Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 2: Bài học Đài Loan

Nguyễn Thọ

11-7-2020

Tiếp theo Phần 1One China

Những doanh nhân Đài Loan như Jami coi việc CHND Trung Hoa lớn mạnh là một thách thức sống còn, nhưng là điều không tránh khỏi. Từ khi bị Mỹ bán đứng năm 1971, người Đài Loan hiểu hơn ai hết rằng: Chẳng ai phân bạn thù theo hệ tư tưởng, mà chỉ theo quyền lợi quốc gia.

Mỹ bỏ rơi VNCH vì 58.000 binh sỹ bị chết và hàng trăm ngàn người bị thương, vì tốn kém hơn 400 tỷ USD (giá 1975) và đối diện với làn sóng phản đối của nhân dân Mỹ. Nhưng Mỹ bán đứng Đài Loan trong lúc Tưởng Giới Thạch đang là một tiền đồn chống cộng vững vàng, một đồng minh tin cậy nhất của họ trong mọi linh vực, kể cả tại Hội Đồng Bảo An LHQ. Lúc đó Anh, Pháp, Cộng hòa Trung Hoa (Republic China) và Liên Xô là các ủy viên thường trực cùng với Mỹ. Liên Xô là kẻ thù, Pháp là kẻ hay phá thối, Anh thì cứng đầu, độc lập, chỉ có Đài Loan là thằng em ruột dễ thương.

Phải chăng: “Đảng Cộng Hòa mới chống cộng, còn đảng Dân Chủ chỉ thân cộng”? Cả hai vụ bỏ các tiền đồn chống cộng ở Nam Việt Nam và Đài Loan đều xảy ra dưới thời các tổng thống Cộng Hòa là Nixon và Ford. Bất cứ chính thể nào ở Mỹ cũng hành động vì lợi ích của nước họ, chỉ khác nhau ở cách nhìn và cách làm. Cũng vì hiểu được điều đó mà sau khi bị Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1979, Đài Loan vẫn phải giữ quan hệ quốc phòng và kinh tế mật thiết với Mỹ.

Sau khi Mỹ đá Đài Loan, ôm Trung Quốc, các nước phương tây lần lượt chuyển Đại sứ quán thành “Văn phòng đại diện kinh tế văn hóa”. Họ vẫn giữ quan hệ làm ăn với đảo quốc, vì vẫn coi trọng năng lực sản xuất, nhất là kỹ nghệ điện tử, tin học của xứ này. Nhưng họ chọn Trung Quốc đang đói nghèo làm đối tác làm ăn lớn vì nhắm vào tiềm năng sản xuất và sức mua khổng lồ ở đó. Họ bất chấp các vi phạm về nhân quyền, về sở hữu trí tuệ về môi trường để ký các hợp đồng béo bở. Đa số người dân bầu cho họ hay không, chủ yếu là bởi các thành công kinh tế mà điều rõ nét nhất là túi tiền của từng gia đình, chứ không vì danh sách tù chính trị họ mang theo trong mỗi chuyến đi thăm.

Jami cho rằng, về lâu về dài, Đài Loan khó có thể độc quyền đại diện cho cái tên China, vì Hoa Lục với hơn một tỷ dân quá khủng so với chàng tý hon. Năm 1964 Trung Quốc đã chế ra bom nguyên tử và năm 1967, đã làm được bom hạt nhân. Nội lực của Trung Quốc là khổng lồ. Đến lúc nào đó, họ sẽ thay thế Đài Loan ở nhiều vị trí. Đó là quy luật phát triển.

Okay! Thích quan hệ với Trung Quốc thì cứ quan hệ, nhưng vội vàng đưa ra chính sách One China, triệt tiêu mọi vị trí của Đài Loan trên bàn cờ chính trị quốc tế là điều tệ hại chưa từng có. Món quà đó lại được tặng cho Bắc Kinh vào những năm 1970, lúc mà Hoa Lục đang khánh kiệt, chẳng có gì đáng đem ra mặc cả, là điều không thể chấp nhận.

Tại sao không thể có “Two Chinas”, như đã công nhận hai nước Đức, hai nước Triều Tiên? Sự hiện diện của một nước Trung Hoa dân chủ bên cạnh nước Trung Hoa độc tài sẽ là một vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại bảo vệ hòa bình, chưa kể gì đến chuyện ai chống ai.

Về bản chất, mọi thay đổi lịch sử đều quyết định bằng yếu tố nội lực. Nhiều người cho rằng vì Mỹ bỏ Đài Loan chơi với Bắc Kinh để đánh sập Liên Xô. Nhưng Liên Xô không sụp đổ vì liên minh Mỹ-Trung, mà vì xã hội Xô Viết đã đến lục mục ruỗng. Chính lãnh đạo Liên Xô đã nhìn ra điều đó. Chính mọi cố gắng tuyệt vọng tìm lối thoát đã dẫn đến sụp đổ.

Vì tin vào nội lực của dân tộc Trung Hoa nên dân Đài Loan hiểu rằng, mình đã xây dựng thành công CNTB, tại sao Trung Quốc với tiềm lực về người, về lãnh thổ gấp hàng chục lần lại không làm được? Trong bài viết năm ngoái về đề tài này, tôi có giả định là nếu không có đảng Cộng sản TQ lãnh đạo, thì nước Trung Hoa dưới sự cai trị của Quốc dân đảng (KMT) cũng đã thành một đế quốc đáng gờm từ lâu.

Các bãi chống tank được xây dựng từ 1958 trên đảo Quế Môn, cách bờ biển Trung Quốc chỉ 2km. Ảnh: internet

Do hiểu được sức mạnh của nội lực, kể cả của địch và của ta, Đài Loan đã có một đối sách đúng đắn để giữ được nền độc lập.

Về quân sự, Đài Loan đã xây dựng một quân đội thường trực 220.000 người rất thiện chiến (Chỉ mỗi tội không biết làm kinh tế). Một lực lượng quân dự bị lớn và chế độ nghĩa vụ quân sự chưa từng có cho phép khi có biến sẽ huy động được 2,6 triệu lính. Quân đội này đã đánh bại cuộc đổ bộ của Quân Giải phóng lên đảo Quế Môn năm 1950. Từ năm 1958 trở đi cả hai bên nã pháo vào nhau. Các đảo Bành Hồ, Mã Tỗ, Quế Môn, chỉ cách Trung quốc vài km, đã trở thành các pháo đài ngầm bất khả xâm phạm, luôn phản pháo kịp thời sang Phúc Kiến. Công nghiệp quốc phòng Đài Loan từ năm 1989 đã chế tạo được máy bay phản lực ném bom mang tên F-CK-1 Kinh Quốc [1].

Có thể nói, tuy ở sát nhau, lớn hơn 60 lần, nhưng trong tương lai gần, Trung Quốc chưa dám dùng vũ lực để thôn tính Đài Loan.

Về kinh tế, Đài Loan công nghiệp hóa trước khoảng 20 năm nên bước qua thời kỳ sản xuất gia công, đã đi vào chiều sâu. Họ tận dụng giá rẻ về nhân công, môi trường, nguyên liệu ở Hoa-Lục để phát triển. Nếu không có thị trường Hoa-Lục, Đài Loan sẽ rất gay go. Do vậy “Cân bằng giữa cứng rắn và mềm dẻo” để giữ quan hệ là chìa khóa trong chính sách Trung-Trung của Đài Bắc. Trong khi KMT chủ trương “Mềm dẻo” nhiều hơn thì các đảng trong “Liên minh xanh” với DPP tỏ ra cứng rắn hơn. Tuy vậy ông Tần Thủy Biển, cựu lãnh đạo DPP đã đưa ra chính sách “Năm không” rất lửng lơ để xoa dịu Trung Quốc:

– Không tuyên bố độc lập;

– Không thay đổi tên nước;

– Không đưa vào hiến pháp điều khoản nào coi quan hệ với Trung Quốc là quan hệ giữa hai nhà nước;

– Không trưng cầu dân ý về việc đòi độc lập hay thống nhất;

– Không thay đổi quan niệm về thống nhất (Chỉ chấp nhận thương lượng về thống nhất trong điều kiện một nước CHND Trung Hoa có dân chủ).

Chính sách này được chính phủ Mã Anh Cửu của KMT tiếp tục. Việc hai chính đảng lớn đối lập nhưng đồng thuận và kế thừa chính sách của nhau cho thấy Đài Loan đã đạt được một trình độ dân chủ rất cao.

Dân chủ hóa đất nước là vũ khí đặc biệt của Đài Loan trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ. Các loại vũ khí: kinh tế, quân sự, ngoại giao thì Trung Quốc cũng có. Nhưng dân chủ và quyền con người thì chắc chắn là không. Vì vậy từ cuối những năm 1980, chính KMT tự đưa dân chủ vào đảo quốc, bãi bỏ thiết quân luật, cho phép tự do báo chí, tự do lập đảng phái, bầu cử tự do v.v.

Dân chủ hóa đã biến Đài Loan thành một nước phát triển toàn diện, có một nền kinh tế trí thức, có xã hội dân sự mạnh, có phúc lợi xã hội cao. Chỉ số phát triển con người HDI 2019 của Đài Loan còn đứng trên nhiều nước Tây Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha [2]. Đài Loan là nước duy nhất chống được Covid-19 mà không đóng cửa xã hội, không chặn biên giới với Trung Quốc (Mỗi ngày có 80.000 người qua lại làm ăn). Tuy không đươc WHO cung cấp thông tin, nhưng Đài Loan lại hào hiệp cung cấp ngược thông tin cho WHO.

Nhờ dân chủ, trong vòng 30 năm, một thế hệ người dân và lãnh đạo có bản lĩnh đã ra đời. Thái độ vừa cương vừa nhu của chính phủ Thái Anh Văn khác hẳn với ứng xử của các nước nhỏ đang bị Trung Quốc chèn ép như Việt Nam, Philippin, Myanmar, Lào.

Một cái đê vững chắc chặn làn sóng bành trướng của Bắc Kinh rất đáng học tập.

Sẽ có ý kiến: Hong Kong cũng có HDI cao, cũng có dân chủ nhưng đâu có chặn được?

(Còn tiếp)

_____

Ghi chú:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/AIDC_F-CK-1_Ching-kuo

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/Index_der_menschlichen_Entwicklung

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây