Tranh chấp Biển Đông và bài học

Đoàn Bảo Châu

25-4-2020

Càng đọc, tôi càng cảm thấy Việt Nam đuối lý trong vụ tranh chấp này. Ở đây, chúng ta bàn để nhận chân điều gì thực sự đang diễn ra để tìm hướng đấu trí với kẻ thù, tìm hướng đưa đất nước đi lên chứ không phải để hô khẩu hiệu, thể hiện lòng yêu nước hay quyết tâm gì cả.

Ai đó có thể sẽ nói người dân như chúng ta thì lo làm gì, việc ấy là của lãnh đạo. Xin thưa, lãnh đạo cũng có thể có những sai lầm chết người gây tổn hại cho quyền lợi dân tộc. Họ đã sai và hoàn toàn có thể tiếp tục sai. Cho nên sự quan tâm rộng rãi của công luận là điều cần thiết. Đất nước này là của dân tộc Việt Nam và chính chúng ta phải quan tâm và cùng suy nghĩ tìm giải pháp cho những việc quan trọng.

Tôi sẽ bàn về vài điểm:

1. Họ đã sai và có thể tiếp tục sai:

Công hàm ngày 10 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một sai lầm chết người như vậy. Đây chính là gót chân Asin của ta mà phía Trung Quốc đã và sẽ bám vào nhằm chứng minh Việt Nam đã công nhận chủ quyền của chúng tại HS và TS.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải quốc gia. Tuyên bố gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau:

Điều 1: Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…

Điều 3: Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ.

Điều 4: Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.

Ngày 10 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm (công hàm 1958) ủng hộ tuyên bố của TQ nguyên văn như sau: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.”

Về mặt ngoại giao hay chính trị thì phía Trung Quốc có thể đưa tuyên bố thế nào, ấy là quyền của họ và không ai bắt ta phải ra công hàm ủng hộ. Không thể nói như ông Phạm Văn Đồng là: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy”.

Tôi hiểu lúc ấy ông Đồng chịu sức ép bởi VNDCCH đang nhận viện trợ nhiều từ Trung Quốc nhưng phải nói lúc ấy các lãnh đạo Việt Nam đã ngây thơ trong mối quan hệ với người anh em “môi hở răng lạnh” cùng lý tưởng cộng sản.

Việc ngây thơ này có thể được dẫn chứng bằng lời của TS Hoàng Việt:

“Trước hết là về bối cảnh đưa ra công hàm mà năm 1958 ông Phạm Văn Đồng đã ký. Thứ nhất là lúc đó quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vẫn còn như là anh em, vừa là đồng chí vừa là anh em. Năm 1949, Quân Giải phóng Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, sau đó trao trả lại cho Trung Quốc. Thế rồi sang năm 1957 Trung Quốc chiếm lại từ tay một số lực lượng khác đảo Bạch Long Vĩ và sau đó đã trao trả lại cho Việt Nam. Muốn nói tới câu chuyện đó để làm gì? Đấy là lúc đó hai nước tình cảm rất là chặt chẽ với nhau.”

Tức là lúc ấy hai nước đang rất tin cậy lẫn nhau, cho nên cả tin dẫn tới bị lừa là điều đã xẩy ra.

2. Lý luận yếu ớt:

Trong cuộc họp báo quốc tế về chiều 23-5-2014, ông Trần Duy Hải – phó chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia đã phát biểu:

“Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa.”

Lý luận như vậy là yếu ớt và nếu mang ra toà quốc tế, chúng ta sẽ bất lợi. Tuy công hàm của ông Phạm Văn Đồng không nói một cách cụ thể công nhận chủ quyền của TQ về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đây là một công hàm tán thành công hàm của TQ trong ấy có tuyên bố rõ ràng chủ quyền của họ với hai quần đảo này.

Lý luận tiếp theo của ông Trần Duy Hải lại càng không thuyết phục: “Thứ hai, giá trị công thư cũng phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Genève 1954 mà Trung Quốc có tham gia. Do đó, tôi xin nói logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được (cái đó)”.

Và Việt Nam đã hai lần gửi công hàm cho UN, giải thích công thư Phạm Văn Đồng 1958 bằng lập luận khẳng định chính thể Việt Nam Cộng hoà là một chính thể độc lập, có đủ mọi quyền pháp lý quản lý hai quần đảo HSTS, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền tài phán với hai quần đảo vào thời điểm đó cho nên công thư của Phạm Văn Đồng là vô hiệu.

Cái lý luận “không thể cho những gì chưa thuộc về mình” này có phần rất trẻ con, bởi tuy không nói ra nhưng việc ấy ngầm hiểu như là một khế ước hứa hẹn một món lợi trong tương lai với đối tác để có được sự hỗ trợ của họ trong hiện tại.

Giả sử bên thắng cuộc là VNCH thì đúng là cái công hàm (hay các vị gọi cho nhẹ đi là công thư) ấy đúng là không có giá trị nhưng ở đây ông Phạm Văn Đồng lúc ấy là thủ tướng của bên về sau thành bên thắng cuộc.

Nếu lý luận VNCH là một chính thể độc lập và dựa vào đấy như một cái bình phong để chối bỏ giá trị của công hàm hay công thư kia đi thì luật sư bên ta sẽ bị vặn lại dễ dàng là nếu đã nhìn nhận VNCH như vậy thì tại sao các ông lại có quyền chiếm đóng một chính thể đã được quốc tế công nhận.

Nếu bám vào cái ý ấy, tôi sợ rằng Việt Nam sẽ thất thố khi tranh biện pháp lý ở toà án quốc tế.

Ở đây chúng ta bàn không phải để trách móc những người đi trước mà để tránh sai lầm cho hiện tại và tương lai.

Vậy chúng ta học được gì qua những sai lầm ấy?

3. Điều đáng bàn là hiện tại và đối tượng cần bàn ở đây chính là những người lãnh đạo hiện tại của Việt Nam.

Sai lầm của công hàm Pham Văn Đồng là một sai lầm chết người bởi nhiều nguyên nhân: sự cả tin, sự ngây thơ vào cái gọi là tinh thần quốc tế vô sản, ở tình anh em “môi hở răng lạnh”, cái nhìn hời hợt về chủ quyền và cũng bởi số phận của một nước nhỏ khi chúng ta bị những nước lớn coi như những quân cờ trên bàn cờ quốc tế.

Việc giải quyết tranh chấp biển đảo sẽ cần những bộ óc thông minh nhất, am tường sâu sắc nhất về luật pháp và phải có khả năng tranh biện hùng hồn và thuyết phục nhất trong trường hợp có tranh chấp pháp lý. Khi đọc mấy cái lý do mà các vị nêu ra như trên, tôi thấy lo lắng vô cùng. Trung Quốc có 1.4 tỉ dân, nếu phải tranh biện, họ sẽ có những luật sư rất giỏi và mấy cái lý luận trẻ con ấy sẽ bị bẻ gẫy tan tành ngay lập tức.

Và đây mới là điều quan trọng nhất của bài viết này. Trong cuộc chơi với Trung Quốc, chúng ta luôn ở thế cửa dưới và khi ta mất cảnh giác, quyền lợi dân tộc sẽ bị xâm hại. Để lấy lại được sự mất mát cần nhiều máu và nước mắt.

Ấy vậy mà có nhiều kẻ đang giả vờ ngây thơ không hiểu con quỷ Trung Cộng và đang trải thảm đón chúng vào 3 đặc khu kinh tế. Vậy chúng là ai, đang phục vụ lợi ích cho ai? Chúng ngu hay giả vờ ngu? Chúng tham thật hay vì một mục đích nào khác?

Còn nữa. Khi nói tới tranh chấp là nói tới cơ sở pháp lý. Pháp lý là thứ không thể dùng quyền lực theo kiểu “cả vú lấp miệng em” được. Do vậy, các vị hãy hành xử tôn trọng pháp luật trước hết với chính người dân của mình để những vụ việc vô lý không xảy ra như ở Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng hay Thủ Thiêm.

Vấn đề đặt ra nữa là làm thế nào để dân tộc nhỏ bé này có thể đương đầu với con quỷ Trung Cộng. Điều này cha ông chúng ta đã làm thật xuất sắc. Chúng ta nhỏ bé nhưng đã nhiều lần đập cho giặc phương Bắc dập đầu, chỉ có thời đại này chúng ta mới bị thất thố đến mức này. Tôi đã nói nhiều lần và tiếp tục nói rằng để đất nước yếu ấy chính là một tai hoạ khi bên cạnh con quỷ Trung Cộng. Do vậy việc thực sự coi trọng nhân tài, cải cách thể chế sao cho đất nước vận hành được hiệu quả nhất, diệt trừ tham nhũng quyết liệt và gắt gao, nâng cao dân trí, nhân quyền, dân chủ… là những việc cần thiết để đưa đất nước mạnh lên.

Ngày 30.4 sắp đến rồi, hãy vứt bỏ mấy cái câu nhàm chán và vô duyên như “giải phóng” “nguỵ quân, nguỵ quyền” đi. Đừng khôn nhà dại chợ như vậy. Cuộc chiến ấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn có sự can thiệp của ngoại quốc ở cả hai bên, đấy là một nỗi đau của Mẹ Việt. Hãy thực tâm bắt tay vào hàn gắn tâm hồn Việt, thực tâm với sự nghiệp hoà hợp hoà giải dân tộc để đất nước này được mạnh lên chứ đừng hô hào đầu môi chót lưỡi như những năm qua.

Trọng trách của các vị là bảo vệ được quyền lợi dân tộc và điều ấy là tối thượng, còn khi không làm được, các vị sẽ mất uy tín với nhân dân.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. -Các nước có liên quan đến vấn đề Biển Đông như Philippines, Malaysia,… dù ko có ý kiến về Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc như VN đã gửi công hàm 1958 phản hồi Tuyên bố ngày 4/9/1958, nhưng TQ cũng vẫn xâm chiếm lãnh hải Philippines, Malaysia,… vì tham vọng của TQ là “đường chín đoạn” bao trọn Biển Đông. Vậy bước đầu tiên VN phải vô hiệu hóa “đường chín đoạn” đối với lãnh hải VN. Đây là việc làm cấp thiết, cấp bách hiện nay. VN phải làm dc như Philippines đã làm, là Philippines nộp đơn kiện TQ vào ngày 22/1/2013 tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA). Căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Philippines kiện TQ về việc đơn phương tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” đối với Biển Đông. Phán quyết của PCA công bố vào ngày 12/7/2016 tuyên bố Philippines thắng kiện TQ. Tòa nhất trí rằng TQ không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”, việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển. VN ko nên đưa vấn đề đi quá xa khi chỉ chú trọng tập trung bàn về việc chủ quyền HS-TS mà quên đi vấn đề chính là kiện TQ về “đường chín đoạn” phi pháp. VN cũng cần hợp tác với các nc có liên quan đến Biển Đông như Philippines, Malaysia,…(ngoại trừ TQ) nhằm đạt thỏa thuận công nhận chủ quyền của nhau, sao cho phù hợp lợi ích giữa các nc, cũng là tạo đồng thuận trong khối Asean chống lại âm mưu chia rẽ Asean của TQ.
    -Công hàm số CML/42/2020 TQ gửi lên Liên Hiệp quốc ngày 17/4/2020 có nội dung TQ tuyên bố về chủ quyền Biển Đông như sau: “China có chủ quyền đối với Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa và các vùng nước liền kề. China có các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. China có các quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Chủ quyền của China đối với Chư đảo Nam Hải cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của China ở Biển Đông là đã được thiết lập trong một giai đoạn dài của thực tế lịch sử. Các quyền ấy đã được gìn giữ bởi các Chính phủ China kế tiếp nhau và là nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.”. Như vậy, chủ quyền của TQ trên Biển Đông cũng chỉ dựa trên lý do mơ hồ, ko có cơ ở pháp lý rằng “đã được thiết lập trong một giai đoạn dài của thực tế lịch sử. Các quyền ấy đã được gìn giữ bởi các Chính phủ China kế tiếp nhau.”!!!???. Vậy khi TQ ko xác định rõ cơ sở pháp lý QT để minh chứng rằng TQ có chủ quyền “quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa,” nhưng trong “bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958” Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại tự nhận là TQ có chủ quyền thì tuyên bố về chủ quyền quá sai, rất lố bịch vì TQ tuyên bố “cái ko phải của TQ là của TQ”, rồi VNDCCH lại “tán thành” “cái ko phải của TQ là của TQ”.
    P/s: Đặt trường hợp có đến lúc nào đó cộng đồng QT buộc phải công nhận chủ quyền HS-TS thuộc TQ? Nếu cộng đồng QT buộc phải công nhận thì đương nhiên tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông của cộng đồng QT sẽ bị TQ chốt chặn & TQ tự đặt ra những yêu sách vô lý cho cộng đồng QT nếu muốn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Vậy thì, có lẽ cộng đồng QT sẽ ko bao giờ để xảy ra việc buộc phải tự đưa mình đi vào thế kẹt. Hy vọng là cộng đồng QT ko ủng hộ hay ko thực hiện những việc làm tạo cớ cho TQ khẳng định có chủ quyền HS-TS.

  2. Trước đây khi nói đến tham nhũng ông Trọng đã từng lấy chuyện Tây Du Ký là câu chuyện thần thoại mang tính phật giáo để lấy từ đó câu chuyện thầy trò Đường Tăng phải đổi Bát vàng của Hoàng đế Đường Thái Tông tặng để nhận được kinh thật mà từ đó lí luận ở cửa phật còn phải tham nhũng thì ý nói Nhân đan đừng quá lạ với tham nhũng.hiện có ở Việt Nam. Tôi cứ nhớ câu chuyện này thấy làm lạ là làm các nhà chính tị Việt nam dễ thật, khi nào bí cứ lấy chuyện cổ tích ra kể và ắt hẳn không ít dân nghe theo. Và hôm nay được đọc câu chuyện tưởng tượng của Tác giả nào đó (tên tây nhưng cũng có thể đằng sau là tàu khựa tình báo Trung Nam Hải chính gốc – Người trích nếu không muốn để hiểu lầm luôn cài link vào sẽ đỡ nghi kỵ) kể câu chuyện không tưởng và cho là có thể là cách Việt nam nên làm.

  3. Dưới đây là một bài viết được một người có bút hiệu Green Lantern đăng trên mạng cách đây độ 5-7 năm về trước. Tuy là một câu chuyện phiếm nhưng rất thực tế và có thể giúp Việt Nam giải quyết được vấn đề Hoàng và Trương Sa
    ———————–
    Sau hai vòng đàm phán không chính thức với mục đích nếu không đạt được Hiệp ước Liên minh Quân sự với Hoa Kỳ thì ít ra cũng được phép mua vũ khí từ Mỹ, Đại diện CSVN đành về nước tay không với gói quà 18 triệu đô viện trợ cho Cảnh sát Biển.

    Hôm trước khi ra sân bay về nước, Đại diện CSVN có ngõ lời mời người đối tác phía Mỹ một buổi cơm tối thân mật tại một nhà hàng Tàu trong vùng Virginia. Nhà hàng này nổi tiếng với món Vịt Bắc Kinh và có rất nhiều Tổng thống Mỹ ghé qua ăn và chụp hình lưu niệm. Vừa bước vô cửa người đại điện Mỹ nói chào một cách dí dỏm:
    – Ông cũng khéo chọn lựa chứ? Mỹ gặp Việt trong nhà hàng Trung Quốc?

    Đại diện CSVN cười và giải thích:
    – Nhà hàng này có chủ là người Đài Loan. Cứ xem như kẻ thù của kẻ thù là bạn.

    Đại diện Mỹ buột miệng ra một câu tiếng Việt:
    – Thế ra là nhà hàng của “Thế lực THÙ (của) ĐỊCH” à?

    Đại diện CSVN phá lên cười:
    – Gớm. Ông cũng rành tiếng Việt đấy chứ?

    – Tôi học tiếng Việt ở Mỹ, học tiếng lóng tiếng láy ở Sài Gòn khi còn làm tùy viên văn hóa bên đó trước năm 1975. Sau này vẫn theo dõi thời sự và trao đổi trên Facebook. Chúng ta có thể thảo luận bằng tiếng Việt để khỏi mất thì giờ. Ông muốn gặp tôi lần cuối chắc là có câu hỏi gì cho tôi?

    Đại diện CSVN vào thẳng vấn đề:
    – Hai vòng đàm phán qua ông đã kết luận chúng tôi không thể có Liên minh Quân sự với Mỹ vì Trung Quốc sẽ cản trở. Chúng tôi không có đủ ngân sách để mua vũ khí tự túc. Xem ra giải pháp quân sự lúc này với Trung Quốc không khả thi. Thế thì giải pháp pháp lý, ông nghĩ có khả thi hay không? Ý tôi muốn nói rằng đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để kiện như Philipines đang làm thì có khả thi không?

    – Cơ hội rất ít, thưa ông. Và các ông nên cân nhắc cẩn thận về các bằng chứng trình trước tòa. Vì nếu tòa phán quyết các ông THUA thì con đường tương lại còn gian nan hơn nữa. Phán quyết mới nhất của tòa cấp quốc tế xem ra là bản án tử hình cho các ông tại Biển Đông. Khi ấy các ông bị đẩy ra bên lề mọi tranh chấp sau này của các nước trong vùng đối với Biển Đông.

    – Nhưng nếu chúng tôi liên kết kiện với Phi hay các nước khác?

    – Tôi cũng nhận thấy các ông đang có hướng này. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghé thăm Phi hôm qua. Nhưng khả năng Phi liên kết với ông trong vụ kiện rất thấp vì khi Phi kiện các ông không ủng hộ. Bây giờ các ông tham gia với BẰNG CHỨNG BẤT LỢI hơn thì dĩ nhiên Phi khó chấp nhận.

    – Chúng tôi có đầy đủ các bằng chứng THUẬN LỢI từ thời Thực dân Pháp đến Việt Nam Cộng Hòa rằng Việt Nam đã có xác định chủ quyền trên hai quần đảo này liên tục cả trăm năm cơ mà. Sao ông lại nói BẤT LỢI?

    – Các ông đang trưng dẫn bằng chứng của những chế độ đã qua mà không hề có bằng chứng xác nhận chủ quyền cấp quốc tế từ chế độ của các ông. Xem ra khó thuyết phục tòa án. Các ông có thể trưng dẫn hình ảnh thời thơ ấu trong một căn nhà, những câu chuyện tuổi thơ ở đó, trong khi người ta trình ra GIẤY BÁN NHÀ của bố các ông, thì dĩ nhiên tòa án không thể cho các ông vào nhà được.

    – Ý ông muốn nói đến Công Hàm Phạm văn Đồng năm 1958?

    – Đúng. Các ông biết Công Hàm này đã lâu nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy các ông cố NÉ TRÁNH nó. Trong khi ngược lại gần đây Trung Cộng lại trưng công hàm này ra trước quốc tế. Xem ra họ có nắm đàng cán về vụ này!

    Đại diện CSVN cười sặc sụa:
    – Công hàm đó KHÔNG CÓ HIỆU LỰC ông ơi. Phạm văn Đồng dù có nói thẳng là “giao Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Cộng” thì cũng không có hiệu lực. Đó chỉ là ĐÒN NGOẠI GIAO … KHÔN NGOAN của chúng tôi để nhận viện trợ từ Trung Cộng mà đánh Mỹ. Năm 1958 chúng tôi không có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

    Chờ cho người đại diện CSVN cười xong, uống một ngụm nước, thì đại diện Mỹ mới từ tốn lên tiếng:
    – Đối với luật pháp Tây Phương chúng tôi thì chúng tôi phân biệt rất rõ sự tách biệt giữa “khế ươc buôn bán” và “chủ quyền”.

    – Ý ông nói là các ông có thể bán những gì các không có cơ à. Thật là HOANG ĐƯỜNG và TRẺ CON.

    – Chuyện có thật ông à. Khế ước buôn bán là giao kết giữa hai hay nhiều bên về chuyển nhượng một cái gì đó nó có thể trong hiện tại hay trong tương lai để đổi lấy giá trị tiền bạc hay vật chất có thể giao hôm nay hay giao vào một thời điểm trong tương lai. Như vậy vào năm 1958 các ông hứa bán một cái gì đó các ông không có ngay lúc đó, và lời hứa sẽ giao hàng ngay khi các ông có. Vấn đề là phía Trung Cộng tin như vậy và ủng hộ các ông biến điều đó thành hiện thực. Đổi lại họ cung cấp viện trợ cho các ông gần cả tỉ đô la về vật chất và con người để tiến hành chiến tranh chống chúng tôi.

    Năm 1958 các ông không có CHỦ QUYỀN nhưng các ông đã làm KHẾ ƯƠC, thì khi các ông có chủ quyền các ông phải thực hiện khế ước buôn bán đó.

    – Thế các ông có trường hợp buôn bán kiểu đó trong thực tế không?

    – Có chứ ông. Trong sở hữu chứng khoán, thị trường thế giới có cái gọi là “future options”. Ông không dám mua chứng khoán đó vì ông sợ thua lổ, ông có thể trả tiền với LỜI HỨA sẽ mua và công ty đó phải giao “chủ quyền” chứng khoán đó cho ông trước thời điểm nào đó, dù nó lên hay xuống thấp hơn giá trị ông trả. Rồi ông cần tiền ông vẫn có thể bán LỜI HỨA đó cho người khác và cứ thế cho đến khi thời điểm hứa đó đến thì người cuối cùng phải … THỰC HIỆN. Cái đó là buôn bán thứ ông không có chủ quyền …

    Đại diện CSVN nghiêm mặt lại biện hộ:
    – Nhưng ông không đọc thấy trong ngôn từ Thủ Tướng Phạm văn Đồng rất KHÔN NGOAN không hề đề cập để chuyện “giao chủ quyền” như cái ví dụ mà ông nêu. Ông ta chỉ nói …

    “có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Cộng trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển”

    Đại diện Mỹ cười rồi nói:
    – Các ông đã có lịch sử CÔNG NHẬN công hàm này. Đó là vào năm 1974 khi Trung Quốc tấn công Hoàng Sa thuộc chủ quyền VNCH. Các ông đã “tôn trọng hải phận của Trung Cộng trong mọi quan hệ trên mặt biển” nên các ông hoàn toàn để mặc cho Trung Cộng hành động chiếm chủ quyền … TƯƠNG LAI của các ông. Thế thì sao các ông có thể biện minh trước tòa rằng một văn bản không hiệu lực lại được tôn trọng?

    – Chúng tôi cũng như các ông thôi. Hạm đội 7 các ông nằm đó đâu có động tĩnh gì!

    – Hoa Kỳ bị ràng buộc bỡi Thông cáo chung Thượng Hải với Trung Cộng và Hiệp định Paris, phải rút quân và trả lại quyền tự quyết cho VNCH.

    Đại diện Mỹ ngừng một lát rồi nói tiếp:
    – Tôi xem công hàm Phạm văn Đồng nhiều lần và phải công nhận vào thời điểm năm 1958, ông Đồng hay ai đó soạn cho ông Đồng ký công hàm này là “khôn liền” ngay lúc đó mà không có … “khôn lâu”.

    – Ý ông là?

    – Ngôn từ trong công hàm này vào năm 1958 rất là KHÔN NGOAN. Vì các ông BÁN VỊT TRỜI mà thu được gần cả tỉ đô la viện trợ của Trung Cộng cho một món hàng tương lai không biết có chiếm được hay không. Ví như một người muốn đi cướp nhà người khác không có súng, không có tiền, đi hứa với thằng cướp khác “khi nào tao cướp được nhà đó thì tao tôn trọng quyền của mày được trồng rau ở sân sau”. Khi cướp được thì phải thực hiện lời hứa đó.

    Đại diện CSVN mỉa mai:
    – Nếu “khôn lâu” như ông trong trường hợp đã lỡ ký LỜI HỨA đó thì ông phải làm sao?

    – Nếu tôi là các ông mà tôi bắt buộc phải viết công hàm đó để có viện trợ thì tôi vẫn viết như thế …

    – Huề tiền!

    – Tôi vẫn nhận gần cả tỉ đô la để đánh Hoa Kỳ và kéo nó đến bàn Hội Nghị Paris năm 1973 để nó phải rút quân …

    Đại diện CSVN phá liên cười:
    – Ông khôi hài quá, thế mà lại “dạy ngoại luộc trứng”

    Đại diện Mỹ vẫn từ tốn nói tiếp:
    – CSVN ký công hàm Phạm văn Đồng là khôn liền ngay năm 1958 nhưng ai đó quyết định xé hiệp định Paris chiếm Miền Nam năm 1975 là ĐẠI NGU để Trung Cộng nó …. (xin lỗi tôi hay có tật nói láy)
    Chiếm Miền Nam là biến công hàm đó thành hiện thực và đối diện gần 1 tỉ đô la nợ Trung Quốc, là từ bỏ 4 đến 6 tỉ đô la bồi thường chiến tranh của Hoa Kỳ … Việt Nam bỏ cơ hội thành một nước Đức và nước Nhật sau thế chiến thứ hai.

    Đại diện CSVN hết kiên nhẫn ngắt lời:
    – Ông có khiếu kể chuyện cổ tích. Xin phép trở lại trọng tâm. Thế thì có giải pháp nào cho chúng tôi trong bế tắc này không?

    Đại diện Mỹ nhìn quanh rồi pha trò:
    – Có tình báo Hoa Nam Cục ở đây không?

    Rồi ông nói tiếp:
    – Theo tôi thì các ông phải tuân thủ công hàm Phạm văn Đồng vì 1974 các ông đã tuân thủ thì hôm nay phải tuân thủ để yên cho Trung Cộng đặt giàn khoan.

    – Không còn cách nào hết sao?

    – Chỉ còn cách mà tôi đã nói với các ông hôm đầu tiên.

    – Cách gì ông nhắc lại đi.

    – Một cách vô cùng giản dị, không cần viện trợ của Hoa Kỳ, chẳng cần ủng hộ của thế giới, mà lại đoàn kết, hòa hợp hòa giải với mọi thành phần người Việt trong và ngoài nước và quan trọng là vô hiệu hóa công hàm Phạm văn Đồng.

    – Làm cách nào?

    – Ngay ngày mai …
    Đổi lại tên nước thành Việt Nam Cộng Hòa.
    Lấy lại tên Sài Gòn và dời thủ đô về đó
    Lấy CỜ VÀNG làm quốc kỳ

    Có như thế thì trước diễn đàn thế giới. VNCH chỉ VẮNG MẶT … 39 năm chứ KHÔNG CHẾT. Công hàm Phạm văn Đồng chỉ là tờ “giấy lộn” vì tên cướp có vô nhà nhưng chủ nhà về lại và đã đuổi cổ nó ra … Trời Việt lại … HỪNG ĐÔNG.

    Đại diện CSVN vuốt mồ hôi lạnh trên trán:
    – Chỉ đơn giản thế thôi sao?

    Vịt Bắc Kinh trên bàn đã NGUỘI LẠNH, lớp mỡ trắng đã bắt đầu đóng viền quanh dĩa vì không ai còn đoái hoài đến nó.

    Đại diện Mỹ vỗ vai đại diện CSVN nói một câu tiếng Anh:
    – All roads lead to Rome (Đường nào cũng về La Mã)
    Hãy trả cho Ceazar những gì của Ceazar. Các ông chỉ có một ĐƯỜNG BINH … cầm bài chi lâu cho nó … ƯỚT.

  4. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của Công hàm PVĐ có vai trò quyết định về mặt pháp lý để sau này khi kiện có sợ quan tòa lấy làm cơ sở tuyên án bất lợi cho Việt Nam hay không thì tôi nghĩ chúng ta và TG không nên quá lo. Ở đây bản thân tôi – và qua tìm hiểu thêm có những luật gia cũng có ý kiến tương tự và có những bài viết phần tích dài (Bài của LS TS Cù Huy Hà Vũ 23/12/2007 https://boxitvn.blogspot.com/2020/04/thu-ngay-23122007-cua-tien-si-luat-cu.html,
    hay hôm qua tôi cũng đọc bài của LS Đào Tăng Dực https://baotiengdan.com/2020/04/22/duyet-lai-gia-tri-phap-ly-cua-cong-ham-pham-van-dong/ cũng có những suy nghĩ tương tự và dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế (công pháp quốc tế). Tức là cứ giả thử VNDCCH có quyền nói về Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển quanh nó, thì khi Việt nam muốn ủng hộ, hay nhượng quyền sử dụng khi mình đang quản lý nó, thì phải có người đủ thẩm quyền tuyên bố (HP 1946 Đ. 49) và phải qua Quốc hội chuẩn y (HP 1946 Đ. 23) – và ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng căn cứ Đ. 52 HP 1946 không hề có chức năng ký kết hiệp ước, mà Công hàm lúc đó cuối cùng chỉ TỒN TẠI Ở GIÁ TRỊ NGOẠI GIAO TẠI THỜI ĐIỂM ĐÓ KHÔNG HƠN KHÔNG KÉM! Tóm lại để có giá trị pháp lý theo tình thần Công ước quốc tế thì 1 cá nhân muốn làm 1 điều gì đó BẮT BUỘC PHẢI CÓ THẨM QUYỀN ĐƯỢC LÀM ĐIỀU ĐÓ (Tòa quốc tế sẽ hỏi Trung Quốc là liệu TQ có biết ông Đồng có quyền ký kết với nước ngoài không – nếu khi kiện TQ đưa ra lập luận đó!). Trung Quốc chỉ có thể dựa vào Công hàm đó nếu có bằng chứng thời điểm đó Chủ tịch nước ủy quyền cho Thủ tướng ký Công Hàm và được chuyển lên thành hiệp ước hay hiệp định ký kết và ngoài ra còn phải có bằng chứng Quốc hội Việt Nam lúc đó nếu không chuẩn y thì cũng có động tác hợp lệ chấp nhận Công hàm hay hiệp định đó. Còn họ lợi dụng việc chúng ta từ các cơ quan cấp cao cũng chưa đưa ra lời giải thích bác bỏ dứt điểm mà còn tỏ ra lúng túng trong nhận thức, thì họ sẽ còn tiếp tục đào sâu yếu điểm của ta. 1 cách khác để cuộc tranh luận về chủ đề này đỡ mất thời gian là có ý kiến của 1 chuyên gia luật quốc tế có tên tuổi về vấn đề này!

  5. Rất đồng ý, ngày càng sai lầm tệ hại. “bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được” Bài quá hay, xúc tích và thuyết phục.
    Mặt bể hay “bể mặt”, cuối cùng cũng chỉ là hệ thống đảng chính phủ khoét lác chỉ tài bắt nạt dân đen, “trải thảm đón chúng vào 3 đặc khu kinh tế” cũng có nghĩa là đã có tâm địa bán nước từ hang Pác bó rồi còn gì.

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây