Lịch sử Hoa Kỳ giai đoạn 1964-1973 (Phần cuối)

Tác giả: Erling Bjøl

Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ

3-7-2020

Tiếp theo phần 1 phần 2

Tam cực quyền lực thay đổi

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 10 năm 1967, cựu thợ săn phù thủy Richard M. Nixon đã làm độc giả ngạc nhiên khi ủng hộ việc tiếp cận Trung Cộng. Ông đã mở đường cho những gì Henry Kissinger gọi là ngoại giao tam cực.

Bối cảnh của việc này là mâu thuẫn giữa hai cường quốc cộng sản Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Gốc rễ của mâu thuẫn là do sự đoạn tuyệt của Nikita Khrushchev với Stalin trong đại hội đảng lần thứ 20 năm 1956. Và nó còn gia tăng khi Bắc Kinh cảm thấy bị Moskva phản bội trong lần chạm trán với Hoa Kỳ về Đài Loan năm 1956.

Năm 1960 Liên Xô rút tất cả các cố vấn kỹ thuật ra khỏi Trung Quốc. Tầng lớp lãnh đạo Xô Viết không quan tâm đến chính sách “đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông. Mâu thuẫn càng nặng nề hơn sau khi Hiệp ước Moksva cấm thí nghiệm vũ khí nguyên tử trong không khí năm 1963. Hiệp ước này bị Bắc Kinh xem như một nỗ lực để ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc nguyên tử và đã dẫn đến việc bắt tay giữa Mao Trung Quốc với tướng de Gaule nước Pháp.

Những cuộc tranh luận ý thức hệ gay gắt đã xảy ra giữa Bắc Kinh và Moksva trong cách diễn giải đúng sai chủ nghĩa Mác Lê. Dân Tàu kết tội dân Nga là “đế quốc xã hội”. Năm 1964 Mao leo thang mâu thuẫn hơn nữa khi kết tội Liên Xô đã chiếm đóng trái phép những vùng đất của Trung Quốc.

Nixon đã nhìn thấy cơ hội để có thể tiếp cận với Trung Quốc trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Khi nhậm chức tổng thống, Nixon bổ nhiệm Henry Kissinger, một giáo sư Harvard khoa chính trị quốc tế, sinh ở Đức, làm cố vấn an ninh. Năm lên 14 tuổi, Kissinger cùng gia đình từ Đức đến Mỹ theo diện người Do Thái tỵ nạn. Ông đã tạo dựng sự nghiệp trong thế giới khoa bảng đại học nhờ vào khối kiến thức sâu rộng về lịch sử Âu châu của mình. Trong luận án tiến sĩ “A World Restore” (Khôi phục lại thế giới), ông đã viết về khoa ngoại giao cổ điển do Clemens Metternich, Robert Howard Castleeagh và Maurice Talleyrand gầy dựng trong thời kỳ Napoleon.

Theo quan điểm của Kissinger, chính sách đối ngoại hiệu quả phải dựa trên lợi ích quốc gia chứ không phải trên ý thức hệ hay cảm xúc. Ông là người theo đuổi chính sách thực dụng thuần lý. Vì vậy, Nixon đã dùng ông.

Cùng lúc với việc bác bỏ thuyết domino tại Guam bằng cách hứa hẹn “Việt Nam hóa” chiến tranh ở Đông Dương, Nixon đã gửi những tín hiệu đầu tiên về một chính sách đối ngoại mới của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Mùa Xuân năm 1969, mâu thuẫn giữa hai cường quốc cộng sản căng thẳng đến mức xung đột quân sự nổ ra ở biên giới Mãn Châu. Người Nga tập trung quân đội ngày càng nhiều ở phía Đông Siberia. Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc can thiệp vũ trang sẽ đến như đã xảy ra ở Tiệp Khắc một năm trước. Mùa Thu năm 1969, Nixon thông báo cho cả người Nga và người Tàu là Mỹ sẽ không đứng ngoài nếu Liên Xô tấn công Trung Cộng.

Nhưng phải mất một thời gian dài trước khi người Tàu tin vào những gì đã nghe được. Đầu hè năm 1971, qua sự dàn xếp của Pakistan, Kissinger bí mật đến thăm Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ được hoan nghênh nồng nhiệt. Kissinger đặc biệt quý mến Chu Ân Lai. Sau này ông gọi thủ tướng này là “một trong ba người có ấn tượng tốt nhất” mà ông đã từng gặp (Kissinger,1979). Cả hai cùng chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Trung Quốc của chính Nixon vào tháng 2 năm 1972. Người Tàu hết lời ca ngợi ông.

Nhưng có một vấn đề vẫn chưa giải quyết được giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đó là Đài Loan. Hơn 20 năm Hoa Kỳ luôn bảo vệ kẻ thù không đội trời chung của Mao là Tưởng Giới Thạch. Về mặt tình cảm, chuyện hạ bệ họ Tưởng không dễ dàng gì. Ngay trước khi Nixon đi thăm Trung Quốc, Hoa Kỳ đã phản đối việc Trung Quốc muốn thay thế vị trí của chính phủ Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc.

Khi Bắc Kinh xem cả Đài Bắc lẫn Đài Loan như một tỉnh của Trung Quốc thì việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao bình thường không thể thực hiện được. Trong chuyến thăm viếng của Nixon, Hoa Kỳ hứa sẽ giảm dần hiện diện quân sự ở Đài Loan. Quan hệ ngoại giao tạm hoãn cho đến khi các cơ sở ngoại giao, các đại sứ quán, được thành lập ở 2 nước.

TT Richard Nixon gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh trong chuyến thăm lịch sử năm 1972. Nguồn: AP

Người Nga bực bội theo dõi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng đồng thời họ cũng tỏ ra thân thiện hơn trong việc đàm phán. Từ năm 1969, người ta đã thảo luận việc hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược trong các cuộc đàm phán gọi tắt là SALT (Strategic Arms Limitation Talks). Một phần xoay quanh vào các vũ khí nguyên tử liên lục địa, một phần vào hệ thống vũ khí phòng thủ chống trả có tên là ABM (Anti-Ballistic Missile Weapons). Ngoài ra, người ta cũng đàm phán với Nga về thỏa thuận Berlin, nhằm bảo đảm các cường quốc phương Tây có thể tiếp cận Tây Bá Linh và bảo vệ vùng đất này trước những vụ khủng hoảng đã từng đe dọa nền hòa bình nhiều lần từ năm 1948.

Tháng 9 năm 1971, một tuần sau khi có thông báo chính thức về chuyến đi Trung Quốc sắp tới của Nixon, thỏa thuận Berlin đã nằm trên bàn giấy của Tòa Bạch Ốc. Nó tháo lỏng những nút thắt đã làm trì trệ các cuộc đàm phán trong nhiều tháng. Và cuộc đàm phán SALT cũng tiến triển đôi chút, đủ để Nixon ký một hiệp ước 5 năm giới hạn vũ khí hạt nhân chiến lược, và một hiệp ước hạn chế sự phát triển vũ khí ABM dùng cho các hệ thống phòng thủ ở mỗi quốc gia trong chuyến đi thăm Moksva vào tháng 5 năm 1972.

Đây là lần đầu kể từ hội nghị Jalta (1) một tổng thống Mỹ đến thăm Liên Xô. Cuộc họp thượng đỉnh giữa Nixon và Bresjnev có tính cách khác với cuộc họp giữa Kennedy và Khrushev tại Vienna 11 năm trước. Cuộc họp được chuẩn bị tỉ mỉ, đặc biệt qua những lần nói chuyện giữa Kissinger với người Nga, lúc tại Washington, lúc tại Moskva. Một loạt thỏa thuận gần như đã sẵn sàng để ký kết.

Nixon hy vọng Bắc Kinh và Moskva có thể giúp ông đạt được hòa bình trong danh dự ở VN. Việc này thật vô ích. Sự xung đột giữa 2 cường quốc cộng sản đã khiến họ không gây áp lực với Hà Nội. Tuy vậy, chính sách đối ngoại của Nixon đã giúp ông thắng cuộc bầu cử vào mùa Thu năm 1972, và khi Kissinger thỏa thuận xong hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, căng thẳng giữa Washington và Moskva đã giảm bớt. Tuy nhiên, một thử thách lớn lại xảy ra vào mùa Thu năm 1973, khi cuộc chiến tranh Trung Đông bùng nổ. Một lần nữa Kissinger lại lọt vào vòng lửa đạn.

Tháng 8 năm 1973, Kissinger đảm nhận chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Mặc dù ông là ngoại trưởng đầu tiên không sinh ra ở Hoa Kỳ và nói tiếng Mỹ với giọng Đức, Quốc hội vẫn chấp thuận không hề phản đối. Trong lúc Nixon ngày càng không được ưa chuộng, Kissinger lại được báo chí và các chính khách ưa thích nhờ kỹ năng thật sự, kết hợp cùng khả năng cảm nhận bi kịch và tính hài hước tinh tế. Ông đã biến trở ngại ngôn ngữ thành lợi thế. Bằng cách nói chậm và hơi khó khăn một chút, ông suy nghĩ nhanh hơn nói.

Ai Cập tấn công Do Thái ngày 6/10/1973. Washington hoàn toàn bất ngờ. Kissinger cố gắng đậy nắp lò lửa chiến tranh bằng cách cảnh cáo thủ tướng Do Thái Golda Meir không được đánh trả đũa. Nhưng người ta không lường trước được cuộc tấn công sẽ đến từ nơi khác. Do Thái sẽ sớm gặp vấn đề và phải yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ vũ khí.

Và khi các quốc gia Ả Rập đe dọa cấm vận dầu hỏa đối với quốc gia nào hỗ trợ Do Thái, Hoa Kỳ đã hoài công tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh Tây Âu. Chỉ vài quốc gia muốn ra tay cứu giúp Do Thái. Ngay cả trong nội bộ chính phủ Mỹ cũng có sự phản đối. Nhưng Nixon vượt qua và ra lệnh không vận tiếp tế vũ khí và đạn dược đến thẳng Do Thái bằng máy bay vận tải khổng lồ C-5A.

Khi Do Thái tái tổ chức và bắt đầu phản công, đến lượt khối Ả Rập yêu cầu người Nga giúp. Chiến tranh giờ đây trở thành một cuộc xung đột nguy hiểm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng chấm dứt nhờ vai trò ngoại giao con thoi của Kissinger. Ông đã bay qua lại giữa Washington, Moksva, Cairo và Jerusalem, và cuối cùng đã dàn xếp thành công cuộc ngưng chiến ngày 24/10. Từ đó sự hợp tác chặt chẽ giữa Kissinger và tổng thông Ai Cập Anwa al-Sadat bắt đầu.

Quyết định chấm dứt cuộc khủng hoảng là của Nixon, cũng như việc cải tổ sâu rộng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là tác phẩm của ông. Nhưng Kissinger ngày càng nhận được nhiều vinh dự trong khi Nixon càng lúc càng lún sâu vào vụ tai tiếng Watergate. Vụ tai tiếng này đã hủy hoại mơ ước cúa Nixon, muốn đi vào lịch sử như người đặt nền tảng cho một “chính sách đối ngoại thực dụng”.

Watergate 

Ngày 13/3/1973, vừa mới 2 tháng sau hiệp định hòa bình ở VN, lần đầu tiên trong nhiều năm, Washington bị rung chuyển bởi một tin động trời làm Đông Nam Á không còn là đề tài được quan tâm nữa.

James McCord, một cựu viên chức CIA, người lãnh đạo bộ phận an ninh ở CREEP (Comittee to Re-elect the President), gửi một lá thư cho thẩm phán John Sirica, tường trình rằng các quan chức lãnh đạo cao cấp, dưới “áp lực của các cấp có thẩm quyền cao nhất”, đã làm chứng khai gian về vụ trộm xảy ra trong trụ sở chính của đảng Dân Chủ tại Washington vào đêm 17/6/1972. Sirica có trách nhiệm điều tra vụ này cho một bồi thẩm đoàn từ tháng 9.

Hai phóng viên xông xáo của báo Washington Post đã đào bới sự kiện này ngay sau khi vụ trộm xảy ra, và dần dần phanh phui thêm nhiều chuyện giật gân quanh các hoạt động của CREEP, khiến Thượng viện quyết định thành lập một ủy ban điều tra vào tháng 2. Ủy ban này sẽ điều tra toàn bộ cuộc tranh cử tổng thổng.

CREEP đã tống tiền – shakedown, theo lối nói của dân giang hồ – bằng cách đe dọa là, cơ quan thuế vụ, biện lý cuộc và Bộ Thương mại sẽ nhúng tay vào nếu dân kinh doanh buôn bán không trả tiền. Các ứng cử viên đảng Dân Chủ bị dèm pha nói xấu sau lưng theo kế hoạch. Thượng nghị sĩ Edmund Muskie bị đánh bại ngay vòng bầu cử sơ bộ bằng các phương pháp này. Vụ xâm nhập Watergate được thực hiện bằng việc cài đặt đường dây nghe lén trong trụ sở chính của đảng Dân Chủ. Người ta muốn thu thập các dữ liệu để có thể sử dụng trong cuộc tranh cử. Các thủ phạm thuộc băng đảng bí mật của Egil Krogh (2) được gọi là plumbers (thợ ống nước). Nhiệm vụ khởi đầu của họ là ngăn chặn sự rò rỉ trong việc quản lý, sau khi một tập tài liệu về chiến tranh VN được giao cho báo chí.

Vụ xâm nhập này không chỉ phạm pháp mà còn là một sai lầm chính trị. Sau khi George Wallace (3) bị ám sát hụt ngày 15/5/1972, Nixon dẫn đầu cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Và ngay sau khi trở thành tổng thống, ông đã cố gắng thành lập một liên minh có thể bảo đảm cho những người Cộng hòa nắm được quyền lực “đến hết thế kỷ”, theo lời ông. Liên minh hướng đến việc thu phục cử tri của đảng Dân Chủ tại các tiểu bang miền Nam bằng cách đảo ngược sự tiến triển của luật dân sự và đặc biệt làm trì hoãn việc hội nhập sắc tộc ở học đường.

Để đạt được mục đích này, Nixon cố chọn và đề cử các thẩm phán kỳ thị chủng tộc vào Tối Cao Pháp Viện. Và để lôi kéo số cử tri muốn bầu cho ông Wallace, ông can thiệp và ủng hộ trung úy William Calley, người bị kết án vì vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam.

Trước đó, đảng Cộng Hòa đã có một nhóm bảo thủ mới tại The Sunbelt, nơi tập trung nhiều người hưu trí đã nhận được lương hưu ổn định và có nhiều ngành công nghiệp tiên tiến thu hút nhân viên có trình độ học vấn cao. Khi đảng Dân Chủ chọn George McGovern, một người cấp tiến, làm ứng cử viên tổng thống, chiến thắng đã ở trong tầm tay của Nixon. McGovern không chỉ chống chiến tranh mà còn ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa và quyền tự quyết phá thai. Nhưng khi đó vụ tai tiếng Watergate đã làm hại Nixon.

Nixon bác bỏ ngay lập tức những cáo buộc về vụ trộm Watergate. Nhưng sau chuyện lá thư của James McCord (4), lửa bắt đầu cháy sát đến mức ông phải sa thải hai cộng sự viên thân cận nhất trong Tòa Bạch Ốc, Harry Robbins Haldeman và John Ehrlichman. Sau đó, ủy ban Thượng viện đã cho chiếu một loạt các buổi điều trần trên TV, dẫn đến những tiết lộ mới.

Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Nixon, John Michell, người tổ chức tranh cử cho ông, thú nhận đã dính líu đến vụ Watergate. Và rồi chuyện tổng thống có máy ghi âm bí mật cài đặt trong văn phòng của ông từ năm 1971 bị lộ. Đây là bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy cá nhân ông cũng đã trực tiếp tham gia.

Nixon cố gắng ngăn cản việc giao nộp băng ghi âm bằng cách lập luận đó là bí mật quốc gia nhưng cuối cùng vẫn phải đi đến thỏa hiệp. Tháng 11/1973, John Sirica có thể thông báo là, 18 phút trong băng ghi âm đã bị xóa từ ngày 20/6/1972, ba ngày sau vụ trộm.

Đồng thời Nixon còn vướng thêm vào một vụ tai tiếng khác. Vị phó tổng thống thô bạo Spio T. Agnew phải từ chức vì đã nhận nhiều trăm ngàn dollar hối lộ. Khi người ta bắt đầu để ý đến tài chính của chính tổng thống, nhiều điều thú vị dần bị moi ra. Với lợi tức 1,1 triệu dollars trong nhiệm kỳ đầu, Nixon chỉ trả 80.000 dollars tiền thuế. Ông đã tu sửa bất động sản riêng bằng tiền công quỹ. Trong buổi họp báo ngày 17/11/1973, Nixon tuyên bố: I am not a crook (Tôi không phải là kẻ dối trá). Tuy vậy, ông không còn thuyết phục được ai nữa cả.

Khi Sirica kết thúc các cuộc điều tra vào mùa Xuân năm 1974, ông đã có đủ tang chứng để đưa 7 cộng sự viên thân cận nhất của Nixon ra tòa. Hạ Nghị Viện bây giờ cũng vào cuộc. Ủy ban luật pháp của Hạ Viện bắt đầu xem xét tài liệu để làm cơ sở cho việc bãi nhiệm tổng thống. Ủy ban yêu cầu giao băng ghi âm có liên quan và được Tối cao pháp viện chấp thuận.

Các cuốn băng cho thấy, ngoài những chuyện khác, Nixon đã ra lệnh cho FBI hủy bỏ điều tra vụ xâm nhập Watergate. Một nhóm chính khách bảo thủ đảng Cộng Hòa, với thượng nghị sĩ Goldwater cầm đầu, khuyên Nixon từ chức nếu không sẽ bị bãi nhiệm. Nixon nghe theo và từ chức ngày 8/8/1974. Trước khi sự việc đi quá xa, quyền lực của ông đã bị suy giảm nghiêm trọng vì vụ tai tiếng này. Quốc hội đã từng bước kiểm soát quyền hành của tổng thống.

Hè năm 1973, Quốc hội thông qua lệnh cấm ném bom ở Campuchia, nơi vẫn xảy ra cuộc nội chiến. Tháng 11/1973, Quốc hội thông qua War Power Act, hạn chế thẩm quyền của chính phủ trong việc đưa quân đội ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội – mặc dù tổng thống sử dụng quyền phủ quyết. Đồng thời, viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam cũng bị cắt giảm.

Thỏa thuận hòa bình Kissinger đạt được, bắt đầu đi lệch hướng. Nó sụp đổ hoàn toàn sau khi Nixon từ chức. Cả ông và Kissinger đổ lỗi cho Quốc hội đã trói tay chân tổng thống. Tất nhiên, lý do chính để hiểu được quyết định của Quốc Hội là vụ Watergate.

Nixon là một chính khách có khả năng đáng kể. Ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam và cải thiện bang giao với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô. Nhưng mọi nỗ lực và danh dự đã bị hủy hoại do bản chất xấu xa của ông.

Nguồn: USA’s Historie, by Erling Bjøl, Københaven 2011, printed in Sweden

____

Chú thích của người dịch:

(1) Hội nghị Jalta: Cuộc họp với sự tham dự của nguyên thủ ba cường quốc từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945 tai Crimea: Roosevelt (Hoa Kỳ), Stalin (Liên Xô) và Churchill (Anh Quốc) – ba tháng trước khi thế chiến thứ 2 chấm dứt ở Âu châu – để quyết định số phận nước Đức, Âu châu và Viễn Đông.

(2) Egil Krogh: Luật sư người Mỹ, là thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong chính quyền Nixon năm 1973, bị bắt vì phạm pháp trong vụ Watergate.

(3) George Wallace: Thống đốc tiểu bang Alabama 4 lần và ra ứng cử tổng thống Mỹ 4 lần. Ông có quan điểm cực hữu, chống lại phong trào dân quyền trong thập niên 1960.

(4) James Mccord: Cựu sĩ quan CIA, sau đó tham gia với tư cách là chuyên gia điện tử trong vụ trộm Watergate.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thưa Ông Khách Quan,
    Như ông vừa nói trên là TT Nixon là người chủ chốt trong việc ủng hộ VNCH chống CS, thế nhưng tại sao trong các tài liệu được giải mật sau này, TT Nixon hăm “cắt đầu TT Thiệu nếu Ông không chịu ký hiệp định Ba Lê. Xin được thỉnh ý ông.

  2. Qua bài viết trích từ “Lịch sử nước Mỹ” của tác giả Thụy Điển này,người đọc sẽ
    có thể nhận ra ngay các nước dân chủ phương Tây không thể nào chiến thắng
    địch thủ trong bất cứ cuộc chiến tranh nào,chính nghĩa hay không chính nghĩa
    đều dần dần bị thất thế và cuối cùng thảm bại.Đó là một sự thực !
    Chính việc Mỹ công khai nhảy vào miền Nam VN.để giúp miền Nam chống lại
    chủ nghĩa CS.đã là nguyên nhân làm phong trào phản chiến có động cơ gây bất
    ổn cho nước Mỹ và là khởi đầu dẫn đến hậu qủa thua cuộc không thể cứu vãn !
    Nếu Mỹ cũng âm thầm ủng hộ Cs.miến Bắc như khối CS.thì chẳng ai biết để bàn
    ra tán vào khiến người dân bất mãn và đó là điều kiện tốt để kích động lật đổ.
    Sai lầm lớn nhất của việc Mỹ đem quân vào đã khiến miền Nam mất chính nghĩa
    ở đại đa số ngưòi ngoài không hiểu cuộc chiến ý thức hệ giữa 2 phe và do đó đã
    lột bẫy hay ý đồ tuyên truyền của VC.
    Toàn bộ bài viết tóm gọn lại ở 2 đoan cuối cùng trong đó có câu “Tất nhiên,lý do
    chính để hiểu quyết định của Quốc Hội Mỹ là vụ Watergate”.Ai cũng biết Nixon là
    người chủ chốt trong việc ủng hộ VNCH.cầm cự chống lại CS.và đó là lý do tại sao
    phong trào phản chiến phải bứng Nixon đi cho bằng dược với bất cứ giá nào !
    Chỉ tiếc rằng tác giả chỉ dựa vào tài liệu của một phiá là Mỹ,cho nên cuộc chiến ý
    thức hệ bị tác giả lờ đi,ngay cả số phận của hàng triệu người VN.yêu chuộng tự do
    dân chủ ở miến Nam VN.cũng đã bị tác giả vùi đi,không một chữ nhắc tới !

  3. Thế Sử lại tái lập BÁ LINH xưa về BẮC KINH nay
    ***********************************************

    Thế vận Bắc Kinh hóa thành Tân Trung
    Triển lãm Thượng Hải thêm kiêu khùng !
    Thế vận Bá Linh – bài học Lịch sử :
    Tân Đức ra đời Thế giới lay lung !
    Đình Tàu cao giữa Làng Thế vận
    “Một thế giới – một giấc mơ” (0) chung :
    Trung Quốc ở giữa cai trị thiên hạ ?
    Thế Chiến Ba tia lửa khởi bùng !

    *

    TẬP CẨM BÌNH điều khiển Thế vận Bắc Kinh
    Hô phong hóan vũ đánh thức ngư kình
    8 giờ 8 phút 8 giây ngày 8
    Tháng 8 Năm hai ngàn lẻ 8 linh !
    Lục “Bát” đồng âm với sáu chữ “Bách”
    Thành công trăm phần trăm tất kinh !
    Trung Quốc đang trải nghiệm như nước Đức
    Bắc Kinh chơi trò ma quỷ xưa Bá Linh ! ! !

    TỶ LƯƠNG DÂN

    0. One world, one dream : KHẨU HIỆU Thế vận Bắc Kinh

    1. Tổng trưởng Tuyên truyền JOSEPH GOEBBELS nhân vật cao cấp Quốc xã đứng ra tổ chức
    Thế vận Bá Linh

    Như TẬP CẨM BÌNH, Phó Quân ủy Trung ương thành viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị, người kế vị Hồ Cẩm Đào đứng ra tổ chức Thế vận Bắc Kinh

    HITLER đã chi 42.000.000 Đức Mã cho Thế vận Bá Linh

    HỒ CẨM ĐÀO chi 40.000.000.000 Mỹ kim cho Thế vận Bắc Kinh GẦN 1.000 lần hơn ! ! !

    Chữ “CẨM” lẩm cẩm của hai GODFATHER bố già Tàu là HỒ và TẬP

    không khéo Lịch sử thế giới –

    Thế Sử lại tái lập cái LẨM CẨM không phải ở phương TÂY mà lần này lại quay qua phương ĐÔNG !!!

    Bài học rút ra từ Thế sử : Định mệnh nào cho ba Dân tộc Đức – Việt – Hàn cận đại ?
    *****************************************

    Thể chế chính trị làm Đất Nước chết hay sống !
    Quy luật nước nào chia hai bên Cộng nghèo đói bềnh bồng
    Ngục tù nhiều tụt hậu dân oan dân lành than oán
    Nhìn lại Đông Đức – Bắc Việt – Bắc Hàn Thời Chiến tranh Lạnh băng đông
    Thể chế chính trị là cả số phận định mệnh
    Bức tường Bá Linh sụp cuốn Đông Đức nhập vào Tây Đức hòa đồng
    Thể chế chính trị chính là số phận định mệnh
    Sài Gòn sụp đổ bất hạnh biến toàn Việt Nam buồn mênh mông
    Trại lao cải trại học tập nhà tù nhỏ hàng vạn trong nhà tù lớn
    Thể chế chính trị là số phận định mệnh
    Bắc – Nam Hàn tuy cùng Di sản văn hóa
    Bên hạnh phúc bên bên buồn tênh !
    Bình Nhưỡng – Hán Thành khác rất xa nhau là thế
    Cơ chế chính trị, đơn giản có thế vậy thôi !
    Bắc Hàn : Triều đại Kim nay đã ba đời Độc tài khát máu thống trị
    Kim Nhật Thành + Kim Chính Nhật + Kim Chính Ân
    Nam Hàn : từ Phác Chánh Hy đến Phác Cận Huệ canh tân
    Chính trị là vấn đề sinh tử : Nam Hàn sinh – Bắc Hàn tử
    Thế Sử nhân chứng : Kỷ niệm 60 năm ngày đình chiến Triều Tiên
    Ba năm Nội chiến bán đảo Triều Tiên chỉ đổ nát hoang tàn ấy
    Hán Thành – Bình Nhưỡng đều là đống gạch vụn tang thương

    *

    60 năm sau, Nam Hàn thành Kinh tế thứ 12 Thế giới
    60 năm qua Bắc Hàn vẫn là nơi hàng triệu người chết đói
    Trong quần đảo ngục tù giam hàng trăm ngàn người
    Đau khổ Bắc Hàn thuộc hàng cao nhất thế giới
    Nguyên nhân lý do gì Bắc -Nam Hàn khác rất xa nhau đến vậy ?
    Chính chị chính em, chỉ đơn giản như vậy thế thôi !
    Hán Thành – Bình Nhưỡng cùng Di sản kim chi văn hóa
    Bắc Hàn : Triều đại Kim nay đã ba đời Độc tài khát máu thống trị
    Kim Nhật Thành + Kim Chính Nhật + Kim Chính Ân
    Chính trị là vấn đề sinh tử : Nam Hàn sinh – Bắc Hàn tử
    Nam Hàn : từ Phác Chánh Hy đến Phác Cận Huệ vì Dân chủ canh tân

    TỶ LƯƠNG DÂN

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây