Người lính không thù hận

Thận Nhiên

30-4-2020

Tôi chưa từng biết ông là ai, chưa từng đọc thơ của ông, cho tới sáng nay. Sáng nay, tôi xúc động, và bần thần một lúc, sau khi đọc bài thơ dưới đây của Đỗ Ngọc. Những câu tự hỏi “làm sao chúng ta thù hận được nhau?” của ông có vẻ giản dị nhưng chát đắng, đau đớn, không dễ trả lời.

Một người lính ra trận với những băn khoăn như vậy thì khó mà trở thành người chiến thắng vốn cần sự sắt máu tàn nhẫn trên chiến trường.

Tôi nghĩ, ông, và những người đồng đội, đã thua trận, là hẳn nhiên. Vì, họ là những người lính ra trận mà không thể mang theo sự thù hận.

***

Lời đoạn trường

Đỗ Ngọc

làm sao tôi thù hận được anh?
khi tóc anh cũng còn xanh như tóc tôi
khi mắt còn giữ nguyên màu trong sáng
và môi còn giữ nguyên nụ cười

làm sao tôi thù hận được anh?
khi mẹ anh cũng già như mẹ tôi
tóc bạc phơ thêm tay run rẩy hơn
từ ngày tiễn đưa con lên đường

làm sao tôi thù hận được anh?
khi người yêu anh cũng bé nhỏ như người yêu tôi
và những lá thư tình nhận được
cũng hoen ố nước mắt nhiều hơn tiếng cười

làm sao tôi nhắm mắt bắn được vào trán anh?
vừng trán bình yên không dấu vết thù hằn
làm sao tôi nhắm mắt bắn được vào tim anh?
khi máu chảy ra cũng là máu đỏ trên da thịt vàng

làm sao chúng ta thù hận được nhau?
khi một người ngã xuống là một người Việt Nam ngã xuống
là thừa một ghế ngồi trong bữa cơm gia đình
là thừa một chỗ nằm trên chiếc giường tân hôn

Ôi làm sao chúng ta thù hận được nhau?
khi anh gọi quê hương là Việt Nam
và tôi cũng gọi quê hương là Việt Nam

Ảnh minh họa: Một người lính VNCH với một cậu bé ở Sài Gòn. Nguồn: Flickr manhhai
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Không có lòng căm thù Mỹ ngụy thì không “giải phóng” được Miền Nam.
    Không giết chết dã man lão đồng chí 65 tuổi đảng Lê Đình Kình thì không thể bảo vệ được sự thống trị của Đảng độc tài. Không tuyên truyền cổ vũ lòng thù hận bằng “Tổ quốc ghi công”, bằng “Huy chương chiến công hạng nhất” cho công an, cảnh sát,… thì khó mà giữ được chính quyền.
    Khó hơn cả khi cướp chính quyền, đúng như lời dạy của Lệnin.

Leave a Reply to Khách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây