Ngày 30/4: Ngày đoàn tụ, cả nước đều vui?

Trần Nam Chí

30-4-2020


Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, từng là Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 18 và Sư đoàn 5, sau 13 năm “học tập cải tạo“ trở về năm 1988, được người thân đón tại ga Saigon. Nguồn: Việt Museum

Ðối với một dân tộc đã oằn oại qua bao năm chinh chiến, bỏ lại sau lưng những tàn khốc, chết chóc của chiến tranh, là niềm hạnh phúc không sao tả được cho dân tộc đó.

Không ít người Việt Nam đã mừng mừng, tủi tủi khi không còn tiếng súng nổ trên quê hương. Từ khi chiến cuộc chấm dứt, Bắc Nam chung về một mối, 45 năm đã trôi qua là một thời gian dài của một đời người. Còn dài hơn cho một dân tộc đi tìm ánh sáng của tương lai.

Bên chiến thắng và cơn say men chiến thắng tưởng chừng như đã đủ. Từ nay, Ðảng CSVN có đủ điều kiện, nắm mọi quyền hành để xây dựng đất nước tốt đẹp như đã tuyên truyền trong cuộc chiến. Việt Nam thống nhất nằm trong khối cộng sản và chiến thắng nhờ vào sự tiếp tay của khối cộng sản.

Tuy vậy, các lãnh tụ ở bên thắng trận cũng không có quyền quyết định huớng đi tốt đẹp cho dân tộc bởi ý thức hệ đã bị lệ thuộc vào khối cộng sản. Họ cũng không đủ sáng suốt và bản lãnh để nhận ra con đường tiến lên của dân tộc, cũng như từ đâu, do đâu mà có được chiến thắng. Do lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam? Nhờ vào viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc?

Thay vì bắt đầu một kỷ nguyên tái thiết, xây dựng Việt Nam hòa bình, tạo cuộc sống ấm no cho người dân cả nước, để chiếm giữ một vị trí xứng đáng ở Đông Nam Á, Hà Nội đã đạp bỏ nguyện vọng của dân tộc, chọn vào quỹ đạo của Liên Xô. Tưởng rằng đàn anh Liên Xô ở xa có thể giúp VN đối đầu với nước láng giềng bành trướng Trung Quốc.

Vừa mới thanh bình, gia đình Việt Nam ở hai miền Nam – Bắc chưa được đoàn tụ bao lâu, CSVN lại đưa thanh niên VN lao đầu vào trận chiến ở Cam Bốt. Ðất nước chưa hồi sức, đã phải đương đầu với cuộc chiến xâm lược của TQ ở phía Bắc. Sau năm 1990, CSVN phải đầu hàng TQ ở Hội nghị Thành Ðô và kể từ đó, Hà Nội càng lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh.

Ðối với Miền Nam, tâm lý của CSVN nghiêng về chính sách tù đày, hành hạ người dân Miền Nam hơn là nhìn mặt đồng bào của mình để có cách đối xử nhân đạo, theo tinh thần dân tộc. Những người cộng sản lẽ ra cần chinh phục lòng người để hàn gắn những vết thương chiến tranh, cùng chung vai xây dựng đất nước giàu mạnh, nhưng họ đã làm ngược lại.

Nói chống thực dân, đế quốc, dày xéo đất nước, nhưng Hà Nội đã không thấm thía những hành động tàn ác của các thế lực này khi chúng đối xử với dân ta như thế nào qua các phong trào giành độc lập VN. “Thương người như thể thương thân/ Người trong một nước phải thương nhau cùng“ thể hiện tất cả nhân tính của con người Việt Nam. Nhưng với người cộng sản, “đồng bào ruột thịt“, chỉ là sáo ngữ, bởi ý thức hệ đã đánh mất nhân tính của họ rồi!

Mô thức xã hội sai. Hệ thống tư duy sai. Cả nước bị nhốt trong nhà tù. Nhà nước cũng bị giam trong xã hội chủ nghĩa. Toàn dân phải sống trong nhà tù toàn trị.

Biết lầm lỗi, nhưng cứ nhắm mắt đi theo lối mòn, cho nên họ đi từ sai lầm nầy đến lỗi lầm khác. Và cũng “không biết đến bao giờ mới đến thiên đàng XHCN”, thế nhưng họ nhất định không quay lại với thực tế. Họ vẫn nhất định bám giữ quyền lực. Nhất định làm cho ngu dân. Bằng mọi cách phải áp bức, kềm kẹp, bóp nghẹt mọi tiếng nói phản biện, xây dựng, sửa chữa.

Những vụ cưỡng chế đất của nông dân xảy ra thường xuyên hơn và mức độ bạo lực ngày càng gia tăng. Tiếng súng Tiên Lãng đưa người nông dân vào vòng lao lý. Nông dân Ðắk Nông phẫn uất bắn chết người để bảo vệ đất. Gần đây nhất là vụ thảm sát ông Lê Ðình Kình, công an bắt bớ gần 30 dân làng Ðồng Tâm, Hà Nội…

Những vụ “đồng chí” thanh toán nhau ở Yên Bái, hay các vụ “té lầu”, “nhảy lầu tự tử” không còn là chuyện hiếm. Các vụ việc này cho thấy, xã hội VN đang bế tắc trầm trọng. Nạn nhân lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Kẻ ra tay hành động không tìm thấy cách giải quyết nhân văn, có lý, có tình nữa.

Có lẽ không quá đáng, tất cả đều là hậu quả của cách đối xử giữa con người VN trong cuộc chiến Bắc – Nam, sau cuộc chiến, và nhân tình thế thái sau năm 1975.

Là tập đoàn lãnh đạo cả nước, là kẻ chiến thắng, thành phần lãnh đạo VN phải tự vấn: Bao nhiêu sai lầm, bao nhiêu tủi nhục, bao nhiêu bất công, tội lỗi mà họ đã gây ra cho dân, chừng ấy vẫn chưa đủ sao?

Chẳng lẽ toàn đảng đều mù quáng? Nếu có và còn nhân trí, những người lãnh đạo ĐCS sẽ phải thay đổi để đáp ứng thực tế xã hội, đáp ứng đòi hỏi của dân, cũng như phù hợp với trào lưu thế giới.

Tiếp tục dùng cảnh sát, công an đàn áp, giết dân mãi sao? “Kiên định với chủ nghĩa xã hội” hôm nay, đồng nghĩa với phản bội dân tộc.

Vào ngày 30/4 năm nay, nhân dân Việt Nam mơ ước gì? Một tương lai nào cho Việt Nam?

Ngày 30/4 năm nay Hà Nội phải làm khác hẳn đi. Hãy đặt tên cho ngày lịch sử này là Ngày Ðoàn tụ. Không nhắc lại những thành tích chiến tranh nữa. Phải tạo một không gian thanh bình và nhân bản để cho muôn nhà đều vui, muôn triệu người đều vui. Vâng, cả nước đều vui mừng.

Vì sao nhà nước CSVN hiện nay muốn tồn tại, phải lệ thuộc vào TQ? Nếu Việt Nam có dân chủ, đất nước này có thể là một quốc gia thịnh vượng, một láng giềng tốt, bình đẳng với TQ, thay vì phải bị Bắc Kinh đối xử như một nước chư hầu, lệ thuộc vào họ như đảng CSVN đã bắt đầu lệ thuộc kể từ ngày vay mượn vũ khí của Bắc Kinh, mang vào đánh người anh em miền Nam.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. KÍNH CHÚC Bậc Anh Hùng Nguyễn Công Vĩnh mẫi mãi yên nghỉ trong lòng ĐẤT MẸ và ĐẤT MỸ

    https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2017/03/NguyenCongVinh.jpg

    Tưởng nhớ Cố Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh
    **********************************

    https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/tuong-nho-co-dai-ta-nguyen-cong-vinh/

    Mar 1, 2017 cập nhật lần cuối Mar 1, 2017


    THƯƠNG ANH, NGƯỜI LÍNH CỘNG HÒA
    **************************

    Thêm một lần Tháng Tư buồn lại đến
    Tôi nghĩ về anh, người lính kiêu hùng
    Tôi nghĩ về anh, người lính oai phong
    Đạn giặc thù không làm anh bỏ chạy
    *
    Anh đứng lên quyết diệt tan bạo lực
    Anh sống còn quyết gìn giữ quê hương
    Lệnh “buông súng” anh tưởng đã nghe nhầm
    Lúc hồi tỉnh đất trời quay chao đảo
    *
    Ba mươi chín năm, vết đau chưa dứt
    Không thể quên anh, tôi gởi lời chào
    Trao về anh lòng này bao ngưỡng mộ
    Ơn hy sinh ghi khắc mãi không phai
    *
    Sống hay chết, với tôi, anh vẫn thế
    Đẹp vô cùng người lính trận hiên ngang
    Giữa chiến trường anh xem thường lửa đạn
    Trong tay thù anh khí tiết âm vang
    *
    https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2017/03/NguyenCongVinh-02.jpg
    Dân chúng mừng rỡ khi đón Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh về từ trại tù cộng sản.

    Ngày anh đi tù, tóc hãy còn xanh*
    Ngày anh về, tóc con anh đã bạc
    Vợ anh một thời đài trang khuê các
    Bây giờ bên anh dở khóc dở cười!
    *
    Nước mắt anh cạn, nước mắt chị khô
    Vẫn còn đó một mối tình chung thủy
    Vẫn còn đó hai trái tim vàng ngọc
    Trước bạo tàn không cúi mặt cầu vinh
    *
    Hỡi những ai hay “áo gấm về làng”
    Xin nghĩ lại có đáng gì không nhỉ?
    Hỡi những ai vô cảm đến lạnh lùng
    Xin dăm phút nhớ về ngày tháng cũ
    *
    Trời đang xuân sao mây mù giăng phủ?
    Chim xa đàn hát chi khúc ly tan!
    Thương anh, người lính Cộng Hòa
    Vụng về tôi viết bài thơ tặng Người

    Kim Thành
    April 2014

  2. “bom đạn qua lâu rồi,
    vòng đen vẫn còn đó,
    Phạm Tiến Duật ơi,
    vòng trắng vẫn quanh đây.
    đêm hôm nay,
    trời Vụ Bản mù sương,
    đất không chiến tranh,
    đất vẫn nhòa vòng trắng.
    vòng trắng trên khuôn mặt,
    người rám nắng,
    trên vai áo sờn,
    người giữ đất quê hương.
    vòng trắng trên,
    đôi mắt mẹ chúng ta,
    sợ lắm lũ quỷ ma,
    hãi hùng hơn cái chết.
    vì phải sống với thây ma di động,
    với lũ vô lương, hèn nhát đến bất nhân.
    Phạm Tiến Duật ơi,
    ông còn thích vẽ vời.
    dừng lại hết đi!
    đêm nay im lặng quá!
    những vòng trắng,
    lặng câm tuyên thệ.
    ta hôm nay không vẽ những số không,
    không vẽ những hờn căm,
    không phân biệt địch ta,
    không gieo bom vãi đạn.
    tại sao ư? tại ta biết hận ai,
    kẻ thù là ai,
    dội bom đạn lên ai,
    chẳng phải đồng bào mình hết thảy.
    ta hôm nay cởi ra vòng trắng,
    bỏ khăn tang,
    ghì siết trong tay,
    những đứa con ta, những đứa cướp ngày.
    dạy chúng lẽ yêu thương,
    bài học vỡ lòng Nhân tính.
    dạy chúng biết lẽ nào là Sống,
    lẽ nào là Tự do, đâu thương xót Đồng bào.
    ta hôm nay,
    đã cởi ra rồi,
    không cần nữa đâu,
    những số không vòng trắng…” N. Đ. K.

Leave a Reply to TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây