Bản tin ngày 14-5-2020

BTV Tiếng Dân

14-5-2020

Vụ Hồ Duy Hải: Ba ông nghị lên tiếng

Sau quyết định của phiên tòa Giám đốc thẩm xử Hồ Duy Hải, đã có ba đại biểu Quốc hội lên tiếng phản đối. Hôm 13/5, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đã gửi văn bản kiến nghị đến Tổng bí thư – Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội để xem xét, thực hiện chỉ đạo chính trị và giám sát tối cao đối với phán quyết của Tòa án Nhân dân Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải.

Theo kiến nghị, ông nghị Lưu Bình Nhưỡng đưa ra các nhận định chính về phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao:

(1) Phạm vào vấn đề “cấm kỵ” trong lĩnh lực hình sự, đó là “vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội”, dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội;

(2) Không xem xét công tâm, khách quan đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra;

(3) Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không có quyền bỏ phiếu phán quyết kháng nghị của VKSND tối cao là “đúng hay không đúng quy định pháp luật”.

Ông nghị Nhưỡng phân tích, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao phán quyết về kháng nghị của VKSND tối cao đúng hay không đúng pháp luật, là “tự cho mình áp đặt thêm quyền năng thứ 7 đứng trên luật pháp”, vì theo Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có 6 quyền năng. Ông gọi điều này là “sự vi phạm nghiêm trọng cả về chính trị và pháp lý“.

Ba ông nghị: Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng. Photo Courtesy

Một đại biểu khác cũng đã lên tiếng về vụ này là ĐBQH Trương Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa đề nghị hủy án, điều tra lại vụ Hồ Duy Hải, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Nghĩa cho rằng, “quyết định giám đốc thẩm không phát huy được hết những tiến bộ trong đạo luật đó, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội”. Nghị Nghĩa lo ngại, quyết định của tòa giám đốc thẩm vô hình trung “sẽ trở thành án lệ hướng dẫn cho công tác tố tụng về sau”.

Ông Nghĩa cho biết: ‘Sẽ đưa vụ án Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội‘, theo báo Tiền Phong.

Trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đã gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội, đề nghị giám sát vụ Hồ Duy Hải, theo báo Pháp luật TPHCM. Nghị Vân cho rằng, phiên giám đốc thẩm của TAND Tối cao từ ngày 6 đến 8/5 có “dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”.

Trại tạm giam Cơ quan ANĐT TP. HCM tra tấn ông Ngô Văn Dũng?

Trưa ngày 14/5, bà Huỳnh Thị Kim Nga lên mạng xã hội kêu cứu cho chồng mình là ông Ngô Văn Dũng, đã bị cán bộ Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu (thuộc Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. HCM) đánh đập, tra tấn tàn nhẫn.

Bà Nga cho biết, sáng 14/5/2020, luật sư Đặng Thị Kim Xuân là luật sư bào chữa cho chồng bà, có vào làm việc với ông Ngô Văn Dũng tại trại giam Chí Hoà. Bà Nga cho biết: “Chồng tôi đã bị cán bộ trại giam số 4 Phan Đăng Lưu đánh đập, tra tấn tàn nhẫn. Rồi chuyển chồng tôi qua Trại giam Chí Hoà và phải nhập viện tại trại giam Chí Hoà, trên đầu có 01 vết thẹo dài, thương tích phần mềm xung quanh người”.

Trên Facebook, bà Nga chất vấn: “Tại sao giam giữ chồng tôi sai quy định pháp luật. Còn hành hạ, đánh đập tra tấn chồng tôi tàn nhẫn như vậy? Luật pháp, Hiến pháp có còn hiện hữu nữa hay không?”.

Vợ của ông Ngô Văn Dũng cũng cho hay, bà sẽ sớm làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra về vụ việc này.

TNLT Ngô Văn Dũng. Ảnh: Facebook Biển Mặn

Được biết, ông Ngô Văn Dũng bị bắt vào ngày 4/9/2018 và đã bị tạm giam hơn 20 tháng mà chưa được ra tòa xét xử.

Theo thông báo số 11 của Cơ quan An ninh điều tra TP.HCM ngày 21/9/2018, cho biết, ông Dũng bị khởi tố vì hành vi “Phá rối an ninh”, quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự, với mức án cao nhất cho tội danh này có thể lên tới 15 năm tù.

Ông Ngô Văn Dũng, là chủ tài khoản Facebook Biển Mặn, sinh sống tại Đắk Lắk. Ông là một blogger và là nhà hoạt động tham gia vào phong trào Chấn Hưng Nước Việt, một phong trào cổ súy dân chủ, đòi hỏi các quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới khi đó nói, vụ bắt giữ ông Ngô Văn Dũng là “tuỳ tiện, không theo trình tự pháp lý, là một bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam xem thường sự thượng tôn luật pháp”. Tổ chức này cũng đã kêu gọi trả tự do nhà hoạt động Ngô Văn Dũng.

Hội nghị Trung ương Đảng bế mạc, chính thức khai trừ đảng đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc chiều hôm nay, 14/5.

Theo thông tin từ Báo Chính phủ cho biết, Hội nghị này đã chính thức thi hành kỷ luật, khai trừ đảng đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khoá 12.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá 13.

Một số nhà bình luận chính trị dự báo thay đổi nhân sự cấp cao tại Đại hội 13 nhận định, cấu trúc chính trị Việt Nam sẽ quay lại mô hình “tứ trụ”- tức Tổng bí thư không còn kiêm nhiệm Chủ tịch nước.

Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ về hưu, chiếc ghế Tổng bí thư sẽ là cuộc chạy đua cạnh tranh giữa 2 ứng viên Trần Quốc Vượng, hiện là Thường trực Ban bí thư và đương kim Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có sự khác biệt lớn
    Giữa hai con số này –
    Năm và Năm Trăm triệu
    Ở nước ta hiện nay.

    Người dân nghèo chết bệnh
    Không có tiền thuê xe,
    Giá thuê chừng Năm triệu,
    Đành phải chở xác về

    Như chở chó, chở lợn
    Trên xe máy Honda.
    Chuyện đau lòng có thật,
    Tỉnh miền núi Sơn La.

    Trong khi, sinh nhật bố,
    Quan lấy tiền của dân,
    Mừng quà Năm Trăm triệu.
    Mà chắc không một lần.

    Năm và Năm Trăm triệu
    Là một vực, một trời.
    Giữa bố quan, còn sống,
    Và dân, mới qua đời.

    Là sự thật đau nhói,
    Trần trụi và mốc meo.
    Giữa bọn quan tham nhũng
    Và những người dân nghèo.

    Là bản án chế độ
    Giả dối và vô lương.
    Một đất nước chết khát
    Vì thiếu tình yêu thương.

    Là một lời nhắc nhở
    Cho mỗi một chúng ta,
    Những người đang im lặng
    Trước thảm kịch nước nhà.

    PS
    Sơn La, tỉnh miền núi,
    Có băm sáu nghìn người
    Đang thuộc diện thiếu đói,
    Tức cũng chừng ấy người

    Có thể chết, và họ,
    Không đủ tiền thuê xe,
    Lại như chó và lợn,
    Được Honda chở về.

    Thế mà lạ, tỉnh ấy
    Quyết tâm xây tượng đài
    Một Nghìn Bốn Trăm tỉ,
    Để làm gì, cho ai? thơ Thái Bá Tân

  2. Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
    Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!
    (Ma-rat)

    Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
    Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn?
    Có gì đâu ta ôm mối căm hờn?
    Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống!

    Ai đi gõ vào cửa lòng lạnh ngắt
    Và thiết tha năn nỉ với hồn say
    Trên muôn thây, tiệc rượu máu tràn đầy?
    Không! Không thề sống như bầy hành khất!

    Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống!
    Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu!
    Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu
    Cho ta bước đến cõi đời cao rộng. Trích dẫn thơ Nguyễn Kim Thành

  3. Trong sách Ly Lâu Thượng,
    Mạnh Tử đã luận bàn
    Những dấu hiệu cho thấy
    Một chế độ sắp tàn.

    “Trên không có đạo lý,
    Dưới pháp luật bất minh.
    Vua chúa phạm luật nghĩa.
    Quan chức phạm luật hình”.

    Cứ theo đó mà xét,
    Thì Trung Quốc và ta
    Cái kết của chế độ
    Có vẻ cũng không xa. Trích dẫn thơ Thái Bá Tân

Leave a Reply to Hãy đứng dậy Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây