Góp ý với chính phủ

Nguyễn Thông

3-4-2020

Chả ai như tôi. Liều. Vuốt râu hùm. Có thể góp ý với học trò, với vợ (đừng dại góp ý gì với người yêu bởi người yêu bao giờ cũng đúng), với đồng nghiệp, với hàng xóm… đều được, nhưng chớ với chính phủ. Chả bao giờ họ nhận sai, trừ khi đã sai lè lè. Chính phủ cũng giống như tình nhân, giống thủ trưởng cơ quan, chỉ có từ đúng giở lên. Hồi xưa còn đi làm, mỗi lần cuối năm nhận bản bình xét thi đua, phần góp cho thủ trưởng, tôi chỉ dám nhận xét thủ trưởng có mỗn khuyết điểm nóng tính, làm việc quá sức không biết giữ gìn sức khỏe. Đụng vào chỗ khác, chết.

Cách nay 3 hôm, chính phủ ban lệnh “cách ly xã hội”. Tưởng rằng cứ thế mà thực hiện, ai ngờ ông chằng bà chuộc, mỗi người mỗi nơi một phách, rất lằng nhằng. Nhiều nơi còn cấm không cho đi lại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Có nơi kiểm soát rất gắt gao, quá thời bao cấp ngăn sông cấm chợ. Hải Phòng không cho xe nơi khác vào đất mình. Sài Gòn cũng vậy. Có nơi như ở thành phố Hạ Long vùng Quảng Ninh còn dựng chiến lũy, đào chiến hào, chăng dây thép gai, con ruồi bay qua không lọt, chỉ thiếu điều đứa nào vượt lũy là bắn. Ghê hơn cả hồi chiến tranh đánh du kích. Nói túm lại, do cách hiểu bị vênh, trình độ hiểu biết của cán bộ địa phương có hạn, nhưng không thể bỏ qua nguyên nhân: văn bản, lệnh của chính phủ lửng lơ, không rõ ràng, ỡm ờ, kiểu như muốn hiểu sao thì hiểu.

Trước hết phải nói cho vuông, chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo chống dịch rất quyết liệt, tức thời, hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chấp hành của số đông, của cộng đồng. Cần ủng hộ chính phủ để dập tắt dịch. Dịch là điều chả ai muốn, nhưng đây cũng là cơ hội “trời cho” để chính phủ và các thành viên chính phủ tự chứng tỏ khả năng của mình. Ai hay ai dở, ai tốt ai xấu, ai tích cực ai lười biếng… đều phát lộ. Những người như ông Phúc ông Đam đang được dân chúng xem xét, chờ đợi, hy vọng. Tuy nhiên, các cụ xưa nói “thần thiêng nhờ bộ hạ” (nhớ là bộ hạ, tức kẻ dưới trướng thân tín, chứ không phải hạ bộ như nhiều người nhầm tai hại), thế mà đám tham mưu, đề xuất chủ trương đường lối, nhất là đám soạn thảo văn bản của các vị “thần” nhiều lần quá dở, làm các vị mất thiêng.

Thú thực, tôi nghĩ mãi chả hiểu “cách ly xã hội” là thứ cách ly gì, cách ly như thế nào cho phải phép. Giờ mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có sống lại chắc cũng khó cắt nghĩa cho thông. Nhưng nếu bảo là “giãn cách xã hội” thì dễ tỏ tường hơn. Nói đơn giản là tạo ra khoảng cách giữa người với người, cộng đồng này với cộng đồng khác, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc. Cứ giãn ra, đừng tạo điều kiện để dịch lây lan. Thà thế đi, sẽ dễ hiểu, sẽ không có chuyện “Anh Đặng Văn Hùng ở quận Hà Đông (Hà Nội) đưa vợ về nhà bố mẹ ở quận Hải An (Hải Phòng). Khi rời cao tốc, lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu quay đầu xe vì Hải Phòng đang thực hiện chủ trương không cho ô tô từ vùng dịch vào TP. Anh đành đưa cả nhà quay về Hà Nội sau hơn 100km chạy xe” (theo báo VNN), không còn chuyện dựng chiến lũy như ở Hạ Long.

Chiều nay 3.4, ông Phúc còn trách rằng nhiều địa phương hiểu không đúng về “cách ly xã hội”. Giời ạ. Đừng trách những địa phương này nọ hiểu sai lệnh của chính phủ. Trước khi trách người, hãy tự trách mình trước đã. Lệnh nội dung lằng nhằng, không rõ, làm kiểu nào cũng đúng, thì lỗi trước hết thuộc chính phủ, thuộc đám soạn thảo văn bản, chứ không phải đám thực hiện lệnh.

Tôi hiểu, chính phủ cũng có ý e dè, cân nhắc, cẩn thận từng tí khi ban bố điều gì bởi nó liên quan tới cả trăm triệu người. Họ ngại dùng từ “phong tỏa”, nghe ghê gớm quá, nghiêm trọng quá. Nhưng xin nhớ rằng vẫn có thể ban hành lệnh phong tỏa hạn chế. Phong tỏa không có nghĩa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tạo ốc đảo, ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài. Chưa đến mức phong tỏa cả nước nhưng có thể phong tỏa từng khu vực, từng vùng, từng tỉnh từng huyện, nhất là những nơi tâm dịch, bị nặng. Xã Sơn Lôi ở Vĩnh Phúc là một ví dụ, có cấm hoàn toàn việc ra vào đâu mà vẫn kiểm soát được dịch. Dịch nhạt thì cởi lệnh. Lúc này có thể phải có nhiều Sơn Lôi nhưng cấp dưới sẽ dễ chấp hành lệnh của chính phủ hơn, chứ cứ ỡm ờ cách ly cách ly chả biết thế nào mà lần.

Hồi xưa, thầy giáo dạy chúng tôi về vở kịch Hamlet của Shakespeare (Sếch Pia). Thầy bảo cái anh chàng Hamlet buồn cười lắm, lúc nào cũng lẩm bẩm “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại) trước khi quyết định điều gì. Cái hay ở chỗ rất thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi làm. Cái dở ở chỗ cứ do dự loay hoay tính toán thiệt hơn nên không chỉ bỏ qua cơ hội thành công mà còn rất khó thực hiện.

Tôi thấy chính phủ xứ này nhang nhác có chất của anh chàng Hamlet.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây