Bản tin ngày 24-6-2020

BTV Tiếng Dân

24-6-2020

Tin Biển Đông

VOA đưa tin: Malaysia sẽ khởi tố thuyền viên Việt Nam ‘đánh bắt trái phép’. Bài báo dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, Tổng giám đốc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia Mohd Zubil Mat Som nói rằng, nước này thường hay trả tự do cho các thuyền Việt Nam bị phát hiện đánh bắt cá trong vùng biển của họ nhưng từ nay chính quyền sẽ bắt giam họ, sau khi có thêm nhiều thuyền viên bị truy đuổi kể từ dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa tháng 3.

Tin từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho hay, Tàu Nghiên cứu khoa học Jia Geng của Đại học Xiemen Trung Quốc đã có một chuyến đi vòng quanh Biển Đông từ ngày 1/6 đến nay. Đáng chú ý, từ ngày 13 – 15/6, tàu đã di chuyển qua vùng biển miền trung Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chỉ gần 100 hải lý.

Trên suốt chặng đường, tàu đi với tốc độ 9-10 knots, nhưng khi đi qua vùng biển Việt Nam, tàu giảm tốc còn 4 – 5 knots, là tốc độ của các tàu đang tiến hành hoạt động khảo sát, đo đạc dưới mặt nước. Cho tới sáng nay, tàu đang đi về hướng bắc, kết thúc một vòng xung quanh Biển Đông.

Bản đồ mô tả hải trình của tàu Jia Geng. Nguồn: Đức Tâm/DAĐSKBĐ

Vụ Tàu Hải Dương Địa Chất 10 xuống Hoàng Sa, hôm qua, ông Đặng Sơn Duân đưa tin, vào khoảng 15h15′ ngày 23/6, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi Shihao) của Trung Quốc đã đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục di chuyển xuống phía nam với vận tốc khoảng 12 hải lý/giờ. Dữ liệu hành trình của tàu này cho biết đích đến là quần đảo Hoàng Sa.

Ông Duân nhận định: “Nếu tàu này hoạt động ngay trong lòng quần đảo Hoàng Sa, thì nhiều khả năng nó tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chất vì khu vực này được đánh giá là tiềm năng dầu khí rất thấp… Còn trong trường hợp tàu này tiến hành khảo sát dầu khí, chưa thể loại trừ khả năng tàu này sẽ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.

Hôm qua, TS Phạm Quý Thọ có bài trên RFA: Đại hội 13: Vấn đề Biển Đông – ‘điểm mới’ trong Báo cáo chính trị có tạo nên tư duy chiến lược? Tác giả viết: “Một trong những nguyên nhân không thể trở thành quốc gia ‘mạnh về biển’, phát triển kinh tế biển như nêu trong các nghị quyết của Đảng là tư duy chiến lược biển đã không theo kịp thời đại, và ngoài ra, có phần bị níu kéo bởi ý thức hệ… Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị ‘phong toả bán phần’ với thế giới văn minh từ Biển Đông bởi tham vọng địa chính trị của Trung Quốc”.

Báo tuổi trẻ cho biết: NISCSS cảnh báo Mỹ – Trung có thể có nguy cơ khủng hoảng hoặc xung đột quân sự. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) được Hãng tin Reuters dẫn lại ngày 23-6, cảnh báo mối quan hệ quân sự xấu đi giữa hai cường quốc Mỹ -Trung có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột quân sự. NISCSS kêu gọi Mỹ-Trung giữ các kênh liên lạc quân sự và có các bước ngăn ngừa xung đột giữa lúc quan hệ song phương xấu đi.

VnExpress đưa tin: Chiến hạm Mỹ, Nhật diễn tập ở Biển Đông. Nguồn tin dẫn từ Quân đội Mỹ hôm 23/6, công bố hình ảnh cho thấy, tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords gặp tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, để tiến hành cuộc diễn tập chung trên Biển Đông, nhưng không nêu vị trí cụ thể.

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ (trước) diễn tập cùng với hai tàu huấn luyện của Nhật JS Kashima (giữa) và JS Shimayuki ở Biển Đông ngày 23.6. Nguồn: US Navy

Báo Thanh niên có bài: Trung Quốc nói gì về chuyện lập ADIZ ở Biển Đông? tại cuộc họp báo hôm 22.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, mỗi quốc gia có quyền thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) và quyết định liệu có nên lập ADIZ hay không dựa trên mức độ của những mối đe dọa nước đó đối mặt trong an ninh phòng không.

Ông Triệu nói: “Vì những mối đe dọa an ninh trên không Trung Quốc đối mặt trên các vùng biển liên quan ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề liên quan bằng cách xem xét tất cả các yếu tố”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết: Tân tham mưu trưởng không quân Mỹ cảnh báo Trung Quốc về ý định lập ADIZ Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 24/6, Đại tướng Charles Brown nói rằng, Mỹ đang theo dõi mọi ý định của Trung Quốc liên quan đến việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và nhấn mạnh, đây là một hành vi trái với luật quốc tế.

Ông nói: “Chúng tôi đang theo dõi động thái này bởi nó không chỉ thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà còn gây quan ngại cho Mỹ và các nước trong khu vực. Như tôi đã nói trước đó, tầm nhìn của Mỹ về một khu vực tự do và rộng mở bao gồm cả việc máy bay được phép hoạt động ở bất kỳ khu vực nào được luật quốc tế cho phép”.

Mời đọc thêm: Biển Đông: Mỹ báo động nguy cơ Trung Quốc lập vùng nhân dạng phòng không (RFI). – Mỹ – Trung chạy đua khí tài săn ngầm ở Biển Đông (TN). – Đừng to mồm ở Biển Đông: Sát thủ tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới dọa được Mỹ (Sputnik). – Lý do Mỹ “không ngán” tên lửa chống tàu sân bay của Trung QuốcBiển Đông dậy sóng trong đại dịch Covid-19 (VOV). – Vấn đề Biển Đông sẽ được bàn tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (RFA). – Repsol nhượng cổ phần vì bị Trung Quốc ép, Việt Nam càng quyết tâm kiện? (VOA).

Hà Nội mở chiến dịch bắt bớ những người đưa tin vụ Đồng Tâm

Cư dân mạng đưa tin sáng nay, bốn nhà hoạt động ở Hà Nội đã bị bắt giữ là bà Cấn Thị Thêu cùng hai người con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, và bà Nguyễn Thị Tâm trong chiến dịch trấn áp được cho là nhắm đến những người đưa tin vụ Đồng Tâm.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết, sáng sớm hôm nay, hàng chục nhân viên an ninh thường phục bao vây nhà, sau đó dùng kìm cộng lực phá khóa cổng, xông vào nhà và bắt anh đi. Mời xem clip livestream của anh Phương:

Trong clip livestream trước khi bị bắt, anh Phương nói: “Công an mặc sắc phục và thường phục rất đông bao vây nhà tôi. Bây giờ là 5.30 sáng. Tôi nghĩ rằng hôm nay họ sẽ bắt tôi.

Như trong di chúc tôi đã nói, tôi không có ý định tự tử nếu bị bắt. Hiện tại tôi rất khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh tật gì. Nếu tôi bị chết trong đồn công an hay trại tạm giam thì đó là do công an thủ tiêu tôi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để bị bắt rồi. Tôi nghĩ là họ sẽ không để yên cho tôi đâu. Trong thời gian qua tôi chỉ lên tiếng nói lên sự thật trong vụ việc ở Đồng Tâm”.

Bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà văn Nguyễn Tường Thuỵ, tường thuật: “Tôi đến Dương Nội khoảng 7 rưỡi, đến đó công an dày đặc. Chúng làm hàng rào 2 đầu đường nên không tiếp cận vào nhà Phương được. Tôi đành hỏi thăm vào nhà bố vợ Phương. Lúc đó điện bị cắt, mạng intenet bị phá sóng. Tầm 8 giờ hơn thì họ dỡ rào chắn và giảm lực lượng. Tôi vào nhà Phương nhìn thấy cháu nhỏ mới sinh mà trào nước mắt”.

Vợ anh Phương kể lại vụ việc với bà Lân: “Chúng nói điện lực cắt điện, nhà khoá chúng phá không được, nên chúng mở lại điện để phá khoá. Chúng chỉ đọc lệnh khám xét, vợ Phương hỏi đây là bắt người hay triệu tập mà không có lệnh bắt? Họ trả lời rằng trước mắt là triệu tập. Lúc bắt, Phương không có hành động gì chống trả nhưng chúng cũng đập mặt Phương vào tường và thành giường, bẻ tay Phương nữa. Khi khám xét nhà chúng thu giữ 1 số giấy tờ và điện thoại”.

Bốn nhà hoạt động bị bắt vào sáng nay 14/6. Nguồn: FB Ngọc Diệp

Cư dân mạng cũng cho biết thêm, bà Cấn Thị Thêu, đang ở nhà con gái cũng bị bắt vào sáng sớm khi vừa rời khỏi nhà. Và bà Nguyễn Thị Tâm, một nhà đấu tranh cho “dân oan Dương Nội”, là người gần đây liên tục loan tin về vụ thảm sát Đồng Tâm, cũng được ghi nhận là đã bị bắt sáng nay. Hiện vẫn chưa rõ hai người phụ nữa đấu tranh cho “dân oan Dương Nội” này có bị khởi tố hay không.

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên cho biết, chồng bà Thêu là ông Trịnh Bá Khiêm, báo tin, cũng trong sáng nay, một người con trai khác là Trịnh Bá Tư, sinh sống tại tỉnh Hòa Bình, cũng bị công an ập vào bắt đi, trong khi họ giam lỏng ông tại nhà.

Ông Khiêm thuật lại: “Chúng đọc lệnh bắt Tư, tôi cũng không được chứng kiến. Lúc chúng khám nhà xong, tôi mới được thả để chạy sang với Tư. Con tôi rất điềm tĩnh, khi bị tống ra xe, nó hô ‘đả đảo cộng sản hèn với giặc ác với dân! Đả đảo cộng sản!’. Tôi cũng hô theo. Hai bố con cùng giơ tay lên hô ‘đả đảo, đả đảo!’. Trước khi Tư bị tống lên xe, tôi cũng kịp ôm nó một cái”.

Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa tin: “Đến lúc này (14h45 ngày 24/6/2020), chính xác là hai anh em Trịnh Bá Phương (SN 1984) và Trịnh Bá Tư (SN 1989) đã bị bắt với lệnh bắt được đọc tại chỗ. Phương và Tư bị truy tố với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ theo Điều 117 Bộ luật Hình sự”.

Trước sự kiện này, nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết, sáng sớm nay có rất nhiều tốp an ninh mặc thường phục canh giữ trước cửa nhà họ.

Mời đọc thêm: Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị bắt (BBC). – Công an bắt bà Cấn Thị Thêu và hai con trai tại Hà Nội (NV). – Những ngôn sứ của thời đại (FB LM Nguyễn Văn Toản). – Giới chức ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ người Thượng Tây Nguyên (VOA).

Tin tổng hợp

VietNamNet dẫn lời Trung tướng Lương Tam Quang: Âm mưu chống phá của thế lực thù địch ngày càng thâm độc. Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng CS hôm 23/6, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận định, âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn.

Trước đó, hôm 15/6, phát biểu trước Quốc Hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: ‘Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý mình”. Ông Nghĩa quả quyết: “Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả“.

Báo Pháp luật TPHCM đưa tin: Cử tri mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước tham gia nhiệm kỳ tới. Bà Nguyễn Thị Xuân Thắng, cử tri của Đảng CS nêu nguyện vọng: “Trước mắt, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, cử tri mong muốn Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để chèo lái con thuyền đến đích cuối cùng”.

Báo Lao Động có bài: Chủ tịch Quốc hội trả lời cử tri vụ án Hồ Duy Hải. Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc này đang được các cơ quan xem xét nên hôm nay tôi chưa báo cáo được kết quả như thế nào. Và chúng ta cũng không có cơ sở nào để nói là có oan hay không oan, hay quy trình tố tụng như thế nào. Xin với cử tri, để các cơ quan có trách nhiệm, có chức năng xem xét lại đúng với pháp luật và sẽ có báo cáo sau”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: 4 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc bàn bạc ‘vòi tiền’, nhận hơn 2 tỉ. Tin cho hay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc kết luận, các thành viên trong đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính 2,057 tỉ đồng, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn, nhận hơn 1,3 tỉ đồng.

Mời đọc thêm: Dân khiếu kiện Thủ Thiêm đã quá mức chịu đựng: lãnh đạo thừa nhận!? (RFA). – Phụ nữ Việt ‘bán hoa’ ở Singapore: Công việc ‘rủi ro lớn, thu nhập cao’ (kỳ 1) – Phụ nữ Việt ‘bán hoa’ ở Singapore: những mối lo chồng chất (kỳ 2) (BBC).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây