Một án văn nghệ ít người biết (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

17-5-2020

Hôm rồi, Ban Tuyên giáo của đảng tổ chức khá long trọng lễ trao giải cho những cá nhân, tập thể, tác phẩm học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của cụ Hồ. Điều này nhà nước chính quyền thực hiện hằng năm nhưng năm nay là mốc kỷ niệm chẵn hoành tráng (130 năm) nên độ lễ cũng hoành tráng hơn.

Cứ như những hàng chữ “đại tự” và con số cũng to chẳng kém trên phông màn (ảnh kèm theo) thì cuộc lễ này là “Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020”. Nhiều giải lắm. Trao nhận tíu tít. Nhưng cảm thấy lạ nhất là ban tổ chức lại lần mò quá khứ, trao giải đặc biệt (tức là giá trị trên cả giải nhất) cho một bài thơ chỉ thế hệ tôi (và trước hoặc sau đó mươi năm) biết, bài “Hồ Chí Minh, tên người là cả một niềm thơ” của nhà thơ cộng sản Cuba Felix Pita Rodriguez. Có nhẽ ban tổ chức đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên mời cả con gái thi sĩ quá cố tới nhận giải ngay trên sân khấu, do đích thân nhân vật số 2 của đảng, ông Trần Quốc Vượng trao.

Ảnh: TTXVN

Phải nói như này, đó là một bài thơ viết về cụ Hồ vào hạng hay nhất. Mà lại do người nước ngoài viết. Tôi lẩn thẩn cho rằng còn hay hơn cả thơ Tố Hữu về cụ, vốn chỉ ca ngợi một cách thái quá, giọng điệu nịnh nọt lộ liễu. Có nhẽ chỉ bài thơ nội địa “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương” của nhà chính trị-thi sĩ Việt Phương mới sánh nổi. Lứa chúng tôi (sinh giữa thập niên 50) hầu như đứa nào cũng biết, thậm chí thuộc làu bản dịch bài thơ của Phê Lích (thời ấy cứ gọi nôm na tên của Felix Pita Rodriguez thành Phê Lích Pi Ta Rô Đri Ghết). Hình như người ngoài họ nhìn vào ta sẽ khách quan chân thực và táo bạo hơn. Đó là chưa nói thứ tư duy của Tây có những vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu tầm thường (mà phương đông hay có), tạo ra những hình ảnh đặc biệt.

Lúc ban đầu, chúng tôi đọc bản dịch thi phẩm trứ danh này do nhà thơ Đào Xuân Quý chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, thấy đã hay, sau có những người được học hành ở Cuba rành tiếng Tây Ban Nha dịch, cụ thể là bản của Hoàng Hiệp (không phải nhạc sĩ Hoàng Hiệp lá đỏ) thì càng hay hơn. Không phải kiểu hô khẩu hiệu mòn sáo như Tố Hữu “người là cha, là bác, là anh/quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”, mà Felix có cách diễn đạt rất đắt về cụ Hồ, chả hạn “Bởi vì người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/Bởi vì người đã mặc mọi tấm áo xác xơ/Đã đi đôi chân trần của người dân mất nước”…

Thơ như thế này thì Chế Lan Viên cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Ở Việt Nam thời ấy, cụ Chế khi công khai, lúc ngấm ngầm, luôn coi mình là nhất, thi bá trong quần hùng. Đám chúng tôi, học sinh lớp 8 lớp 9, rồi sau này thành sinh viên, cứ đọc đi đọc lại thơ Felix, bảo nhau tài thật, tài đến thế là cùng, cha bố anh Phê Lích.

Hẳn nhiều người nhớ rõ, ông Phê Lích viết bài trứ danh này năm 1968 sau khi sang Việt Nam đang chống Mỹ và được gặp cụ Hồ. Tức là khi cụ còn sống. Nhà thơ chỉ cảm nhận một con người lừng lẫy của cách mạng vô sản và thể hiện ra thôi chứ hoàn toàn chả có ý “học tập và làm theo” gì. Thế giới phe tả khi đó còn mải học tập và làm theo Stalin, Brezniev, Mao Trạch Đông, mấy khi để ý đến người vùng sâu vùng xa. Những năm chiến tranh, nhiều người biết nó (bài thơ), thuộc nó (tôi chẳng hạn).

Kể từ sau 1975, không mấy ai nhắc tới nó nữa, cũng như số phận của rất nhiều tác phẩm văn chương trong dòng ca ngợi, nhất thời. Bây giờ, Ban Tuyên giáo cũng như nhà cai trị xứ này sực nhớ tới nó, cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, “biết ơn người có công” là một chuyện, nhưng gán cho thi sĩ Phê Lích và bài thơ của ông là kết quả của cuộc học tập và làm theo thì quả thật quá khiên cưỡng, nhất là lại của “giai đoạn 2018 – 2020” thì càng vênh lắm. Ừ, thì khi đã có quyền, người ta muốn làm gì chả được, kể cả những điều phi lý vô lý nhất.

Nhưng tôi vẫn chưa kể vào cốt lõi vụ án văn nghệ ít người biết đâu. Kể luôn thì dài quá, mệt người đọc. Muốn biết đó là gì, ai sống chết thế nào, xem kỳ 2 sẽ rõ.

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Kể từ sau 1975, không mấy ai nhắc tới nó nữa, cũng như số phận của rất nhiều tác phẩm văn chương trong dòng ca ngợi, nhất thời.” ( Trích NT )
    – Bác Thông không lí giải vì sao, nhưng có lẽ vì thần tượng đã sụp đổ từ khi Internet được phổ biến ?!

Leave a Reply to lu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây