Thợ Việt Nam ở Campuchia và mùa virus Vũ Hán

Lê Vĩnh Trương

1-4-2020

Công ty mở xưởng ở Oudom Phnompenh, chúng tôi khởi từ một bãi hoang, xây tường cúng thổ công, tuyển nhân viên Việt và Cam, dựng xưởng. “Bốn năm cùng” với người Cam. Cùng ăn, ở, làm, cùng enjoy.

Mỗi hai, ba tuần, tụi tôi về VN bằng xe bus 10$, luôn gặp các thợ xây chân còn dính vôi hồ, các nhân viên BV Chợ Rẫy PNP, các bà buôn hàng chuyến, nhà băng BIDC, Sacom, nhà buôn phân bón, tiếp viên KaraOK.

Hồi Cam bầu cử năm ba năm trước, các ứng viên tranh nhau yêu nước bằng cách trút hận và chửi VN, hạ thấp người Việt làm việc và cả người Cam gốc Việt nên dân ta phải tìm cách về nước tạm lánh.

Đêm xuống, cảnh sát ập vào khu công nhân xây dựng, công nhân chở hàng, thợ xưởng thế nào cũng có tên không giấy phép lao động. Thế là đăng báo, trục xuất, dùi cui là thường.

Không kiện tụng gì được.

Hừm. Coi chuyện làm ăn nước người phải chấp nhận nên cứ tới mùa bầu cử các hãng xe liền tăng ca cho ngàn dân VN vội vã chạy nạn.

Xưởng tôi mướn nhà cho thợ ở luôn tính đường để tiện chạy lẹ về xứ.

Tối ngủ treo sẵn bộ áo sẵn sàng giấy tờ tùy thân, nước, bánh biscuit, khẩu trang v.v… Phân công 1 thằng không được say xỉn.

Khi bùm là xỏ áo chạy ngay. Trước mắt phải ra khỏi khu có biến, sau đó ưu tiên 1 là về VN, qua cầu Monivong, hướng Svayrieng.

Bọn tôi, sales, kỹ sư cho đến thợ hàn tiện nguội, vẫn dặn nhau mình là một mắt xích trong dây chuyền chung. Tự hào mang sản phẩm, mang giá trị tăng thêm cho quốc gia Cam & Việt (thuế má lương tiền đủ). Nhưng luôn phải chong tai gióng mắt vì kiểu ghét Việt – có khi là – theo mùa như trên.

Đôi lúc đang trò chuyện tiếng Việt với anh bạn Cambodia, đột nhiên ảnh chuyển sang nói tiếng Anh thì phải hiểu sau lưng mình có ánh mắt thiếu thiện cảm với dân VN. Vậy đó.

Cũng là TNC xuyên quốc gia chớ bộ, cũng cày hết hơi để giữ mối hàng. Và tôi chắc hàng vạn đồng bào khác lao động tứ xứ Âu, Mỹ, Arab, Úc… có khi cũng không khác bọn tôi, cũng hướng về con đường về nhà khi đụng chuyện nào đó.

Mẹ quê hương mà.

Khi tôi viết những dòng này thì các đồng nghiệp tôi vẫn còn đang trong trại cách ly ở Hà Tiên vì họ nhập cảnh khi hai nước Việt – Cam đóng cửa khẩu cùng ngăn virus Vũ Hán.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây