Câu chuyện tháng 4: Nghĩ về một sự phân ly

Lê Nguyễn 

15-4-2020

Ngày 30.4.1975 làm thay đổi cuộc đời của hàng chục triệu người, đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi đất nước. Họ xây dựng cuộc sống mới ở nước ngoài, nhiều nhất ở Mỹ. Nhưng hậu quả của biến động tháng 4.75 không dừng lại ở đó. Sau hơn 40 năm, ngay cả trong thành phần những người Việt từng sống chung với nhau dưới vĩ tuyến 17 trước năm 1975, cùng mang danh là “bên thua cuộc”, đã có thêm sự phân ly, không chỉ về mặt địa lý, mà cả về mặt tinh thần.

Họ nhận định lệch lạc về nhau, phần lớn là từ cái nhìn của người ngoài nước đối với người còn ở lại trong nước. Những cái nhìn đó chứa đựng khá nhiều ngộ nhận, một phần từ ký ức của họ đối với những năm tháng tù ngục đã qua, phần khác từ sự thiếu hiểu biết thực trạng của xã hội Việt Nam mà họ xa cách đã lâu. Họ nhìn những người từng là bạn bè, thân nhân của họ đang sống dưới chính quyền của người Cộng sản bằng con mắt soi mói, hoài nghi, đặc biệt với những ai có đủ điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài sinh sống nhưng lại chọn con đường ở lại.

Có điều lạ là phần lớn những người Việt sống tha hương ấy không biết một chút gì, hoặc biết rất ít về sinh hoạt Facebook tại Việt Nam. Họ không ý thức được rằng trên mạng xã hội ngày nay, mọi khác biệt giữa đại đa số những con người (ngoài chính quyền) từng sống trên và dưới vĩ tuyến 17 trước 1975 đã trở nên nhạt nhòa, do nhiều biến chuyển của đời sống.

Trong sinh hoạt ảo mà thật ấy, chỉ còn có sự phân biệt rõ ràng giữa một bên là những người có lương tri, biết nhận thức trên nền tảng đạo lý và luôn đứng về phía những người đấu tranh cho công bằng xã hội, cho sự tiến bộ của đất nước và một bên là những kẻ vì quyền lợi của cá nhân, của bè phái mà đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc.

Nếu có một ngày nào đó bạn sang Mỹ, nhận lời mời một bữa cà phê với một ai đó, và nếu chẳng may người này đang tại chức hay là cựu viên chức của chính quyền XHCN hiện nay, bạn sẽ dễ dàng trở thành đề tài của những cuộc bàn tán, suy diễn mà óc tưởng tượng của nhà văn Kim Dung cũng không theo kịp.

Không chỉ là bàn tán, bạn còn bị lên án nữa. Những năm 1990, bạn có đủ điều kiện xuất cảnh theo diện HO mà bạn không đi ư? Dù bạn không đi vì thương cha mẹ, không thể bỏ con bạn ở lại Sài Gòn, hay vì bất cứ lý do gì khác, họ cũng chỉ kết luận chắc nịch là bạn đã “theo CS”.

Nếu một ngày nào đó, để kiếm sống cho gia đình, bạn quay sang nghề viết báo ư? Họ sẽ suy diễn với nhau rằng bạn phải viết theo chỉ thị của chính quyền, bài của bạn mới được chọn đăng! Còn nếu bạn đã xuất bản chừng 5-10 quyển sách ư? Họ sẽ dứt khoát cho rằng bạn phải là hội viên Hội nhà văn và phải viết bưng bô đảng CS thì sách của bạn mới được phát hành!

Chưa hết đâu! Họ còn đi xa hơn nữa. Nếu như trước năm 1975, có một thời khoảng nào đó bạn ra Côn Đảo làm việc, và đối xử với những người tù chính trị CS bằng lòng trắc ẩn của kẻ đương quyền dành cho người ngã ngựa, họ sẽ dễ dàng suy diễn rằng bạn đã mưu cầu một quyền lợi chính trị về sau. Khốn nỗi, vào những năm 1971-1972 chẳng hạn, liệu bạn biết chăng sẽ có ngày 30.4.1975 và đời của bạn sẽ ra sao mà mưu cầu với mưu lợi!

Từ sự cách biệt về địa lý, sự thiếu cập nhật về thực trạng xã hội Việt Nam và những con người đang sống trong xã hội đó, một số người Việt tha hương thường có những cái nhìn một chiều, phiến diện và rất chủ quan. Họ từng trải qua những năm tháng cải tạo đói khổ về vật chất và nặng nề về tinh thần, những chuyến vượt biển kinh hoàng mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tấc, nên họ luôn nung nấu trong lòng một ẩn ức khôn nguôi. Chỉ cần những biểu hiện nào đó mà họ không đủ bình tĩnh và sáng suốt để nhận định một cách đúng đắn, họ dễ dàng trút lên đầu thân nhân hay bạn bè họ đang sống ở Việt Nam những phán xét đầy ác ý, như một sự bù trừ vào nỗi căm hận mà họ không biết đổ trút vào đâu.

Bạn có thấy những điều oái oăm như thế của người Việt trong nước với người Việt ngoài nước có đáng buồn không? Nhất là khi bạn đang ăn cơm của chính gia đình bạn, không ngửa tay đón lấy đồng xu cắc bạc của một ai!

Từ lâu nay, mình vẫn nghĩ rằng trong xã hội nào cũng vậy, dù là xã hội Tư bản hay xã hội Cộng sản, bạn phải cọ xát với nó để sống. Vấn đề là trong những cọ xát đó, bạn ngẩng cao đầu lên hay cúi gằm mặt xuống. Nếu ta bán rẻ lương tâm, chà đạp lên lẽ công bằng, thì dù sống trong xã hội nào, ta cũng chỉ đáng xếp ngang loài cầm thú. Mình biết có một số người, tuy không nhiều, sống phè phỡn ở Mỹ, cha mẹ già, anh em ruột nghèo đói ở quê nhà, họ không thèm đếm xỉa, nhưng mở miệng ra là nói điều thánh tướng và lớn tiếng phán xét người khác như những quan tòa.

Dù đã sau 45 năm, nhưng hàng năm, những ngày tháng 4 vẫn còn trĩu nặng ưu tư đối với nhiều người Việt đã trải qua những biến động to lớn của đất nước. Những tham nhũng, nghèo đói, bất công trong xã hội vẫn tiếp diễn, bên cạnh đó, sự phân hóa cùng cực giữa những người Việt tha hương với nhau, giữa người Việt trong và ngoài nước, đã làm cho bức tranh cuộc sống loang lổ thêm những gam màu xám xịt. Người ta nhân danh lý tưởng này, mục tiêu nọ để vạch trần, nói xấu, xuyên tạc lẫn nhau, và rốt cuộc, sau khi vạch áo nhau ra, chỉ để lộ những tấm lưng trần lấm lem cát bụi! Hàng ngày, chỉ cần mở trang YouTube ra, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cảnh hoạt náo trong cộng đồng những người Việt sinh sống ở nước ngoài, để tìm thấy viên đá quý trong đống cát sỏi vỡ vụn ấy không dễ tí nào!

Chúng ta bất lực trước những bức tranh đời hoạt náo đó, và những ngày tháng Tư tiếp tục là những ngày nặng nề nhất!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy bạn Lê Nguyễn này thuộc loại người đi 2 hàng. Anh ta từng là quan chức cấp thấp thời VNCH như anh ta từng nói. Anh ta ở lại VN sau 1975 và hợp tác với cộng sản. Do đó, anh ta có những phát biểu và bài viết tưởng là trung lập, nhưng thật ra là thân cộng sản. Dễ hiểu thôi. Cộng sản cho anh ta in sách thì anh ta phải trung thành với những kẻ chủ mới.

    Lê Nguyễn than phiền rằng những người Việt tị nạn ở nước ngoài nhìn những người ở lại như Lê Nguyễn bằng con mắt hoài nghi. Họ hoài nghi là đúng. Những kẻ như Lê Nguyễn viết những điều người cộng sản ok, tức là anh ta đã phản bội đồng nghiệp và chiến hữu.

    Cái giọng của Lê Nguyễn thật khó ưa. Anh ta nói rằng các chiến hữu của anh ta ở nước ngoài không biết facebook nên không biết tình hình ở VN?! Làm như facebook là chân lý! Lê Nguyễn không thấy đồng bào đang quằn quại dưới chế độ cộng sản. Lê Nguyễn không thấy đồng bằng sông Cửu Long đang chết vì sự bất tài của cộng sản bắc Việt. Lê Nguyễn không thấy bọn cộng sản bắc Việt đang tàn phá miền Lê Nguyễn không thấy VN ngày nay là một nô lệ của Hàn, Tàu? Lê Nguyễn đang tự bịt mắt tai mình. Lê Nguyễn không thấy nhục tứ là Lê Nguyễn đã chết.

    Tôi nghĩ nếu Lê Nguyễn còn lòng tự trọng thì nên im lặng. Lê Nguyễn càng nói ra người ta càng nhận ra chân tướng anh là người “bán cộng sản”. Thà anh là cộng sản như bọn bắc Việt thì dễ nói chuyện. Những kẻ “xăng nhớt” như anh đáng khinh bỉ lắm. Người sĩ quan VNCH có tự trọng không nên hợp tác với kẻ thù Việt cộng. Lê Nguyễn nên nhớ điều đó!

  2. Lấy bài của Võ Ngọc Ánh cũng trên BTD này trả lời bài này

    “Cái lý lịch không quá ‘đen’ khi ba chỉ đi lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và cũng chỉ xác nhận nhân thân để xin việc nên tôi chưa bị làm khó.

    Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến, biết về người quen rất khó khăn trong việc xác nhận lý lịch trước khi ngồi vào chức cao hơn trong hệ thống nhà cầm quyền. Cửa ải vô cùng khó khăn xác nhận lý lịch để kết nạp vào đảng Cộng Sản.

    Một người thân của tôi mất gần ba năm, tốn không ít tiền trong việc tiệc tùng, phong bì cho cán bộ ở xã mới có được cái chứng nhận lý lịch để kết nạp đảng tại một cơ quan cấp tỉnh. Bởi cha ông, không theo cách mạng.

    Tôi có người chị cùng họ không chứng được lý lịch để kết nạp đảng. Bởi cán bộ xã quyết không ‘làm sạch’ chức trung sĩ của ba chị trong thời chiến tranh Việt Nam và ông nội từng quan chức cấp thấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa”

    Lý lịch dính líu tới Việt Nam Cộng Hòa được/bị cho là xấu, phải cố làm cho nó nhẹ đi & nhỏ lại . 1 trong những lý do là để được kết nạp Đảng .

    “Nếu một ngày nào đó, để kiếm sống cho gia đình, bạn quay sang nghề viết báo ư? Họ sẽ suy diễn với nhau rằng bạn phải viết theo chỉ thị của chính quyền, bài của bạn mới được chọn đăng! Còn nếu bạn đã xuất bản chừng 5-10 quyển sách ư? Họ sẽ dứt khoát cho rằng bạn phải là hội viên Hội nhà văn và phải viết bưng bô đảng CS thì sách của bạn mới được phát hành!”

    Cứ suy từ vụ Nhã Thuyên ra thì 1 nhà văn chân chính ở Việt Nam có 2 cách viết, thay vì “bưng bô” thì hãy tự hào . Cách thứ 2 là viết những thứ sến phi chính trị . Cứ tình cảm, nhân ái & nhân quả mà viết . Nhớ, đừng đụng tới chính chị, đừng nói kháy, ám chỉ … thì vưỡn có thể tự hào sống 1 cách rất đường goàng như con sên được .

  3. Chuyển Thời TỪ Chiến tranh Lạnh QUA Tàu-Toàn Cầu hóa ĐẾN Thời CoroChina Vũ Hán
    *************************************************

    J’aimerai toujours le Temps des Cerises
    Et le souvenir que je garde au coeur

    The Time of the Cherries
    I keep this time
    In my heart
    An open wound.
    I will always love the cherry harvest.
    and the memory of it that I keep safe in my heart.

    Ca từ bài hát Pháp khai sinh năm 1866, Thơ của Thi sĩ Jean-Baptiste Clément và Antoine Renard phổ nhạc. Khúc Tình ca gắn liền với Công Xã Ba Lê dành tặng cho NỮ Y TÁ bị thảm sát trong Tuần lễ Đẫm máu Semaine Sanglante – Bloody Week khi quân chính quyền đàn áp dãm máu Công xã Paris

    https://www.youtube.com/watch?v=QZNpE1MwBE0
    Qua tiếng hát Huyền thoại JULIETTE GRECO- LE TEMPS DES CERISES

    Chúng mình thầm ca Thời Chiến tranh Lạnh
    Quê Hương chìm trong Nội Chiến tương tranh
    Bên hàng Phượng Hồng một Thời Đà Nẵng
    Hoa Phượng Vĩ thẫm đỏ như bè bạn lìa cành
    Người vào quân trường kẻ vào bưng lầm lạc !
    Bỏ Trường mà đi theo Tương tàn chiến tranh
    Ôi Mùa Phượng Hồng yêu thương sao ngắn ngủi :
    Thời gian như quấn quít lượng tử vào Không gian !
    Hương Phượng vĩ như thoáng Hương Quá khứ
    Giờ đây thoảng mùi Hương Xưa tưởng nhớ mê man
    Tiếng trống tiếng chuông trường Ngày tháng cũ
    Bỗng Mùa Chiến tranh Lạnh sụp đổ theo Tường Berlin
    Chúng mình nay kẻ chốn Tây Âu Người nơi Bắc Mỹ
    Thời Tàu-Toàn Cầu hóa đang điểm chấm hết Canh !
    Tưởng niệm Mùa Hè Đỏ Lửa -Thời Chiến tranh Lạnh

    https://www.youtube.com/watch?v=VgbgU16FZKM&pbjreload=10
    Le Temps des Cerises – Qua tiếng hát tuyệt vời Nana Mouskouri

    Quê Hương chìm trong Nội Chiến tương tranh
    Thầm ca dưới hàng Phượng Hồng một Thời Đà Nẵng
    Hoa Phượng Vĩ thẫm đỏ như bè bạn lìa cành
    Người vào quân trường kẻ vào bưng lầm lạc !
    Bỏ Trường mà đi theo bản năng Tương tàn chiến tranh
    Ôi Mùa Phượng Hồng yêu thương sao ngắn ngủi :
    Thời gian như quấn quít lượng tử vào Không gian !
    Khi siêu vi trùng CoroChina từ Hoàng Hạc lâu Vũ Hán
    Không gian như quấn quít lượng tử vào Thời gian ! …

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

Leave a Reply to TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây