Vũ “nhôm” đã bắt đầu phản công? (Phần 1)

Đan Thanh

2-4-2020

Nhiều người cho rằng nếu có “án tử hình” cho Vũ “nhôm”, sẽ có “bom” chấn động chính trường. Giả dụ, bị giải pháp trường, Vũ “nhôm” sẽ khai tất tật để sống. Trùm ma tuý Xiêng-Phênh hồi tháng 6/1996 là một dẫn chứng.

Bốn án trên vai Vũ “nhôm”, tổng cộng 64 năm tù, gồm:

– Tám năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, do TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hồi tháng 10/2018.

– 17 năm tù, tội “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”, do TAND TP HCM tuyên hồi tháng 12/2018.

– 15 năm tù, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do TAND TP Hà Nội tuyên chiều 30/1/2019.

– 25 năm tù cho hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, do Toà án Hà Nội tuyên chiều 13/1/2020. Ngoài ra, Vũ “nhôm” còn phải đền bù thiệt hại cho nhà nước số tiền 3.109 tỷ VNĐ.

Trong khi các “đại ca” của mình, tội thì to, án thì nhẹ, không phải đền bù cho nhà nước đồng nào, dù số tiền mỗi vị gây ra hàng trăm tỷ đồng:

– Phan Hữu Tuấn, cựu Trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục Tình báo Bộ Công an: 11 năm tù.

– Đại tá Nguyễn Hữu Bách, Cục trưởng B61, Tổng cục Tình báo: 9 năm 6 tháng tù.

– Bùi Văn Thành, cựu Thượng tướng, thứ trưởng BCA: 2 năm 6 tháng.

– Trần Việt Tân, cựu Thượng tướng, thứ trưởng BCA: 3 năm tù.

Vũ “nhôm” cũng hết cơ hội hưởng đặc xá (nếu có) để ra tù sớm hơn. Luật Đặc xá số 30/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, tại điều 12, quy định: Các trường hợp không được đề nghị đặc xá, trong đó “có 2 tiền án”. Nên với người có 3-4 tiền án như Vũ, mọt gông là cái chắc.

Lo sợ phải làm “ma trong tù” như Đinh La Thăng, Vũ “nhôm” đã lên kế hoạch… phản công?

Phan Văn Anh Vũ nhờ luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, kêu oan cho mình. Được biết, ông Tuấn là một trong hai luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất, là người bị TAND Hà Nội tuyên phạt 10 năm tù về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ hôm 9/3/2020.

Luật sư Ngô Anh Tuấn. Photo Courtesy

Luật sư Ngô Anh Tuấn thay mặt Phan Văn Anh Vũ, thảo một “Thư thỉnh cầu” ghi ngày 10/3/2020 gởi bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc Hội.

Nội dung thư thống thiết, kêu oan. Mong UBTP của bà Nga “thành lập đoàn kiểm tra giám sát lại toàn bộ vụ án”, “kháng nghị” minh oan cho Vũ. Thư cũng cho rằng, Vũ mong bà Lê Thị Nga “đích thân đến nhà giam T16 gặp”, để nghe Vũ trình bày.

Về phần mình, ông Ngô Anh Tuấn hứa sẽ “cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan” cho bà Lê Thị Nga.

“Thư thỉnh cầu” của Phan Văn Anh Vũ gởi Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga

Vũ “nhôm” cực nhạy. Bà Lê Thị Nga là một cán bộ thâm niên ngành toà án. Bà được cho là cán bộ công tâm, phụ nữ dám nghĩ, dám làm. Dư luận đồn đoán, bà Nga được “quy hoạch Bộ Chính trị” cho đại hội XIII, chức danh Phó chủ tịch Quốc hội.

Bà Nga quê Hà Tĩnh, trung dung, không thuộc “nhóm Trần Đại Quang” trước đây. Vậy Vũ “nhôm” trông đợi gì vào bà?

Phan Văn Anh Vũ tính “đi tắt đón đầu”, hay sẽ “quan hệ bắc cầu”?

Vũ “nhôm” sa lưới, đã có hàng loạt cán bộ cấp cao dính chàm. Vũ “nhôm” đã khiến 3 tướng công an, hơn 20 lãnh đạo tỉnh, thành, cùng hàng chục cán bộ, đảng viên rơi vòng lao lý. Số cán bộ “thoát chết”, giờ tránh xa, sợ Vũ “nhôm” hơn cả tránh Covid-19.

Nơi Vũ hy vọng, chỉ còn những cái tên sau:

1.- Nguyễn Văn Sơn, Uỷ viên đảng uỷ CA Trung ương, trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Sơn sinh 1961, quê Hoà Tiến, Hoà Vang, Đà Nẵng. Năm 2001, tranh giành quyền với Trần Văn Thanh, Nguyễn Bá Thanh thắng. Trần Văn Thanh mất ghế giám đốc Công an Đà Nẵng. Bá Thanh đưa bạn học, đại tá Lê Ngọc Nam (1953) thế chỗ.

Tháng 7/2005, BCA điều Lê Ngọc Nam ra Hà Nội. Cấp phó thân tín của Lê Ngọc Nam, đại tá Phan Xuân Sang (sinh năm 1952) lên thay. Nguyễn Bá Thanh kéo Thái Công Sỹ (sinh năm 1955), đồng hương Hoà Tiến, trưởng CA huyện Hoà Vang, về làm Phó Giám đốc Công an.

Bộ đôi Phan Xuân Sang – Thái Công Sỹ đã giúp Nguyễn Bá Thanh Trần Văn Minh phá Nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu, đàn áp đẫm máu giáo dân vào ngày 5/4/2010. Quả báo nhãn tiền, cái kết cho “tứ đại ca” này mọi người đã nhìn thấy rành rành, nhưng quả là đáng sợ và kỳ lạ.

Phan Xuân Sang: Tháng 9/2010 khai mạc đại hội XX Đảng bộ Đà Nẵng, Sang được “quy hoạch” tái cử Ủy viên Ban Thường vụ, giám đốc CA nhiệm kỳ 2. Thế rồi, đùng một cái, Sang phát bệnh ung thư gan tháng 6/2010, chết tháng 1/2011.

Thái Công Sỹ thì ung thư vòm họng tháng 7/2010, chết tháng 9/ 2016.

Nguyễn Bá Thanh nhiễm độc ARS chết tháng 2/2015.

Trần Văn Minh thì bị tuyên án 17 năm tù vào ngày 13/1/2020, còn phải đền bù cho nhà nước 396 tỷ.

Khi “quân cờ” Thái Công Sỹ đổ bệnh, Bá Thanh kéo Nguyễn Văn Sơn, một đồng hương Hoà Tiến, về làm phó Giám đốc Sở CA, để dự phòng. Ngày 5/8/2010, Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm quyền Giám đốc Công an Đà Nẵng.

Từ trái sang, Nguyễn Xuân Anh, Thân Đức Nam, Nguyễn Văn Sơn, Đặng Thị Thuỷ (vợ ông Nam) và Vũ Nhôm. Photo Courtesy

Nguyễn Văn Sơn vốn con liệt sĩ, có bà nội là mẹ Việt Nam Anh Hùng. Sau khi Nguyễn Bá Thanh chết, Bí thư Trần Thọ muốn Nguyễn Văn Sơn kế nhiệm, khi ông Thọ hết tuổi cơ cấu tại đại hội Đảng bộ TP tháng 10/2015. Ông Nguyễn Văn Chi, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, bố của Nguyễn Xuân Anh, phản ứng gay gắt, doạ sẽ cho “toang”.

Trần Đại Quang cho Nguyễn Văn Sơn về Tổng cục phó, thuộc Bộ Công an vào tháng 5/2015. Vụ này, Sơn phải mang ơn Vũ “nhôm”. Giờ đeo lon Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, to thế, càng phải nhớ.

Sơn rời Đà Nẵng, ứng viên duy nhất Nguyễn Xuân Anh, bạn thân Vũ “nhôm”, từ phó bí thư, trở thành tân bí thư Đà Nẵng tại đại hội XXI.

Đầu tháng 10/2017, Ủy viên Trung ương Nguyễn Xuân Anh bị “cách tất cả chức vụ”. Trần Đại Quang lúc này đang nằm viện “hoá trị liệu” tại Nhật. Vũ “nhôm” được tin vòng vây siết chặt, báo hiệu ngày tàn của mình. Vũ nhờ Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn đưa đến nhà riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để cầu cứu. Ông Phúc từ chối, không gặp.

2.- Phan Văn Tâm: Sinh 1970, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Bố Phan Văn Tâm là bạn thân Nguyễn Bá Thanh. Tâm được Bá Thanh chọn làm thư ký riêng, kiêm Phó văn phòng Thành uỷ. Năm 2011, Tâm ngồi ghế Bí thư quận, chỉ hai năm rồi đi, nhưng một “rừng” tai tiếng.

Năm 2013, Bá Thanh nhận chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Phan Văn Tâm, Lê Hồng Minh (Chánh Văn phòng HĐND), cùng ba người nữa theo “đại ca” ra Hà Nội. Tâm được bố trí Vụ trưởng Vụ địa phương. Minh làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Một năm, sau ngày Bá Thanh chết, Tâm chuyển về VKSND Tối cao, ngồi ghế Chánh Thanh tra VKSND Tối cao.

Tháng 10/2018, Phan Văn Tâm được điều sang Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Vụ 15).

Phan Văn Tâm (trái) năm 2013. Photo Courtesy
Phan Văn Tâm khi đã là sếp

Có lẽ “chiếc áo V15” quá rộng, không “vừa” tầm, nên tháng 2/2019, Tâm được chuyển sang Vụ trưởng Vụ Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) cho đến nay.

Tâm và Vũ “nhôm” từng kết nghĩa huynh đệ, nên Vũ “nhôm” nuôi hy vọng, có ngày mình sẽ được cứu.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở đây tôi chỉ nói duy nhất về cách tính tổng hợp các hình phạt tù. Nếu Việt nam cách tính là cứ là phép cộng các hình phạt thì các nước khác (Châu Âu) tính tổng hợp không giống Việt Nam. Với số phạt tù cứ cho đúng như vậy (công nhận Việt Nam không phạt tù thì thôi, chứ phạt thường nặng hơn các nước – ở họ phạt thấp nhất cảnh cáo, cao hơn là phạt tiền, phạt giam án treo. Riêng phạt giam hình thức nhẹ nhất 3 tháng, chứ Việt Nam đã phạt là cả năm như chơi – nhớ vụ 2 đứa trẻ đói „cướp“ đồ ăn bị xử giam gần cả năm – mọi người chú ý 2 đứa trẻ chưa đủ tuổi thành niên và đói lấy đồ ăn dù dùng bạo lực thì ở nước ngoài thì nhiều khả năng lần đầu chỉ bị cảnh cáo).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây