Nghi phạm hình sự cần được quyền im lặng

Ngô Ngọc Trai

20-5-2020

Ở Việt Nam lâu nay tồn tại một nhận thức coi trọng việc xử lý tội phạm hơn bảo vệ các quyền công dân, quyền công dân thường bị xem nhẹ và bị hy sinh cho đòi hỏi về đấu tranh phòng chống tội phạm.

Năm 2015 Bộ luật tố tụng hình sự được sửa đổi vấn đề Quyền im lặng trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất.

Lý do bởi vì đây là quy định mới có tính chất bảo hộ công dân, nhưng quy định này sẽ khiến cho toàn bộ quy trình xử lý hình sự theo lề lối truyền thống sẽ phải hiệu chỉnh thay đổi để thích ứng cho phù hợp.

Tính quan trọng như vậy cho nên nó cũng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt bởi những người ngại sự thay đổi, chỉ muốn giữ thói làm án chứa đựng nhiều lạm quyền bạo quyền.

Nhiều người cho rằng nếu bắt được nghi phạm ví như một kẻ giết người, thì phải bắt nó khai ra vì sao giết người, mâu thuẫn oán thù gì mà sát hại người ta như vậy? Yêu cầu khai báo xem còn có ai tham gia gây án cùng không và hung khí cất giữ ở đâu?

Nếu cho nghi phạm quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Vậy cần lý giải thế nào?

Tôi cho rằng những ai nghĩ rằng Quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra đã hiểu sai các vấn đề pháp lý.

Để xem nghi phạm hình sự có nên được quyền im lặng không thì hãy xét xem mục đích của việc hỏi cung có xác đáng hay không, và nếu nghi phạm không khai báo thì có thể dựa vào đâu để kết tội?

Thứ nhất, về việc phải lấy lời khai để xác định xem nguyên nhân động cơ mục đích phạm tội là gì. Tôi cho rằng chỗ này đang tồn tại một cách hiểu sai tồn tại trong cả giới cán bộ tư pháp và cộng đồng xã hội.

Theo tôi thì việc xác định nguyên nhân động cơ mục đích gây án đó đúng ra là sự suy nghiệm của nhân viên điều tra nhằm mục đích khoanh vùng và xác định nghi phạm.

Điều tra viên đứng trước hiện trường và các manh mối dấu vết, họ hình dung nhận định về nguyên nhân động cơ mục đích gây án để từ đó lần theo nghi phạm.

Ví như xác định xem nhân động cơ mục đích giết người vì muốn cướp lấy tài sản, hay trả thù cá nhân, hay vì hiếp dâm. Thì đây là hoạt động có ý nghĩa ở giai đoạn trước khi bắt được nghi phạm chứ không phải là bắt được rồi mới hỏi xem nguyên nhân động cơ mục đích gây án là gì.

Vì khi đã bắt được rồi dựa vào mối quan hệ nhân thân giữa nghi phạm và nạn nhân thì dễ dàng nhận ra nguyên nhân động cơ mục đích đằng sau, việc xác định không còn khó nữa.

Nếu hiểu vấn đề như thế sẽ thấy bớt đi được một lý do phải lấy lời khai nghi phạm và theo đó bị can cần được quyền im lặng.

Vấn đề thứ hai, có ý kiến cho rằng phải lấy lời khai xem nó có thừa nhận không để mà kết tội chứ nó không khai thì làm sao kết tội được? Nó không khai thì làm sao tìm ra hung khí tài sản cất giấu?

Thực ra dù nghi phạm im lặng không trả lời thì vẫn có cơ sở để kết tội, đó chính là những cơ sở bằng chứng đã giúp cơ quan điều tra lần theo manh mối bắt được nghi phạm.

Những dấu vết bằng chứng nào đã dẫn lối cho cơ quan điều tra lần đến nghi phạm thì đó cũng chính là những bằng chứng để tòa án kết tội bị cáo.

Đó có thể là nhân chứng nhìn thấy hoặc vật chứng thu giữ được ở hiện trường. Như dấu máu ở hiện trường giám định đúng là máu của nghi phạm, dấu vân tay ở hiện trường đúng là vân tay của nghi phạm, tài sản bị cướp được thu giữ thấy ở nhà nghi phạm.

Với những chứng cứ như vậy thì thì kể cả nghi phạm im lặng thì vẫn có cơ sở để kết tội. Các cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể yên tâm mà phán rằng cho dù bị cáo im lặng không khai thì vẫn có đủ cơ sở để kết tội.

Mặc dầu vậy quá trình điều tra vẫn nên lấy lời khai, bản thân việc đặt câu hỏi và chờ đợi phản ứng của nghi phạm cũng giúp thấy được nhiều điều.

Vì đừng quên rằng rằng vấn đề quyền im lặng tồn tại trong môi trường tố tụng hình sự có tính ‘đoán định’, ‘phán xét’ để kết án. Theo đó đứng trước sự ‘đoán định’ thì ‘thái độ im lặng’ cũng cho thấy nhiều điều.

Nếu việc đặt câu hỏi là đúng mực không bức ép vì đã có luật sư tham gia hoặc được ghi âm ghi hình lại mà nghi can vẫn từ chối trả lời câu hỏi thì người ta có thể nghi ngờ anh là thủ phạm.

Nếu nghi can không là thủ phạm thì không việc gì phải lo lắng mà cần hợp tác trả lời các câu hỏi giống như sự trả lời của một nhân chứng.

Còn đứng trước các tình tiết dữ kiện được nêu ra và khi bị đặt câu hỏi lại ấm ớ không đưa ra câu trả lời được thì người ta sẽ nghi ngờ anh phạm tội.

Cho nên cần khẳng định lại rằng quy định về quyền im lặng không phải là khép lại cánh cửa của cơ quan điều tra mà nó chỉ đơn giản là đòi hỏi một cung cách làm việc khác so với cũ và cần nhiều hơn về trình độ nghiệp vụ kỹ thuật.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bới vì LS Ngô Ngọc Trai là chuyên gia luật, nên theo tôi để rút ngắn lí luận tôi viện dẫn quyền im lặng như LS nói được tranh luận gay gắt ở Việt Nam, nhưng đó là vì Việt Nam bấy lâu nay cứ làm theo cách riêng KHÔNG GIỐNG AI DÙ ĐÃ KÝ KẾT BAO NHIÊU THỎA THUẬN QUỐC TẾ như:
    CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ với nhiều điều khoản mà tôi chỉ trishc tạm những Điều khoản phù hợp vào đây:
    „Điều 7. Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.
    3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:
    g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.“
    Tóm lại nếu hiểu đúng sẽ không được tra tấn hay đối xử tàn bạo … hay hạ thấp nhân phâm (bức cung) – và nếu làm đúng như thế thì nghi phạm gây án nếu bị bắt (bây giờ lấy toàn bộ nghi phạm tham nhũng) sẽ kể các câu chuyêj cổ tích vì sao có biệt phủ hay nhiều biệt thự như ông Bình: bán chổi đót, nuôi lợn, làm thối móng tay … Các nước văn minh do đó họ đồng loạt áp dụng biện pháp hướng dẫn quyền im lặng cho nghi phạm trong lần khai báo, lấy cung đầu tiên, và như thế họ làm đúng Điều 3 điểm g của Công ước nói trên và cũng đỡ phải nghe các câu chuyện cổ tích của nghi phạm khi họ không được ép cung, tra tấn như VN (chỉ dọa nghi phạm là đi tù rồi đấy Ông!). Ông Trai không tin cứ hỏi người Việt đã bị hỏi cung ở các nước pháp quyền Châu Âu xem có đúng như thế không?!

  2. Cả thế giới 195 nước đã làm thế thì 5 nước còn lại nên (lẽo đẽo) theo cho kịp.
    Đứng đấy mà phét lác về ưu việt xhcn!!!

Leave a Reply to CongAnh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây