Việt Nam chống Cô Vi và nỗi niềm e ngại làm người cộng sản

Jackhammer Nguyễn

1-5-2020

Chính phủ Việt Nam rất hãnh diện về những thành công trong việc chống đại dịch Cô Vi toàn cầu. Đến ngày 30/4/2020, giới chức nước này xác nhận, chỉ có tổng cộng 270 người nhiễm virus, không có người chết, trong khi Việt Nam có rất nhiều bất lợi khi đương đầu với đại dịch: Có chung đường biên giới với Trung Quốc; người Trung Quốc có mặt ở VN quá đông (làm việc, sinh sống và du lịch…), mật độ dân số cao, thiếu thốn trang thiết bị y tế,…

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không bỏ lỡ cơ hội để tuyên truyền cho hình ảnh của mình, rằng họ đã dẫn dắt quốc gia vượt qua cơn khủng hoảng chết chóc, một điều nói cho công tâm là đáng tự hào. Tuy nhiên, trong chiến dịch tuyên truyền này của ĐCSVN, có các bài báo từ các cơ quan truyền thông nước ngoài ca ngợi, hoặc tìm hiểu về thành công của Việt Nam, đã được truyền thông Việt Nam quảng bá, đáng lưu ý.

Tựu chung có vài điểm sau đây mà các bài báo này nêu ra: Việt Nam ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh từ rất sớm, làm xét nghiệm và cách ly có chọn lọc để tránh tốn kém, quyết tâm của nhóm lãnh đạo, công khai minh bạch thông tin,… Nhưng có một điểm mà báo chí trong nước bỏ sót khi lược dịch, đó là vai trò của một nhà nước độc tài chuyên chế.

Ngày 16/4, NPR, tức Đài Phát thanh Quốc gia của Mỹ, có bài báo mang tựa đề: “Ở Việt Nam, có ít hơn 300 ca nhiễm và không có tử vong. Đây là lý do”. Tác giả bài viết nói rằng, sức mạnh của một nhà nước độc tài, độc đảng đã giúp cho Việt Nam chống dịch.

Ngày 27/4, báo Wall Street Journal có bài: “Một số quốc gia đang đè bẹp đường cong của virus corona. Việt Nam là một”. Hai tác giả bài viết trích lời của một nhà quan sát từ Singapore là ông Lê Hồng Hiệp, nói rằng: Chế độ độc đảng tương tự như Trung Quốc làm cho Việt Nam hiểu hệ thống chính trị của nước láng giềng hoạt động như thế nào và đã nghi ngờ ngay từ đầu, rằng việc bùng phát dịch bệnh rất là nghiêm trọng. (Không như thông tin chính thức của Bắc Kinh).

Ngày 29/4, có ba cơ quan truyền thông quốc tế là Washington Post, Sydney Morning Herald và Reuters, đều có bài viết về chống dịch Cô Vi ở Việt Nam.

Báo Washington Post viết: Có thể là chế độ độc tài đã giúp Việt Nam [kiểm soát dịch] trong những ngày đầu tiên. Tác giả bài báo còn so sánh Việt Nam với những quốc gia cũng thành công trong việc chống dịch nhưng là chế độ dân chủ như Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Đức. Tác giả viết: Việt Nam không phải là một nền dân chủ tự do, 45 năm sau chiến tranh vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với một nhóm lãnh đạo là những người đàn ông có tuổi.

Báo Sydney Morning Herald có bài viết chi tiết nhất của tác giả James Massola: “Việt Nam không có ca nhiễm mới trong 12 ngày. Tại sao?” Bài báo viết: “Là một nước cộng sản độc đảng, chính phủ có thể hành động mạnh mẽ, với sự giúp đỡ của công an và quân đội, chặn đứng cả sự truyền nhiễm lẫn những chỉ trích nội bộ”.

Tác giả dẫn lời một nhà quan sát là TS Huong Le Thu, làm việc tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định rằng: Chế độ độc đảng đã giúp cho sự phối hợp trở nên có hiệu quả. Tuy nhiên, bà Huong cũng nói, việc phản ứng có hiệu quả nhất là các nền dân chủ như Đài Loan, New Zealand.

Bài báo này cũng trích lời nhà hoạt động nhân quyền Phil Robertson, Giám đốc Human Rights Watch ở châu Á, nói rằng, việc hạn chế đã đi quá xa: Nhà cầm quyền bỏ tù người ta chỉ vì người ta chia sẻ những tin đồn về dịch bệnh.

Còn hãng tin Reuters viết: Điều giúp Việt Nam [chống dịch] là sự kết hợp giữa lãnh đạo độc đoán và kinh tế thị trường.

Trên đây chỉ là một số trong khá nhiều bài được báo chí Việt Nam đề cập trong chiến dịch tuyên truyền của ĐCSVN, xuất hiện trên các tờ báo từ loại bảo thủ nhất như Nhân Dân, đến loại cởi mở hơn như VietNamNet, Tuổi Trẻ

Điều lý thú ở chỗ, các cơ quan thông tấn phương Tây đôi khi nhấn mạnh khía cạnh độc tài, xem đó là chìa khóa thành công trong việc chống dịch của nước Việt Nam Cộng sản, nhưng có lẽ là ĐCSVN không mấy thích thú về điều đó, nên những bình luận đó đều bị lược bỏ.

***

Vì sao đảng CSVN độc tài, lại không muốn khoe nhờ sự độc tài của mình nên họ đã và đang thành công trong việc chống dịch?

Nếu những người sống ở các xã hội mở phương Tây có dịp tiếp xúc với các viên chức cộng sản Việt Nam, sẽ có nhận xét rằng, những người “cộng sản” này không bao giờ thích khi người ta gọi họ là cộng sản, hay hỏi họ về sự vận hành của guồng máy cộng sản thành công ra sao. Họ không cao giọng ngạo nghễ như các lãnh đạo cộng sản thuộc thế hệ trước: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…

Không rõ sự ái ngại này của những lãnh đạo cộng sản Việt Nam bắt đầu từ lúc nào, nhưng dường như nó bắt đầu từ lúc ĐCSVN chấp nhận cuộc chơi với phương Tây, khi có nhiều viên chức được đi đây đi đó, thấy rằng cái ý thức hệ của họ lỗi thời như thế nào.

Liệu nỗi niềm e ngại làm người cộng sản này là một tín hiệu tốt cho tiến trình dân chủ tại Việt Nam? Không có gì là chắc cả, nhất là sau khi một lần nữa họ lại hãnh diện rằng, Đảng của họ, với cách cai trị độc đoán đã kiểm soát được dịch bệnh.

Có một điều cần ghi nhận, mà các nhà quan sát nước ngoài cũng đồng ý, là việc công bố trang web của Bộ Y tế, dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Đức Đam, một người được phương Tây đào tạo, là một điều chưa có tiền lệ với những thông tin minh bạch về dịch bệnh. Ngoài ra, Trong lần chống Cô Vi này, Việt Nam đã tách ra khá xa người láng giềng phương Bắc.

Minh bạch thông tin là một đặc điểm của xã hội mở, ngược lại với xã hội cộng sản. Những người đang cầm quyền ở Việt Nam nên thấy rằng, một xã hội mở như Hàn Quốc, Đài Loan, không chỉ chống được dịch bệnh mà còn đưa xứ sở trở nên phú cường, vì huy động được sức sáng tạo của toàn xã hội, chứ không chỉ là một nhóm những tay lãnh đạo có tuổi như báo Washington Post đã bình luận.

Các lãnh đạo Việt Nam hãy từ bỏ sự “e ngại làm người cộng sản”, đã là người cộng sản thì đừng “e ngại”, hoặc hãy từ bỏ làm người “cộng sản”!

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. “Là một nước cộng sản độc đảng, chính phủ có thể hành động mạnh mẽ, với sự giúp đỡ của công an và quân đội, chặn đứng cả sự truyền nhiễm lẫn những chỉ trích nội bộ”.
    Dẫn chứng 01 trường hợp trong công tác phòng chống dịch tại Tỉnh Nghệ An:
    -Cô Lê Nữ Lan Na sinh năm 2001, 19 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, 01 mình nuôi 02 con nhỏ, cô phạm tội lừa đảo chiếm đoạt 4,6 triệu đồng tiền đặt cọc cho 100 chiếc túi xách và 5 thùng khẩu trang y tế. Cô bị xử án 2 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c, khoản 3, điều 174, Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”. Mặc dù Lê Nữ Lan Na đã chuyển trả lại số tiền lừa đảo 4,6 triệu đồng cho bị hại và đến trụ sở Công an huyện Nghi Lộc đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời phía bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng Ông Nguyễn Đào Nguyên, Viện trưởng VKSND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho rằng: “Ba ngành đã xác định đây là vụ án trọng điểm, và đưa vụ án vào diện xét xử rút kinh nghiệm”.
    -Đây có là hành động góp phần cho thành công trong phòng chống dịch hay Tòa Nghệ An xử án quá nặng, mất tình ng.
    P/s: Ba ngành = CA + VKS + TA.
    Các bài báo nói về cố Lê Nữ Lan Na:
    *Phạt tù kiều nữ ở Nghệ An lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi
    *Lừa bán khẩu trang qua facebook, thiếu nữ 19 tuổi lĩnh án
    *Phạt tù thiếu nữ lừa bán khẩu trang để chiếm đoạt tiền
    *Chiêu lừa của “nữ quái” rao bán khẩu trang giá rẻ để chiếm đoạt tiền

  2. Xin được đăng lại lời tôi đã góp ý: Nếu quả thật Việt nam làm tốt thật thì tiếc gì lời khen. Chỉ có điều khi đánh gia về 1 quốc gia chống dịch phải căn cứ nhiều yếu tố, mà chính xác thì nhường các chuyên gia tổng kết sau này. Tuy vậy còn thiếu hiểu biết tôi cũng hiểu hiện trên Thế giới không chỉ Việt Nam có con số nhiễm thấp, và thử xem các quốc gia liền sát Trung Quốc như Mông Cổ hiện chỉ có 38 trường hợp nhiễm virus Covid 19, 9 đã khỏi và cũng không có trường hợp chết – LIỆU HỌ CÒN TRÊN TÀI VIỆT NAM KHÔNG(?!) – sẽ thấy điều quan trọng nhất là số người nhiễm Virus đi đến quốc gia nào nhiều nhất. Và giả thử số người nhiễm bệnh đến Việt Nam tràn lan và Việt Nam chống đỡ cực kỳ xuất sắc thì khỏi phải nói, thế giới tự động ngả mũ. Còn đáng tiếc như ở Đức rất ít khi nghe lời khen về chống dịch ở Việt Nam, mà nếu khen ở Châu Á thì thấy thường khen các nước như Hàn Quốc. Còn có thể lúc nào Việt Nam cũng nằm trong danh sách xuất sắc thì nên để những người hiểu biết và đánh giá khách quan hơn là tự vỗ ngực và bên ngoài (các nước khác) họ chả quan tâm tới sự vỗ ngực đó.

  3. Không ai có thể tin được những con số test của chính phủ VN. Sau đây là lời của Reuters:

    “Reuters cũng đã không có thể độc lập kiểm chứng được độ chính xác những số liệu kiểm dịch của chính phủ VN. Chính phủ VN đã không trả lời những câu hỏi về những dữ liệu kiểm dịch và phạm vi am hiểu của chính phủ về những trường hợp liên quan đến virus. Hai viên chức cao cấp phụ trách phòng chống dịch cũng không đáp ứng cho những cuộc phỏng vấn để trả lời những câu hỏi về công việc của họ.”

  4. Tác giả cho rằng sự minh bạch số liệu về dịch bệnh lần này “điều chưa có tiền lệ với những thông tin minh bạch về dịch bệnh.”

    Ngây thơ! Ngây thơ quá! Ngây thơ tệ!

    Tác giả không biết gì về cộng sản. Nếu biết và nếu ở trong lòng cộng sản thì sẽ biết rằng những gì họ công bố hàng ngày không phải là số liệu thật. Chỉ cần tính toán con số nhiễm ở Thái Lan và Singapore và áp dụng cho Việt Nam thì thấy con số Việt Nam công bố vô lý như thế nào. Họ giấu diếm số liệu.

    Lần sau có viết gì về cộng sản thì hãy tìm hiểu kỹ và suy nghĩ kỹ nhé.

    • Rất chính xác.
      Tuyên truyền (láo) tuyên truyên (láo) và tuyên truyền (láo) là “quốc sách”
      hàng đầu của tất cả mọi chế độ CS.,không ri6ng gì VC.

  5. Có thể e ngại làm người cộng sản, vì biết thế giới coi khinh bỉ chế độ độc tài CS, cũng vì do Covid.19 phát sinh từ Trung Cộng.
    Nhưng người CS VN không hề e ngai ăn cắp!
    Còn được ăn cắp, ĐCSVN vẫn còn muôn năm tồn tại!

    (Chống dịch Covid-19… cơ hội được ăn cắp tiền của dân, trăm năm mới có một lần, không thể bị các quan quản lý y tế của Đảng ta bỏ lỡ!)

  6. Khi Lenie nắm được chính quyền chưa được bao lâu thì một người bạn thân của Lenie xin ra khỏi đảng CS. Lenine hỏi tại sao ,ông bạn thân của Lenine trả lời: tôi không còn tin vào Đảng nữa ! Một Đảng viên không tin vào Đảng của mình mà vẫn ở trong Đảng là VÔ LIÊM SĨ,vì vậy ,tôi xin ra khỏi Đảng!

  7. Trích: “Chính phủ Việt Nam rất hãnh diện về những thành công trong việc chống đại dịch Cô Vi toàn cầu. Đến ngày 30/4/2020, giới chức nước này xác nhận, chỉ có tổng cộng 270 người nhiễm virus, không có người chết”.

    Những con số này tin nổi không?

    – Cơ quan duy nhất được đưa ra “con số” là bộ y tế của nhà nước. Không thể kiểm chứng độc lập.

    – Các chế độ độc tài luôn luôn lợi dụng cơ hội, dù đó là một trường hợp đau thương, cho mục đích tuyên truyền.

    – Người đưa ra “con số” có thể gán cho bất cứ tên bệnh gì. Kể cả tên thông dụng “trúng gió”.

    – Những chính quyền độc tài coi mạng người rất rẻ.

    Chỉ với vài yếu tố trên, các con số đó có tin được không?

    Câu trả lời là: KHÔNG!

Leave a Reply to tudo Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây