Tự do báo chí – Bài học từ Trung Quốc (Phần 4)

Đỗ Hùng

5-7-2020

Tiếp theo Phần 1Phần 2: Minh báo của Kim Dung và cuộc tập kích của Lưu Tiến Đồ. Phần 3: Đấm vỡ mồm báo chí. Phần 4: Sức mạnh đồng tiền

Một ngày mùa thu năm 1990, một người đàn ông được mời đến gặp Đặng Tiểu Bình. Họ Đặng lúc bấy giờ đã rời khỏi tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền, nhưng quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông vẫn bao trùm mọi ngõ ngách.

Vị khách hôm ấy là ngoại kiều Hoa nhân Robert Kuok – aka tỉ phú Quách Hạc Niên. Sinh ra tại Malaysia nhưng họ Quách không hề quên gốc gác Phúc Kiến của mình.

QUÁCH HẠC NIÊN TÔN THỜ ĐẶNG TIỂU BÌNH

Sau khi thừa hưởng cơ nghiệp đường (sugar chứ không phải road) từ cha, Quách Hạc Niên đã không ngừng mở rộng đế chế gia đình, tạo nên một tập đoàn hùng mạnh có mặt trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, khách sạn đến sản xuất bao bì và tất nhiên vẫn duy trì ngành đường truyền thống.

Đặng Tiểu Bình và con gái Đặng Dong (邓榕) đón Quách Hạc Niên năm 1990. Ảnh: internet

Năm 1971, ông xây khách sạn Shangri-la đầu tiên tại Singapore và cũng trong thập niên này, ông chuyển tổng hành dinh sang Hong Kong.

Thời kỳ Trung Quốc mở cửa vào thập niên 1980, Quách chính là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập vào thị trường rộng lớn nhưng còn ngổn ngang này. Từ rất sớm, ông đã có nhiều nhà máy bao bì và các cơ sở kinh tế khác tại đại lục.

Chính những dòng vốn từ hải ngoại Hoa nhân như họ Quách đã góp phần rất lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau mở cửa.

Đặng Tiểu Bình vời Quách vào hôm đó chính là để biểu dương cũng như một lần nữa khẳng định vai trò của cộng đồng người Hoa hải ngoại trong công cuộc phát triển đất nước Trung Hoa.

“Khi chúng tôi vừa yên vị, ông dành những lời đầu tiên để cảm ơn và ca ngợi người Hoa ở nước ngoài về sự đóng góp của họ cho sự ra đời của đất nước Trung Hoa mới, về vai trò quan trọng của họ trong thời gian qua và sắp tới trong sự phát triển của nền kinh tế Trung Hoa”, Quách Hạc Niên viết lại trong hồi ký Robert Kuok: A Memoir.

“Sau ba mươi năm nữa, Trung Quốc sẽ là quốc gia quan trọng và mạnh nhất tại châu Á, châu lục mạnh nhất thế giới vào lúc đó”, Đặng Tiểu Bình nói với Quách.

“Tôi không sống tới ngày ấy đâu, nhưng tôi tin ngày ấy sẽ đến”.

Đặng nói chuyện với phong thái khoan thai, nụ cười cũng thập phần nhẹ nhàng, như thể đấy là cuộc hàn huyên giữa bằng hữu vong niên lâu ngày gặp mặt vậy.

Thế rồi tới một điểm trong cuộc nói chuyện, giọng của họ Đặng đột nhiên đanh lại. Đấy là lúc ông nói về Đài Loan.

“Tôi đã đề nghị với họ hào phóng hơn những gì tôi sẽ trao cho Hong Kong. Họ sẽ có tất cả những gì mà tôi trao cho Hong Kong, thêm vào đó họ có thể duy trì lực lượng vũ trang, nâng cấp vũ khí. Tất cả những gì tôi đòi hỏi là một quốc gia thống nhất trở lại; dưới một lá cờ, một bộ ngoại giao, một dân tộc. Không có con đường nào khác ở phía trước cho Trung Quốc!”, Đặng nói với Quách.

“Khi nói về Đài Loan, lầu đầu tiên tôi thấy ở con người này sự bất bình cực độ”, Quách kể lại trong cuốn hồi ký.

Lần gặp đầu tiên và duy nhất với họ Đặng đã để lại trong tâm tưởng tỉ phú Quách một dấu ấn không hề phai mờ.

“Khi thấy những gì Đặng Tiểu Bình làm, tôi thực sự tôn thờ ông ta. Tôi thường nói với bạn bè hải ngoại của tôi rằng, suốt 5.000 năm lịch sử Trung Quốc, thật hiếm khi có lãnh đạo quyết tâm lo cho dân cho nước như lúc Đặng lên nắm quyền”, Quách viết.

Bàng bạc trong cuộc gặp ta thấy tâm sự của Quách Hạc Niên khi gặp Đặng Tiểu Bình là nỗi lòng một kẻ tha hương tìm về nguồn cội, giữa một anh hùng dọc ngang trời đất chợt bắt gặp minh chủ của mình.

“Bạn có thể cảm nhận được con người này không bao giờ nghĩ về bản thân. Ông ấy dành tất cả cho người dân, cho nhân dân của mình”, mấy chục năm sau cuộc gặp, Quách nhớ lại.

Lòng ngưỡng mộ, mối thiện cảm, dòng máu Trung Hoa hòa quyện cùng lợi ích, Quách Hạc Niên đã tìm thấy tất cả lý do để phục vụ hết mình cho Bắc Kinh.

SOUTH CHINA MORNING POST ĐỔI MÀU

Rất nhanh sau cuộc gặp, ta sẽ thấy rõ Quách có vai trò như thế nào khi tập đoàn Kerry Group của ông mua lại 34,9% cổ phần tại báo South China Morning Post (SCMP) từ News Corporation của Rupert Murdoch vào năm 1993.

Trong khoảng thời gian này, Quách còn được mời vào Hương Cảng Sự Vụ Cố Vấn (香港事務顧問), là nhóm cố vấn do chính phủ Trung Quốc lập nên để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao Hong Kong 1997.

Ở đây, Quách dường như được giao hai trọng trách: thứ nhất là thao túng truyền thông, thứ hai là, với sự am hiểu về Hong Kong của ông ta, cố vấn cho Bắc Kinh những vấn đề liên quan đến kinh tế Hong Kong sau ngày chuyển giao.

Tại SCMP, sau khi tập đoàn của Quách nắm quyền chi phối, một loạt nhà báo tên tuổi vốn thường chỉ trích Trung Quốc đã bị sa thải trước ngày chuyển giao Hong Kong, trong đó có Larry Feign và Nury Vittachi.

Từ năm 1997, nhiều thành viên của Ban Trung Quốc đã rời South China Morning Post, đặc biệt là trong năm 2000 và 2001 khi biên tập viên xã luận Danny Gittings và phóng viên thường trú tại Bắc Kinh Jasper Becker ra đi.

Gitting nói rằng ông ta luôn bị ép phải viết nhẹ nhàng hơn khi đụng phải các vấn đề chính trị nhạy cảm của Trung Quốc.

Biên tập trang Trung Quốc Willy Lam (Lâm Hòa Lập, 林和立) cũng chia tay trong năm 2000 sau khi bài viết của ông bị chính Quách Hạc Niên phê trách. Lúc bấy giờ, Lâm Hòa Lập là người hay chỉ trích Giang Trạch Dân và về sau ông đã giải thích lý do rời South China Morning Post là do không chịu được sự kiểm duyệt.

Không gian làm báo tự do tại SCMP ngày một thu hẹp. Năm 2011, khi Vương Hướng Vĩ (王向偉) lên làm tổng biên tập, ta sẽ thấy đâu đó ở SCMP bóng dáng của một tòa soạn báo đại lục.

Họ Vương là một người sinh ra tại đại lục và có chân trong Chính hiệp tỉnh Cát Lâm.

Với lai lịch như vậy, khi tiếp nhiệm cương vị mới, Vương Hướng Vĩ có vẻ đã hoàn thành xuất sách vai trò “gác cửa” của một cán bộ tuyên truyền. Vào ngày 7 tháng 6 năm 2012, ông đã cắt gọt một bài dài về cái chết của nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lý Vượng Dương (李旺阳) thành một tin nhỏ gồm hai đoạn văn và nhét vào đăng trang trong. Một biên tập viên (Alex Price) sau đó thắc mắc đã bị Vương Hướng Vĩ nạt cho một trận.

Đoạn chat giữa hai người sau đó bị rò ra:

“Alex Price: Chào anh Hướng Vĩ, nhiều người thắc mắc tại sao mình lại cắt cái bài về Lý Vượng Dương tối qua. Chuyện này lạ hen, anh giải thích giùm đi?

Vương Hướng Vĩ: Đó là quyết định của tớ.

Alex Price: Anh có thể giải thích tại sao lại quyết định vậy? Bên ngoài người ta cho rằng mình tự kiểm duyệt…

Vương Hướng Vĩ: Tôi không việc gì giải thích với cậu. Tôi không nghĩ rằng quyết định của tôi có gì đó không ổn. Nếu cậu không thích cách giải quyết đó, thì tự biết phải làm gì rồi hen!”

Đến năm 2015, có vẻ mệt mỏi với thế sự và muốn về vui thú điền viên ở Thâm Thủy Loan, tỉ phú Quách Hạc Niên ở tuổi 92 với gia tài hơn 10 tỉ đô la bèn bán lại SCMP.

Người tiếp quản là tỉ phú Jack Ma (Mã Vân), ông chủ của Alibaba và đồng thời là một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi tiếp quản, Mã Vân tuyên bố: “Với việc tiếp cận các nguồn lực, dữ liệu và các quan hệ trong hệ sinh thái của Alibaba, Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) có thể đưa tin về châu Á và Trung Quốc một cách chính xác hơn so với các tờ báo không có điều kiện tiếp cận như vậy”.

Dưới thời đại mới, SCMP có vẻ tinh tế hơn trong việc giữ cân bằng giữa khen và chê Bắc Kinh, một mặt tạo ấn tượng về một “tờ báo độc lập”, mặt khác không quá đụng chạm tới các vấn đề nhạy cảm của chính quyền trung ương. Nhưng dù thế nào, xét trên một chặng đường dài và điểm qua vài vụ cụ thể, có thể thấy đường hướng thân Bắc Kinh vẫn hiển lộ nơi tờ báo này, điều mà trước năm 1993 không hề có.

Năm 2017, cây viết kinh tài kỳ cựu Nhậm Mỹ Trinh (任美貞) tuyên bố bỏ việc sau khi một bài viết của cô bị rút. Đó là bài viết chỉ ra mối quan hệ giữa một nhà đầu tư Singapore với Lật Tiềm Tâm (栗潛心), con gái rượu của Ủy viên Bộ Chính trị Lật Chiến Thư (栗戰書), một người thân tín của Tập tổng chủ.

Quách Hạc Niên được Tập Cận Bình tiếp đón năm 2016. Ảnh: internet

Nhậm cô cô sau đó chia sẻ với Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) rằng 11 năm phóng bút tự do của cô tại SCMP đã chấm dứt. “Điều này (viết lách phi kiểm duyệt) đã không còn nữa khi bài tôi bị rút, điều mà tôi không đồng tình”.

Kiểm duyệt và không khí thân Bắc Kinh lan tỏa ở Nam Hoa Tảo Báo, vừa hay, lại không phải là chuyện đơn lẻ.

Làng báo Hong Kong, từng chút một, quả như cảm thán của tỉ phú Jimmy Lai Lê Trí Anh: “Chúng ta từng là chim trong rừng, giờ bị bắt nhốt vào lồng.”

_____

Nguồn:

1. Mình phỏng vấn riêng một số nhân vật trong làng báo và làng hoạt động Hong Kong

2. Báo cáo One Country, One Censor: How China undermines media freedom in Hong Kong and Taiwan (Một quốc gia, một bộ máy kiểm duyệt: Cách mà Trung Quốc hủy hoại tự do báo chí ở Hong Kong và Đài Loan) của CPJ

3. Báo cáo Journalists caught between two fires: Hong Kong media faces serious harassment and self-censorship) do Hội Ký giả Hong Kong thực hiện vào năm 2015

Minh Báo

Apple Daily

– Vụ Vương Hướng Vĩ đập nhân viên thắc mắc

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây