thể hiện ngay trong Danh sách trúng cử: Công nhân: 50, Nông dân: 47, Cán bộ chính trị: 129, Quân đội: 20, Ðảng viên: 298, Ngoài Ðảng: 64…

Do vậy, những người sinh từ sau năm 1946 tới nay (đang chiếm trên 90% dân số đều đã trải nghiệm ít nhất một lần cách thức bầu Quốc hội dưới chế độ KHÔNG tam quyền phân lập. Vì vừa sinh ra đã thấy như vậy, nên tuyệt đa số dân ta đã quá quen thuộc cách bầu cử XHCN, và quan niệm rằng “trời sinh ra đã như vậy”. Và chấp nhận.

Dưới đây xin nêu những chuyện mọi người đã trải nghiệm, để thấy sự trái khoáy, mà “lẽ ra phải khác”.

1- Lẽ ra phải chọn được những người “sống chết vì quyền dân”

a- Bầu QH bao giờ cũng là cuộc bầu cử lớn nhất, vì toàn bộ cử tri cả nước tham gia. Nói riêng ở Việt Nam, khoảng 70 triệu cử tri có tên trong danh sách trong cuộc bầu QH khóa XIV (2016). Tốn kém cũng lớn nhất, nhưng nếu đạt được các mục tiêu thì lợi ích mọi mặt mang lại cho đất nước là khổng lồ, rất bõ công sức và tiền bạc.

Tổng quát, mục tiêu của bất cứ cuộc bầu nào đều là chọn ra được những người phù hợp cho nhiệm vụ sắp tới. Ở đây, điều đang bàn là phải chọn được những đại biểu QH đúng nghĩa, xứng đáng.

b- Lẽ ra, đây phải là cuộc bầu quan trọng nhất, nghiêm chỉnh nhất, vì đây là cuộc tuyển chọn những người đủ năng lực soạn ra hiến pháp – văn bản quyết định đất nước theo chế độ nào, từ đó quyền của dân sẽ là “thật” hay “giả”.

Tiếp nữa, QH quyết định con đường phát triển lâu dài của một quốc gia bằng cách ban hành các bộ luật để Hiến Pháp được cụ thể hóa, được đi vào cuộc sống. QH thay mặt ông chủ chất vấn cơ quan hành pháp và tư pháp (được ví như đầy tớ) để các luật được thực thi nghiêm chỉnh. Đủ thấy, việc chọn được những đại biểu phù hợp với nhiệm vụ thật là quan trọng.

Trên thực tế (ai cũng trải nghiệm) rất phổ biến chuyện bầu thay, không quan tâm ai ứng cử, ai được chọn…

Nói khác, chính các ông chủ coi việc bầu ra đại diện của chính mình… chẳng qua chỉ là chuyện tào lao, vô bổ. Mà quả là nó tào lao, vô bổ thật.

Do đó, lẽ ra, ngay từ khi đang đi học ở bậc phổ thông, các cử tri tương lai đã phải được dạy (trong môn Giáo Dục Công Dân) về chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội và tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Khi đủ tuổi đi bầu, họ đủ khả năng đánh giá ai đủ tiêu chuẩn, ai không đủ. Ít nhất, họ đủ hiểu để phản đối hiện tượng đầy tớ lọt vào danh sách ứng cử.

2- Bầu Quốc hội lẽ ra phải là một cuộc sát hạch

Cách làm này để bảo đảm cuộc bầu thêm nghiêm chỉnh, tức là cử tri hiểu rõ mình có quyền rất lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề.

a- Nói khác, lẽ ra cử tri phải là giám khảo; ứng viên đúng là thí sinh

Đã là cuộc thi, giám khảo phải đủ trình độ chấm thi và biết rõ: nếu được tuyển chọn, các ứng viên sẽ làm nhiệm vụ gì trong tương lai. Ví dụ, thi để tuyển nhân viên y tế hoặc chọn diễn viên; giám khảo phải là chuyên gia đúng chuyên ngành và giỏi hơn thí sinh “một cái đầu”. Giám khảo phải đưa ra nhưng câu hỏi để chọn được đúng người cần chọn.

b- Thông thường, trong các cuộc thi, số giám khảo ít hơn số thí sinh. Ví dụ, cuộc thi lên lớp hoặc thi tốt nghiệp bậc học phổ thông. Tuy nhiên, để cấp bằng tiến sĩ, cần thành lập cả một hội đồng giám khảo mà chỉ để chấm thi cho một ứng viên. Vậy thì, trong bầu cử QH, tới hàng chục-ngàn người chấm cho mỗi ứng viên.

Điều này nói lên tầm vóc và ý nghĩa của bầu QH; bởi vì, bầu được một đại biểu QH xứng đáng, đúng chuẩn, phải được coi là quan trọng hơn đào tạo một tiến sĩ. Với QH khóa XIV ở VN, 69 triệu giám khảo tập hợp trong một ngày để tuyển chọn 496 người trong số 870 thí sinh. Vấn đề là đã chọn được bao nhiều người xứng đáng…

c- Bầu QH: Trình độ giám khảo không cần cao như thí sinh

– Thì cũng giống chọn giải vô địch cử tạ, người chấm thi không cần cơ bắp cuồn cuộn. Hoặc, người chấm thi hoa hậu không cần đẹp hơn hoa hậu. Chỉ cần mỗi người trong ban giám khảo nắm chắc tiêu chuẩn lựa chọn “thế nào là đẹp”. Ngoài ra, còn phải tham khảo nhận định của số đông: ví dụ, phiếu thăm dò ý kiến của đông đảo khán giả đang có mặt trong cuộc thi hoa hậu.

– Bầu QH cũng vậy. Trước khi bầu, các giám khảo (cử tri) đã được dạy (từ khi còn là học sinh) các tiêu chuẩn mà một đại biểu quốc hội phải đạt. Sau khi bầu, cử tri còn tiếp tục theo dõi sự hoạt động của đại biểu trong suốt một nhiệm kỳ 5 năm để thấy ai xứng đáng tái cử. Ngoài ra, bầu cử QH còn có yếu tố “đánh giá của số đông”. Chỉ cần số đông này (số cử tri) đều hiểu tiêu chuẩn để trúng cử và họ được tự do trao đổi trước khi tự mình quyết định bầu cho ai. Tuy nhiên, đây là chuyện “lẽ ra phải thế”.

d- Một học sinh phổ thông nếu được dạy, sẽ thừa sức biết đại biểu quốc hội phải có tiêu chuẩn gì. Khi thành cử tri, họ biết tham khảo tiểu sử và đọc bản Chương trình hành động của ứng cử viên. Quan trọng nhất là họ biết phải hỏi ứng cử viên những gì trước khi quyết định bầu cho ai.

Một cử tri (kiêm dân oan) có thể hỏi ứng cử viên: Nếu trúng cử, quý vị có đấu tranh đòi sửa Luật Đất đai hay không? Lẽ ra phải thế, nhưng thực tế là cử tri (ông chủ) không biết làm như thế, hoặc không dám làm như thế. Do gì? Liệu có phải do thắng lợi của chính sách ngu dân và đàn áp?

3- Lẽ ra phải là cuộc sát hạch quan trọng nhất

Sẽ là cuộc sát hạch bôi bác – thậm chí gian dối, lừa đảo – nếu giám khảo và thí sinh không đủ trình độ, không hiểu tiêu chuẩn. Lẽ ra, cử tri phải hiểu rằng kết quả sát hạch sẽ quyết định: Họ thật sự là ông chủ, hay chỉ trên danh nghĩa.

Thực tế, ngày càng nhiều “ông chủ” thấy rằng đi bầu QH chỉ tốn thời gian, công sức. Thế là, bầu hộ, bầu thay, một người bỏ phiếu cho cả nhà… Hiện nay, cái câu “đứa nào trúng cử thì… cũng thế” đang là nhận định chung. Trách gì, bầu QH ngày càng bôi bác. Xin không dài dòng, vì toàn dân đã trải nghiệm.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trời Đất ơi! Hóa ra Không tam quyền phân lập nó sinh ra lắm hậu quả đến như vậy ư??? Đã thế kỷ 21, mà vẫn không 3 quyền tách biệt thì rất đáng gọi là phản động.
    Vậy mà, nay đã tới Bài 5 rồi mà tòa soạn TD vẫn chú thích ở cuối bài hai chữ “còn nữa”
    Hai cái ngạc nhiên:
    1) Dân ta sao có thể chấp nhận nó, như trời sinh ra thế!
    2) ĐCS (nguyễn phú chọng) cứ sưng sưng nói giữa ban ngày: Nhà Nước ta KHÔNG tam quyền phân lập.

Leave a Reply to Dân Thường Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây