Nghề kinh doanh tượng đài

Lê Thiếu Nhơn

7-7-2020

Mấy ngày nay dư luận lại rộ lên câu chuyện tượng đài. Một huyện thuộc diện nghèo kiết xác, thu nhập đầu người chỉ mấy trăm đô la một năm, lãnh đạo đã thống nhất một ý chí cùng “vén tay áo xô” “đốt” gần 50 tỷ đồng (trong đó tiền ngân sách chiếm 70 %) để làm một cái tượng đài, mà như mọi tượng đài khác ở đất nước này, chưa xong đã biết chắc chắn là nó xấu xí, kém chất lượng và tất nhiên phần lớn chúng vô nghĩa về mặt giáo dục hay văn hóa.

Vì sao có hiện tượng thi đua xây tượng đài? Lớn thì nghìn tỷ, bé cũng vài chục tỷ, như tượng đài của cái huyện nghèo kia? Có đủ lý do cho việc nơi nào đó cần thiết phải có tượng đài. Ví dụ một tỉnh nọ, khi thuyết trình về việc làm tượng đài cả ngàn tỉ, đã dùng những lời lẽ thống thiết (tất nhiên là dối trá), rằng nhân dân các dân tộc ở đó kháo khát được ghi nhớ công ơn của “Bác Hồ kính yêu”? Hoặc ở một nơi khác, để nhân dân và các thế hệ trẻ ghi nhớ truyền thống cách mạng. Hoặc…

Nói chung là toàn những lời có cánh. Để tăng trọng lượng và tính cấp bách của dự án, họ thường mời một số sử gia ăn tạp làm chân gỗ, tổ chức hội thảo tốn kém, lobby các quan chức cao cấp thông qua môi giới và sẵn sàng mua đứt một số cơ quan truyền thông để hỗ trợ về mặt dư luận. Yêu kính lãnh tụ, ghi nhớ truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn…là những cụm từ sẽ được dùng đến nhiều nhất.

Và một ngày nào đó, cái dự án tốn kém đó được Nhà nước (hoặc tỉnh hoặc huyện phê duyệt), câu chuyện chính mới thật sự bắt đầu. Và nội dung của nó chỉ gói gọn trong hai chữ thần thánh: Phần trăm! Tối thiểu là 10 phần trăm. Tối đa thì không thể biết. Yêu kính, ghi nhớ, tưởng nhớ, biết ơn cái con khỉ khô.

Tiền. Mục tiêu cao nhất, lý tưởng cao nhất, tình cảm thiêng liêng nhất là TIỀN. Đơn giản và dễ hiểu vậy thôi. Nhân dân chả hưởng gì từ những dự án đó, ngoài việc họ phải móc túi đóng thêm thuế. Lãnh tụ cũng chả vì thế mà thiêng hơn, nhất là khi nó biến mình thành một thứ bung xung để chia chác, thậm chí còn là cái cớ để hứng chửi từ đám dân cơm chẳng có mà ăn. Chỉ các vị quan chức công khai và bí mật là vớ bẫm! Hãy giả định, khi trong tay lãnh đạo tỉnh có cái dự án tiêu tiền ngân sách ngàn tỉ, (với huyện thì khiếm tốn ở mức hàng chục hàng trăm tỉ) ngoài việc có ngay và luôn cả xe tiền tươi để chia nhau, còn là một quyền lực to lớn trong việc ban phát bao trùm suốt cái nhiệm kì đó. Sẽ có không biết bao nhiêu kẻ vây vo để mong được dính máu ăn phần.

Liệu có nghề kinh doanh nào lãi hơn, thậm chí vẽ ra tiền, như nghề kinh doanh tượng đài? Cũng là kinh doanh, mà siêu lãi so với các nghề kinh doanh khốn nạn khác, thế thì tội gì không làm. Hài hước nhất là cái công trình hoàn toàn vì phần trăm nào đó, dù kệch cỡm, dù phản văn hóa, xuyên tạc lịch sử, còn có thể được khen thưởng, được gắn bảng công trình văn hóa, công trình lịch sử, công trình chào mừng nọ kia nữa cơ.

Đó mới là “động lực cách mạng” thật sự của lòng trung thành.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hãy thức dậy, đất đai!
    cho áo em tôi không còn vá vai
    cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…
    xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
    rồi thì đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

    Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
    châu báu vô biên dưới thềm lục địa
    rừng đại ngàn bạc vàng là thế
    phù sa muôn đời như sữa mẹ
    sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
    còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
    lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

    Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo
    quen cái thói hay nói về gian khổ
    dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm

    Làng tôi xưa toàn nhà tranh vách đất
    bãi tha ma không một cái mả xây
    mùa gặt hái rơm nhiều, thóc ít
    lũ trẻ chúng tôi vầy đất tối ngày

    Thuở tới trường cũng đầu trần chân đất
    chữ viết loằng ngoằng củ sắn ngọn khoai
    thầy giáo giảng rằng
    nước ta giàu lắm!…
    lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài

    Lúc này
    tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
    ta biết buồn để biết lạc quan
    và, để nhắn lại sau ta cho lớp lớp trẻ con
    (dù sau này dầu mỏ đã phun lên
    quặng bô-xít cao nguyên đã thành nồi thành soong
    thành tàu bay hay tàu vũ trụ…
    dù sau này có như thế… như thế… đi nữa
    thì chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại)
    rằng
    đừng quên đất nước mình nghèo!

    Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành
    để khôn lớn ta hát bài đánh thức
    có lẽ nào người lớn cứ ru nhau
    ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong bộ óc mang khối u tự mãn

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong con mắt lờ đờ thuỷ tinh thể

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm

    Tiềm lực còn ngủ yên
    trong lớp da biếng lười cảm giác

    Năng động lên nào
    từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan
    cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi trích thơ Nguyễn Duy

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây