Sân golf Phan Thiết: Những kẻ không vì nhân dân

Phan Bình Minh

12-6-2020

Hiến pháp 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, hiệu lực thực hiện ngày 01/01/2014, có điều mới để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, là Điều 59.3 “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”. (kế thừa và làm rõ hơn các Hiến pháp trước đó).

Chính vì “chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” mà trong các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, bất động sản, Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội được quy định cụ thể bằng bằng Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (từ tháng 12/2013 về trước là Nghị định số 188/2013/NĐ-CP) [1].

Theo đó, nhà ở xã hội được tạo lập với tất cả các ưu đãi đầu tư của nhà nước để có chi phí thấp nhất, từ đó sẽ bán, cho thuê với giá thấp nhất cho những đối tượng chính sách, đối tượng thu nhập thấp, không có khả năng mua nhà theo giá thị trường. Với mục tiêu nhân văn, cao cả là làm sao để mọi người đều có nhà ở, xã hội ổn định. Ông cha từng nói “an cư lạc nghiệp”!

Tuy nhiên, có những kẻ lại không vì nhân dân, gồm đại gia và quan chức bắt tay thành nhóm lợi ích đã cướp đi cơ hội được bình đẳng, có nhà ở của người nghèo. Những kẻ này lại nhân danh của “đảng”, nhân danh “chính” quyền, nhân danh “anh hùng”, đẩy người nghèo đi chỗ khác để lấy đất bán với giá cao nhằm chiếm đoạt tiền làm của riêng. Dẫn chứng cụ thể ở đây là Dự án Sân golf Phan Thiết: Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và Anh hùng lao động (AHLĐ) Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông, đã đồng lõa chuyển 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đi nơi khác, lấy đất này bán giá cao, thu lợi nhuận khủng.

1. Dự án Sân golf Phan Thiết

Sân golf Phan Thiết có tên gọi chính thức là Ocean Dunes được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư – cấp phép năm 1993. Tổng diện tích sân golf và các công trình kèm theo là 620.656m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm. Sân golf nằm ở trung tâm thành phố Phan Thiết trở thành kho vàng, AHLĐ Nguyễn Văn Đông và một số quan chức tỉnh Bình Thuận âm mưu xẻ thịt Sân golf Phan Thiết để phân lô bán nền.

Đó là, tháng 11 năm 2013, Công ty Cổ phần Rạng Đông của Nguyễn Văn Đông nhận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ doanh nghiệp sân golf, sau đó CHẠY từ Tỉnh đến Chính phủ để rút quy hoạch sân golf Phan Thiết ra khỏi hệ thống quy hoạch sân golf Việt Nam, và CHẠY chuyển mục đích sử dụng đất sân golf từ đất thể dục thể thao thành đất ở đô thị để phân lô bán nền.

Rõ ràng AHLĐ Nguyễn Văn Đông được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận quá ưu ái khi giao hơn 62 ha đất vàng để kinh doanh bất động sản mà không phải đấu giá, được tính giá đất quá thấp, chưa bằng 25% giá nhà nước, đã tạo cơ hội cho băng nhóm chiếm đoạt giá trị tài nguyên đất với lãi ròng lên đên hơn 5.000 tỷ đồng, theo báo Nhân dân ngày 22/7/2014[2] (xem hình 1).

Hình 1: Tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đã tạo điều kiện cho AHLĐ Nguyễn Văn Đông thu lãi ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình báo Nhân Dân

Âm mưu xẻ thịt Sân golf Phan Thiết phân lô bán nền của AHLĐ Nguyễn Văn Đông cùng với sự đồng lõa của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã được nhiều dư luận liên tục phân tích và lên tiếng gần đây [3].

Tuy nhiên, chưa dừng ở đó, băng nhóm lợi ích này còn táng tận lương tâm đến mức: đẩy người nghèo đi chỗ khác, lấy quỹ đất nhà ở xã hội để bán giá cao hơn!

2. Âm mưu không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội

Theo Điều 6.2.a Nghị định 188/2013/NĐ-CP:

“2. Quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện như sau:

a) Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án)”. (Xem toàn văn [1])

Như vậy, theo quy hoạch hơn 62 ha đất sân golf, có 36,35 ha đất kinh doanh dịch vụ và đất ở, Rạng Đông phải dành ra 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, tức là 72.705 m2. Nếu Rạng Đông không có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội thì phải chuyển quỹ đất này cho UBND tỉnh Bình Thuận quản lý.

Tuy nhiên, theo đề xuất của AHLĐ Nguyễn Văn Đông, tỉnh Bình Thuận vận dụng Điều 6.2.a Nghị định 188/2013/NĐ-CP “chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao …”[1] để cho Rạng Đông nộp tiền và lấy 20% quỹ đất nhà ở xã hội kinh doanh theo giá thị trường.

Hình 2: Trích Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 bỏ đất nhà ở xã hội.

Trường hợp tỉnh Bình Thuận chấp nhận cho AHLĐ Nguyễn Văn Đông lấy đất nhà ở xã hội có ít nhất là hai nội dung không phù hợp:

1) Đối tượng áp dụng là dự án có quy mô dưới 10 ha, trong khi dự án Sân golf Phan Thiết hơn 62 ha.

2) Nếu có nộp tiền thì phải tính giá đất tại thời điểm chuyển giao, tức là đã đầu tư xong toàn bộ hạ tầng theo thiết kế phê duyệt, theo giá thị trường.

Nói là “âm mưu” không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án là có cơ sở. Bởi vì ngay từ giai đoạn thiết kế, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, UBND tỉnh Bình Thuận đã “quyết tâm” bỏ hẳn 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra ngoài dự án, cụ thể là Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 (xem hình 2) trước khi có ý kiến của Bộ Xây dựng ngày 24/4/2015.

Cho nên tỉnh Bình Thuận “đổ thừa” làm theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng là không đúng bản chất của “âm mưu” đã toan tính, thỏa hiệp trước. Mà ở đây, Bộ Xây dựng làm động tác “ba phải” giúp “hợp thức hóa âm mưu” của tỉnh Bình Thuận.

3. Nhóm lợi ích đã chiếm đoạt bao nhiêu tiền?

Để tính ra con số chính xác, chỉ có thể là cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư cung cấp số liệu pháp lý chi tiết. Ở đây dưới góc độ bài báo, chỉ khái toán mức độ thiệt hại dựa trên những thông tin công bố công khai.

1) Xác định tổng chi phí đầu tư

– Theo thông tin trên báo Nhân dân ngày 22/7/2014 [2] (hình 1) : tổng đầu tư dự án khoảng 2.100 tỷ, gồm: nộp thuế sử dụng đất 1.000 tỷ đồng, mua dự án hơn 400 tỷ đồng, làm hạ tầng giao thông hết 400 tỷ đồng, các chi phí khác 300 tỷ đồng… con số này chỉ để tham khảo.

– Theo thông tin chính thức Rạng Đông công bố báo chí vào năm 2016: tổng đầu tư dự án là 2.600 tỷ đồng [4].

Tổng mức đầu tư đã bao gồm toàn bộ chi phí đầu tư: xây lắp, thiết bị, đất đai, lãi vay, chi phí quản lý, chi phí tư vấn, các chi phí khác, kể cả dự phòng chi là 10%. Tổng mức đầu tư lập theo định mức quy định của nhà nước được cơ quan thuế, kiểm toán chấp nhận. Tổng mức đầu tư theo định mức nhà nước thường cao hơn so với tư nhân thực hiện; nếu đấu thầu nghiêm túc chi phí giảm còn 80%, nên tổng đầu tư thực tế dự án khoảng 2.080 tỷ đồng (tương đối phù hợp với số liệu báo Nhân dân đưa ra) .

Ở đây vẫn tính tổng mức đầu tư tối đa là 2.600 tỷ đồng, phân bổ đều cho tổng diện tích đất ở, kinh doanh là 363.534 m2. Như vậy quỹ đất nhà ở xã hội:

– Diện tích 20% x 363.534 m2 = 72.707m2

– Có tổng kinh phí đầu tư tối đa là 520 tỷ đồng.

2) Xác định giá trị 20% đất nhà ở xã hội

Theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP: sau khi đầu tư hạ tầng hoàn thiện theo đúng thiết kế khoảng cuối năm 2018 đầu năm 2019. Nếu Rạng Đông không đầu tư nhà ở xã hội thì phải chuyển cho UBND tỉnh Bình Thuận 20% là 72.707m2 quỹ đất làm nhà ở xã hội, đồng thời UBND tỉnh khấu trừ lại cho Rạng Đông tối đa là 520 tỷ đồng, gồm các chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất đã nộp.

Giả sử tỉnh Bình Thuận không đầu tư làm nhà ở xã hội, toàn bộ quỹ đất nhà ở xã hội này bán đấu giá theo thị trường giao dịch bất động sản vào đầu năm 2019: với giá thấp nhất là 40 triệu đồng/m2, khoảng 5,6 tỷ / lô 140 m2: Nhà nước sẽ thu về số tiền tối thiểu là: 40 triệu x 72.707 m2 = 2.908 tỷ đồng. Thực tế giá thị trường bất động sản vào đầu năm 2019 cao hơn nhiều, các lô đều trên 6 tỷ / lô, tham khảo hình 3[5].

3) Nhà nước thất thoát bao nhiêu?

Nếu tỉnh Bình Thuận đấu giá bán rẻ 20% quỹ đất nhà ở xã hội, doanh thu tối thiểu là 2.908 tỷ đồng, hoàn trả chi phí đầu tư và tiền sử dụng đất cho Rạng Đông 520 tỷ đồng, ngân sách tỉnh thu về ít nhất là 2.388 tỷ đồng.

Hình 3: Giá bất động sản Dự án Phố Biển Rạng Đông – OCEAN DUNES ngày 28/3/2019

Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận KHÔNG CHỌN phương thức đấu giá đất nhà ở xã hội để thu ngân sách tỉnh số tiền là 2.388 tỷ đồng, mà lại đồng ý để chủ đầu tư nộp số tiền 187,36 tỷ đồng. Tức là các “đồng chí” lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đã “trân trọng kính biếu” cho AHLĐ Nguyễn Văn Đông số tiền hơn 2.200 tỷ đồng.

Ngay học sinh lớp 1, cũng đã biết 2 số 187 và 2.388 số nào lớn hơn. Tuy nhiên, một số lãnh đạo, quan chức tỉnh Bình Thuận lại cố tình không biết, đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông rút ruột giá trị tài nguyên đất đai hơn 2.200 tỷ đồng, chỉ riêng trong 20% quỹ đất nhà ở xã hội.

Hỏi: các lãnh đạo, quan chức tỉnh Bình Thuận đồng ý cho Nguyễn Văn Đông chiếm đoạt tiền của nhà nước, họ có ngu không?. Trả lời: họ không có ngu! bởi Nguyễn Văn Đông không thể chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

4. Đây là nhóm lợi ích (?)

1) Những ai?

Liên quan tới việc không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án liên quan tới 2 văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 188/2013/NĐ-CP và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cùng với 2 nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Những người này là ai? (Xem hình 4)

Hình 4: Nhóm người quyết tâm “cách ly” người nghèo ra ngoài Dự án Phố Biển Rạng Đông để giao đất cho AHLĐ Nguyễn Văn Đông bán theo giá thị trường.

– Thứ nhất: Anh hùng lao động, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông Nguyễn Văn Đông, đề xuất chuyển đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án và nộp tiền mua lại.

– Thứ hai: Lãnh đạo thường vụ tỉnh ủy Huỳnh Văn Tý, Nguyễn Mạnh Hùng làm Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo thực hiện.

– Thứ ba: Lãnh đạo UBND tỉnh Lê Tiến Phương, Nguyễn Ngọc Hai làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức triển khai thực hiện và xác định số tiền phải nộp.

2) Đạo lý

Xem nội dung văn bản số 906/BXD-QLN, ngày 24/04/2015 của Bộ Xây dựng[6] có đoạn “UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị, do Dự án nằm tại khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, được thiết kế là khu du lịch biển cao cấp, hiện đại theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nếu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ có chênh lệch rất lớn, tạo ra phân tầng xã hội trực diện”., cho thấy lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Bình Thuận đồng ý cho AHLĐ Nguyễn Văn Đông đẩy người nghèo ra khỏi dự án đề chiếm đoạn toàn bộ đất nhà ở xã hội.

Như vậy: mục tiêu của đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm gì? mà “chính quyền nhân dân” tỉnh Bình Thuận kiến nghị đưa quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội ra ngoài dự án.

Quan điểm cách ly người nghèo khỏi người giàu, nhằm lấy đất bán giá cao hơn chỉ tồn tại trong các nhóm lợi ích, tư bản thân hữu. Lúc này lại hiện hữu trong những người lãnh đạo Đảng, chính quyền và đại diện cho nhân dân tỉnh Bình Thuận, theo sự “điều khiển” của AHLĐ Nguyễn Văn Đông!

Trong khi khu đất này trước kia là sình lầy của những người dân làng chài sinh sống bao đời, bị thu hồi đất giao cho nhà đầu tư nước ngoài làm sân golf, đến khi phát triển lại lấy sân golf làm khu đô thị cao cấp và “đuổi” người nghèo ra khỏi vùng dự án.

Tận cùng của sự đốn mạt!

Cả thế giới, chẳng có anh hùng nào mà lại phân biệt giàu nghèo, không có chính quyền nào cách ly người nghèo, ngoài tỉnh Bình Thuận – Việt Nam!

Những kẻ nhân danh “CHÍNH” quyền, nhân danh “ANH HÙNG” đã giẫm đạp lên Hiến pháp, tước bỏ quyền bình đẳng giữa con người với nhau.

3) Pháp lý

Hình 5: Trích Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai không bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Còn nói về pháp lý, thì đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra ngoài dự án để giao đất cho chủ đầu tư kinh doanh là hoàn toàn không đúng luật:

Thứ nhất: Chủ đầu tư chọn hình thức nộp tiền quỹ đất nhà ở xã hội chỉ dành cho dự án có quy mô dưới 10 ha. Trong khi dự án xẻ thịt Sân golf Phan Thiết hơn 62 ha.

Thứ hai: Tỉnh Bình Thuận cho rằng làm theo hướng dẫn văn bản số 906/BXD-QLN, ngày 24/04/2015 của Bộ Xây dựng; tuy nhiên trước đó 18 ngày ông Chủ tịch tỉnh Lê Tiến Phương đã ký Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 loại bỏ 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra ngoài thiết kế 1/500 của dự án (xem hình 2) .

Thứ ba: Cử nhân luật, luật sư, đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Đông[7] và những quan chức cấp cao của tỉnh Bình Thuận đều tốt nghiệp đại học và đào tạo về quản lý nhà nước phải hiểu là: một văn bản của Bộ không thể trái và cũng không thay thế Nghị định của Chính phủ được. Do đó văn bản số 906/BXD-QLN của Bộ Xây dựng là không có giá trị pháp lý bởi vì trái với Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

Thứ tư: Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015[1] thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, một lần nữa yêu cầu những dự án chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội thì “chủ đầu tư dự án đó có trách nhiệm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch để bố trí bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định …”.

Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2018, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ký Quyết định số 2631/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết vẫn không “bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội” (xem hình 5)

5. Cần lắm sự nghiêm minh của pháp luật

Một chính sách nhân văn trong quản lý vĩ mô là phát triển nhà ở xã hội trong các dự án bất động sản với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho đối tượng yếm thế trong xã hội nhằm bảo vệ Hiến pháp, quyền con người và sự bình đẳng, lại bị những kẻ nhân danh “chính” quyền, nhân danh “đảng” lãnh đạo, nhân danh “anh hùng của tỉnh Bình Thuận móc ngoặc với nhau âm mưu chiếm đoạt quỹ đất nhà ở xã hội.

Quan điểm người nghèo phải sống “cách ly” người giàu, lấy đất của người nghèo giao cho người giàu kinh doanh, cố tình lách luật làm thất thu ngân sách nhà nước hơn 2.200 tỷ đồng, hoàn toàn không phải là chủ trương của Đảng, cũng không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của nhà nước Việt Nam.

Chính những kẻ “nhân danh” này đã làm hoen ố hình ảnh của đảng cầm quyền, người dân cần lắm một sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ lòng tin với Đảng.

Sự nghiêm minh của pháp luật ở đây là không để cho nhóm lợi ích “nuốt không trôi mới chịu nhả ra”, mà cần phải thanh tra, điều tra làm rõ:

1) Trách nhiệm từng cá nhân trong âm mưu và hành vi lách luật chiếm đoạt tài nguyên đất đai, cụ thể là 20% quỹ đất nhà ở xã hội của người nghèo.

2) Số tiền nhóm lợi ích chiếm đoạt từ giá trị 20% quỹ đất nhà ở xã hội là hơn 2.200 tỷ đồng đã đi đâu, chia chác như thế nào và truy cứu theo Luật phòng chống tham nhũng.

3) Thu hồi toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt về cho ngân sách nhà nước, không để xảy ra chuyện đại gia “chạy” đàm phán khắc phục một phần hậu quả.

4) Những kẻ “nhân danh” quyền lực, danh hiệu cao qúy để cách ly người nghèo, lấy đất bán theo giá thị trường có còn xứng đáng với những chức vụ, danh hiệu?

Tóm lại: Chỉ có sự nghiêm minh của pháp luật mới lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của một Nhà nước pháp quyền, đồng thời thể hiện đúng cam kết của một Chính phủ minh bạch.

_____

Ghi chú

[1] Nghị định số 188/2013/NĐ-CP http://vbpl.vn/boxaydung/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=32622. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=92810&Keyword=100/2015/N%C4%90-CP

[2] Bất thường việc chuyển mục đích sử dụng đất sân gôn Phan Thiết – https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/23847502-%C2%A0bat-thuong-viec-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-san-gon-phan-thiet.html

[3] Chuyên mục “Sân golf Phan Thiết” 7 bài

https://baotiengdan.com/2020/05/27/san-golf-phan-thiet-bai-cuoi-cau-hoi-con-de-ngo/

https://vietnamthoibao.org/vntb-san-golf-phan-thiet-6b/

Tra Google từ khóa “Sân golf Phan Thiết

[4] Thâu tóm dự án từ tay tỷ phú Mỹ, đại gia Việt làm dự án nghìn tỷ tại Phan Thiết https://www.tienphong.vn/kinh-te-doanh-nghiep/thau-tom-du-an-tu-tay-ty-phu-my-dai-gia-viet-lam-du-an-nghin-ty-tai-phan-thiet-1058112.tpo

[5] Tham khảo https://www.facebook.com/BDSPHOBIEN/

Ngày 28/3/2019 https://www.facebook.com/BDSPHOBIEN/posts/2293679354283608

[6] Văn bản số 906/BXD-QLN, ngày 24/04/2015 của Bộ Xây dựng, V/v thực hiện nghĩa vụ điều tiết quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư khu đô thị: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Dau-tu/Cong-van-906-BXD-QLN-2015-dieu-tiet-quy-dat-xay-dung-nha-o-xa-hoi-phat-trien-nha-o-thuong-mai-273168.aspx

[7] Theo lý lịch của đại biểu quốc hội thì Nguyễn Văn Đông có “Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật, Luật sư” http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/danh-sach-dai-bieu.aspx?ItemID=1076

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả PBM.đã bỏ lọt tội phạm bởi vì không phải chỉ mấy kẻ ở Phan Thiết
    “không vì nhân dân” thôi đâu mà chính quan chức ở thượng tầng lãnh đạo
    cả nước khi bọn họ nhiều lần tuyên bố trắng trợn rằng thì là mà…quyền lợi
    của đảng mới là ưu tiên,trền hết,”đảng còn thì nước còn” một diễn ngôn
    phản dân tộc và đất nước chưa từng có trong lịch sử VN.

    • “Vứt mẹ cái khẩu hiệu
      Còn đảng là còn mình.
      Thế mai kia đảng chết,
      Không lẽ mày quyên sinh?” TBT

  2. Trong sách Ly Lâu Thượng,
    Mạnh Tử đã luận bàn
    Những dấu hiệu cho thấy
    Một chế độ sắp tàn.

    “Trên không có đạo lý,
    Dưới pháp luật bất minh.
    Vua chúa phạm luật nghĩa.
    Quan chức phạm luật hình”.

    Cứ theo đó mà xét,
    Thì Trung Quốc và ta
    Cái kết của chế độ
    Có vẻ cũng không xa. THÁI BÁ TÂN

  3. Tôi, người dân xin hỏi,
    Nhà nước quản thế nào
    Mà để chung nó cướp
    Và phá của đồng bào

    Đến nghìn nghìn, tỉ tỉ,
    Tỉ tỉ và nghìn nghìn.
    Dự án khủng đắp chiếu,
    Lines rồi Vinashin.

    Đổ xuống sống, xuống biển,
    Nhìn đây, cả núi tiền.
    Hơn mười hai nghìn tỉ
    Thằng gang thép Thái Nguyên.

    Thằng Ngân Hàng Xây Dựng –
    Chìn nghìn tỉ, thật kinh.
    Ba nghìn ba trăm tỉ
    Là thằng Trịnh Xuân Thanh.

    Vinalines tổng cộng,
    Đốt hết năm mươi nghìn.
    Còn tám mươi nghìn tỉ
    Là thằng Vinashin.

    Đến một đứa con nít,
    Huyền Như, chức trưởng phòng,
    Mà dễ dàng đút túi
    Những bốn nghìn tỉ đồng…

    Nhiều lắm, ôi nhiều lắm.
    Danh sách còn rất dài
    Những khoản chi bạt mạng,
    Xây trụ sở, tượng đài.

    Mỗi đồng dân đóng thuế –
    Giọt mồ hôi nhọc nhằn.
    Nhà nước lãng phí thế
    Là có tội với dân.

    Tỉnh lại, mau tỉnh lại.
    Hãy diệt bọn quan tham.
    Xét mình không làm được
    Thì để người khác làm. THÁI BÁ TÂN

Leave a Reply to TÔI, NGƯỜI DÂN, XIN HỎI Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây