Quyền lực đó là phương tiện để chính quyền phục vụ dân chúng

Dương Tú

30-5-2020

Việc Báo Phụ Nữ TPHCM dành tới 5 trang báo in để phản biện quyết định của Cục Báo chí xử phạt hành chính báo này 55 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trang điện tử trong thời hạn 1 tháng đương nhiên rất đáng ủng hộ và hoan nghênh khi đây dường như là chuyện chưa từng có tiền lệ trong làng báo Việt Nam dù việc phản biện như vậy hoàn toàn là quyền chính đáng và hợp pháp của báo chí.

Đáng chú ý là trong các căn cứ để Cục Báo chí ban hành quyết định xử phạt Báo Phụ Nữ, không hề có bất cứ yêu cầu hay đề nghị nào từ Sun Group, bên được cho là bị thiệt hại. Điều này có nghĩa rằng Cục Báo chí đã tự trao cho mình quyền lực của tòa án, chủ động soi mói từng lỗi trong mỗi bài báo rồi cứ thế xử phạt báo chí, bất kể đó có thực sự là sai sót không, có ai bị ảnh hưởng hay thiệt hại không và thiệt hại đó có chứng minh được không. Đọc các ý kiến của Cục Báo chí trong buổi làm việc với Báo Phụ Nữ TPHCM mới thấy Cục này chẳng khác gì công an đang thẩm vấn tờ báo, lại vừa là luật sư bào chữa cho Sun Group, đồng thời là quan tòa xét xử vi phạm của Báo Phụ Nữ TPHCM.

Cách làm này của Cục Báo chí không khác nào hành động tự biến mình thành công cụ phục vụ các tập đoàn và các nhóm lợi ích, trong khi cách hành xử văn minh phải là bên nào cho rằng bị thiệt hại do thông tin trên một tờ báo cần khởi kiện tờ báo đó ra tòa. Chuyện đúng sai phải được tranh tụng công khai trước tòa và chỉ tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng chứ không phải Cục Báo chí. Tương tự, Báo Phụ Nữ TPHCM cũng có quyền và nên khởi kiện quyết định xử phạt của Cục Báo chí ra tòa để có cơ hội tranh tụng và bảo vệ mình công khai trước tòa án.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Báo chí, người được cho là đã ra lệnh xử phạt Báo Phụ Nữ. Ảnh: internet

Tuy đáng ủng hộ và hoan nghênh, 5 trang phản biện của Báo Phụ Nữ TPHCM sẽ còn giá trị hơn nếu ngay bên cạnh đó báo này không đăng kèm một bài xã luận với hơn một nửa nội dung viện dẫn đủ các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ môi trường để che chắn cho loạt bài viết bị xử phạt và hành động phản biện của mình. Có hai lý do cho nhận định này. Thứ nhất, các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của các cơ quan Đảng không phải văn bản quy phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý như các văn bản do Quốc hội hay Chính phủ ban hành. Thứ hai, khi tờ báo làm một việc mà họ cho là đúng và hợp pháp, tính chất đúng và hợp pháp đó thể hiện qua bản thân hành động của tờ báo chứ không cần tổ chức nào che chắn.

Ảnh: Báo PN

Cách nhìn này rất có thể bị xem là khắt khe trong hoàn cảnh Việt Nam, nhưng xét một cách lý tính, những ai đàng hoàng, kiêu hãnh, tự tin về hành động của mình, hiểu rõ quyền của mình không cần phải núp sau lưng bất kì cá nhân hay tổ chức nào để làm một việc mà bản thân họ cho là đúng đắn và hợp pháp.

Điều này có lẽ không ít thì nhiều liên quan đến tâm thế thần dân và não trạng xin cho của rất nhiều người. Biểu hiện điển hình về tâm thế quỵ lụy của một thần dân dưới chế độ phong kiến chứ không phải của một công dân trong chế độ dân chủ và não trạng xin cho gần như luôn xuất hiện một cách vô thức và tự động bất kể khi nào một ai đó viết đơn từ. Có thể nói một cách không mấy dè dặt rằng bất kì ai trong chúng ta khi viết đơn từ đều đã từng bắt đầu với hai chữ “ĐƠN XIN” mà hoàn toàn không để ý đến nội hàm xin xỏ của nó: từ xin việc, xin nghỉ học, xin nghỉ phép, xin thôi việc, xin cấp sổ đỏ, xin đổi bằng lái xe, xin cấp thẻ căn cước công dân, xin sửa nhà, xin chuyển hộ khẩu, xin ân giảm án tử hình, xin giải quyết khiếu nại, xin trả tài sản bị tịch thu bất hợp pháp…

Khi ta xin xỏ một ai khác điều gì đó, người ta có quyền cho hay không cho, có quyền ban phát hay không, và nếu được họ cho hay ban phát, ta buộc phải hàm ơn và mắc nợ họ. Quan hệ hành chính trong một xã hội dân chủ, văn minh hoàn toàn khác: công dân không bao giờ phải đi xin mà có quyền yêu cầu, đề nghị các cơ quan công quyền xử lý bất kì việc gì trong thẩm quyền của họ và họ buộc phải giải quyết theo đúng quy định của pháp luật chứ không hề có quyền cho hay ban phát cái gì giống như tài sản cá nhân của họ. Thật vậy, trong mối quan hệ này, hai bên bình đẳng và tôn trọng nhau chứ không bên nào phải quỵ lụy, xin xỏ bên kia, cũng không bên nào có quyền ban phát ơn huệ dưới lớp vỏ bọc giả dối “công bộc” hay “đầy tớ” của dân.

Lý do rất giản dị: thẩm quyền của mọi nhân viên công quyền, từ cấp thấp nhất cho đến nguyên thủ quốc gia, hoàn toàn do người dân ban trao chứ không phải tự nhiên mà có, lại càng không tồn tại vĩnh viễn. Quyền lực đó là phương tiện để chính quyền phục vụ dân chúng và người dân có thể thu hồi quyền lực đã ban trao nếu chính quyền phục vụ không tốt, không đáp ứng được kỳ vọng của dân.

Bởi vậy, khi viết bất cứ đơn từ nào trong mối quan hệ hành chính giữa công dân với cơ quan công quyền, giữa cá nhân với tổ chức, trong mọi trường hợp, ta đều có thể thay “ĐƠN XIN” bằng “ĐƠN ĐỀ NGHỊ” hay “ĐƠN YÊU CẦU”, từ đề nghị ứng tuyển, đề nghị nghỉ học, đề nghị nghỉ phép, đề nghị thôi việc, đề nghị cấp sổ đỏ, đề nghị đổi bằng lái xe, đề nghị cấp thẻ căn cước công dân, đề nghị sửa nhà, đề nghị chuyển hộ khẩu, đề nghị ân giảm án tử hình đến yêu cầu giải quyết khiếu nại, yêu cầu trả tài sản bị tịch thu bất hợp pháp…

Ngay cả một nhà nước dân chủ nhất, kiến tạo nhất cũng sẽ nhanh chóng tha hóa thành nhà nước cai trị khi con người tự coi mình là thần dân chứ không phải công dân của nó.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. nhin thang cuc truong nay la mot thang con nit ranh. o mot xu doc tai thi thang ngu nao cung co the co quyen . chuyen dai xhcnvn la nhung chuyen cuoi ra nuoc mat. Cung boi thang dan ngu qua lon,cho nen lu khi? moi lam quan.

  2. Câu đầu đề bài báo là nghĩa tích cực của người sử dụng quyền lực, tuy nhiên thực tế thì những con người đó hầu hết dẫn đến tha hóa khi quyền lực của ho không ai kiểm soát hay không kiểm soát nổi và điều đó đã được chứng minh suốt chiều dài lịch sử nhân loại – và đang xảy ra ở Việt Nam ở rất nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Ở đây tờ báo đã dám động chạm đến những người có quyền lực và lúc này Sun Group chả việc gì ra mặt – vì bình thường kẻ giàu có thể hợm hĩnh khoe của, chứ không có khả năng dọa dẫm ai vô lý. Còn tất nhiên họ có quyền kiện, nhưng khi 1 vụ việc dư luận ủng hộ báo thì tòa án dù có ăn hối lộ cũng không dễ ủng hộ xử thắng cho Sun Group. Đúng là Báo phụ nữ chỉ có cách hiệu quả nhất là tiếp tục dựa dư luận, chứ kiện hành chính quyết định của Cục báo chí xem ra nhìn thấy kết quả trước là „thua là chủ yếu“. Và nhân đây cũng cần nhắc lại vị trí của Việt Nam trong thang bảng tự do báo chí được Tổ chức Quốc tế xếp là 176/180 thì việc Cục báo chí phạt xem ra cũng phù hợp với đánh giá đó.

  3. Hỡi lương tri dân chúng
    Đừng vô cảm, thờ ơ
    Thấy bất công, sai trái
    Đừng nhắm mắt làm ngơ…

    Rồi một ngày, gần lắm
    Bạn- làm dê tế thần
    Ai là người bênh vực
    Bạn- cũng sẽ thiệt thân Đoàn Bảo Châu

  4. Hỡi lương tri dân chúng
    Đừng vô cảm, thờ ơ
    Thấy bất công, sai trái
    Đừng nhắm mắt làm ngơ…

    Rồi một ngày, gần lắm
    Bạn- làm dê tế thần
    Ai là người bênh vực
    Bạn- cũng sẽ thiệt thân Đoàn Bảo Châu

  5. Gần sáu trăm năm trước,
    Buồn, Nguyễn Trãi Tiên Sinh
    Thốt lên câu ai oán
    Nói về cuộc đời mình:

    Rằng “Nhân Sinh Thức Tự
    Đa Ưu Hoạn”. Tiếc thay,
    Câu thán của Nguyễn Trãi
    Vẫn đúng đến ngày nay.

    Người mà có nhiều chữ,
    Có đức và có tài,
    Sẽ gặp nhiều hoạn nạn,
    Ưu lo và oan sai.

    Chẳng trách các cụ dạy:
    “Ngu si hưởng thái bình”.
    Không quan tâm, không biết
    Về thế thái nhân tình.

    Tuy nhiên, như loài vật,
    Những kẻ ấy ngu si,
    Bị đưa vào vào lò mổ
    Mà không hay biết gì. THÁI BÁ TÂN

  6. Không có internet,
    Đất nước sẽ “yên hòa”.
    Đó cũng là mong muốn
    Của lãnh đạo nước ta.

    Không có internet,
    Mọi chuyện sẽ ô-kê –
    Không nhiễm độc thực phẩm,
    Không sưu thuế nặng nề.

    Không có chuyện cướp đất
    Của những người dân oan.
    Lại càng không hề có
    Mãi lộ ngành công an.

    Thậm chí sẽ không có
    Biểu tình vì Trường Sa.
    Chắc chắn cũng không có
    Cả thằng Formosa.

    Không có internet,
    Không có chuyện quan ta
    Tham nhũng hàng trăm tỉ,
    Xây lâu đài nguy nga.

    Tất nhiên cũng không có
    Những phát biểu dở hơi
    Và quan vẫn mãi mãi
    Là tấm gương sáng ngời…

    Không có internet,
    Sẽ không có Xứ Lừa.
    Mọi chuyện vẫn tốt đẹp,
    Y hệt như ngày xưa.

    Tức là ta chỉ tốt,
    Cái gì cũng hơn người.
    Bất chấp mọi cái xấu,
    Chế độ vẫn tuyệt vời.

    *
    Tiếc, có internet,
    Xã hội không yên hòa.
    Người dân được mở mắt
    Thấy hiện tình nước nhà.

    Như thứ thuốc tẩy uế,
    Internet, tiếc thay,
    Khui ra nhiều sự thật
    Được giấu kín xưa nay. THÁI BÁ TÂN

Leave a Reply to 1 suy nghĩ nhỏ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây