Bản tin ngày 16-5-2020

BTV Tiếng Dân

16-5-2020

Tình hình Biển Đông “không êm ả”

Căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục lên cao khi Trung Quốc điều hai máy bay quân sự đến khu vực Đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Hoàng Sa), sau khi giới chức Việt Nam tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là “vô giá trị” và “khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi”.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao VN hôm 14/5, khi phóng viên hỏi về việc Hãng vệ tinh ISI công bố hình ảnh ở Đảo Chữ Thập xuất hiện máy bay do thám  KJ-500 & KQ-200 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN nói:Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị”.

Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố về biển Đông trên Twitter. Nguồn: Twitter của BNG VN

Đài VOA dẫn nguồn từ trang mạng Benarnews của Malaysia nói, chính phủ VN khuyến khích ngư dân tiếp tục hoạt động đánh bắt cá xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bất chấp lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh đơn phương ban hành. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN chỉ thị cho các tỉnh và thành phố khuyến khích ngư dân tiếp tục các hoạt động của mình trên các vùng biển của Việt Nam.

Trước đó, Người phát ngôn của Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện một cuộc “đấu khẩu”: Ngày 1/5, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá; ngày 8/5, Việt Nam đáp trả, bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Ngày 11/5, Trung Quốc phản pháo: “Việt Nam không có quyền lên tiếng”.

TGĐ Bayer Việt Nam cung cấp hình ảnh vi phạm chủ quyền VN bị xử phạt

Truyền thông trong nước cho hay, chiều 15/5, Bà Lynette Moey Yu Lin, Tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam, đã bị Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 102, Nghị định 15, vì lý do gửi cho cho nhân viên cấp dưới tài liệu có tiêu đề “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc”, trong đó có một trang bản đồ in hình “đường lưỡi bò”.

Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, “bà Lynette sẽ bị phạt tiền từ 25-35 triệu đồng về việc sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam… Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được ban hành sau bảy ngày”.

Tuy nhiên, khi rà lại văn bản quy phạm pháp luật, thì hành vi “cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia” được quy định điểm b, khoản 7, Điều 102, Nghị định 15, sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.

Trước đó, trong bản tin hôm 12/5, Tiếng Dân bình luận: “Hành vi của Tổng giám đốc Bayer Việt Nam như là một hành động tuyên truyền cho chính quyền Bắc Kinh về đại dịch Covid-19 và chủ quyền lãnh hải một cách phi pháp. Bởi, Trung Quốc không phải là một quốc gia hình mẫu trong việc ứng phó với dịch Covid-19 và việc lồng ghép “đường lưỡi bò” vào tài liệu liên quan đến bệnh dịch, cho thấy Trung Quốc không ngừng nỗ lực hợp thức hóa cho tham vọng độc chiếm Biển Đông”.

Việt Nam chống dịch Covid-19 thành công nhờ vào đàn áp

Ngày 12/5, Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) có bài xã luận “Việt Nam chống đại dịch thành công nhờ vào sự đàn áp”, nói rằng “các công cụ kiểm soát của Đảng Cộng Sản đã tạo ra vũ khí chống lại virus một cách hiệu quả”.

Công cụ kiểm soát này được tác giả mô tả là “có đội quân thường trực là các cán bộ ở các tổ dân phố và các nhân viên an ninh luôn theo dõi liên tục các khu phố. Khi có yêu cầu, những người này có thể được sự trợ giúp bởi lực lượng dân phòng có khả năng phong tỏa các quận.”

Minh họa cho cấu trúc vận hành của các lực lượng này, tác giả thuật lại sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội phong tỏa một khu vực của huyện Gia Lâm, Hà Nội vì một người có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19: “Lực lượng chức năng của quận, công an mặc đồng phục và dân phòng, đã dựng lên các rào chắn. Hình ảnh truyền thông cũng cho thấy, những người đàn ông không mặc đồng phục nắm giữ quyền lực thật sự trong những tình huống này. Họ làm việc cho Bộ Công an: Những người thi hành trong trang phục dân sự, và tùy theo tình huống, ra lệnh cho các quan chức địa phương hoặc huy động đám đông chỉ bằng một cuộc gọi”.

Một áp phích tuyên truyền chống dịch, trên một bức tường ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/4. Nguồn: Manan Vatsyayana / AFP/ Getty Images

“Đây là những người có thể được điều động để canh giữ người bất đồng chính kiến, không cho họ ra khỏi nhà để gặp gỡ nhà báo, tổ chức những buổi đấu tố họ hoặc ra lệnh cho nhà trường đối xử một cách thô bạo và hà khắc với con cái của người hoạt động nếu họ lên tiếng về tham nhũng.

Những kẻ thi hành này tin tưởng chắc chắn rằng hành vi của họ sẽ không bị thách thức bởi một cơ quan tư pháp độc lập bởi vì đảng Cộng sản quyết định luật pháp là gì. Có ai tự hỏi rằng mọi người tuân theo các hướng dẫn để ở bên trong khu cách ly khi họ sống trong một hệ thống có thể tạo ra hoặc phá vỡ sinh kế bằng cách tập trung quan liêu?”

Bài viết nhận định, “các cấu trúc kiểm soát dịch bệnh như là cấu trúc kiểm soát bất đồng chính kiến”. Do đó, tác giả cho rằng “cơ chế kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam dù rất hiệu quả nhưng không thể sao chép được, vì chúng là các cơ chế được tạo ra để bảo vệ cho sự cai trị của chế độ độc đảng”.

Bài viết nhấn mạnh “chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có thể làm được như vậy và không cần phải chịu sự giám sát của pháp luật hoặc Quốc hội”. Điều này đã tạo ra sự khác biệt so với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Cuối cùng tác giả kết luận, Việt Nam dù thành công trong việc chống đại dịch Covid-19, nhưng lại “không đưa ra một mô hình mà nhiều quốc gia khác muốn hoặc có thể thực hiện”.

Trong khi đó, báo Thanh Niên đưa tin 16/5, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá “việc ngăn chặn kiểm soát đại dịch Covid-19 trong thời gian qua là một minh chứng hùng hồn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ, của hệ thống chính trị  ở nước ta”.

Vụ Hồ Duy Hải: Phát sinh tình tiết ly kỳ

Hôm 15/5, Báo Dân Việt cử phóng viên đến xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tìm “điểm mờ” trong vụ án này là nhân vật Nguyễn Văn Nghị. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lật tung hồ sơ hộ khẩu của gần 4.000 hộ dân xã Tân Hội, cái tên Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1979 hoàn toàn không có dấu tích gì, cho thấy lai lịch của Nguyễn Văn Nghị – nghi can số 1 trong vụ án Bưu cục Cầu Voi chưa từng thường trú tại xã Tân Hội.

Vài giờ sau khi báo Dân Việt truy tìm Nguyễn Văn Nghị, Báo Sạch đăng tải một văn bản thông báo của Công an tỉnh Long An trả lời cho bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) vào năm 2016, nêu rõ rằng: “Quá trình điều tra không có ai tên Nguyễn Văn Nghị như trong đơn bà tố cáo”. Trong văn bản này, Công an tỉnh Long An khẳng định, chỉ có Nguyễn Hữu Nghị, là bạn của một trong hai nạn nhân bị sát hại, đã bị cơ quan CSĐT Long An triệu tập làm việc, và xác định Nguyễn Hữu Nghị có chứng cớ ngoại phạm, không liên quan tới vụ án.

Hôm qua 15/5, Phó giám đốc công an tỉnh Long An xác nhận:  Nguyễn Hữu Nghị, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An (Long An) có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân Hồng nên cơ quan điều tra triệu tập làm việc đầu tiên vào ngày 14/1/2008.

Trong khi đó, tại phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Bưu điện Cầu Voi, cái tên Nguyễn Văn Nghị vẫn xuất hiện,  Công an tỉnh Long An và đại diện VKSND tối cao khi trình bày trước toà vẫn nhắc đến tên Nguyễn Văn Nghị. Thậm chí trong phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, ban hành hôm 8/5/2020, bác kháng nghị và giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, cũng nhắc đến cái tên nghi can Nguyễn Văn Nghị.

Câu chuyện trở nên ly kỳ khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã xác minh và cho biết, Nguyễn Hữu Nghị, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, là người mà Phó giám đốc Công an tỉnh Long An nhắc đến, lại ở gần nhà và học cùng lớp với em gái mình. Ông Danh liên lạc với Nguyễn Hữu Nghị thì được trả lời rằng: “EM KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ANH DANH ƠI. EM CHƯA TỪNG LÀM VIỆC GÌ VỚI CÔNG AN CẢ”.

Dự luận đang đặt ra câu hỏi, vậy Nguyễn Văn Nghị (sinh năm 1979 ở Cai Lậy, Tiền Giang), nghi can số 1 xuất hiện ngay từ ngày đầu xảy ra vụ án, có tồn tại thật không? Tại sao nghi can số 1 này lại hoàn toàn biến mất khỏi hồ sơ vụ án, nhưng lại được các cơ quan tố tụng và phán quyết của Hội đồng thẩm phán nhắc đến trong phiên Giám đốc thẩm vừa qua?

Facebook Chu Mộng Long đã tự tìm câu trả lời cho mình qua bài viết Tôi biết Nguyễn Văn Nghị đang ở đâu”. Tác giả viết: “Tôi chắc chắn Nguyễn Văn Nghị biến mất cũng tương đương như cái thớt gỗ, con dao và cái ghế inox đã biến mất sau khám nghiệm hiện trường. Mất dụng cụ gây án, tức mất dấu vết gây án, bây giờ là mất luôn cả nghi phạm. Mất có hệ thống thì không thể là sai sót nghiệp vụ một cách vô tình. Chỉ có thể là cố tình phi tang để che giấu sự thật!” 

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Khi kẻ thù xâm lược
    Thì tất cả nhân dân
    Sẽ nhất tề đứng dậy
    Và hy sinh, nếu cần.

    Điều ấy khỏi phải nói,
    Càng không cần hô hào.
    Vì nhân dân tự biết
    Làm gì và lúc nào.

    Nhưng nhân dân, sòng phẳng,
    Trước khi hô “Xông lên”,
    Có đôi điều bức xúc
    Muốn được hỏi chính quyền.

    Một, ai ai cũng biết
    Bản chất thằng Trung Hoa.
    Sao chính quyền thờ nó,
    Để giờ nó đánh ta?

    Hai, thẳng tay đàn áp,
    Tù tội nhiều đồng bào
    Chỉ vì tội yêu nước.
    Giờ chính quyền nghĩ sao?

    Ba, tự mình rước giặc,
    Còn kêu gọi “đồng lòng”
    Đánh lại thằng bạn Khựa,
    Có thấy ngượng mồm không?

    Đã cầm quyền, lãnh đạo,
    Phải chính trực, công minh.
    Đừng để dân phẫn nộ
    Chĩa súng về phía mình. Thái Bá Tân

  2. Nghe đến cố tình thiêu hủy chứng cớ, cố tình bỏ lọt tình tiết, nắn ép suy luận , là thấy khó ở rồi . Nó bắt vào đồn rồi đánh đập bắt kí khẩu cung gì mà chả được, trong khi xác thực việc tiêu thụ đồ gian thì các cửa hàng vàng và tiệm cầm đồ không xác nhận. Vụ này sảy ra năm 2008 nhé, không phải năm 1980 để mà dối trá cậy quyền thế nào cũng được. Tôi ngờ rằng vụ này có ám chỉ từ trên xuống, nên việc làm loạn trong quá trình điều tra, sau đó là quá trình xét xử gượng ép ngay cả trên VKS tối cao và tòa án tối cao , nó mới trơ trẽn rõ ràng như thế.

  3. Thứ nhất,
    Đảng đùn đẩy trách nhiệm bảo vệ quyền lợi lãnh hải và lãnh thổ cho dân, cái đám bất tài hèn hạ, gian xảo làng 3 Đình mua vũ khí, máy bay, tàu chiến, tàu ngầm để làm gì, ai chả biết Vn yếu hơn tàu chệt nhưng cứ hèn như thế thì không nên sắm thiết bị quân sự.
    Thứ hai,
    Vụ việc của HDH thì lão nông dân cũng đã tỏ tường sự việc, chỉ có súc bật Nguyễn Hòa Bình và Trí Tệ thì vẫn không “đả thông tư tưởng” và úm bà la biến mất mẹ nó cái thằng nghi can số 1. Những thiên tài của đảng xuất hiện ngày càng nhiều, đất nước ngày càng tan hoang, ôi tiến lên tiến mạnh đến.. bờ vực. Vinh quang quá đảng ơi, nước Việt đang ngon lành và từ ngày có bác có đảng thì tan hoang tơi tả tất tần tật.

  4. Suy luận cỉa ông CML có căn cứ nên rất thuyết phục rằng vật chứng và cả
    nghi phạm cũng được cố tình cho biến mất để phi tang.
    Nguyễn Hữu Nghị chỉ là thủ đoạn đánh tráo đối tượng ?

Leave a Reply to NTT Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây