Ai phải chịu trách nhiệm?

Ngô Huy Cương

8-4-2020

Việc đình chỉ thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 để sửa đổi, bổ sung vì có quá nhiều khiếm khuyết ngay sau khi Bộ luật này vừa mới được thông qua và bắt đầu có hiệu lực là một sự kiện có một, không hai trên thế giới. Cùng với đợt ban hành Bộ luật này để thi hành Hiến pháp năm 2013, hàng loạt đạo luật khác cũng có nhiều khiếm khuyết rất rất đáng chê trách và gây hậu quả không tốt cho xã hội đã bị phát hiện nhưng có lẽ buộc phải lờ đi, chẳng hạn như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Phá sản năm 2014; Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015…

Thế nhưng ai phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết hay sai phạm như vậy đang là câu hỏi không có câu trả lời chính xác bởi luật. Cụ thể: liên quan tới Bộ luật Hình sự năm 2015, những sai lầm đã được thừa nhận chính thức, không thể chối cãi, nhưng không rõ có ai đó phải chịu trách nhiệm về những sai lầm đó.

Trong khi đó có hai trong nhiều nguyên nhân chủ yếu để những đạo luật kém chất lượng ra đời là: (1) do vấn đề chương trình hóa, kế hoạch hóa công tác xây dựng luật gây sự thúc ép về thời gian một cách quá bất hợp lý (ví dụ Trung Quốc mất 12 năm mới xây dựng xong luật phá sản, còn ta phải làm Luật Phá sản năm 2014 trong vòng 15 tháng); và (2) do thành tích hóa công tác xây dựng luật mà trong đó nhiều cá nhân được hưởng lợi không xứng đáng (ví dụ khi xây dựng xong Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ Tư pháp xuất hiện thêm một ông thứ trưởng, và khi xây dựng xong Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ này lại xuất hiện thêm một bà thứ trưởng nữa, trong khi mỗi bộ luật này chỉ tồn tại có 10 năm; trong khi đó Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 tồn tại cho tới bây giờ mà mới bị sửa đổi lớn gần đây, Bộ luật Dân sự Đức năm 1900 tồn tại cho tới năm 2002 mới được sửa đổi lớn chủ yếu vì lý do liên quan tới Cộng đồng Châu Âu).

Lưu ý rằng bản thân Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017 cũng là một đạo luật có nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn đạo luật này không am hiểu đầy đủ các kiến thức cơ bản về hình phạt đối với pháp nhân phạm tội. Hình phạt tiền đối với pháp nhân là hình phạt đánh vào nỗi đau tiền tệ của pháp nhân để nó nhớ tới nỗi đau mất tiền đó mà tránh phạm tội. Do đó thông thường đi kèm theo hình phạt này là nguyên tắc pháp nhân không thể chuyển nỗi đau tiền tệ này cho người khác (khách hàng và Nhà nước).

Quốc hội luôn luôn nhắc tới nguyên tắc phải xác định rõ trách nhiệm trong các đạo luật. Thế nhưng bản thân Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 (Luật làm luật) không rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm đối với công tác xây dựng luật. Nếu giải thích đến cùng cơ chế hiện nay trong đạo luật này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các khiếm khuyết, sai trái và kém chất lượng của các đạo luật. Nếu vẫn để nguyên cơ chế như vậy mà không sửa đổi, bổ sung đạo luật này trong kỳ họp sắp tới nhân dịp đã lên chương trình thì chất lượng làm luật không thể được cải thiện, cơ quan soạn thảo chẳng mặn mà gì với việc dự thảo luật, trong khi Quốc hội chẳng có gì hơn là bàn quanh và sửa quanh dự thảo được trình. Kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015 cho tôi biết điều đó.

Nếu lập luận các cơ quan của Quốc hội phải tham gia sâu vào làm luật và trình để tránh những lợi ích cục bộ được đưa vào luật thì đây là lập luận thiếu thuyết phục nhất. Ai có lợi nhất (về điều kiện dễ dãi, hao tổn sức lực, thành tích, công ăn việc làm, biên chế…) trong việc xây dựng luật theo Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 là câu hỏi mà Quốc hội phải trả lời trước khi quyết định phạm vi sửa đổi, bổ sung đạo luật có tính hiến pháp này trong dịp này.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây