Buồn buồn khi đọc bài thơ của cô giáo Lê Thị Thúy

Dương Tự Lập

26-3-2020

Với ai thì không biết, nhưng 30 năm viễn xứ của đời mình, chưa bao giờ tôi nhận nơi tôi đang cư trú quê người là quê hương thứ hai. Ai nhận là việc của họ, còn tôi dứt khoát như anh nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi“. Trong tôi, cái nơi đang ở của mình là chốn tạm dung thân, tá túc, ăn nhờ ở đậu của một kiếp người không may mắn.

Trong khi cả thế giới đang đảo lộn vì đại dịch Covid-19, thì dân tộc tôi cũng um xùm chuyện “Việt kiều” về nước “trốn dịch”. Cảnh tượng đất nước vô cùng bối rối, không thể phủ nhận Chính phủ cũng như các đoàn thể, các doanh nhân, các nhà hảo tâm, các cá nhân thành đạt, các cá nhân khác dẫu chẳng dư dả gì ngoài tấm lòng vàng đang nỗ lực chung tay góp sức gỡ nguy lúc này, chí ít là cho những người đang nhiễm bệnh ở trong nước cũng như ở nước ngoài trở về.

Xin lỗi, sợ xa quê lâu ngày, quên tiếng Việt trước khi viết tiếp tôi với hai cuốn Từ điển tiếng Việt ngang mặt giở tra vần V: Việt kiều. Từ Điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội năm1994, do Văn Tân chủ biên, không có. Chỉ có:

– Kiều bào: Từ người trong nước dùng để gọi đồng bào của mình trú ngụ ở nước ngoài.
– Kiều cư: …
– Kiều dân: …

Hết.

Giở tiếp cuốn thứ hai, Từ Điển Tiếng Việt – Trung tâm từ điển học Vietlex, của Nhà xuất bản Đà Nẵng 2015, do Hoàng Phê chủ biên. Có chú chữ Hán cho từ ngữ Hán – Việt, với 46.540 mục từ và 54.605 nghĩa từ. Tra vần V không có từ Việt kiều, như cuốn trên, nhưng cũng giải thích như cuốn trên.

Vậy có thể hai nhóm soạn từ điển này “vô trách nhiệm”. Hoặc soạn sót, hoặc có thể từ Việt kiều do mới phát sinh những năm gần đây, hoặc có thể do ai đó mới sáng chế…

Việt kiều trên “Gú gồ” thì có và được giải thích: Việt kiều (hay người Việt hải ngoại, người Việt Nam ở nước ngoài) là thuật ngữ để chỉ người Việt định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch của nước sở tại.

Cô giáo Lê Thị Thúy vừa tung lên mạng bài thơ: “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa“. Bài thơ rất chi là nóng hổi, thế sự răn đời, dạy bảo, khuyên nhủ các “em”, không biết là khuyên em học sinh hay khuyên em Việt kiều đã làm được gì cho đất nước này, mà bây giờ về đây còn đòi hỏi nọ kia ghê gớm…

Mới xem, tôi cứ tưởng bở như lời của chị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân răn dạy đồng bào ta lại lần nữa, nhưng không phải, hóa ra câu hỏi từ bài thơ của cô giáo đang dạy học ở một trường THPT Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Mấy năm trước ngay sau khi chị Chủ tịch Kim Ngân có câu hỏi tương tự như thế, đã bị người dân cả nước phẫn nộ phản ứng cho là ngạo mạn trịch thượng. Đến ngay cả lãnh tụ Hồ Chí Minh khi còn sống cũng chưa dám nói như thế với dân. Tối thiểu chị ta phải hiểu ai đóng thuế cho chị ta có cái ghế để ghé đít ngồi hôm nay. Nhưng cũng chẳng đáng chấp vì chị ấy chỉ là Chủ tịch son trẻ.

Còn cô Thúy, người giáo viên, là “kỹ sư tâm hồn”, cô phải hiểu hơn ai hết, câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cô lấy tư cách gì để hỏi một câu hỏi thiếu lễ độ như vậy? Làm sao cô có thể đứng trên giảng đường để nối tiếp công việc “trăm năm trồng người” được? Đúng là vật đổi sao dời, bây giờ lắm cô giáo miền Trung trỗi dậy làm thơ rứa hề. Lòng bỗng chạnh lòng vì mình cũng dân miền Trung nơi mô trong nớ.

Một tuần trước, đọc các báo trong nước (không thèm xem, nghe báo ngoài nước vì báo ngoài bị coi là “báo địch phản động, trở cờ lật Đảng”) đều giật tít: Có 7.000 Việt Kiều về nước. Các báo cũng nêu rõ trong 7.000 thì có 6.000 từ những nước Đông Nam Á. Còn lại 999 người (tôi lấy tròn 1.000) ở các nước châu Âu như Anh – Pháp – Đức… Không thấy nói Đông Âu như Séc – Nga – Ba Lan… mà châu Âu thì mấy nước Đông Âu này trở về nhiều hơn là cái chắc.

Cứ xem mấy cái clip tung lên cho dư luận đều thấy mấy cô “Việt kiều” Ba Lan khuấy đảo sân bay Quốc tế – Nội Bài, đủ hiểu họ là dân gì? Chưa hẳn họ trở về “trốn dịch bệnh”. Dám chắc luôn là dân lao động ngắn hạn nên mới về nước đợt này. Chúng tôi biết vì có dân Việt ở Tiệp, Ba Lan, sang Đức tìm việc nhưng không được Sở Lao động (Arbeitsamt) đồng ý, vì hộ chiếu họ không… “bền vững”. Chỉ trừ một số nào đó hộ chiếu “chuẩn”, được cấp định cư lâu dài tại các nước ấy thì Đức mới chấp nhận cho vào làm việc.

Đáng khen ngợi vì có cô biết sai, sau đã lên xin lỗi các nhân viên thi hành công vụ ở sân bay. Hành động của số ít này làm hoen ố Việt kiều, con sâu làm rầu nồi canh, nên bài thơ kia của cô giáo Thúy đã là cái cớ dấy lên sự phẫn nộ cho các fan dư luận viên trong nước đang chờ dịp chửi “Việt kiều” nâng cao vời vợi sự hâm mộ tung hứng bài thơ.

Hàng trăm lời bình dưới bài mà chủ đích chỉ có chửi và chửi, đại để sao lúc hưởng sung sướng thì chúng mày không mang Dollas, Euro về, nay có dịch bệnh chúng mày kéo nhau về làm khổ đất nước, làm khổ các ông bà mày, làm khổ chúng tao… nhiều, nhiều lắm.

Trong đầu người quốc nội, cái tiếng “Việt kiều” thường gợi lên sự sung túc, no đủ, giầu có, ít ra là như thế. Chữ Việt kiều ở đây đã bị bọn xấu bụng lợi dụng, làm rối tung rối mù, lộn tùng phèo để gây thù chuốc oán. Thật ra, dù là dân lao động, dù là du học sinh, sinh viên, dù là người Việt ai ai đi nữa, nếu trở về bất cứ lúc nào, thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào thì cũng là lẽ đương nhiên bởi nơi đó là nơi chôn rau cắt rốn, quê hương, xứ sở, dân tộc mình, đất nước mình, mình không về thì về đâu, chẳng lẽ về Liên- Xô?

Đừng nói họ không đóng thuế, sai đấy. Cha mẹ họ ở nhà đóng, bản thân họ đi làm đổ mồ hôi sôi nước mắt xứ người đã phải đóng thuế cho nước sở tại, gửi ngoại tệ về qua ngân hàng, nhà Bank… chẳng lẽ nhân viên ngân hàng, nhà Bank ăn không ngồi rồi để làm cái việc vô công rồi nghề đó sao?

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tổng kết năm trước 2019, cho thấy người lao động, hay gọi Việt kiều cũng được, đã gửi về nước lượng tiền không nhỏ:

– Năm 2011 Việt Nam nhận về 8,60 tỷ USD
– Năm…
– Năm 2017 Việt Nam nhận về 13,8 tỷ USD
– Năm 2018 Việt Nam nhận về 15,9 tỷ USD
– Năm 2019 Việt Nam nhận về 16,7 tỷ USD

Ta cứ nói thật lòng với nhau ở đây là tiền “sạch”, tiền đã qua nhà bank, đã được Bộ Tài chính nước sở tại kiểm duyệt. Thế còn lượng tiền gửi bạn bè, người thân, người quen cầm về, ai tính được.

Con số kiều hối tăng lên là bởi người Việt mỗi năm ra nước ngoài cũng nhiều hơn, lao động siêng năng hơn, cật lực, cần cù hơn, với ý chí dân giầu nước mạnh của một dân tộc nghèo khó. Tính vào thời điểm này dân Việt cư trú ở 103 quốc gia trên thế giới, lên đến 4,5 triệu người, “khúc ruột ngàn dặm” của ta đó, nỡ nào cạn tình ráo nghĩa đem những từ ngữ hạ đẳng nhất mạt sát nhau hay ho gì.

Đừng nói họ gửi về cho gia đình họ chứ gia đình tôi có được gì đâu? Tất tần tật đều là chuỗi mắt xích liên quan với nhau đấy bạn ạ. Nếu bạn không hiểu điều sơ đẳng này thì thật đáng thương và cũng nên dừng lại đi, đừng chửi vung chửi vít, càng lộ ra trí tuệ, bản chất, chân tướng mình.

Quay lại câu chuyện, tôi làm phép tính 1.000 người còn lại chia cho ba nước Anh – Pháp – Đức, vị chi mỗi nước có 333 người trở về. Hiện tôi đang ở Đức, có hơn 87.200 người Việt sinh sống, là số liệu lấy từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức mới nhất.

Cháu trai tôi học xong khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ludwig Maximilian München đã lâu, đang học ôn thi tiếp lấy bằng Tiến sĩ tại trường này, cho biết, các trường đại học ở Đức trở xuống tới nhà trẻ mẫu giáo đều phải nghỉ học cả tuần nay cho tới ngày 19/4/2020 trở lại trường nhận thông báo mới.

Nó giải thích, đợt dịch Covid 19 này, theo nhà trường nói, có thể còn kéo dài thì trường vẫn phải đóng cửa, nên du học sinh Việt Nam đành lấy vé trở về vì nếu ở lại thì họ phải bỏ tiền túi mọi khoản chi tiêu nhưng nặng nhất vẫn là tiền thuê nhà ở. Dù sinh viên bọn cháu thuê ở chung phòng đỡ bớt nặng, thì mèng ra mỗi đứa cũng đóng mất 300 tới 400 euro / tháng. Tất nhiên khi đi học chúng cháu còn được phép đi làm thêm không phải đóng thuế vì ưu tiên cho sinh viên. Cái xui xẻo đợt này các nhà hàng ăn (Restaurant) cả Tây lẫn ta, các nhà hàng Mcdonald’s, Burger King, thậm chí một số hãng xưởng, nơi mà bọn cháu tìm đến để làm thêm cũng đều đóng cửa thành ra sinh viên các cháu hết cửa.

Tôi ở gần ga Munich sát góc nhà Công ty dịch vụ Biển Đông của người Việt, chuyên nhận dịch vụ du lịch, vé máy bay, làm đổi hộ chiếu và các công việc giấy tờ người Việt ở Đức. Các cô bảo, cũng chẳng thấy dân Việt ở đây đặt vé về, ngoài mấy em du học sinh nhà mình đi hãng Qatar airways rẻ bèo. Mà tôi nhìn dân mình quen quen ở Munich cũng có ai về đâu. Các cô còn bảo:

– Anh xem, nếu đi làm hãng thì cũng chỉ giỏi lắm có một tháng phép. Nếu hãng tốt thông cảm sắp xếp cho anh về dịp này thì đã mất mười bốn ngày bị giữ lại đâu đấy để theo dõi bệnh dịch, trừ hai ngày đi về nữa, hỏi anh ở nhà được bao lâu? Như vậy nếu “chửi” Việt kiều ở Đức về là không có.

Có một chuyện không muốn nói nhưng vẫn cứ nói vì đang ầm ĩ trên các trang báo mạng trong nước đưa tin, làm nhiều người Việt ở Đức tức giận thế này:

– Một người mẹ đã gửi đứa con ba tuổi và đứa hai tháng tuổi cho bà Ngoại đem về Việt Nam lánh dịch Covid 19. Như vậy ai nghe cũng sẽ hiểu sai về y tế Đức kém cỏi cùng những điều kiện khác. Nữ tiếp viên trưởng hàng không Vietnam airline Lưu Phương Anh khóc nghẹn kể lại chuyện này trên Facebook của mình lần nữa khi trước đó các báo đã đăng rồi. Rất tiếc người mẹ này giấu tên và không nói rõ ở đâu trên nước Đức. Họ phẫn nộ người mẹ tham tiền mà người ở nhà đâu có biết góc khuất của người Việt xứ này.

Lưu Phương Anh, tiếp viên trưởng của hãng Hàng không Vietnam Arilines khóc nghẹn kể lại chuyện bé 2 tháng tuổi, cha mẹ gửi bay từ Đức về Việt Nam tránh dịch Covid – 19. Nguồn: FB Lưu Phương Anh

Vấn đề câu chuyện gây niềm xúc động với chiều hướng tốt cho nước Việt, nhưng lại xấu cho nước Đức. Thực tế nếu người mẹ này ăn tiền xã hội (sozial) khi đẻ con thì như hiện tại đứa con sẽ được cấp 204 euro / tháng, chưa kể đứa ba tuổi kia. Bản thân người mẹ được cấp 300 euro / tháng hoặc hơn chút nữa, tiền tầu xe, tiền điện nước, bảo hiểm sức khỏe… Tiền nhà xã hội cũng bao luôn 500 hay 700 euro theo thu phí của chủ nhà nếu ở mức xã hội cho phép chấp thuận đồng ý chi trả, trừ khi người này làm chủ thì khỏi lãnh.

Sau khi gửi hai đứa con về, người này sẽ xin làm chui (schwarzarbeit), tất nhiên bây giờ nước Đức quản chặt vấn đề này nên việc làm chui rất khó. Chủ nhà hàng Việt (chứ không có với Đức) sẽ chỉ khai cho cô ta hai tiếng việc phụ (nebenjob) gọi là có khai, nhưng thực tế cô ta làm tới tám tiếng đủ ngày đủ tháng thì tháng ấy cô ta có ít nhất đôi nghìn euro bỏ túi và hưởng hết các khoản xã hội chu cấp như trên đã nói.

Sự thật như vậy đấy, ở Việt Nam sao hiểu nổi mà làm rùm beng nâng cao an toàn trong nước, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn, quí con, sợ con bị lây dịch từ Đức của người mẹ trẻ nọ. Chẳng hóa ra người Đức sống tệ lắm sao, hài hước thế.

Nhân đọc bài thơ của cô giáo Thúy, tôi thấy buồn buồn, không biết có nên nói thêm không. Có một sự thật khác với suy nghĩ trong đầu của cô đấy cô giáo ạ. Đọc bài thơ tôi hiểu cô chưa một lần ra nước ngoài. Cô dùng từ “em” trong thơ nó lẫn lộn giữa em học sinh và em Việt kiều thành ra cứ chạnh lòng nên đem ra đây luận bàn thêm chút nữa.

Chê đất nước nghèo dân trí thấp, em ơi”.
“Học rộng, biết nhiều em ơi vậy có hay“…

Đại để nhiều câu thơ trong bài là những câu hỏi đầy trách móc em, dân Việt ở nước ngoài.

Có câu: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê gia chủ nghèo“. Chúng tôi là dân lao động của thế kỷ trước, biết thân biết phận mình bèo bọt lắm cô ạ, vì thế đứa nào đứa nấy cũng “côi cút làm ăn toan lo nghèo khó“. Mạo muội chỉnh lại câu thơ của cô một xíu: “Chê đất nước nghèo Quan trí thấp, em ơi“.

Có, có chê nhưng chỉ dám chê bọn quan tham Việt Nam, trí thấp mới để nước Việt nghèo nàn, tha hương cầu thực như lũ tôi, việc chẳng ai muốn. Bọn quan chúng nó sợ các em học rộng, biết nhiều hơn chúng cả cái đầu nên chúng mới đưa ra lắm luật cấm đoán mong dìm các em ngu lâu như chúng thì mới dễ bề để trị. Chứ các em khôn hơn chúng thì hỏng to rồi.

Dịp đại họa dịch Covid này chẳng hạn, bọn Vua, Quan trí thấp biết chứ, chúng chỉ cần ra lệnh thu hồi vài nơi rất khiêm tốn như biệt phủ của mấy thằng tướng quân đội, công an ăn tàn phá hại như Hoàng Kiền, Hữu Ước, mấy thằng quan bất nhân như Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền… thì dư thừa chỗ cho các quân nhân, chiến sĩ con em của dân khỏi ngủ bờ ngủ bụi đợt này, nhìn tội lắm.

Vài lời thô thiển trao đổi với cô giáo nhà thơ miền Trung nước Việt có tấm lòng yêu nước theo kiểu:

Đảng, Chính phủ đêm ngày không e ngại
Tìm cách để dân mình được sống bình yên“.

Biệt phủ của tướng quân đội Hoàng Kiền, núp bóng bảo tàng. Ảnh: Báo PLTP
Biệt phủ của tướng công an Hữu Ước. Ảnh: VNN
Biệt phủ Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: NLĐ
Biệt phủ của cựu đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân Thanh. Photo Courtesy
Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Nhận thức kém, cộng với “bát cơm manh áo “nên người ta phải làm như vậy. Tìm lỗi hay tìm hướng giải quyết ?Những cái viển vông dối trá… luôn tồn tại một cách nghiễm nhiên ,nhưng nó không thể có tại các nước văn minh, tại sao. Ai cũng có thể nói do dân trí thấp, nâng cao nó bằng cách nào đó mới là vấn đề. Công nghệ không thể giả dối, vì nếu dối trá thì sản phẩm của nó không có người mua. Nhưng cái quí giá hơn là cái tư duy của người nghĩ ra công nghệ, trải qua năm tháng nó trở thành một thói quen cho cả xã hội, giúp người ta tiến lên, còn những chuyện phân biệt được thật giả, giỏi giang hay ngu dốt… thì quá đơn giản.

  2. Qua bài viết của tác giả DTL, người đọc cũng hiểu chút ít về an sinh xã hội ở nước Đức và một vài vấn đề khác. Nhưng mình khuyên tác giả là chả thèm “buồn buồn” làm gì về bài thơ của cô giáo Thúy. Chẳng qua , cô í thấy cô giáo Trần Thị Lam nổi tiếng quá mà mình cũng biết vỏ vẻ văn thơ nên sẵn hiện tượng mắc dịch nầy mình cũng cố viết một bài “tát nước theo mưa”, nếu không nổi tiếng thì cũng tai tiếng như cô giáo Thanh vậy. Vui mà, có sao đâu, người ta không khen thì chửi. Thế là mình cũng có “tai tiếng” rồi đấy !

  3. Bất cứ đề tài gì nghiemnv cũng lái về điều mà cái u trong não của nó thôi thúc phải xổ ra.
    Câu trên sẽ được nhắc lại nhiều lần để mọi người kiểm định.

  4. Lũ đĩ bợm Ba Đình rất có tài …. ĐĨ BỢM.

    Dĩ nhiên, tôi không có ý nói cô giáo gì gì đó, làm bài thơ gì gì đó đâu.

    Nhưng lũ đĩ bợm Ba Đình rất có tài …. ĐĨ BỢM những bài thơ kiểu đó cho mục đích định hướng dư luận.

  5. Thông cảm đi ông tác giả
    Theo triết lí sống của trí thức NƯỚC LỢ thì: phù thịnh, không phù suy. Nước trong rửa mặt, nước đục rửa chân
    Sống dưới nhà nước đảng của trí thức nước lợ thì được đảng quan tâm, nâng đỡ trong sáng là niềm vinh dự, tự hào to lớn cho cả gia tộc. Giòng họ mình ăn ở có phúc nên mới được như vậy.
    Định nghĩa trí thức nước lợ: là trí thức xhcn+ tiền TBCN
    Hoặc LÍ LOẠN LÀ TRÊN HẾT VÌ HẾT LÍ LOẠN LÀ HẾT TIỀN.
    NGHỀ CHÍNH: VIẾT SỚ
    THÓI QUEN: THỊT CHÓ, ĐẬU HŨ MẮM TÔM, RƯỢU NGÂM

  6. Nhân tác giả có nói đến trưng thu nhà cửa các quan tham để làm trại cách ly, tôi xin đăng tạm bình luận này của tôi ở đây. Bình luận này tôi đã gửi vào dưới một bài khác trên Tiếng Dân, nhưng không hiểu sao bị đưa vào chế độ cần phải qua phê duyệt của ban biên tập.

    Việt Nam có thể dùng trại tù làm trại cách ly thay cho trại lính.

    Nhiều nước đã hoặc sắp thả hàng chục ngàn tù nhân phạm các tội không bạo lực vì lo sợ dịch virus Vũ Hán có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong tù. Việt Nam cũng nên xét đến điều này. Hay đúng ra, nhiều người dân Việt Nam có thể sẽ muốn nhà nước thực hiện điều này.

    Tù nhân bạo lực sẽ được dồn sang một số ít hơn trại tù còn mở cho mục đích giam giữ. Số trại tù còn lại sẽ được làm vệ sinh và tái trang bị để đón nhận người cần được cách ly vì dịch. Các ban quản trị trại tù sẽ được huấn luyện cách cai quản trại cách ly với tác phong nhã nhặn, nhún nhường hơn thay vì thù hằn và trịch thượng như khi họ cai quản tù nhân.

    Các tổ chức dân sự và nhân quyền nếu tham gia kêu gọi điều này thì có thể nhấn mạnh việc thả tù chính trị, vì tất cả họ là tù nhân không phạm tội bạo lực và đều có ý thức công dân rất cao. Cựu tù nhân lương tậm như thế sẽ là những thành viên rất hữu dụng khi trở về quê nhà chia sẻ trách nhiệm chống dịch với cộng đồng.

Leave a Reply to Ta huu quang Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây