TS Anthony Fauci cố làm cho tòa Bạch Ốc lắng nghe sự thật về đại dịch

Sience Magazine

Tác giả: Jon Cohen

Dịch giả: Châu Minh Dũng

22-3-2020

Anthony Fauci (ngoài cùng bên phải) tham dự cuộc họp báo gần đây của White House về đại dịch. Ảnh: Al Drago / Bloomberg/ Getty Images

Anthony Fauci, nhân vật mà trong mắt nhiều người theo dõi các cuộc họp báo bây giờ đã trở nên thường lệ ở tòa Bạch Ốc về đại dịch, hiện trở thành tiếng nói khoa học về phương pháp đối phó với virus corona chủng mới, thường chạy từ nơi này sang nơi khác trong ngày và phải làm việc trong nhiều giờ.

Giờ đây, người giữ chức Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thậm chí chỉ có ít thời gian để ngủ và phải di chuyển với tốc độ chóng mặt, ông phải chạy đua mỗi ngày từ văn phòng của ông ở phía bắc Washington, DC, đến nhà của ông ở thủ đô, rồi lại đến tòa Bạch Ốc để gặp Lực lượng Chuyên trách vấn đề virus corona trong Phòng Tình huống. Lúc đó, ông thường đứng cạnh Tổng thống Donald Trump trong các buổi họp báo – và khi ông không có mặt ở đó, các dòng tweet lo ngại xuất hiện ngay lập tức.

Ngay trước khi ông lên kế hoạch tới Nhà Trắng cho một cuộc họp với Lực lượng Chuyên trách vấn đề virus corona hôm nay [22-3-2020], ông đã tranh thủ gọi điện cho ScienceInsider để thực hiện một cuộc trao đổi chóng vánh. Cuộc phỏng vấn này đã được chỉnh sửa cho ngắn gọn và rõ ràng dưới đây.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên mà mọi người dành cho ông là, tình hình của ông thế nào rồi?

Đáp: Ôi, tôi đã kiệt sức rồi. Nhưng ngoại trừ chuyện đó, thì tôi rất tốt. Ý tôi là, theo tôi biết thì đến giờ tôi vẫn chưa bị nhiễm virus corona. Cũng theo tôi biết thì tôi vẫn chưa bị sa thải [cười].

Hỏi: Ông tránh bị sa thải bằng cách nào?

Đáp: Chà, điều đó khá thú vị bởi vì đối với sự tín nhiệm [của Trump], mặc dù chúng tôi bất đồng về nhiều việc, nhưng ông ta vẫn lắng nghe. Ông ta có con đường của ông ta. Ông ta có phong cách riêng của mình. Nhưng về các vấn đề trọng yếu, ông ta lắng nghe những gì tôi nói.

Hỏi: Ông đã phải tham gia các cuộc họp báo nơi mọi thứ đang diễn ra theo cách mà ông không đồng tình, như thế có thỏa đáng không?

Đáp: Chà, tôi không phủ nhận vấn đề này. Các cuộc họp báo diễn ra theo cách mà nếu là tôi thì tôi sẽ không làm vậy, bởi vì cách họ nói có thể dẫn đến một số hiểu lầm về những sự thật xung quanh một chủ đề nhất định.

Hỏi: Ông đã đứng gần đó trong khi Tổng thống Trump ở trong Vườn hồng bắt tay với mọi người. Ông là một bác sĩ. Chắc hẳn ông đã có phản ứng đại loại như: “Thưa ngài, xin đừng làm vậy”.

Đáp: Phải, tôi đã nói vậy với Lực lượng Chuyên trách vấn đề virus corona. Tôi cũng nói vậy với các nhân viên. Chúng ta không nên làm điều đó. Không chỉ thế – đáng ra chúng ta nên giữ khoảng cách xa ra hơn một chút trong các cuộc họp báo. Phải ghi nhận là Phó Tổng thống [Mike Pence] đang cố đẩy khoảng cách của những người ở Lực lượng Chuyên trách [trong các cuộc họp báo] ra xa. Ông ta không cho mọi người vào phòng – khi căn phòng có nhiều hơn 10 người, đại loại như: “Ra ngoài, mọi người ra ngoài, hãy sang phòng khác”. Vì vậy, liên quan đến lực lượng đặc nhiệm, Phó Tổng thống thật sự là một người bảo đảm rằng, chúng tôi không có mặt 30 người trong Phòng tình huống, là nơi thường đông đúc. Vì vậy, chắc chắn ông ấy vẫn tuân theo các nguyên tắc giữ khoảng cách. Tình hình ở khu vực diễn thuyết [trong các cuộc họp báo] có vấn đề hơn một chút. Tôi cứ nói: “Liệu có cách nào để chúng ta có thể tổ chức họp báo trực tuyến không?” Cho đến nay, câu trả lời vẫn là không. Nhưng khi bạn phải làm việc với tòa Bạch Ốc, đôi khi bạn phải lặp lại cùng một vấn đề đến một, hai, ba, bốn lần, và chuyện sẽ xảy ra. Vì vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy quan điểm của mình.

Hỏi: Ông đứng đó nói rằng, không ai nên tập hợp hơn 10 người, trong khi có gần 10 người đứng cùng ông chỗ bục diễn thuyết. Và chắc chắn có hơn 10 nhà báo ở đó đặt câu hỏi.

Đáp: Tôi biết điều đó chứ. Tôi vẫn đang cố gắng hết sức mình. Tôi không thể làm điều không thể.

Hỏi: Thế còn vụ hạn chế đi lại thì sao? Trump tiếp tục nói rằng lệnh cấm đi lại với Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 2/2/2020, đã có tác động lớn đến việc làm chậm sự lây lan virus sở Hoa Kỳ và ông ta ước rằng, Trung Quốc báo với chúng ta trước đó 3-4 tháng và rằng họ đã rất “bí mật”. (Trung Quốc đã không tiết lộ ngay lập tức về việc phát hiện ra một loại virus corona chủng mới đến gần cuối tháng 12/2019, nhưng đến ngày 10/1/2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công khai thông tin về loại virus này). Điều này không đúng sự thật.

Đáp: Tôi biết chứ, nhưng anh muốn tôi làm gì đây? Ý tôi là, nói một cách nghiêm túc, Jon ơi, hãy đối mặt với thực tế, anh muốn tôi làm gì?

Hỏi: Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, ông đang làm một công việc đáng nhớ, nhưng ông còn đứng đó với tư cách là đại diện của lẽ phải và sự thật, nhưng mọi thứ đang được phát biểu thì hóa ra lại không hợp lẽ phải và cũng không đúng sự thật.

Đáp: Sự việc là thế này, sau khi Tổng thống đưa ra tuyên bố đó [về vụ Trung Quốc lẽ ra có thể đã tiết lộ việc phát hiện ra một loại virus corona từ 3 đến 4 tháng trước đó], tôi đã trao đổi với những người thích hợp, rằng nói như vậy quả là không thỏa đáng, bởi vì 2 hoặc 3 tháng trước đó sẽ là tháng 9/2019. Lần tới khi những người đó ngồi xuống với Tổng thống và bàn về những gì ông ta sẽ nói, họ sẽ chỉ ra: “Nhân tiện, thưa ông Tổng thống, hãy cẩn thận về điều này và đừng nói điều kia”. Chứ tôi đâu thể nhảy ra trước micro và đè ổng xuống cho được. Dù sao thì ông ta cũng đã nói vậy rồi. Lần tới chúng tôi sẽ cố gắng và đính chính lại.

Hỏi: Ông chưa từng nói gì về virus Trung Quốc. (Trump thường gọi nguyên nhân của sự lây bệnh được biết là virus corona chủng 2019 là “virus Trung Quốc”, hoặc “virus từ Trung Quốc”).

Đáp: Chưa bao giờ.

Hỏi: Và ông sẽ không bao giờ nói vậy, phải không?

Đáp: Không.

Hỏi: Tôi tò mò về nhưng điều hiện chưa diễn ra trên quy mô quốc gia. Một là, tại sao các lệnh kêu gọi ở trong nhà lại được đặt ra riêng biệt theo từng tiểu bang? Tại sao chúng ta lại làm điều này một cách tuần tự? Đó có phải là một sai lầm?

Đáp: Không, tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể nói đó là một sai lầm hay không phải sai lầm. Có một cuộc thảo luận và một sự cân bằng tinh tế về tác động chung của việc đình chỉ tất cả mọi hoạt động trong một khoảng thời gian không xác định. Vì vậy, có một sự thỏa hiệp. Nếu bạn hạ gục toàn bộ bộ nền kinh tế và làm ngưng trệ các cơ sở hạ tầng, bạn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, hậu quả không lường trước được, cho những người cần phải đi đến các địa điểm nhất định mà không đi được. Bạn cố gắng làm tốt nhất những gì có thể thôi. Tôi nhấn mạnh rất rõ ràng tại mỗi cuộc họp báo, rằng mọi người trên đất nước này, ở mức tối thiểu, nên tuân theo các hướng dẫn cơ bản. Những người cao tuổi thì hãy đứng ngoài xã hội, tự cô lập. Đừng đi làm nếu bạn không phải đi làm. Đại loại như vậy. Không quán bar, không nhà hàng, không thứ gì cả. Chỉ có những dịch vụ thiết yếu vẫn phải duy trì. Khi bạn tới một nơi như New York hoặc Washington hoặc California, bạn phải nâng cao cảnh giác.

Nhưng tôi cảm thấy – và không chỉ có tôi nói vậy, có cả một đám đông đang phải ra quyết định – rằng nếu bạn phong tỏa tất cả mọi thứ ngay bây giờ, bạn sẽ phá vỡ toàn bộ xã hội. Vì vậy, bạn chỉ làm những gì bạn có thể làm, tốt nhất có thể. Cố gắng giữ khoảng cách với mọi người và nâng cao cảnh giác ở những nơi bạn biết có nhiều rủi ro nhất.

Hỏi: Nhưng tôi đã nghe một người nói, nếu bạn nghĩ rằng bạn đang làm quá nhiều, thì có lẽ bạn đang làm đúng mức thỏa đáng.

Đáp: Chính tôi nói vậy.

Hỏi: Tôi biết mà. Chiến dịch “15 ngày để hạn chế lây nhiễm” không đề cập đến các cuộc tụ họp tôn giáo. Tôi biết Pence đã đề cập đến vấn đề này vào ngày hôm qua. Nhưng tại sao các địa điểm tụ tập tôn giáo lại không được liệt kê trong chiến dịch 15 ngày? Trong khi tất cả những nơi khác lại có.

Đáp: Nó được ngụ ý là không tụ tập đám đông hơn 10 người. Nhưng anh nói đúng, đám đông trong nhà thờ rất quan trọng và mỗi khi có dịp, tôi sẽ nhắc đến điều này. Tôi thật sự không thể chỉ trích họ quá gay gắt về điều đó. Khi nói rằng, nên tụ tập ít hơn 10 người, thì điều đó đã có ý tính cả những hoạt động ở nhà thờ rồi. Tôi đã công khai vấn đề này và ngay cả Phó Tổng thống cũng công khai nói vậy.

Hỏi: Điều gì xảy ra trước mỗi cuộc họp báo? Ông làm gì với tư cách một nhóm?

Đáp: Chúng tôi đều ở trong Lực lượng Chuyên trách. Chúng tôi đã ngồi xuống trao đổi cùng nhau trong một tiếng rưỡi, xem xét tất cả các vấn đề trong chương trình làm việc. Từ đó, chúng tôi đi đến một phòng chờ ngay trước phòng Bầu dục để đưa ra những thông điệp, những điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là gì? Sau đó, chúng tôi vào gặp Tổng Thống, chúng tôi trình bày [với sự đồng thuận của chúng tôi] cho ông ta nghe và có người viết một bài phát biểu. Sau đó, ông ta đứng dậy và phát biểu. Và rồi chúng tôi đã đứng đó để cố gắng trả lời các câu hỏi.

Hỏi: Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu vừa rồi, ông đã đưa tay lên che mặt khi Trump nhắc đến “Cơ quan bí mật Quốc gia” (một thuyết âm mưu phổ biến). Vụ này thậm chí lan truyền trên mạng. Ông đã bị chỉ trích vì hành động như vậy?

Clip lan truyền trên mạng: TS Anthony Fauci đưa tay lên che mặt vì không nhịn được cười, khi Trump nhắc đến “Cơ quan bí mật Quốc gia” (Deep State Department). Nguồn: Laura Martínez

Đáp: Tôi không bình luận.

Hỏi: Chúng tôi đã thấy những ý tưởng sáng tạo về cách phản ứng trước dịch bệnh được thực hiện ở các nước khác mà chúng ta chưa áp dụng. Trung Quốc sử dụng máy đo thân nhiệt tại các siêu thị trước khi cho khách vào mua sắm. Chúng ta có nên xem xét làm điều tương tự?

Đáp: Vâng, tất nhiên. Tôi nghĩ rằng việc cung ứng thiết bị để kiểm tra thân nhiệt cũng cần phải được tính tới. Điều đó đã được thảo luận. Mọi giải pháp đều đang được thảo luận. Nhưng không phải tất cả chúng đều được đưa vào thực thi. Đây là vấn đề cần phải xem xét. Tôi sẽ đưa chuyện này vào cuộc họp tới của Lực lượng Chuyên trách và xem xét, liệu có một số lý do về hậu cần, thủ tục, khiến biện pháp đo thân nhiệt chưa thể được áp dụng. Chuyện hợp lý để làm như vậy ít ra cũng đáng được xem xét nghiêm túc.

Hỏi: Giờ tới bức tranh lớn: Chúng ta đã có tất cả sự chuẩn bị cho đại dịch này. Tại sao việc chống dịch ở Mỹ lại thất bại? Đã có chuyện gì xảy ra?

Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải đợi đến khi dịch kết thúc và chúng ta nhìn lại trước khi có thể đưa ra câu trả lời. Nó cũng giống như sương mù chiến tranh vậy. Sau khi cuộc chiến kết thúc, bạn nhìn lại và nhận ra: “Chà, kế hoạch này, lẽ ra rất tuyệt vời, nhưng đã không hiệu quả khi đối phương bắt đầu ném lựu đạn vào chúng ta”. Thật sự tương tự như vậy. Rõ ràng, việc xét nghiệm [đối với loại virus corona mới] là một vấn đề cần được xem xét lại. Tại sao chúng ta không thể huy động nguồn lực ở quy mô rộng hơn? Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ. Tôi nghĩ rằng còn sớm. Chúng ta thật sự cần phải nhìn về phía trước.

Hỏi: Ngay bây giờ, tại sao chúng ta có lệnh cấm đối với du khách đến từ Trung Quốc, trong khi có ít ca nhiễm ở Trung Tuốc, hơn là các ca nhiễm nhập từ bên ngoài? Logic sau vụ này là gì?

Trả lời: Tôi xin lỗi. Tôi chỉ vừa nhìn vào hai tin nhắn, một đến từ một thống đốc bang và một đến từ tòa Bạch Ốc. Tôi phải đi đây.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Trích lời Bác sĩ Fauci: “Chứ tôi đâu thể nhảy ra trước micro và đè ổng xuống cho được.”

    Câu này được báo chí Mỹ trích dẫn nhiều suốt mấy ngày qua. Chắc nó sẽ đi vào các sử liệu về giai đoạn này. Buồn cười nhất là ý tưởng “đè” do một ông già nhỏ thó nói ra nhắm tới một ông già khác to con gấp ba.

  2. Ông Trump thích riễu cợt, ông bác sĩ Fauci buồn cười.
    Cái “Cơ quan bí mật Quốc gia” (Deep State Department) là Trump ám chỉ Bộ Ngoại giao.

  3. Một nhóm phò đảng DC.không phải ở Mỹ mà ở Canada (lạ và vô duyên ở chổ đó)
    đã đưa lên facebook hình Ts.Fauci trong cuộc họp báo này trong đó Ts.Fauci cố
    giấu vẻ buồn cười khi nghe Trump phát biểu về âm mưu này nọ để họ có cớ đả
    kích Trump là không biết gì về y học mà cứ “nổ sảng”.
    Ông Fauci buồn cười là phải vì ông thì nói theo chuyên môn một nhà khoa học
    trong khi Trump nói theo ngôn ngữ chính trị mà Fauci không thấy có liên quan
    gì với nhau nên ông ta cười cho cái tật nghĩ gì nói nấy của Trump.Tôi nghĩ vậy
    thôi,chứ chằng có gì phải quan trọng hóa để “ném đá” Trump cả !

  4. Người phỏng vấn (Jon Cohen ?) cố tình bằng mọi cách đưa đẩy ông Anthony Fauci “xác nhận” là ông Trump không nghe lời ông Fauci. Để gán cho ông Trump gây ra thảm họa đại dịch ở Mỹ (?!) Sau đó còn lộ ra ông ta (người phỏng vấn) muốn kết tội Nhà trắng chưa chịu bãi bỏ lệnh cấm bay từ China.

    1 nhà báo thiên vị và kém đạo đức.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây