Nữ họa sĩ người Ý: ‘Tôi hoảng loạn vì bị người Việt tấn công trên mạng’

BBC

Bùi Thư

26-3-2020

Nữ hoạ sĩ 18 tuổi bị hoảng loạn khi người Việt Nam tấn công cô trên mạng. Nguồn: Aurora Cantone

Là tác giả bức vẽ tấm bản đồ nước Ý với hai y tá người Ý và Trung Quốc, Aurora Cantone bị đe doạ và quấy rối vì một số người Việt Nam lầm tưởng cô là chủ nhân bức vẽ có “đường lưỡi bò”.

Bị đe doạ và thóa mạ

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 20/3, nữ hoạ sĩ 18 tuổi Aurora Cantone chia sẻ:

“Tôi nhận được những tin nhắn tấn công vào sáng 17/3. Tôi thức dậy và Facebook tôi ngập tràn những tin nhắn tuyên truyền mang tính chất chính trị của người Việt Nam. Một số mang lời lẽ rất xúc phạm, sỉ nhục và phỉ báng. Một số người bảo tôi đừng bao giờ vẽ nữa. Điều đó thực sự khiến tôi tổn thương vô cùng vì không hiểu sao người Việt Nam lại giận dữ với tôi đến vậy”.

Cụ thể trên Facebook, tài khoản chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý hôm 16/3 đăng bài viết:

“Các bạn có lẽ quên, nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi. Giờ là lúc chúng tôi giúp đỡ các bạn. Xin cảm ơn hai nghệ sĩ tuyệt vời Aurora Cantone và Quân Chính Bình. Cố lên Italy”.

Đại sứ Trung Quốc ở Ý đăng hai bức ảnh: bên trái có đường lưỡi bò, bên phải (của Aurora Cantone) không có đường lưỡi bò trên Twitter ngày 14/3. Ảnh chụp màn hình

Trung Quốc đã “mượn” bức vẽ của Aurora Cantone để tạo ra bức vẽ đáp lễ thứ hai với bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò”. Bởi hai bức vẽ này giống nhau, nhiều người Việt Nam đã dựa vào hình ảnh trên tìm ra Facebook và Instagram của Ảurora quấy rối, chỉ trích và lăng mạ cô.

Bức vẽ gốc của Aurora Cantone không có đường lưỡi bò. Ảnh: AURORA CANTONE

“Trong ba ngày liền, tôi không thể ngủ được và đầu đau dữ dội. Tôi rơi vào hoảng loạn. Tôi rất đau buồn khi mọi người chỉ nhìn vào bức vẽ khác, vốn không phải là bức vẽ chính xác. Tôi không biết là may mắn hay bất hạnh, vì tôi là người rất nhạy cảm. Từ ngữ luôn có trọng lượng đối với tôi, ngay cả khi tôi không biết đến họ”.

“Đồng thời, tôi sợ cho gia đình tôi sẽ bị tấn công. Bố tôi rời khỏi nhà mỗi ngày để đi mua thức ăn, chỉ có mình tôi và mẹ tôi ở nhà”, cô tâm sự với BBC News Tiếng Việt.

Aurora Cantone cho biết thêm, khi bắt đầu hiểu nguồn cơn giận dữ của người Việt Nam, cô đã đăng bài viết trên các kênh xã hội của mình bao gồm Facebook và Instagram để giải thích về mọi chuyện. “Tôi giải thích rằng bức vẽ đại diện Trung Quốc có đường lưỡi bò không phải do tôi vẽ. Sau đó, có nhiều người Việt Nam, thậm chí cả người Trung Quốc đã xin lỗi tôi”, nữ hoạ sĩ người Ý nói.

‘Tôi buồn khi bức vẽ gây tranh cãi chính trị’

Aurora đã đính chính sự việc trên trang cá nhân của mình

Trên trang cá nhân của mình, Aurora Cantone phản bác:

“Vui lòng dừng lại, bức vẽ đó được thực hiện bởi họa sĩ người Trung Quốc mà tôi không hề biết anh ta là ai. Anh ta đã lấy bức vẽ của tôi và chỉnh sửa lại thành ảnh đại diện cho Trung Quốc trong khi tôi không hề biết”.

“Tôi không hề làm việc này dựa theo yêu cầu, điều duy nhất tôi thực hiện là vẽ ra hình ảnh đại diện cho 2 vị bác sĩ đến từ Trung Quốc và Ý. Bạn có thể thấy rõ, tôi đã để lại chữ ký của mình trong bức ảnh bản đồ Ý, còn ngược lại thì không…”.

Cô khẳng định với BBC News Tiếng Việt:

“Điều làm tôi buồn là một bức vẽ, ban đầu có nghĩa là một dấu hiệu của lòng biết ơn, đã gây ra rất nhiều vấn đề và tranh cãi chính trị. Tôi biết đến bức vẽ phiên bản Trung Quốc này hai hoặc ba ngày sau khi tôi đăng bức vẽ của mình. Ban đầu tôi không hiểu ý nghĩa của hình ảnh, tôi nghĩ là người muốn sao chép bản vẽ của tôi và nó làm tôi khó chịu”.

“Sau đó, rất nhiều người giải thích cho tôi rằng hình ảnh là một lời đáp trả cho bức vẽ của tôi để nhớ về sự kiện năm 2008, khi đội y tế Ý đã đến giải cứu Trung Quốc. Nói tóm lại, đó là một minh chứng nữa cho mối liên kết giữa Ý và Trung Quốc, và nó làm tôi vui”, Aurora bộc bạch.

Biết thêm về tranh chấp giữa VN và TQ’

Sau khi bị tấn công các kênh trên mạng xã hội, nữ hoạ sĩ 18 tuổi người Ý bắt đầu tìm hiểu về vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Tôi đã tìm hiểu vấn đề, cộng với nhiều người giải thích cho tôi. Tôi đã học được rất nhiều điều từ sự việc này, tôi cũng đã học về mối quan hệ xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều mà tôi hoàn toàn không biết gì trước đây”, cô nói.

“Chúng là vấn đề chính trị điều đó không liên quan đến tôi và tôi không muốn tham gia, đặc biệt là trong một thời điểm nhạy cảm như vậy. Khi tất cả chúng ta nên “gần gũi” với nhau hơn, ngay cả khi chúng ta không thể về mặt vật lý vì dịch bệnh”, Aurora tâm sự với BBC News Tiếng Việt.

Một số người Việt Nam đã tấn công Facebook nữ họa sĩ 18 tuổi này và gọi cô là ‘bợ đít’ Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ về quan điểm nghệ thuật và chính trị liên kết như thế nào với nhau, nữ hoạ sĩ người Ý bày tỏ:

“Tôi nghĩ đơn giản, suy nghĩ của một cô gái 18 tuổi: nếu bạn muốn làm nghệ thuật, bạn làm nghệ thuật. Nếu bạn muốn làm chính trị, hãy làm chính trị. Nhưng nếu bạn muốn làm nghệ thuật để làm chính trị, bạn sẽ thấy mình là tâm điểm của một cơn lốc với quyền lực to lớn với cả tiêu cực lẫn tích cực”.

“Tôi thấy mình bị rơi vào tình huống chính trị một cách bất ngờ. Và điều tồi tệ là tôi không có ý định gì về chính trị. Bức vẽ chỉ mong muốn cảm ơn tất cả các bác sĩ ở đất nước tôi, và tất cả những người Trung Quốc đã đến giúp đỡ chúng tôi. Tôi đã sợ hãi vô cùng khi bị cuốn vào nó”.

“Cá nhân tôi, nghệ thuật châm biếm không phải là điều tôi sẽ hướng đến trong cuộc sống của tôi. Tôi thích manga, anime, cosplay, truyện tranh và minh họa. Tôi muốn lấp đầy cuộc sống của mình và mọi ngườic bằng màu sắc, nhờ vào những bức vẽ của tôi”, Aurora trải lòng.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Bác noileo nghĩ rằng qua “ném đá” của người Việt, cô họa sĩ 18 tuổi này “nhận ra bộ mặt thật của China”???
    Chả lẽ cô phải càm ơn cái hành vi “ném đá”?

    Tôi không thấy cần cảm ơn đứa sưng sưng nói rằng: Ném đá là tự do ngôn luận (phát biểu ở diễn đàn này). Tôi thấy nó nên câm miệng.

  2. Xin được chia sẻ với những buồn bực nào đó của cô họa sĩ Ý, tuy nhiên, cô họa sĩ Ý cũng nên cám ơn những người VN đã chỉ trích cô, vì nhờ họ mà cô mới được biết về một bộ mặt khác của China, bộ mặt red China, bộ mặt lớn, bộ mặt thực của China: bộ mặt thực dân đỏ, bộ mặt đế quốc đỏ .

  3. “Ném Đá” là cách thi hành án tử hình dã man tuyệt đối (của đạo Hồi).
    Dùng lời lẽ chửi bới để người ta hoảng loạn được ví như “Ném Đá”.
    Ngay tại diễn đàn TiengDan có một kẻ chuyên ném đá. Cứ đọc vài trăn comments mà người đó đã viết sẽ đi đến kết luận như vậy.

    Mà cũng chẳng cần đọc nhiều đến thế. Chỉ cần trích một câu ngắn anh ta đã viết ra, trong đó anh ta khẳng định: Ném đã là… tự do ngôn luận (!!!)
    Đó là nghiemnv

  4. Trung Quốc
    Chúng muốn làm siêu cường, chúng ăn cắp ý tưởng của cô bé mới 18 tuổi, chúng mang Virus đến nước Ý gieo họa, chúng lại bảo virus bắt đầu từ nước Ý, giờ chúng đứng ngoài cười xem Việt Nam là là kẻ xấu sa muốn ăn gỏi cô bé.
    Thật là thâm độc và dơ dáy hết chỗ nói vậy mà vẫn bao nhiêu kẻ chưa sáng mắt nhìn vào bộ mặt của chúng mà chỉ nhìn vào túi tiền chúng đang làm thính.

  5. Cô bé 18 tuổi này bản tính rất ngây thơ, nên mới hoảng loạn vì bị người Việt tấn công trên mạng.
    Nhưng có lẽ, nếu nhiều tuổi hơn nữa, cô cũng VẪN ngây thơ … giống như nhiều người Ý khác, như trong câu viết về dịch Corona Vũ Hán ở Ý – của “tiều phu” Nguyễn Thọ trên Tiếng Dân:
    – “Nước Ý, bàn đạp của Trung Quốc tại EU với hàng trăm hãng trá hình chuyên sản xuất hàng “Made in EU”, vẫn đang mải mê với lễ hội hóa trang. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã quay về Ý sau kỳ nghỉ Tết”.
    “Hoảng loạn” vì cô bé chưa hiểu vấn đề. Dần dần hiểu ra, chắc rồi cũng thấy bình thường.

  6. Trích lời cô Aurora Cantona: “Một số người bảo tôi đừng bao giờ vẽ nữa. Điều đó thực sự khiến tôi tổn thương vô cùng vì không hiểu sao người Việt Nam lại giận dữ với tôi đến vậy.”

    Dường như cả loài người trên thế giới nói chung chưa quen với thói hung dữ ngày càng gia trọng của người Việt! Coi chừng chúng thua trên mặt trận ngoại giao chỉ vì quá hung hăng.

    Rõ ràng cô gái Ý không giận người Trung Quốc ăn cắp bức tranh của cô sau khi được nghe lời giải thích. Nhưng nỗi sợ hãi ám ảnh của cô vì thái độ hằn học của người Việt thì chưa có gì giải tỏa được.

Leave a Reply to dan thuong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây