Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm

Luật Khoa

Bình dân Học vụ

15-6-2020

Một điều ít người biết là, không nhất thiết phải trở thành người học luật hay chuyên gia về luật thì mới có thể nói về lẽ công bằng và bất công, oan sai trong xã hội. Nhìn chung, chỉ cần là một con người bình thường, lương thiện, với tư duy ở mức trung bình, là đã có thể có cảm nhận về công lý, và như thế là đủ để nhìn ra vô số bất cập, bất ổn trong xã hội ta hiện nay.

Bài viết này sẽ giải đáp một số thắc mắc về vụ Đồng Tâm dưới góc nhìn của một người bình thường như vậy.

1. Đất Đồng Tâm thực sự là của ai? 

Để trả lời câu hỏi này, bạn phải tìm hiểu về lịch sử vùng đất này cũng như toàn bộ lịch sử tranh chấp giữa nhà nước và dân xung quanh nó. Đây là một việc khó và mất thời gian. Tuy nhiên, như đã nêu trên, bạn không cần phải biết chính xác đất này của ai thì mới có thể lên tiếng về vụ tấn công của công an vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm (đêm mùng 8, rạng sáng mùng 9/1/2020); đó là một chuyện hoàn toàn khác.

Xin nhắc lại, vấn đề tranh chấp đất ở khu vực cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) và vụ tấn công của công an vào khu dân cư thôn Hoành (cũng xã Đồng Tâm) là hai vụ việc có bản chất pháp lý khác nhau, dù có liên quan với nhau nhưng phải được xem xét một cách độc lập về mặt pháp lý.

2. Nhưng theo hiến pháp và luật pháp Việt Nam hiện hành, toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, đúng không?

Đúng vậy. Điều 53 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Điều 4, Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Tuy vậy, ngay cả giới chuyên gia luật cũng nghi ngờ tính hợp lý của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Nhưng đó là một việc khác và sẽ được bàn trong một dịp khác.

3. Nếu vậy, khi nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất mà công dân không chấp hành thì công an có quyền cưỡng chế đất? 

Theo luật hiện hành thì đúng vậy, nhưng vụ tấn công ngày 9/1/2020 không phải là cưỡng chế đất. Nếu là cưỡng chế đất thì phải tiến hành trên khu vực đất tranh chấp ở đồng Sênh, chứ không phải trên khu dân cư ở thôn Hoành như đã diễn ra trên thực tế.

Ngay cả khi là cưỡng chế đất, thì vụ việc cũng phải theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Liệu cưỡng chế đất vào nửa đêm về sáng có phải là một trình tự hợp lý hay không? Phương pháp cưỡng chế này gần với một hoạt động quản lý hành chính của nhà nước hay gần với một cuộc tập kích tiêu diệt kẻ thù hơn?

Nhưng ngay cả luật hiện hành cũng rất có thể không hợp lý. Bản chất tranh chấp tài sản (trong đó có đất đai, hay quyền sử dụng đất) là tranh chấp dân sự, lẽ ra nên được giải quyết theo cơ chế hòa giải, trọng tài hoặc tòa án dân sự độc lập. Sau khi đã có phán quyết của tòa rồi, nếu dân Đồng Tâm thua, thì lúc đó mới đến lượt cơ quan thi hành án vào cuộc để thu hồi tài sản, trong đó có cả biện pháp cưỡng chế.

Liệu có nên giải quyết tranh chấp dân sự bằng quyết định hành chính hay không? Ở đây, cơ quan hành chính vừa là một bên tranh chấp, vừa là bên thanh tra tính đúng sai của vụ việc, lại vừa là bên cưỡng chế thu hồi, thì tức là vừa đá bóng, vừa thổi còi.

4. Ông Lê Đình Kình được coi như thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm, và vì thế có thể coi ông như “đối tượng cầm đầu nhóm chống đối”. Vậy, tiêu diệt một đối tượng chống đối thì có gì sai?

Nếu dùng logic này, bất kỳ ai chống đối nhà nước đều có thể bị tiêu diệt.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long chống đối đến cùng các bản án mà họ cho là oan sai. Như vậy công an cũng nên tiêu diệt họ luôn? (Những người này về sau đều được giải oan).

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải biểu tình ròng rã từ năm này qua năm khác để phản đối các bản án của tòa, cũng nên bị tiêu diệt nốt?

Vào những năm bao cấp, những ai phản đối kinh tế kế hoạch, đòi làm ăn theo cơ chế thị trường, hẳn cũng thuộc diện nên bị tiêu diệt?

Lần lại xa hơn trong lịch sử, những ai chống đối việc đấu tố, tiêu diệt địa chủ trong Cải cách Ruộng đất cũng nên bị tiêu diệt luôn?

Nếu dùng logic này, ta phải dựa trên hai giả định: Nhà nước luôn đúng, và hành vi chống đối luôn luôn gây ra mối nguy hiểm tức thì, tới mức phải tiêu diệt để ngăn chặn một thiệt hại lớn hơn cho xã hội.

Bạn có chắc hai giả định này luôn đúng hay không? Nếu đúng, ông Lê Đình Kình đáng bị tiêu diệt. Nếu không, toàn bộ logic của lập luận trên sẽ bị phá sản.

5. Nếu nói vậy thì khi nào chính quyền mới được quyền dùng vũ lực tiêu diệt một công dân?

Theo lẽ thường, mọi người đều có quyền sống. Chính quyền chỉ có thể tiêu diệt công dân trong hai trường hợp: Công dân bị tuyên án tử hình, và công dân đang tạo ra một mối nguy hiểm cận kề đủ lớn để chính quyền phải tiêu diệt. Xin lưu ý, mối nguy hiểm này phải đủ lớn và phải cận kề thì mới phải tiêu diệt. Nguy hiểm đủ lớn nhưng không cận kề thì cũng không cần phải tiêu diệt. Ví dụ: Công dân cầm chai bia vỡ đi giữa phố vắng người và nói đến nhà tổ trưởng giết, thì chỉ cần khống chế và cách ly đối tượng là đủ.

Chưa từng có tòa án nào kết tội ông Lê Đình Kình vì bất cứ tội gì, chứ chưa nói đến án tử hình. Giết người mà không có bản án được gọi là “giết người vô luật” (extrajudicial killing) [1], vốn là hành vi phạm tội và vi phạm các chuẩn mực nhân quyền căn bản nhất.

Ông Lê Đình Kình có gây ra mối nguy hiểm nào đủ lớn và cận kề để cần phải bị tiêu diệt hay không?

Ở bất kỳ quốc gia nào thì quân đội và công an cũng được mặc định là hai lực lượng duy nhất trong xã hội có quyền sử dụng vũ khí và vũ lực để cưỡng bức khi cần; nói cách khác, họ có tính chính danh để sử dụng vũ khí và vũ lực. Vì thế, quân đội và công an có sức mạnh, và ở họ tiềm ẩn khả năng lạm quyền rất cao. Bởi vậy cho nên luật pháp của mọi quốc gia đều có quy định về việc sử dụng bạo lực, sử dụng vũ khí để ngăn ngừa lực lượng chấp pháp lạm dụng vũ lực.

Khoản 2, Điều 22 của Luật Quản lý, Sử dụng Vũ khí, Vật liệu nổ và Công cụ Hỗ trợ quy định “chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo”. Trong vụ tấn công ở Đồng Tâm, chưa rõ liệu các lực lượng công quyền đã phát đi cảnh báo hay chưa, hoặc liệu có phải người dân địa phương đã không chịu tuân thủ. Tuy nhiên, xét bối cảnh một vụ đụng độ mà trong đó chỉ có vài chục nông dân đối đầu với lực lượng công an có vũ trang, có loa phóng thanh, có thế chủ động (tấn công giữa đêm), thật khó có thể nói rằng “không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng”.

Các chuẩn mực về nhân quyền trên toàn thế giới cũng có những quy định để ngăn việc lực lượng chấp pháp sử dụng vũ lực vượt quá mức cho phép [2]. Bản chất vụ Đồng Tâm là lực lượng công an có vũ trang tấn công một mục tiêu dân sự vào ban đêm. Căn cứ vào đó, khả năng rất cao là công an Việt Nam đã đi quá giới hạn trong vụ tấn công vào Đồng Tâm.

6. Theo công an, dân làng Đồng Tâm, nhất là gia đình ông Lê Đình Kình, có tàng trữ vũ khí. Nếu công an không ra tay tấn công và ngăn chặn trước, những người này đem vũ khí đi làm điều ác, ví dụ khủng bố, thì sao?

Trước hết, phải làm rõ, mọi thứ đều có thể là vũ khí giết người (bom, súng, dao, kiếm, côn, kéo, dây thừng, máy tính xách tay, v.v.). Đó có thể là những vật dụng thông thường.

Trên thực tế, trong vụ Đồng Tâm, chỉ sau khi đã khống chế toàn bộ dân làng, công an mới bắt đầu thu gom “vũ khí” của dân Đồng Tâm để làm bằng chứng về tội tàng trữ vũ khí và công bố hình ảnh lên trang web của Bộ Công an vào buổi sáng hôm sau. Rất nhiều trong số “vũ khí” đó chỉ là gạch đá, dao kéo đồ dùng trong nhà, bình gas, nghĩa là khó mà được coi là vũ khí được tàng trữ từ trước với động cơ xấu.

Như đã nói ở trên, việc công an thi hành pháp luật luôn phải theo đúng thủ tục, quy trình, trình tự pháp lý, hay còn gọi là theo đúng chuẩn mực tố tụng (due process).

Để tấn công một mục tiêu (dân sự) như Đồng Tâm, công an phải có đầy đủ bằng chứng về việc đối phương có tàng trữ vũ khí từ trước, bằng chứng này lại phải được thu nhận một cách hợp lệ, đúng chuẩn.

Rồi để tấn công mục tiêu, công an cũng phải thực hiện theo đúng quy trình, có cảnh báo từ trước, có cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố, điều kiện, hoàn cảnh liên quan trước khi có thể nổ súng. Nôm na là, ngay cả khi phát hiện một bọn khủng bố đang bắt cóc con tin chẳng hạn, công an cũng phải tiến hành vây hãm, gọi loa thuyết phục đầu hàng, thương lượng… rất lâu mới có thể tấn công.

Ngoài ra, tất cả mọi người đều có quyền được sống, đi cùng với quyền tự vệ chính đáng. Nếu bị đe dọa, bị cướp xông vào nhà lúc nửa đêm chẳng hạn, mọi người đều có quyền chống trả bằng bất cứ phương tiện gì mà họ có được.

7. Nhưng dân Đồng Tâm đã đe dọa trước. Chính họ làm các clip tuyên bố sẽ tấn công công an, và đăng tải lên mạng. “Chúng tôi hứa không diệt từ 300 đến 500 thằng chúng tôi sẽ không nhìn thấy đồng bào cả nước nữa. Lần này chúng quyết giết tôi thì chúng cũng phải nổ tan xác. Đấy là một cái quyết tâm của người Đồng Tâm chúng tôi”. Vậy công an chủ động tấn công họ trước thì có phải là tự vệ chính đáng không?

Nếu có người nói “mấy người hỏi linh tinh quá, hỏi nữa là đập chết đấy”, bạn có mang súng đến nhà họ bắn trước để “tự vệ” không?

Họ nói – rất có thể chỉ là “chém gió” hoặc gồng lên để dằn mặt đối phương trước – rằng họ sẽ diệt “từ 300 đến 500 thằng”, công an bèn đem một số lớn quân có vũ trang, kéo vào làng ban đêm và nổ súng. Như thế có phải là công an tự vệ chính đáng?

Ở khía cạnh ngược lại, nếu có kẻ ban đêm kéo một đoàn rầm rập vào nhà bạn (mà không được mời), bạn có quyền tự vệ chính đáng, chống trả bằng bất cứ phương tiện gì.

8. Trong vụ Đồng Tâm, công an không phải kẻ trộm, kẻ cướp. Đây là họ đang thi hành công vụ; công vụ đó có thể là cưỡng chế đất đai, tiêu diệt tội phạm…

Là công vụ thì cũng phải chính đáng, nếu không muốn nói là càng là công vụ, càng phải chính đáng. Việc cưỡng chế đất đai trong trường hợp này là không chính đáng (thực hiện ban đêm, ngoài giờ hành chính, vi phạm Luật Đất đai). Nói là để tiêu diệt tội phạm thì càng không đúng vì đã xác định được tội phạm đâu mà đã tấn công người ta? (Bạn hãy so sánh vụ tấn công của công an vào Đồng Tâm với vụ truy sát Tuấn khỉ – nghi phạm giết người trốn truy nã. Trường hợp tấn công nào là chính đáng?)

9. Theo bản kết luận điều tra của công an thì phía dân Đồng Tâm, nhất là người nhà ông Lê Đình Kình, đã sát hại ba chiến sĩ công an rất dã man. Thậm chí đốt công an xong còn nói “thơm nhỉ?”. Đó là tội ác, phải nghiêm trị.

Công an là bên tấn công. Công an là bên bắt giam người, thẩm vấn lấy cung, thu gom bằng chứng, quản lý hiện trường, lập kết luận điều tra… Toàn bộ quá trình, chỉ do công an thực hiện, không có sự chứng kiến của bất cứ một bên thứ ba độc lập nào. Theo bạn, trong trường hợp ấy, công an có khách quan không? Lấy gì bảo đảm công an khách quan?

Bạn cũng đừng quên là toàn bộ gia đình ông Lê Đình Kình đã bị bắt đi mất tích ngay trong đêm xảy ra vụ tấn công Đồng Tâm. Sau đó, họ mới được thả dần, và lại cũng có những người khác tiếp tục bị bắt. Đến ngày 9/6/2020, tròn 5 tháng sau vụ tấn công, tổng cộng có 29 người đã bị bắt giam, không ai được tiếp cận với họ (ngoài công an). Trong số này, một vài người đã “lên tivi” nhận tội (bản tin Thời sự 19h của VTV tối 13/01/2020), với gương mặt sưng vù, bầm tím – dấu hiệu của tra tấn. Bạn nghĩ những người đang ở trong tay công an có thể nói khác ý công an không?

Và bạn nghĩ, với những điều kiện làm việc như thế, được ưu đãi tuyệt đối trong quá trình điều tra như thế, công an có đủ “năng lực” để dựng lên cả một câu chuyện, thậm chí cả câu nói “thơm nhỉ?” kia không?

Đó là lý do vì sao trong những vụ việc mà chính công an là một bên tham gia xung đột (thậm chí có dấu hiệu phạm tội) như thế này, phải có điều tra độc lập của bên thứ ba để bảo đảm lẽ công bằng.

_____

Chú thích:

[1] Định nghĩa trong Luật Bảo vệ các nạn nhân của tra tấn (Torture Victim Protection Act), Quốc hội Hoa Kỳ ban hành năm 1991, và “Sổ tay LHQ về ngăn chặn và điều tra tội hành quyết vô luật, tùy tiện, cẩu thả” (UN Manual on the Effective Prevention and Investigation of Extra-legal, Arbitrary and Summary Executions), cùng năm 1991.

[2] “International Human Rights Standards for Law Enforcement” và mục 18, Bình luận chung của Ủy ban Nhân quyền LHQ về Điều 6 ICCPR.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. nt: NĐK

    Có thể rất lâu nữa chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lịch sử của sự kiện Đồng Tâm.
    Toàn bộ sự kiện gồm cả phiên tòa và bản án tòa Hà Nội sắp tuyên, cũng như phiên tòa và bản án cuối cùng sau này, sẽ lột trần bản chất phản động, bất lương, man rợ của chế độ hiện hành.

    Người ta sẽ thấy rõ hơn bao giờ hết, chế độ hiện hành chỉ là một đám tà quyền phản động, mượn tòa án, cảnh sát, quân đội để đàn áp man rợ những người dân thấp cổ bé họng.

    Người ta sẽ thấy rõ hơn bao giờ hết, từng người dân và mọi người dân sống dưới chế độ này, hết thảy không ai được an toàn, cả tài sản lẫn tính mạng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu họ đều có thể bị biến thành những cụ Kình, ông Hiểu. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chỉ cần chính quyền muốn, chỉ cần đám lợi ích thân hữu muốn, đất đai, tài sản và cả tính mạng của họ có thể bị cướp bóc, bị tước đoạt trắng trợn.

    Có cố hủy hoại luật pháp, cố chà đạp lên công lý cũng không thể hơn được những gì mà chính quyền này đã và đang làm với người dân Đồng Tâm.

    Có cố vạch trần bộ mặt trơ trẽn, vô sỉ của chế độ hiện hành (cùng đám ký sinh trùng của nó), cũng không thể nào bằng những gì chúng đang phơi bày ra ở phiên tòa, ở những tờ báo đồng thanh cùng một giọng “lưỡi gỗ” trong những ngày qua.

    Phiên tòa, bản án và những bài báo đồng ca trên hệ thống báo chí nhà nước những ngày qua sẽ chính là bằng chứng hùng hồn, là lời tố cáo đanh thép nhất mà chế độ hiện hành đang tự tay gửi đến tương lai.
    Thế hệ con cháu tương lai sẽ thấy đất nước chúng ta đã từng phải quằn quại trong ách thống trị của một chế độ phản động hại nước, hại dân như thế nào.

    Thế hệ con cháu tương lai sẽ thấy dân tộc chúng ta đã từng có những chương đen tối, phải chịu ách cai trị của một chế độ bất lương, man rợ đến cùng cực ra sao.

    Vậy nên, hãy cứ kết án bằng tất cả sự tàn ác, bất lương, man rợ của các người đi. Bản án đó sẽ chính là bản án cho các người, cho chế độ của các người đấy.

    NGUỒN MẠNG

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  3. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  4. Học giả: Bùi Chí Vinh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn Mạng.

  5. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng.

  6. Nếu bài viết chỉ dừng ở ý kiến chủ quan, chưa phải lời giải đáp cuối cùng thì ok, chứ nếu tự nhận là lời giải đáp thì đi vào chi tiết có những nội dung nêu ra chưa chuẩn. Ví dụ điểm 3. Nếu vậy, khi nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất mà công dân không chấp hành thì công an có quyền cưỡng chế đất? Theo tôi đặt dấu hỏi là không phù hợp, mà muốn đặc câu hỏi thì ít nhất cuối câu phải thêm chữ không: „ …có quyền cưỡng chế đất không?“. Và câu trả lời đầu tôi cũng thấy chưa ổn: Trích: „Theo luật hiện hành thì đúng vậy“, dù sau đó có nói khác đi. Chỉ có thể nói là nếu Nhà nước ra quyết định thu hồi đúng pháp luật và đã bảo đảm đầy đủ các quyền pháp luật cho người bị thu hồi thì sau đó mới có thể tính tới việc „cưỡng chế“! Và khi cưỡng chế là chính quyền nói chung, chứ không có quy định chỉ có công an mới là lực lượng cưỡng chế. Câu 4 tôi cũng thấy có vấn đề (từ dấu hỏi cũng không phù hợp): Trích: „Nếu dùng logic này, bất kỳ ai chống đối nhà nước đều có thể bị tiêu diệt.“. Xin nhớ ông Kình và dân Đồng Tâm không ai tuyên bố chống đối Nhà nước mà họ chỉ dọa tiêu diệt ai xâm chiếm đất của họ (Dủ chém gió nói khá kinh) – và đó là điều quyết định không thể quy cho họ tội khủng bố hay nhẹ hơn là tội chống đối Nhà nước khi cách làm của Nhà nước trong vụ này lí lẽ chưa thuyết phục vì chỉ nghe Thanh tra chính phủ và như thế đã không theo thông lệ tiến bộ Quốc tế là qua xét xử Tòa án.

    • Điều 53 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hay thấp hơn là Điều 4, Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này …” và thực tế xảy ra bao năm nay sau Hiến định và luật lệ cho thấy 1 thực trạng là CHỦ SỞ HỮU THỰC TẾ KHÔNG VIỆN ĐƯỢC QUYỀN CỦA MÌNH MÀ DUY NHẤT NHÀ NƯỚC TOÀN QUYỀN. Tôi cho đó là thất bại của 1 điều khoản Hiến pháp, không tuân thủ cách làm thông lệ Hiến pháp, pháp luật quốc tế, dẫn tới sự bế tắc rất lớn hiện nay. Nếu nhìn lại Bản Hiến pháp 1946 – khi Việt Nam Nam còn tuân theo cách làm chung tiến bộ đã quy định tại Điều 12 „Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm.“ – thì dân đần đến năm 1992 đã đi chệch khỏi đường ray nhân loại và đột nhiên quy định: „Điều 17 Hiến pháp năm 1992 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.“ Và tiếp tục cho tới nay.Và ngắn gọn 1 sự thất bại của Hiến pháp và không chịu sửa mà cứ duy trì hết năm này qua năm khác cho thấy yếu kém của việc lập hiến nói riêng và pháp luật nói chung của 1 quốc gia!

  7. Công an huy động lực lượng lớn, tức là đã có kế hoạch từ trước. Để chứng minh tính đúng đắn của kế hoạch tấn công mang tính tiêu diệt này, công an phải đưa ra được các bằng chứng thuyết phục, và đầy đủ về pháp lý, để mở ra cuộc tấn công theo quy định của pháp luật nào. Lưu ý tất cả những chứng cứ phải được thu thập trước khi xảy ra cuộc tấn công, tức là, đó là những lý do để công an quyết định tấn công vũ lực tiêu diệt đối tượng Lê Đình Kình. Tóm lại, công an dựa vào đâu để mở cuộc tấn công đẫm máu này.

Leave a Reply to 1 suy nghĩ nhỏ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây