Dân quân tự vệ biển Việt Nam không phải là một lực lượng bí ẩn ở Biển Đông

AMTI

Dự án ĐSK Biển Đông

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

25-5-2020

Một loạt các báo cáo gần đây của Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Nam Hải (SCSPI) trực thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương, Đại học Bắc Kinh đã tuỳ tiện cáo buộc ngư dân Việt Nam là “dân quân biển” chỉ dựa trên dữ liệu AIS hạn chế mà không đưa ra thêm bất cứ bằng chứng nào. Nếu không có hiểu biết toàn diện về lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam, những cáo buộc như trên chỉ là một dạng nguỵ biện “anh cũng vậy” (whataboutism), hay tệ hơn nữa là một chiến dịch đánh lạc hướng có chủ đích.

Dân quân tự vệ biển Việt Nam không phải là một lực lượng bí ẩn khi cơ cấu tổ chức, trang thiết bị và hoạt động của lực lượng này đã được công khai thảo luận.

Để hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức của dân quân tự vệ biển Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu Luật Dân quân Tự vệ 2009 và 2019 (phiên bản luật 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm nay). Luật Dân quân Tự vệ 2019 được xây dựng dựa trên kinh nghiệm hoạt động thực tế của lực lượng dân quân tự vệ, cũng như dựa trên các thông tư và nghị định đã được ban hành trước đây. Trước năm 2009, không có khái niệm “dân quân tự vệ biển” mà chỉ tồn tại các đơn vị dân quân hoạt động tại các tỉnh ven biển, không phân biệt nội dung nhiệm vụ.

Từ năm 2010, hai mô hình tổ chức đã được đưa ra thử nghiệm. “Dân quân biển” là lực lượng dân quân được tổ chức tại các đơn vị hành chính. Theo khoản 2, điều 15, Luật Dân quân Tự vệ 2019, “cấp xã ven biển, đảo tổ chức trung đội dân quân cơ động và tiểu đội hoặc trung đội dân quân biển”. Là cơ động, do đánh bắt thuỷ hải sản yêu cầu ngư dân phải đánh bắt cá theo ngư trường.

“Dân quân biển” trên thực tế chính là ngư dân bình thường được chính phủ huấn luyện và trợ cấp để tham gia vào các đơn vị dân quân. Vai trò của họ là thuần tự vệ, đặc biệt trong thời chiến. Dân quân biển phản ánh mô thức căn bản của học thuyết “chiến tranh nhân dân”. Trong thời bình, họ là những công dân bình thường coi đánh bắt thuỷ hải sản là sinh kế, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngư dân khác trong lúc ra khơi cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong điều kiện lý tưởng, mỗi một xã ven biển sẽ có từ 1 tới 2 trung đội dân quân biển (mỗi trung đội có từ 27-30 người). Mỗi một trung đội sẽ chia nhỏ thành các tiểu đội (9-10 người mỗi tiểu đội, và mỗi tiểu đội sở hữu một tàu cá), hay được chia ra thành các nhóm có từ 3-4 thành viên với mỗi nhóm hoạt động trên một tàu cá khác nhau. Trong thời chiến, dân quân biển sẽ là lực lượng phòng thủ trực tiếp tại khu vực mình sinh sống, tham gia vào chiến tranh du kích, các nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch và đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ hậu cần cũng như trinh sát.

“Tự vệ biển” là các đơn vị được hình thành bởi các cơ quan, xí nghiệp (và thường là cơ quan xí nghiệp nhà nước). Theo khoản 3, điều 15, Luật Dân quân Tự vệ 2019, “Cơ quan, tổ chức tổ chức tiểu đội, trung đội, đại đội hoặc tiểu đoàn tự vệ. Cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển tổ chức tiểu đội, trung đội, hải đội hoặc hải đoàn tự vệ”. Khoản 3 cho thấy lực lượng tự vệ biển có cơ cấu tổ chức lớn hơn so với dân quân biển (một hải đội tự vệ biển bao gồm hàng trăm thành viên, có quy mô tương đương một tiểu đoàn bộ binh). Tự vệ biển cũng được huấn luyện và trang bị tốt hơn nhiều so với dân quân biển.

Một ví dụ điển hình của tự vệ biển là Công ty TNHH MTV 128 (hay còn gọi là Đoàn Vạn Hoa). Được thành lập năm 1971 với tư cách là đoàn đánh cá vũ trang, công ty hiện có trụ sở ở Hải Phòng. Hiện nay công ty 128 đã đa dạng hoá hoạt động kinh doanh sang các mảng như dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí, dịch vụ nghề cá, đóng tàu hay nuôi trồng thuỷ hải sản biển. Một ví dụ khác là công ty 129 (Đoàn Trường Sa) có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu với những hoạt động kinh doanh tương tự.

Các công ty này sở hữu nhiều loại tàu khác nhau, nhưng có hai loại tàu điển hình thường xuyên xuất hiện. Thứ nhất là lớp tàu TK-1482, một lớp tàu đánh cá vỏ thép 400 tấn được trang bị ngư cụ hiện đại; và thứ hai là lớp tàu vận tải Trường Sa thường được thấy đi theo hỗ trợ các tàu cá nhỏ hơn. Đây là những lớp tàu đứng ở tuyến đầu chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc trong các sự kiện căng thẳng gần đây, bao gồm sự kiện HD-981 năm 2014, sự kiện bãi Tư Chính năm 2019, và nhiều những va chạm không được thống kê khác tại các vùng biển tranh chấp.

Dân quân tự vệ biển Việt Nam có một số nét tương đồng với dân quân biển Trung Quốc. Cả hai quốc gia với di sản đấu tranh chống đế quốc đều coi “chiến tranh nhân dân” là một trong những trụ cột của học thuyết quân sự của mình, trong đó dân quân là một cấu thành quan trọng. Và cũng giống như Trung Quốc, dân quân tự vệ biển Việt Nam có nhiệm vụ “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia”, đặc biệt là quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Thế nhưng, trong khi nhiệm vụ là giống nhau, cách thức và mục đích triển khai dân quân của hai nước là khác nhau, cả về nguồn lực và chiến thuật.

Dân quân tự vệ Việt Nam, nhất là lực lượng dân quân tự vệ biển, đơn giản không thể so sánh với dân quân biển Trung Quốc cả về nhân lực lẫn tài lực và vật lực. Theo Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, dân quân tự vệ biển chỉ chiếm 0,08% tổng số lượng dân quân toàn quốc, và 1,12% tổng số lao động trên biển tính tới năm 2016. Gần 8.000 tàu thuyền có tổ chức dân quân tự vệ, chiếm 1,07% số tàu thuyền hoạt động trên biển. Năm 2020, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm số lượng tàu cá toàn quốc xuống còn 110.000 tàu, do đó dẫn tới việc số lượng dân quân tự vệ biển sẽ còn giảm hơn nữa.

Dân quân biển Trung Quốc, chủ yếu được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn thuộc nhà nước, khét tiếng với vai trò hung hăng của họ trên biển. Hoạt động của dân quân biển Trung Quốc được ghi nhận ít nhất là từ năm 1974 khi nước này chiếm đóng phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Ngược lại, dân quân tự vệ biển Việt Nam chủ yếu đóng vai trò phòng thủ, và thường được triển khai để phản ứng lại hoạt động của dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Dân quân tự vệ biển Việt Nam còn đóng một vai trò “phi quân sự” quan trọng khác. Họ được triển khai nhằm tuyên truyền về pháp luật trong nước, đặc biệt là pháp luật phòng chống đánh bắt cá trái phép (IUU) (như những gì mà dân quân tự vệ biển ở Hải Phòng đã thực hiện). Kể từ năm 2017, Hà Nội đã làm việc không ngừng nghỉ để Châu Âu có thể dỡ bỏ thẻ vàng xuất khẩu thuỷ hải sản. Lý do là trước đó Việt Nam đã không hành động đủ để ngăn cản IUU.

Chính vì thế, cáo buộc cho rằng Việt Nam sử dụng IUU để thúc đẩy hoạt động dân quân biển đã bỏ qua các chính sách kinh tế của chính Việt Nam. Nếu IUU thực sự có xảy ra, thì điều đó chứng tỏ sự thất bại của chính phủ trong việc quản lý, chứ không phải là một hành động có chủ đích. Việc đánh đồng tất cả tàu cá của Việt Nam trong vùng biển Trung Quốc đều là dân quân biển, và cáo buộc họ tiến hành các hoạt do thám là thiếu cơ sở, và là hành vi đánh lạc hướng có chủ đích.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thời chiến tranh, nhà nước CSVN còn quản lý người dận VN thông qua việc cho họ tồn tại bằng các khẩu phần lương thực. Ai trong tuổi lao động, cũng phải là dân quân trong các “hợp tác xã” nông, ngư nghiệp.
    Nay Nhà nước không còn lo cho họ về miếng ăn, lại cũng buông thả luôn trách nhiệm bảo vệ họ.
    Chắc chắn, còn phải lo miếng ăn, không ai muốn làm dân quân. Vì không có vũ khí trong tay, khả năng được sống nhiều hơn là cầm súng.
    Chính sách “dân quân biển” là không tưởng. Còn cái gọi là “chiến tranh nhân dân” là cách đùn đẩy trách nhiệm khốn nạn nhất!

Leave a Reply to Khách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây