Quan hệ Mỹ – Trung nóng lên và cơ hội cho Việt Nam

Võ Ngọc Ánh

18-5-2020

Căng thẳng Mỹ – Trung thêm gia tăng khi dịch virus Vũ Hán bùng phát trên toàn cầu, gây thiệt hại lớn chưa từng có tại Mỹ.

Trong mối bất hòa Mỹ – Trung và cả thế giới đang giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam đang có được nhiều lợi thế.

Nhìn từ lịch sử

Nước Mỹ dưới thời Donald Trump và Trung Quốc của Tập Cận Bình không ngừng xấu đi trong cuộc chiến tranh thương mại, thuế quan từ khi Trump vào Nhà Trắng.

Để phủ đám mây mù lên sự thất bại của chính phủ Mỹ hiện tại trong việc đối phó với dịch bệnh virus Vũ Hán, Trump tăng cường công kích Trung Quốc đã không trung thực khiến dịch bệnh lây lan trên toàn cầu. Điều này đang đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới xuống mức xấu nhất trong nhiều chục năm qua.

Quan hệ Mỹ – Trung hiện nay phần nào giống căng thẳng Liên Xô – Trung Quốc trong thập niên 1960 thế kỷ trước. Đỉnh điểm, hai bên đã nã súng vào nhau đầu tháng 3/1969.

Để khoét thêm mâu thuẫn Xô – Trung, Mỹ đã để qua một bên mâu thuẫn với Trung Quốc, mâu thuẫn mà không ít lần đã rất nóng, súng đã nạp đạn trong chiến tranh Triều Tiên, rồi tình hình eo biển Đài Loan và cả cuộc chiến đang xảy ra ở Việt Nam. Người Mỹ xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, siết chặt vòng vây Liên Xô.

Việc này được bắt đầu từ chuyến bí mật thăm Trung Quốc của Henry Kissinger hồi tháng 7/1971. Hơn nửa năm sau, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã có chuyến thăm chính thức đến quốc gia cộng sản đông dân nhất này hồi tháng 2/1972.

Sau chuyến thăm của Nixon, khác biệt được gác sang một bên. Bằng nhiều cách, các đời tổng thống Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc ngày một lớn mạnh.

Cái ‘bắt tay’ Mỹ –Trung là sự mở đầu cho việc người Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa sau đó một năm, bằng Hiệp định Paris. Hiệp định dẫn đến sự bức tử chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đồng minh của nước Mỹ.

Trong khi Liên Xô ngày càng khó khăn trong cuộc chạy đua, cạnh tranh với Mỹ, thì một đối thủ khác của Liên Xô là Trung Quốc lại dần thoát ra khỏi khó khăn. Đặc biệt từ khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền.

Thòng lọng chạy đua với Mỹ ngày càng siết chặt Liên Xô, khiến nước này phải làm ngơ trước sự sụp đổ của hệ thống XHCN tại châu Âu. Và cuối cùng Liên Xô cũng tự tan rã.

Được Mỹ tạo điều kiện, Trung Quốc trở thành một thế lực mới của thế giới, với quy mô nền kinh tế vươn lên thứ hai thế giới đúng 10 năm trước. Hiện nay nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ… Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp, ngang ngửa mới Mỹ.

Gần 50 năm qua, không phải quan hệ Mỹ – Trung lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng chưa bao giờ mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên xấu, thù nghịch như lúc này, kể cả sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Căng thẳng Mỹ – Trung, lợi thế cho Việt Nam

Với tranh chấp dai dẳng trên biển Đông, quan hệ Việt – Trung trong những năm qua phần nào giống quan hệ Xô – Trung trong thập niên 1960 của thế kỷ trước. Việt Nam đang đứng ở vị trí như Trung Quốc vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20.

Mối quan hệ Mỹ – Việt hiện nay có nhiều thuận lợi hơn so với Mỹ – Trung trước đây. Gần 25 năm qua hai quốc gia cựu thù chưa xảy ra bất đồng nào đáng kể và ngày càng tốt hơn. Quan hệ Mỹ – Việt đã trở thành đối tác toàn diện.

Kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump chưa có bất kỳ lên án nào đối với chính quyền Cộng Sản Việt Nam về vấn đền nhân quyền, tự do ngôn luận. Đây vốn là sự khác biệt cơ bản, lớn nhất của hai nước.

Lên án mạnh mẽ nhất của ông Trump dành cho Việt Nam là vào ngày 26/6/2019 trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, ông ta nói: “Việt Nam lợi dụng Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”. Tuy nhiên Trump không có bất kỳ hành động trừng phạt nào đối với Việt Nam.

Ngược lại ông Trump còn đưa hình mẫu Việt Nam để vương triều họ Kim ở Bắc Triều Tiên học hỏi. Trước đó, hồi cuối tháng 2/2019, ông đã chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều với Kim Jong-un. Trump sẵn sàng giơ cao lá cờ Cộng Sản Việt Nam trong cuộc viếng thăm đó.

Ông Trump chẳng đánh cho Cộng Sản Việt Nam lên bờ xuống ruộng như nhiều người Việt đang kỳ vọng trong mấy năm qua.

Nước Mỹ từ các chính phủ trước, đặc biệt từ thời Donald Trump luôn xem Việt Nam như một đối tác hàng đầu trong khu vực, trong việc đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc.

Việt Nam đã nhận được nhiều sự ưu ái của Mỹ và cả liên minh châu Âu, từ thương mại đến việc cung cấp tàu chiến. Nhiều tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Việt Nam. Mới nhất, vào đầu tháng Ba, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã cập cảng Đà Nẵng. Năm 2020 này, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2020), dự kiến diễn ra trong hai tuần cuối tháng 8.

Báo chí trong và ngoài nước đưa tin, ngày 6/5, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với nhau. Theo thông tin tường thuật từ báo chí, hai bên không tiếc lời khen ngợi, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong việc đối phó với dịch bệnh virus Vũ Hán. Mong muốn mở rộng hơn mối quan hệ hiện nay, sớm gặp lại nhau.

Việc Trump đánh thuế cao vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc vào thị trường Mỹ, đã giúp Việt Nam trở thành bãi đáp hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp muốn chạy khỏi Trung Quốc. Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội và đã đạt được nhiều kết quả ban đầu.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch virus corona, xuất phát từ Trung Quốc đầu năm nay trao thêm lợi thế cho Việt Nam, bởi các nước phát triển muốn giảm sự lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, phơi bày rất rõ qua đại dịch này. Nhiều quốc gia, doanh nghiệp đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Việt Nam trở thành nơi thu hút, nhờ chi phí nhân công thấp, không quá khó trong các quy định về môi trường, an toàn lao động, lực lương lao động trẻ.

Việt Nam tận dụng tốt cơ hội hiện nay sẽ có được bức phá để phát triển. Vấn đề nhân quyền, dân chủ sẽ tạm thời được chính quyền Mỹ làm ngơ, hoặc phản đối lấy lệ, không thật sự gây sức ép. Mỹ tạm gác qua những khác biệt cơ bản về thể chế, điều hành đất nước để xem nhau như đối tác hàng đầu trong việc đối phó với Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.

Điều này chẳng phải quá lạ, bởi Mỹ cũng đã từng, đang bỏ qua vấn đề nhân quyền để chọn đồng minh, nếu đem lại cái lợi cho nước Mỹ, nshư Philippines thời tổng thống Ferdinand Marcos, vương triều tại Saudi Arabia trong quá khứ và hiện tại…

Chủ nhân của Nhà Trắng dù Donald Trump hay Joe Biden vào đầu năm tới, giá trị của Việt Nam vẫn không thay đổi, bởi những mâu thuẫn Mỹ – Trung quá lớn, không thể giải quyết nhanh chóng. Cả thế giới đã thấy bộ mặt thật của Trung Quốc, chỉ muốn giảm lệ thuộc vào quốc gia này, hơn là đặt niềm tin như thời gian qua.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Cuộc khủng hoảng do đại dịch virus corona, xuất phát từ Trung Quốc . . . Nhiều quốc gia, doanh nghiệp đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Việt Nam trở thành nơi thu hút, nhờ chi phí nhân công thấp, không quá khó trong các quy định về môi trường, an toàn lao động, lực lương lao động trẻ.”

    Tác giả lạc quan và suy luận một chiều duy nhất. Các nhà đầu tư ngoại quốc tháo chạy khòi Tàu không đương nhiên là tìm đến Việt Nam như một thị trường tương ưng. Hiện nay các nhận định vể tình hình tương lại của Toàn cầu hoá là không rõ ràng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại Dung lương đầu tư mới ra hải ngoại của các nước phương Tây sẽ bị xét lại trong khi trào lưu dân túy đang lên cao. Cho đến thời điểm này việc phuc hồi các nền kinh tế tương lại không có gì là chắc chắn.
    Thoát Trung cho Việt Nam có hai khía cạnh: chinh trị và kinh tế. Về chính trị chính quyền có dám dứt bỏ tinh thần nô lệ tự nguyện không và dân chúng có dám nêu cao tinh thần dân tộc tự quyết không. Về khí cạnh kinh tế, Việt nam có can đảm triệt đễ cải cảch cơ chế thị trương hay bám theo cơ chế tư bản thân tộc. Đó là hai điều kiện chính cho việc thoát Trung. Hy vọng của Việt Nam thoát Trung chỉ là tuyên truyền trong tinh thần chiến đấu quân sự không thực tế.

  2. – Chia rẽ Trung-Sô là một cuộc xung đột đường lối chính trị và trên vài nét chính về ý thức hệ giữa 2 môn đệ cùng một lò triết học cách mạng, cùng nổ lực bành trướng khắp năm châu.
    Giáo điều Leninism chưa hề bị chất vấn tại Liên Xô- đấu tranh cách mạng phải lấy giai cấp lao động thành thị làm nòng cốt, lại là một giai cấp hầu như không tồn tại ở Trung Quốc. Thay vào đó, Mao Trạch Đông đã dựa vào lực lượng nông dân. Sau thành công đuổi Tưởng ra Đài loan và lập nên nước CHNDTH, Bắc Kinh càng tự tin, nỗ lực hất chân vai trò lãnh đạo cộng sản thế giới của Moskva.
    Cho nên, mâu thuẩn Sô-Trung là sự kèn cựa giữa hà mã, vốn ăn cỏ, với cá sấu, loài chỉ ăn thịt, dù cùng là dã thú với nhau cùng chia sẻ triết lý sống đối lập với thế giới tự do, chỉ để giành bá quyền trên cùng giòng sông. Vậy nên nó hoàn toàn khác với xung đột Mỹ-Trung hiện nay, vốn chỉ mới gay gắt kể từ Trump vào WH, về cả ý thức hệ lẫn kinh tế.
    Về ý thức hệ, Mỹ và Trung quốc ở 2 bên chiến tuyến, mâu thuẩn nhau 180 độ về hầu hết các thang bậc giá trị nhân văn. Dù thế, trước Trump, kể từ Nixon-Kissinger, Mỹ đã chịu ăn ngủ với Tàu suốt mấy thập niên, đưa nó từ tình trạng nghèo nàn lạc hậu, bị cô lập giữa cộng đồng thế giới…thành tân cường quốc nắm quyền phủ quyết trong HĐBALHQ, hiện có quy mô kinh tế thứ 2 sau Mỹ, nay đang lấn lướt Mỹ về mọi mặt tại vùng bao la Indo-Pacific, thậm chí sỉ nhục quốc khách Obama bắt đi cửa sau, gọi Tt Trump là crazy guy, và chỉ một tờ thời báo Tàu thôi cũng dám gọi Pompeo là đồ sâu bọ, thằng khùng.
    Cho nên, so sánh ngay phần đầu bài báo là hơi khập khiễng.

    – Bảo rằng quan hệ Viet-Trung hiện nay giống Sô-Trung hồi 1960s, dù chỉ phần nào, cũng không được. Làm sao một cây tầm gửi có mối quan hệ sống chết với ký chủ của nó lại giống với quan hệ của 2 thực thể độc lập tràn đầy năng lượng khổng lồ tiềm ẩn lực xô đẩy nhau như 2 cọp chung một rừng, như Sô Trung?

    Nhắc đến hình ảnh tầm gửi, lại chạnh lòng về “cơ hội” thoát Trung. Cứ nghe nói mãi chủ đề nầy, thoát…cần thoát, phải thoát, đã tới lúc thoát vv…Nhưng chẳng ông bà nào dám đưa ra cách thoát. HOW, COMMENT, UBERSETZUNG…?!!!
    Một khi nền kinh tế của nó “tầm gửi” từ nguyên liệu tới máy móc+ phụ tùng máy móc giá rẻ, đất đai của nó bị thập diện mai phục bởi hàng trăm nghìn (even by far more?) người lạ – viên chức, chuyên viên, công nhân, doanh nhân, du lịch, giao lưu nhân dân, tình báo…; bản đồ của đất nước lỗ chỗ như thân thể một bệnh nhân lên đậu mùa những nơi có người lạ hiện diện; đường sá cầu cống công trình, công trường, đặc khu kt trá hình, đất đai bị mua đứt ven biên giới biển, việt gian kiếm sống bằng nhân dân tệ nhiều như rươi…
    …thì thoát chó gì nữa?!!!
    Thế nên, cảm ơn thiện ý của tác giả. Nhưng biết rồi, khổ lắm…

Leave a Reply to Nguyễn Phú Hạ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây