Quan tòa và Tự do báo chí

Đỗ Hùng

17-5-2020

Đại tá Robert McCormick, một nhân vật quan trọng đứng lên bảo vệ tự do báo chí. Ảnh: internet

“Chúng ta sống theo một Hiến pháp, nhưng Hiến pháp là những gì mà các quan tòa diễn dịch…”.

Người đưa ra đúc kết trên là Charles Evans Hughes, thống đốc tiểu bang New York, vào năm 1907. Sau khi rời các chức vụ trong chính quyền, Hughes đã trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ (1910-1916) và chánh án (Chief Justice) thứ 11 của Tòa án Tối cao (từ 1930-1941).

Vào thời điểm nói lời này, hẳn Hughes đã có ý niệm rõ ràng về vai trò của những văn bản pháp luật và quan tòa. Tuy nhiên, chắc ông đã không hình dung rằng rồi đây ông sẽ đứng ra với tư cách là người diễn dịch vĩ đại bản Hiến pháp Hoa Kỳ.

VỤ NEAR V. MINNESOTA

Năm 1927, Jay Near cùng Howard Guilford ra tờ The Saturday Press ở Minneapolis. Near được miêu tả là một người “chống Công giáo, chống Do Thái, chống người da đen và chống nghiệp đoàn”.

Trong các bài viết pha trộn giữa tin đồn, sự ám chỉ và định kiến vốn là phong cách của Near, tờ báo cho rằng các băng đảng Do Thái “đang điều hành” thành phố cùng với cảnh sát trưởng Frank Brunskill. Thị trưởng George Leach cùng chưởng lý hạt Hennepin (là thống đốc tương lai của tiểu bang Minnesota) Floyd B. Olson cũng bị tờ báo cáo buộc thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm trong việc điều tra và truy tố tội phạm.

Các bài báo đã dẫn tới vụ truy tố một đại ca giang hồ địa phương, nhưng vụ việc tờ The Saturday Press bị kiện sau đó mới là điều đáng kể. Nó đã đi vào lịch sử tư pháp, lịch sử tự do báo chí và nền tự do nước Mỹ với tên gọi Near v. Minnesota (Near đối đầu với Minnesota).

Số là Floyd Olson thấy mình bị tờ báo vùi dập bèn đâm đơn kiện Near và Guilford ra tòa, viện dẫn Luật Phiền toái Công cộng (Public Nuisance Law, 1925). Luật này cấm hành vi gây “phiền toái công cộng” dưới hình thức xuất bản, bán hoặc phân phối một “tờ báo độc hại, tai tiếng và phỉ báng”.

Trong đơn kiện, Olson khẳng định việc The Saturday Press đăng các cáo buộc nhằm vào ông và những người khác là vi phạm luật trên. Sau khi xem xét, quan tòa Matthias Baldwin của Tòa án quận tại Hennepin đã ban lệnh tạm thời cấm các bị đơn chỉnh sửa, xuất bản hoặc lưu hành The Saturday Press hoặc bất kỳ ấn phẩm nào khác có chứa tài liệu tương tự.

Trong buổi tranh tụng sau đó, luật sư biện hộ Thomas Latimer nói rằng hiến pháp liên bang và tiểu bang bảo vệ hành vi (xuất bản các bài báo) của bị đơn. Tuy nhiên, quan tòa Baldwin không chịu và giữ nguyên phán quyết.

Vụ việc được xét xử hai lần ở tòa án quận, hai lần ở Tòa án Tối cao tiểu bang Minnesota.

Trong phán quyết của mình, Tòa án Tối cao tiểu bang viết rằng ấn phẩm tai tiếng nọ đã “gây phiền nhiễu, làm tổn hại và gây nguy hiểm” cho một số người và bằng cách đó nó đã tạo ra sự phiền toái mà luật cấm. Lần thứ hai ở Tòa Tối cao tiểu bang, phán quyết hầu như không thay đổi. Cơ bản là Near bị cấm xuất bản tờ báo của mình và các nội dung trên.

TỰ DO BÁO CHÍ

Xem phim The Post, hẳn nhiều người còn nhớ cảnh cô phóng viên Judith Martin của The Washington Post kêu mọi người im lặng khi cô cầm điện thoại nghe phán quyết của Tòa Tối cao liên bang. Phán quyết khẳng định chính quyền Tổng thống Nixon không được phép ngăn cản báo The Washington Post và The New York Times xuất bản hồ sơ Lầu Năm Góc, là các báo cáo tuyệt mật của chính phủ về Chiến tranh Việt Nam.

Cô cầm điện thoại và lặp lại ý kiến của Thẩm phán Hugo Black: “Báo chí là để phục vụ người bị trị, không phải người thống trị” (The press was to serve the governed, not the governors).

“Chúng ta thắng rồi”, cả tòa soạn bùng nổ.

(Cô này là nhân vật phụ thôi nhưng mình thích vì có những phát ngôn đắt giá. Một lần cô xem ti vi bản tin tờ The News York Times bị cấm xuất bản hồ sơ mật Lầu Năm Góc [Vụ này NYT đi trước và bị dính đòn trước WaPo], cô đã bình: “Quái quỷ, vậy thì đi đánh nhau với cộng sản làm gì?”, ý là chính quyền cũng cấm đoán báo chí như cộng sản mà lại đi đánh nhau với cộng sản.)

Bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg nói về vụ New York Times Co. v. United States năm 1971, một cột mốc trong tư pháp và tự do báo chí của Mỹ. Nhưng để có được cột mốc ấy, hẳn không thể không kể đến phiên tòa Near v. Minnesota trước đó 40 năm.

Sau hai lần xem xét, Tòa Tối cao tiểu bang Minnesota giữ nguyên quyết định cấm Near xuất bản các nội dung trên, chỉ được xuất bản với điều kiện nội dung phải “hài hòa với lợi ích công chúng”.

Khi Near gần như bỏ cuộc thì Robert McCormick, ông chủ nổi tiếng của Chicago Tribune, xuất hiện và hỗ trợ tài chính để tiếp tục đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao liên bang.

Là con người tin tưởng vào sự công chính của báo chí, McCormick không bao giờ đồng tình với những bài viết đầy rẫy tin đồn giật gân và ngôn từ gây hấn của Near. Tuy nhiên, cho dù các nội dung mà Near xuất bản là đáng bị lên án về mặt đạo đức và nghiệp vụ báo chí, McCormick vẫn nhận ra rằng quyết định mà các tòa án vừa đưa ra là bất lợi cho tự do báo chí, có thể bị các quan tòa lợi dụng để bịt mồm báo chí.

“Ngay lập tức tôi nhận ra rằng nguyên tắc (cho phép kiểm duyệt nội dung) có thể đặt tất cả các tờ báo vào bàn tay lông lá của bất cứ ông quan tòa biến chất nào”, sau này McCormick giải thích về quyết định hỗ trợ Near kháng án.

Ông và luật sư Weymouth Kirkland đại diện cho mình thống nhất quan điểm rằng “nếu một thằng lập dị không được quyền xuất bản những ý kiến ngu ngốc thì tự do báo chí trở nên vô nghĩa”. Kirkland thậm chí còn đi xa hơn khi tranh luận trước Tòa án Tối cao liên bang: “Nói xấu chính phủ là đặc quyền bất khả nhượng của công dân”.

Lựa chọn của McCormick minh họa sống động cho câu nói mà Evelyn Beatrice Hall dùng để diễn tả tinh thần Voltaire: “Tôi không đồng tình với điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh”.

Sau khi xem xét và tranh tụng, Tòa án Tối cao liên bang đã bỏ phiếu 5-4 hủy quyết định của Tòa án Tối cao tiểu bang Minnesota, đồng thời ra phán quyết Luật Phiền toái Công cộng 1925 vi hiến.

Chánh án Tòa Tối cao Charles Evans Hughes diễn giải: “…việc quyền tự do báo chí có thể bị lợi dụng không có nghĩa là quyền miễn trừ khỏi kiểm duyệt của báo chí trở nên kém cần thiết… Việc các quan chức có quyền quyết định bài báo nào được đăng có thể dẫn tới những tội ác nghiêm trọng hơn…”.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, quyền tự do của báo chí và ngôn luận nằm trong quyền tự do được bảo vệ bởi điều khoản của Tu chính án 14 khỏi sự can thiệp của tiểu bang”.

Ông cũng nói rằng Luật Phiền toái Công cộng 1925 “về bản chất chính là sự kiểm duyệt”.

Trong buổi ăn mừng chiến thắng, McCormick đã phát biểu rất máu: “Chính quyền không có quyền trói đầu óc công dân lại”.

QUAN TÒA – LƯƠNG TRI CỦA THỜI ĐẠI

Ở nước Mỹ tự do hôm nay, một công dân bình thường có thể chỉ trích tổng thống yếu kém, kêu ông ta từ chức và đòi ông ta phải chịu trách nhiệm cho sự đói kém của gia đình mình. Người ta thường nói nước Mỹ là xứ sở tự do hơn hết thảy các quốc gia khác. Khi lý giải tự do này đến từ đâu, phần lớn sẽ viện dẫn Hiến pháp, cụ thể hơn thì dẫn Tu chính án thứ nhất.

Nhưng Tu chính án thứ nhất có mặt từ năm 1791, từ đó về sau, giới lập pháp Mỹ đã cho ra đời không ít luật cản trở tự do báo chí, tự do ngôn luận. Các quan tòa cũng đã phạt tù nhiều người chỉ vì phát ngôn của họ.

Năm 1798, chỉ bảy năm sau khi Tú chính án thứ nhất ra đời, Quốc hội Mỹ đã thông qua Alien and Sedition Acts (các Đạo luật về Ngoại kiều và Nổi loạn) và được Tổng thống John Adams ký ban hành. Lúc bấy giờ có một ông tên là Luther Baldwin đi xem lễ đón Tổng thống Adams ở Newark, thấy cảnh bắn đại bác chào mừng, đang lúc có chút hơi men bèn hứng chí hô: “Bắn trúng mông thằng chả chắc vui lắm”. Tòa án liên bang sau đó kết tội Baldwin sỉ nhục tổng thống và chính quyền. Một ông khác tên là Matthew Lyon cũng bị phạt bốn tháng tù và 1.000 USD sau khi biên bài chê chính phủ “ngu ngốc và ích kỷ”.

Hơn một thế kỷ sau khi Tu chính án thứ nhất ra đời, nhiều người đã bị phạt tù vì chỉ trích các chính sách của Tổng thống Woodrow Wilson. Một phụ nữ tên Rose Stokes đã bị phạt tù 10 năm sau khi biên bài (trong mục Thư gửi Ban biên tập trên tờ Kansas City Star): “Tôi vì người dân còn chính quyền vì những kẻ trục lợi”. Chánh án tuyên vụ này nói rằng viết vậy khiến các mẹ, các chị giảm nhiệt thành cách mạng, không ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến (Thế chiến I) nữa.

Tới đây, hãy hình dung Luther Baldwin, Matthew Lyon hoặc cô gì viết bài cho báo Kansas City Star mà sống vào năm 1931 hay về sau, có lẽ họ đã không bị kết tội. Các quan tòa, như Charles Evans Hughes, sẽ viện dẫn Tu chính án thứ nhất để bảo vệ họ.

Tu chính án thứ nhất ra đời vào năm 1791 và đến nay nó vẫn chỉ có chừng đó chữ, tại sao lại có sự khác biệt khi đưa ra làm cơ sở để phán quyết? Câu trả lời: khác biệt chính là ở những vị quan tòa. Chính xác hơn, sự hiểu của các vị quan tòa đối với bộ luật cơ bản thay đổi qua từng thời kỳ.

Một ông quan tòa ở Mỹ vào thế kỷ 19 có thể kết tội một người vì “chỉ trích chính phủ”, từ sự diễn dịch của chính ông đối với Hiến pháp Mỹ. Một ông quan tòa ở giữa thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21 sẽ không kết tội một người “chỉ trích chính phủ”, viện dẫn cùng những điều luật như người đi trước.

Hughes đã rất chính xác khi nói rằng “Hiến pháp là những gì mà các quan tòa diễn dịch”.

Hiến pháp, Tu chính án thứ nhất được soạn từ thế kỷ 18, và quan tòa ở các thời đại khác nhau sẽ diễn dịch theo lương tri và các chuẩn mực của thời đại mình. Khi đưa ra phán quyết, các quan tòa đồng thời gieo vào xã hội thời đại mình cách diễn dịch, niềm tin và triết lý về công lý.

Đấy là một mối quan hệ tương tác hai chiều. Lương tri thời đại tác động vào sự diễn dịch pháp lý của quan tòa và quyết định của quan tòa tác động trở lại nhận thức chung của xã hội.

Các phán quyết trở thành án lệ, các diễn ngôn trở thành bài học về công lý, củng cố thêm niềm tin của người dân rằng, công đường chính là nơi người ta có thể kiếm tìm công lý.

Một phần trong lời giải thích của Chánh án Hughes cho quyết định bỏ phiếu bác bỏ phán quyết của Tòa Tối cao tiểu bang Minnesota được báo Chicago Tribune gắn lên tường tại trụ sở tòa soạn, mà sau này mỗi thực tập sinh hoặc phóng viên trẻ đến đây vẫn có thể đọc được và tự mình suy ngẫm về ý nghĩa của đúc kết đó.

Bây giờ bèn quay về Việt Nam với phiên tòa Hồ Duy Hải, thông điệp mà các quan tòa của Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra là “Có những sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”. Một thông điệp đanh thép cho thấy sự bất chấp phương tiện miễn đạt được mục đích. Nó được đưa ra bởi những quan tòa “tối cao”. Mình tự hỏi lương tri nào được phản ánh và niềm tin công lý nào được hun đúc từ phán quyết này?

_____

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu Security and Constitutional Rights:… (Volume 10)

https://bit.ly/2Zd0eKC

2. Sách Saving the Bill of Rights: Exposing the Left’s Campaign to Destroy American Exceptionalism

https://bit.ly/2Z8aIe5

3. Vụ Near v. Minnesota

https://www.mtsu.edu/first-amendment/article/504/near-v-minnesota

4. Quan điểm của McComick

https://www.chicagotribune.com/opinion/commentary/ct-perspec-flash-press-freedom-pentagon-papers-post-near-minnesota-0121-20180118-story.html

5. Sách Freedom for the Thought That We Hate (Anthony Lewis, 2007)

6. Phim The Post

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây