Từ Hồ đến Trung

Trịnh Hữu Long

19-5-2020

Từ bảy năm nay, tôi có một phép thử nho nhỏ để đo các thay đổi xã hội.

Tôi viết bài “8 sự thật về Hồ Chí Minh” (*) vào dịp 19/5 năm 2013. Lần đầu tiên tôi đăng lên Facebook, có kha khá bạn bè hưởng ứng, nhưng chừng đó không thấm vào đâu so với cơn thịnh nộ tôi nhận được từ người quen thân lẫn người không quen. Thầy giáo cũ mà tôi có giao lưu cũng vào chửi tôi, chửi luôn cả chị Đoan Trang, làm tôi bực mình phải unfriend luôn.

Những năm sau đó, cứ vào dịp 19/5 tôi lại đăng lại bài này, dù cảm giác mỗi lần đăng là không dễ dàng gì, giống như mình đang thách thức biết bao người quen, người thân. Một hai năm đầu tiên, phản ứng của bà con không thay đổi nhiều lắm, nhưng có vẻ từ năm thứ ba thì thay đổi rõ rệt. Đến giờ thì thay đổi quá nhiều. Đây chỉ là quan sát trong một tập hợp nhỏ, tôi không biết nó có phản ánh đúng thay đổi xã hội hay không.

Tuy vậy, bạn bè tôi có nhiều người giờ đã “đổi màu”, nhiều người đã trở nên trung dung hơn, nhiều người không còn sùng bái Hồ Chí Minh nữa. Với tôi, đó là những thay đổi ngấm ngầm, hầu như không ồn ào gì, nhưng là một trong những thay đổi quan trọng nhất tôi muốn thấy, bởi vì chừng nào còn cái văn hóa sùng bái lãnh tụ thì chừng đó độc tài còn đất diễn, bất kể là độc tài cộng sản hay độc tài kiểu khác.

Có người nói Hồ Chí Minh là trụ cột chống đỡ cho chế độ ngay cả khi đã chết. Tôi đồng ý. Nhưng Hồ Chí Minh chỉ là công cụ cụ thể, là vẻ bề ngoài của cái gọi là trụ cột của chế độ ấy, đó là văn hóa sùng bái lãnh tụ. Cái trụ cột không phải là một con người cụ thể, không phải là thứ vật chất hiển hiện ra trước mắt, mà là một thứ tâm lý vô hình thấm vào từng tế bào, len lỏi vào tận từng nơ-rôn thần kinh trong não bộ con người.

Ngày nay, văn hóa đó vẫn còn tồn tại dai dẳng, mạnh mẽ qua hiện tượng sùng bái Nguyễn Bá Thanh, tung hô Đoàn Ngọc Hải, và nhẹ nhàng qua hình ảnh Vũ Đức Đam trong đợt dịch COVID-19.

Biểu hiện của văn hóa đó sinh động đến mức ngay cả những người chống Cộng cực đoan nhất, chống Hồ Chí Minh cực đoan nhất cũng có, qua hiện tượng sùng bái Donald Trump.

Ngày nay, phê phán hay chỉ trích Hồ Chí Minh với tôi không còn là việc gì nguy hiểm nữa. Thứ nguy hiểm lại là phê phán, chỉ trích Donald Trump. Tôi bị vô số người chửi rủa không tiếc lời, thậm chí có vài người còn đe dọa. Một không khí thù địch đáng sợ bủa vây, nhưng lần này (nhiều khả năng) không phải do công an hay dư luận viên tạo ra. Bạn bè tôi nhiều người vì sợ hãi cái không khí thù địch đó, hay sợ mất lòng mà cũng không nói gì về Trump.

Nhưng nếu tôi từng vượt qua được biết bao người thân quen chửi rủa mình vì phê phán Hồ Chí Minh thì Donald Trump không phải là vấn đề lớn.

Nói vậy không phải là tôi không tôn trọng những ai yêu mến ông Trump, và tôi thậm chí còn ủng hộ một số việc ông ấy làm, một số lời ông ấy nói, trong một số việc khác tôi cũng biết rõ nó chỉ là các trường phái khác nhau trong chính trị chứ không hẳn là đúng hay sai.

Cũng như trước đây với fan của Hồ Chí Minh, tôi không bao giờ mạt sát fan của Trump (mặc dù fans Trump mạt sát tôi rất thường). Hiện tượng sùng bái Donald Trump chỉ là sự nối tiếp của một thứ văn hóa sùng bái cá nhân đã tồn tại ở nước Nam từ ngàn đời nay chứ không có gì mới. Mọi việc xảy ra có nguyên nhân và quy luật của nó, hay có thể nói là ý Chúa.

Những ai mưu cầu thay đổi xã hội thì chỉ có thể điềm tĩnh và kiên trì với những nguyên tắc của mình, dù lẻ loi đến đâu, và chớ mong đợi những thay đổi lớn lao trong ngắn hạn, thậm chí trong cuộc đời mình. Nếu mọi việc có xấu hơn đi chăng nữa, nó cũng là ý Chúa.

___

(*) Bài “8 sự thật về Hồ Chí Minh“.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thưa tác giả cuồng Hồ khác hoàn toàn với ủng hộ Trump.
    Xin nhắc lại Lá chắn của đảng
    1. Cn Mac lê
    2. Tượng đài Hcm
    3. Công an
    4. Quân đội
    Nói như HSP ” bắn vỡ tượng đài” tên cướp sẽ không còn chỗ núp

  2. THL,bạn đọc CHUYỆN SÂN SAU CHỦ TỊCH HCM của Nguyễn Tường Lam ( CTác ở hội vhnt Nghệ an) và 10 NỖI ĐAU CỦA HCM do Hoàng Tùng viết thì rõ hơn về HCM …

  3. Tác giả còn trẻ, học vấn tốt, nhưng vẫn có cái nhìn công thức. Đọc cái câu: Hiện tượng sùng bái… chỉ là sự nối tiếp của một thứ văn hóa sùng bái cá nhân đã tồn tại ở nước Nam từ ngàn đời nay chứ không có gì mới. Không ai còn nhớ gì đến hàng chục triệu người miền Nam 1954 – 1975… nghĩ mà buồn khi người chưa bị đồng hóa bị gom vào một rọ!

Leave a Reply to Nguoi Lu thu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây