Nghĩ về giáo dục

Nguyễn Tiến Tường

3-5-2020

Tôi nhớ rằng, tất cả chúng ta đây đều vượt qua những hằng đẳng thức, những phương trình hoá hữu cơ hoặc toán không gian bằng… tình thương của thầy cô giáo. Đương nhiên rằng, nó không phương hại ai.

Tôi cũng nhớ rằng, ai đó ngỗ nghịch trong số chúng ta “ăn roi” của thầy cô giáo, họ đều đánh học trò với đôi mắt ngấn lệ. Đất nước sau khói lửa, đói khát tri thức. Người dạy “chuột chạy cùng sào chui vào sư phạm”, người học nhặt chữ như chim mổ thóc, không mong con chữ giúp làm quan.

Khi kham khổ, vẫn dắt díu nhau tìm con chữ, đó là một giá trị nhân văn to lớn mà giáo dục đã được định hình một cách tự nhiên.

Đáng tiếc rằng nó đã biến mất trong giáo dục hiện đại. Một nền giáo dục đầy toan tính, ảo cuồng. Ở đó, sự nhân văn được sử dụng như một công cụ để làm bậy. Để vo tròn những con số báo thành tích, để dối trá và ảo tưởng.

Chúng ta hoàn toàn không thể nhân văn được khi hiện thực lồ lộ là mỗi suất giáo viên có giá hàng trăm triệu đồng. Từ hàng trăm triệu đồng chạy chỗ đến việc ghét bỏ đứa trẻ không chịu ăn bán trú là một logic rất bình thường.

Tương tự, nhận mấy trăm triệu để nâng điểm là rất bình thường. Thậm chí còn ra toà nhân danh đạo đức “thương học trò” hoặc “ai cũng gù” là điêu toa, khi tất cả đều biết rằng nâng điểm học sinh này sẽ tước mất cơ hội của học sinh khác. Nó tương tự như việc thay vì cùng nhau tát nước cứu một con thuyền sắp đắm thì đạp người khác xuống biển để sống. Giáo dục mà “em cứ nhận hết tội, vợ con ở ngoài anh lo” thì nó là tột đỉnh phi nhân.

Giáo dục là gì? Cá nhân tôi nghĩ rằng, giáo dục là một học sinh giỏi văn có đủ dũng khí nói với thầy toán rằng em không thể giải hằng đẳng thức này. Một học sinh giỏi văn đủ bản lĩnh đứng dậy thưa cô bài văn này em có cảm xúc khác. Là một tú tài khi ra trường vẫn không nhớ chữ nào, sẽ nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp (không cần thi) và lập thân theo năng khiếu thay vì níu áo cán bộ này bà con nọ.

Giáo dục là một dịch vụ thực chất. Ở đó giáo viên được độc lập về suy nghĩ và cảm xúc, các trường được tự tuyển dụng theo năng lực. Để họ không lệ thuộc vào những ông quan yếu kém hơn họ về kỹ năng và tư duy. Để họ không còn bị hư danh “người đưa đò” đầy ẩn ức và phải làm con sâu cái kiến trong nền giáo dục này.

Giáo dục, đơn giản là thật, thật như lòng tự trọng. Nếu nó bị bẻ cong giá trị, tất cả đều gù. Giáo dục đang trở thành một ẩn ức quốc gia khi nó chỉ vo tròn sự khác biệt của con người để phục vụ những con số phù phiếm. Và nếu không thay đổi, quốc gia trong vài thập niên nữa sẽ còn lụn bại hơn cả bây giờ!

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Nếu trương học bị chính trị hoá thì học sinh bị định hướng làm tay sai hay
    nô lệ cho một thế lực phi dân tộc toàn trị là điều tất yếu.
    Do đó,chừng nào môi trường giáo dục đươc tự do và độc lập với hê thống
    chính trị thì học sinh sẽ được phát triển tốt đẹp về mọi phương diện.

  3. Sau hoà bình 1954, với “ ƯU VIỆT CỦA NỀN GD XÃ HỘI CN” mọi trẻ em phải được đến trường và xoá nạn mù chữ cho toàn dân,nghe rất hay ! Nhưng, ai dạy? Trong cả triệu ngươi đi cư vào Nam có nhiều thầy,cô và những người được học hành trong chế độ cũ…Miền Bắc- đặc biệt là nông thôn ,vùng sâu vùng xa hầu như người có học rất khó kiếm.Vậy lấy đâu ra giáo viên để TOÀN DÂN ĐỀU ĐƯỢC HỌC?=> Phong trao đào tạo giáo viên cấp tốc 7+1;7+2;7+3 ra đời đồng loạt trên toàn miền Bắc: chon những người biết chữ,nếu đã học được cấp 1 ,cấp 2 thì càng tốt,số này rất ít.Do đó chọn trong quân đội ,trong CÔNG NHÂN viên,ai là đảng viên càng ưu tiên cho đi học bổ túc 3 tháng một lớp ,chỉ hơn một năm là có trình độ bổ túc cấp2 ( Lớp 7).Tiếp tục cho học 1 tháng,2 tháng,3 tháng về “Sư pham” để ra đứng lớp dạy cấp 1,cấp 2, Câp 3 (?) Về sau thì 7+1;7+2;7+3 là 1năm ,2năm,3 năm ! Tôi đã hỏi ông Năng ,thơ ký của ông Phạm văn Đồng: học bổ túc mới cấp 2 thì làm sao học sư phạm 3 tháng ra dạy được cấp 3? Ông Năng nói : TÌNH THẾ BẮT BUỘC nên cho mấy anh học khá hoặc có sẵn trình độ cấp 2 ,nếu định cho ai dạy môn gì thì trong 3 tháng tập trung cho học môn đó kèm theo phương pháp sư phạm để sau 3 tháng là có được giáo viên cấp 3…!
    Như vậy ,ngay từ đầu ,vì thành tích GIÁO DỤC mà nền giáo dục miền Bắc đã có cách “đi tắt,đón đầu” thất đáng nễ.! Những vị đó trụ lâu trong ngành giáo dục,sau là giáo sư,giám đốc sở giáo dục,thứ trưởng,bộ trưởng giáo dục mà một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết!…

  4. – “Và nếu không thay đổi, quốc gia trong vài thập niên nữa sẽ còn lụn bại hơn cả bây giờ!”

    Bác Hồ dạy “Muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người mới XHCN”.
    Vì thế, những người gù – chính là những thế hệ “con người mới XHCN” của Bác, của Đảng.
    “Quốc gia lụn bại”… chẳng hề làm đám người gù, già, trẻ, gái, trai, F1, F2, F3… sợ.

  5. Ngay từ hồi mẫu giáo đã có thằng hay con “trật tự” như trong tù , với cái tên cờ đỏ. Ông nào đó đã nói: “Mỗi người dân VN là một người tù dự khuyết” Chẳng hề sai

Leave a Reply to Khách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây