20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đầu tiên với quân đội Trung Quốc trong 45 năm

Washington Post

Tác giả: Joanna Slater, Gerry Shih Niha Masih

Dịch giả: Bùi Như Mai

16-6-2020

NEW DELHI — Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở dãy Hy Mã Lạp Sơn, quân đội Ấn Độ cho biết hôm thứ ba, đánh dấu cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng có trang bị vũ khí hạt nhân trong nhiều thập niên.

Cuộc đụng độ xảy ra ở khu vực miền núi Ladakh là biên giới giữa Ấn Độ – Trung Quốc, có tranh chấp trong nhiều năm nhưng phần lớn là ôn hoà. Theo các chuyên gia, không có binh sĩ Ấn Độ nào thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở biên giới giữa hai nước kể từ năm 1975, và không có thương vong nào lớn như trận này, kể từ năm 1967.

Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc được xem là có sức mạnh tiềm tàng đang ghìm nhau một cách thận trọng. Sau cuộc chiến năm 1962, họ có khuynh hướng giải quyết các xung đột dọc biên giới thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, căng thẳng giữa hai gia tăng đáng kể. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có những cuộc đụng độ khiến hàng chục binh sĩ bị thương, tại hai điểm dọc biên giới của họ, dài 2.200 dặm.

Các nhà phân tích nói rằng quân đội Trung Quốc cũng đã gia tăng sự hiện diện của mình ở bốn khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền gần biên giới không chính thức ở Ladakh, dẫn đến một cuộc nghinh chiến căng thẳng cho hàng ngàn binh sĩ của cả hai nước. Các quan chức quân sự cao cấp đã tổ chức các cuộc họp trong khu vực để cố gắng giải quyết vấn đề này.

Thay vào đó, cuộc đụng độ tối thứ Hai đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng. Khởi đầu, Ấn Độ nói rằng có ba binh sĩ thiệt mạng trong cuộc “đối đầu bạo lực” đã gây ra “tổn thất cho cả hai bên”. Cuối ngày thứ ba, quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng, có thêm 17 binh sĩ Ấn Độ “bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ” và một phần là do thời tiết khắc nghiệt, lạnh dưới 0 độ, [nên các binh sĩ này] “bị thiệt mạng do các vết thương”. Tin không nói rõ các binh sĩ bị giết như thế nào. Quân đội của hai bên sau đó đã “rút lui”, tuyên bố cho biết.

Đại tá Zhang Shuli, phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, cho biết đã có “một cuộc xung đột khốc liệt và có sự tổn thất”. Ông cáo buộc Ấn Độ đã vượt qua biên giới không chính thức giữa hai nước, được biết đến với tên gọi “Ranh giới kiểm soát thực tế” để “mở đầu cho cuộc khiêu khích”. Ấn Độ đổ lỗi cho Trung Quốc muốn “thay đổi tình trạng hiện tại” trong khu vực.

Hoa Kỳ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc dọc “Ranh giới kiểm soát thực tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với điều kiện giấu tên theo quy tắc của cơ quan này. “Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn giảm leo thang, và chúng tôi ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện tại”.

Cuộc đụng độ diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang ra sức phô trương sức mạnh của họ khắp khu vực trong lúc đại dịch toàn cầu đang diễn ra. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã khiêu khích với các tàu của Malaysia và Việt Nam ở Biển Đông và hai lần cho hàng không mẫu hạm đi qua eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng đơn phương thay đổi chính sách để thu tóm quyền lực mới ở Hồng Kông.

Giống như các quốc gia khác trong khu vực, Ấn Độ nhìn Trung Quốc vươn lên với tâm trạng băn khoăn lo ngại. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ hơn, một phần do những lo ngại chung về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ và là cựu sĩ quan quân đội, là người đã viết nhiều về những căng thẳng gần đây với Trung Quốc, nói rằng, với 20 binh sĩ tử thương, Ân Độ đang đối mặt với một “cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng”.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tự hào về sự cứng rắn trong các vấn đề an ninh quốc gia. Sau khi hàng chục binh sĩ Ấn Độ bị giết chết trong một cuộc tấn công hồi năm ngoái bởi một nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan, chính phủ đã tiến hành một cuộc không kích xuyên biên giới để trả đũa. Bây giờ Ấn Độ phải quyết định sẽ đáp trả vụ đụng độ với các lực lượng Trung Quốc như thế nào, Shukla nói. Cả hai nước bày tỏ hôm thứ ba, rằng sẵn sàng giải quyết xung đột biên giới thông qua đàm phán.

Hầu hết đường biên giới dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc không được phân định rõ ràng cũng như không được vẽ trên bất kỳ bản đồ nào của cả hai nước. Thay vào đó, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc thường gửi các toán tuần tra của mình đến “Ranh giới kiểm soát thực tế” mà họ tuyên bố là của nước họ và sau đó rút lui. Các cuộc cãi vả cũng có xảy ra nhưng hiếm khi nghiêm trọng lắm.

Những gì xảy ra tháng trước có sự khác biệt về định lượng, các chuyên gia nói. Thay vì mở rộng kiểm soát sâu hơn vào các khu vực do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền như trước đây thì quân đội Trung Quốc lại “chiếm hữu thực tế bằng cách chiếm đóng lãnh thổ”, Ashley Tellis, cựu quan chức cao cấp thời chính quyền George W. Bush và là chuyên gia lâu năm về Ấn Độ, nói.

Quân đội Trung Quốc đã vượt nhiều km sâu vào lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền tại nhiều địa điểm ở Ladakh, theo các nhà phân tích và truyền thông đưa tin. Đặc biệt, tin tức nói rằng, Trung quốc đã chiếm một khu vực trong thung lũng sông Galwan, là con đường chiến lược huyết mạch của Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ nói rằng, cuộc đụng độ chết người đã diễn ra tại thung lũng Galwan vào đêm thứ Hai.

Người biểu tình ở TP Ahmedabad, Ấn Độ, phản đối vụ giết chết ba binh sĩ Ấn Độ trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc hôm thứ ba. Nguồn: Sam Panthaky / AFP / Getty Images

Ấn Độ chỉ có những lựa chọn hạn chế để đáp trả lại sự xâm phạm của Trung Quốc. “Bất kỳ nỗ lực nào trong việc đánh đuổi thực tế cũng sẽ dẫn đến xung đột lớn”, ông Tellis nói, thay vào đó, Ấn Độ có thể cố gắng thương thuyết cho Trung Quốc rút quân về và ngăn chặn sự xâm lăng trong tương lai.

Cuộc xung đột lần trước giữa hai nước xảy ra vào năm 2017, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng để mở rộng một con đường gần giao điểm giữa ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Hàng trăm binh lính Ấn Độ đã ngăn chặn sự xây dựng con đường này. Hai tháng sau, sau c cácuộc thương thuyết giữa hai nước thì quân đội Ấn Độ rút lui.

D.S Hooda, một vị tướng hồi hưu đã từng chỉ huy lực lượng quân đội Ấn Độ ở Kashmir, nói rằng, “không giống như vụ xung đột trước, sự xung đột mới đây không phải do các yếu tố địa phương gây ra. Trong khi Ấn Độ đang xây dựng một con đường ở khu vực này suốt cả một thập niên và nó đã đưa vào sử dụng. Thay vào đó, những hành động gần đây của Trung Quốc là một phần của một “kế hoạch với tham vọng lớn hơn”, ông Hooda nói, “rõ ràng là [Trung Quốc] muốn gây áp lực với Ấn Độ”.

Tháng trước, Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng để giải hoà hoặc phân xử cuộc tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng cả hai nước đều không chấp nhận lời đề nghị.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với các nhà lãnh đạo ở Goa, Ấn Độ, năm 2016. Nguồn: Manish Swarup / AP

Hiện chưa rõ chính xác là động lực nào đã thúc đẩy cuộc xung đột và gây ra thương tích hôm thứ Hai. Một quan chức quân đội Ấn Độ giấu tên vì ông không được phép thảo luận về vấn đề này, cho biết, vũ khí không được sử dụng trong cuộc xung đột. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ, trích dẫn từ các nguồn tin nặc danh, cho rằng cuộc đụng độ liên quan đến gậy gộc và bị chọi đá, một số người bị tử thương vì bị trượt xuống sườn dốc. Một trong những binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng là cha của hai binh sĩ phục vụ trong một trung đoàn pháo binh, gia đình ông cho biết.

Hu Xijin, biên tập viên của tờ Hoàn Cầu Thời báo, nói trên mạng Weibo của Trung Quốc, rằng theo nguồn tin mà ông có được, thì binh sĩ Trung Quốc cũng bị thương vong trong vụ đụng độ, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết liệu có ai bị tử thương không.

Ông nói: “Tôi muốn nói với người Ấn rằng, đừng đánh giá sai sức mạnh của Trung Quốc và đừng bao giờ kiêu ngạo với Trung Quốc. Trung Quốc không muốn xung đột với Ấn Độ, nhưng không bao giờ sợ xung đột”.

Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc và là cựu giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cáo buộc Ấn Độ tham gia vào các vụ leo thang có kế hoạch trước “để đánh lạc hướng tình hình chính trị trong nước của họ”. Trung Quốc cần “thử các phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao nhưng cũng chuẩn bị về mặt quân sự cho kết quả tồi tệ nhất”.

Trong tháng này, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận, di chuyển lực lượng nhảy dù từ trung tâm tỉnh Hồ Bắc đến rặng Hy Mã Lạp Sơn xa xôi hẻo lánh chỉ “trong vòng vài tiếng đồng hồ”. Theo truyền thông nhà nước, thì cuộc tập trận được Quân đội Giải phóng Nhân dân triển khai để gửi một thông điệp rằng Trung Quốc có thể nhanh chóng đưa quân tiếp viện đến biên giới Ấn Độ và chiến đấu trong điều kiện môi trường có nhiệt độ thấp và lượng oxy thấp.

Các nhà phân tích Ấn Độ cho rằng các hành động của Trung Quốc là một dấu hiệu nữa cho ý đồ xâm lược của họ trong khu vực. Nirupama Rao, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc cho biết, đây là “lưỡi dao mới” đối với thái độ của Trung Quốc. Ông nói: “Sự quyết đoán này, sự sẵn sàng vứt bỏ cách ứng xử được quốc tế chấp nhận, để thúc đẩy các yêu sách và lợi ích của họ, điều đó thật đáng lo ngại cho rất nhiều quốc gia”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giới chức Ấn Độ nói thì người ta có thế tin còn bọn tàu nói ai mà tin vì lịch sử của tàu nổi tiếng là đi ăn cắp, ăn cướp. Những gì tàu cộng đang làm ở biển đông thì đã chứng minh điều đó.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây