Thiên hạ tỉnh cả, chẳng lẽ đảng muốn ngược lại?

Blog VOA

Trân Văn

18-5-2020

Ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp của Bộ Chính trị sáng 20/3, bàn về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguồn: Chính phủ

Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 12 lại họp. Đây là kỳ họp thứ 12 và lần này, BCH TƯ đảng CSVN lại tiếp tục thảo luận về lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng CSVN khóa 13, nhiệm kỳ từ 2021 đến 2026.

Nếu đảng CSVN không nuôi tham vọng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức đảng từ phường – xã – thị trấn, quận – huyện – thị xã, tỉnh – thành phố và BCH TƯ không chia nhau nắm giữ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tương ứng thì qui hoạch – sắp đặt nhân sự của BCH TƯ là chuyện riêng của đảng, chẳng có ai ngoài đảng bận tâm nhưng vì ngược lại nên không thể không bàn.

Khổ là vì công chúng không thể không bận tâm, không thể không bàn nên các viên chức lãnh đạo đảng CSVN, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, tiếp tục nói về nhân sự và… tiêu chuẩn lựa chọn những kẻ sẽ ngồi trên đầu thiên hạ.

Ở Hội nghị 12 của BCH TƯ đảng khóa 12, ông Trọng lại tiếp tục nói về tiêu chuẩn lựa chọn Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và các Ủy viên của BCH TƯ đảng nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, lần này: Gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm,… không được đặt định như tiêu chuẩn có tính tất nhiên giống như trước nữa.

Ông Trọng chỉ nêu những yếu tố vừa kể như những… gợi ý để các Ủy viên BCH TƯ đương nhiệm thảo luận. Ông liên tục dùng hai chữ “phải chăng” và khi tường thuật, hệ thống truyền thông chính thức đặt rất nhiều dấu hỏi sau các ý kiến của ông Trọng (1).

***

Giống như trước, những ý kiến của ông Trọng về qui hoạch – sắp đặt nhân sự cho BCH TƯ đảng khóa 13, khiến rất nhiều người cảm thấy ông Trọng không được… tỉnh táo. Không có thông tin nào về việc ông Trọng không được bình thường nhưng rõ ràng là ông thiếu tỉnh táo. Có người tỉnh táo nào lại đặt vấn đề như thế này: Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?

Đặt vấn đề kiểu đó có khác gì bảo rằng, trước đây, cả đảng lẫn ông cùng xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là… chuyện vặt và thời điểm hiện nay, cũng không nhất thiết phải xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là chuyện lớn.

Nếu thật sự xem gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là quan trọng, chẳng người nào tỉnh táo lại dùng hai chữ… phải chăng! Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là điểm đáng ngẫm nghĩ.

Suy giảm trí nhớ là một trong những yếu tố thường thấy ở những người thiếu tỉnh táo mãn tính. Khi tự vấn mình và các đồng đảng lãnh đạo đảng CSVN: Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm (?) – ông Trọng quên béng, trước nay, ông và các đồng chí từng xác định những yếu tố ấy là tiêu chí qui hoạch – sắp đặt nhân sự… vô số lần. Thậm chí chúng đã được đưa vào nhiều văn kiện của đảng.

Suy giảm khả năng phán đoán, nhận định là một yếu tố khác của thiếu tỉnh táo. Khó có thể ông Trọng và các đồng đảng lãnh đạo đảng CSVN đủ sự tỉnh táo cần thiết khi thường xuyên loay hoay với việc, làm sao lựa chọn được những đảng viên gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm để đặt vào những vị trị lãnh đạo trong đảng, sau đó lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Tai sao ông Trọng và các đồng đảng lãnh đạo đảng CSVN tới lui bàn bạc, xem đi, xét lại trong rất nhiều năm, bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể phải liên tục mở công khố chi nhiều khoản khổng lồ cho vô số kỳ họp BCH TƯ đảng CSVN nhiều khóa mà không ai tỉnh ra để thấy rằng, chẳng khó chút nào nếu muốn tìm – chọn những đảng viên gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?

Ví dụ công bố những bản kê khai tài sản của các đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản, ắt sẽ thấy ngay ai tham nhũng, ai không, khỏi phải âu lo vì chọn lầm những kẻ tham nhũng lãnh đạo đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền! Đã gương mẫu thì chắc chắn không giàu có bất minh, không thể gây nghi ngại vì mâu thuẫn giữa thu nhập hợp pháp và giá trị tài sản và dư sức giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản.

Tương tự muốn loại trừ những phần tử cơ hội, tham vọng quyền lực thì chỉ cần xem lại tất cả các tổ chức đảng từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ đảng trở xuống… Tổ chức nào từng chọn những phần tử bất hảo như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải,… để đặt vào vị trí lãnh đạo đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì không cho những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đó, cũng như những cá nhân từng tham gia bỏ phiếu, tham dự vào việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo cơ sở đảng các cấp nhiệm kỳ tới nữa.

Chẳng có bằng chứng nào rõ ràng hơn về bản chất cơ hội và tham vọng quyền lực của những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đảng cũng như những cá nhân từng tham gia bỏ phiếu chọn những phần tử bất hảo làm lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp chiến lược. Có cơ hội và nuôi tham vọng quyền lực thì mới lờ đi các sai phạm nghiêm trọng mà những phần tử bất hảo từng có trước đó, thỏa hiệp với cái xấu để duy trì, mở rộng quyền lực bằng cách đẩy các phần tử bất hảo lên những vị trí cao hơn.

Xử lý hàng loạt phần tử bất hảo đã được lựa chọn nhưng lờ đi trách nhiệm qui hoạch – sắp đặt những phần tử này chính là biểu hiện đáng sợ nhất về mức độ cơ hội và tham vọng quyền lực đã vượt xa ngưỡng có thể chấp nhận!

Dù văn minh đã tiến những bước rất dài nhưng đến bây giờ nhân loại vẫn chỉ có một cách để xác định cá nhân có được quần chúng tin cậy, tín nhiệm hay không: Bỏ phiếu! Khi xác định điều này như một tiêu chí để lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo cơ sở đảng các cấp cho nhiệm kỳ mới và đặc biệt là lựa chọn các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13, sao không dùng cách ấy? Không dùng cách ấy thì lấy gì làm cơ sở để xác định các cá nhân mà đảng lựa chọn được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?

Dẫu Đại hội Đại biểu đảng toàn quốc lần thứ 13 là chuyện riêng của đảng nhưng gạt quần chúng sang một bên rõ ràng là chuyện không phải, vì giống như các đại hội những khóa trước, đảng sẽ sắp đặt nhân sự lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ, lãnh đạo cơ quan dân cử và chính quyền các địa phương. Tuy bỏ bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp có thể gây ngộ nhận về… dân chủ ở “ta” nhưng thực tế ở ta chỉ ra, bỏ các cuộc bầu cử này để thay bằng bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cơ sở đảng các cấp là… hợp lý nhất!

Khi quần chúng không có cơ hội bày tỏ sự tin cậy, tín nhiệm các cán bộ được đảng lựa chọn, sắp đặt làm lãnh đạo các tổ chức đảng và từ đó trở thành lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp, sẽ không bao giờ có thể tìm ra cách biện giải về việc được quần chúng tin cậy, tín nhiệm để… đả thông quần chúng! Chưa kể phải tính đến thực tế, chính đảng viên còn không có quyền bầu trực tiếp cả Bí thư phường, xã để thận trọng khi tuyên bố được quần chúng tin cậy, tín nhiệm là tiêu chuẩn qui hoạch nhân sự!

Quần chúng tin cậy, tín nhiệm là một loại trang sức xa xỉ, ngoài tầm với của đảng, không nên ráng… sắm! Mặt khác phải nhớ: Thiên hạ tỉnh cả chứ không phải ngược lại. Nghĩ ngược lại là thiếu tỉnh táo và hết sức khó hiểu!

Chú thích

(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tieu-chuan-uy-vien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-khong-tham-nhung-tham-vong-quyen-luc-1655906.tpo

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Cứ nói thẳng cho gọn:
    Ở nước ta bây giờ
    Không ai tin cộng sản,
    Có tin chỉ giả vờ.

    Tôi nghĩ gì nói ấy,
    Nói thiện ý, thật lòng.
    Vậy xin hỏi các bác:
    Các bác có tin không?

    Làm sao tin được cái
    Mà ta không biết gì,
    Thậm chí không tồn tại?
    Vậy thì nói thật đi.

    Xã hội sẽ tự chết,
    Mà không phải chờ lâu,
    Khi làm theo năng lực,
    Hưởng thụ theo nhu cầu.

    Nước của người chủ xướng
    Cái thuyết này, Lênin,
    Cũng đã từ bỏ nó,
    Vậy sao ta còn tin?

    Ta, thằng dân, nghĩ thế.
    Còn lãnh đạo thì sao?
    Lãnh đạo càng không thể
    Tin vào cái tầm phào.

    Họ có mắt, họ thấy.
    Họ cũng có cái đầu,
    Lại đi nhiều, biết lắm.
    Họ không hề ngu đâu.

    Nghĩa là ta, nói thẳng,
    Không ngốc, không ngây thơ,
    Từ dân đến lãnh đạo,
    Đang chơi trò giả vờ.

    Có cần thiết không nhỉ?
    Không, không cần, theo tôi,
    Trước ta ngu không biết,
    Giờ biết rồi thì thôi.

    Mọi cái có hoàn cảnh.
    Cũng đừng nên trách nhau.
    Cần thiết thì chung sức
    Mà làm lại từ đầu.

    Nước là của tất cả.
    Tất cả phải chung vai,
    Gác bất đồng, thù hận
    Để nước có tương lai. Tân Thái Bá

  2. Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.
    Tất cả các tiêu chuẩn như kể trên, chẳng có điều nào có thực và tồn tại trong thực tế. Bởi thế nên ông ấy ngần ngại hỏi rằng Phải Chăng! Điều 4 hiến pháp là sự minh chứng về tham vọng, cuồng vọng quyền lực của ĐCS, về tham nhũng chính trị, mẹ đẻ ra môi trường tham nhũng, và cũng chứng tỏ đảng cộng sản chưa bao giờ dám chấp nhận thử thách để được dân tin cậy, tín nhiệm.
    Nói ông ta lú? Dường như không phải. Ảo tưởng? Cũng không hẳn, người có mắt, sao không nhìn thấy thực tế.

  3. Tôi, người dân xin hỏi,
    Nhà nước quản thế nào
    Mà để chung nó cướp
    Và phá của đồng bào

    Đến nghìn nghìn, tỉ tỉ,
    Tỉ tỉ và nghìn nghìn.
    Dự án khủng đắp chiếu,
    Lines rồi Vinashin.

    Đổ xuống sống, xuống biển,
    Nhìn đây, cả núi tiền.
    Hơn mười hai nghìn tỉ
    Thằng gang thép Thái Nguyên.

    Thằng Ngân Hàng Xây Dựng –
    Chìn nghìn tỉ, thật kinh.
    Ba nghìn ba trăm tỉ
    Là thằng Trịnh Xuân Thanh.

    Vinalines tổng cộng,
    Đốt hết năm mươi nghìn.
    Còn tám mươi nghìn tỉ
    Là thằng Vinashin.

    Đến một đứa con nít,
    Huyền Như, chức trưởng phòng,
    Mà dễ dàng đút túi
    Những bốn nghìn tỉ đồng…

    Nhiều lắm, ôi nhiều lắm.
    Danh sách còn rất dài
    Những khoản chi bạt mạng,
    Xây trụ sở, tượng đài.

    Mỗi đồng dân đóng thuế –
    Giọt mồ hôi nhọc nhằn.
    Nhà nước lãng phí thế
    Là có tội với dân.

    Tỉnh lại, mau tỉnh lại.
    Hãy diệt bọn quan tham.
    Xét mình không làm được
    Thì để người khác làm. Tân Thái Bá

  4. Tham vọng quyền lực là bản năng tự nhiên của con – con người, con vật.
    Không có tham vọng quyền lực thì có ai lên được tổng thống hay tổng bí thư?
    Người không có tham vọng quyền lực là LÚ !

  5. Từ lâu, từ rất lâu rồi, người ta đã âu yếm gọi Trọng là Trọng lú. Có lẽ vì tế nhị, nhạy cảm…nên tác giả không nỡ, không thể, không dám, không muốn nói trắng phớ ra đó thôi. Với tính lú lẫn bẩm sinh ấy, ngài cử nhân văn khoa XHCN giáo sư tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng nhà ta đã lượn lẹo luồn lách leo lên cái ghế cao ngất ngưởng như nay. Ấy thế nên lú lẫn không hẳn là một bất lợi trong cuộc chiến tranh quyền đoạt chức ầm ĩ phèng la trống phách đang diễn ra.
    Mà còn là một ưu thế thế nữa kia.

  6. Những điều thằng Đầu đảng cướp (cướp quyền làm chủ đất nước của nhân dân) đòi hỏi các đồng đảng của nó “không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm” – ai cũng biết là những điều bịp bợm, vô lý, và không tưởng.
    Nhưng trong câu trên, Đầu đảng cũng ngầm ra lệnh, quần chúng phải tin cậy, tín nhiệm vào Đảng của nó! Vì với Đảng, “quần chúng” là các “tổ chức quần chúng” của Đảng, là con tin, nô lệ, đều nằm trong tay Đảng.
    Thiên hạ tỉnh, nhưng làm gì được chúng?
    Chừng nào lũ lưu manh vẫn còn ngồi trên đầu minh, thì chúng vẫn còn khoác lác, lừa bịp! ĐCSVN – đảng của lũ lợn!

Leave a Reply to TÔI, NGƯỜI DÂN, XIN HỎI Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây