Kinh hoàng chi phí “Gieo trồng hạt giống đỏ”!

Mai Bá Kiếm

12-4-2020

Ông Tề Trí Dũng. Ảnh: HT

Tháng 5/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra QĐ 89/QĐ-UBND về “Đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”.

Nhằm: “Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học, được hỗ trợ 100% kinh phí”.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 150 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015.

Thật ra, đây là đề án “Gieo trồng hạt giống đỏ”, giống như Đề án đào tạo 300 Tiến sĩ và Thạc sĩ ở nước ngoài của TP.HCM.

Nhưng 150 tỷ đồng “gieo trồng hạt giống đỏ” ở Quảng Ngãi có lớn không?

Hãy so sánh với “Đề án xây dựng 74 trường phổ thông dân tộc bán trú (không phải công lập) trên địa bàn Quảng Ngãi đến năm 2020” theo QĐ 1038/QĐ-UBND ngày 31/12/2013:

Nguồn kinh phí thực hiện: “Vốn đầu tư Trung ương: 414, 324 tỷ đồng và Vốn đầu tư địa phương (ngân sách tỉnh): 276,216 tỷ đồng”.

Quảng Ngãi chi 150 tỷ đồng để “gieo trồng 50 hạt giống đỏ” từ 2012-2015 (4 năm), so với chi hơn 276 tỷ đồng xây 74 trường phổ thông bán trú cho 40.000 học sinh dân tộc ít người từ 2013-2020 (7 năm) là một tỷ lệ áp đảo!

Chưa kể, năm 2014, khi bị hụt thu ngân sách từ Nhà máy lọc dầu, UBND tỉnh ký Công văn 3626/UBND-KTTH xin Chính phủ cho Quảng Ngãi ra khỏi nhóm tỉnh có thu nhập cao.

Bởi vì, tỉnh có 6 huyện thuộc diện 30A (nghèo nhất nước), 22 xã bãi ngang ven biển và một huyện đảo Lý Sơn… rất nghèo. cho nên Công văn xin hưởng chính sách điều tiết ngân sách chứ không phải là “xin về làm tỉnh nghèo”.

Thế nhưng, báo Người Lao Động đã đăng danh sách 4 con lãnh đạo Quảng Ngãi đi du học theo Đề án 150 tỷ đồng nhưng không trở về tỉnh:

1. Huỳnh Thị Lan Viên (tháng 4/2014 học thạc sĩ ở Anh), con gái của ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi.

2. Nguyễn Lê Ngọc Hà (4/2015 học thạc sĩ ở Anh), con của ông Nguyễn Chín, nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi (vừa về hưu).

3. Phạm Thị Mỹ Hạnh (9/2012, học thạc sĩ ở Austrailia) con ông Phạm Thanh Hải, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

4. Phạm Thành Việt (4/2014, học thạc sĩ ở Anh), con ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.

Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã ra quyết định thu hồi gấp 2 lần kinh phí đào tạo/người là 3,48 tỷ đồng, nhưng ưu ái cho trả góp 10 lần trong vòng 2 năm.

UBND TP.HCM chưa thanh tra “Đề án đào tạo 300 hạt giống đỏ” xem có bao nhiêu “cây đỏ” đã “cắm rễ” ở nước ngoài?

Tội nghiệp, tuy dân TP.HCM đóng thuế nộp 1/3 ngân sách cả nước, nhưng chỉ được biết có “một hạt giống đỏ” học xong về nước, được “cẩu” lên ghế cao, để trở thành “tội phạm đỏ”.

Tề Trí Dũng, sinh năm 1981, chưa biết là “trứng” của con “rồng” nào? Vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP vào tháng 8/2003, mới 22 tuổi, đã giữ chức Trưởng bộ phận thị trường – Phòng kinh doanh Saigon Petro.

Từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2010, Tề Trí Dũng lên chức Phó Trưởng phòng, rồi lên chức Trưởng phòng Tài chính – Tổng Công ty Bến Thành.

Tháng 1/2011, “Hạt giống đỏ họ Tề… Thiên” ôm học bổng “Cân đẩu vân” sang Úc, qualifying master quản trị kinh doanh ở ĐH La Trobe, để nhảy lên ghế phó TGĐ Tổng công ty Bến Thành.

Từ tháng 5/2015, “Cây giống họ Tất” (Thành Cang) ký bổ nhiệm “Hạt giống họ Tề” làm Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Công ty TNHH Một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) khi mới 34 tuổi.

Ngày 14/5/2019, Công an đã tóm cổ “hạt giống họ Tề” vì tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Công an làm ơn nhớ truy thu Tề Trí Dũng tiền học bổng – là tiền mồ hôi nước mắt của người dân TP nhé!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Truy thu học bổng của những quan chức phạm tội tham nhũng là ý kiến hay! Ít ra, nó hay hơn việc xóa chức danh lâu nay đảng (ta) vẫn dành cho các cựu quan chức — như xóa chức danh “bộ trưởng” của mấy cựu bộ trưởng 4T gần đây.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây