Miễn nhiễm cộng đồng là gì và liệu nó có chặn được virus corona?

Technology Review

Tác giả: Antonio Regalado

Dịch giả: Carl Trần

17-3-2020

Căn bản là có ba cách ngăn chặn bệnh Covid-19 vĩnh viễn. Một cách bao gồm những hạn chế phi thường đối với việc di chuyển tự do và tụ họp, cũng như những cuộc xét nghiệm gắt gao, nhằm chặn đứng sự lây lan một cách toàn diện. Điều đó giờ đây có thể là bất khả thi vì virus đang xuất hiện ở hơn 100 quốc gia.

Cách thứ hai là một thuốc chủng có khả năng bảo vệ mọi người, nhưng thuốc này vẫn còn đang được phát triển.

Cách thứ ba có tiềm năng hiệu quả nhưng thật kinh khủng khi xét đến: Cứ chờ cho đến khi có đủ số người bị nhiễm.

Nếu virus tiếp tục lây lan, sẽ đến lúc số người lây nhiễm đủ nhiều và (nếu họ sống sót) trở nên miễn nhiễm. Khi đó cơn dịch sẽ tự tàn lụi vì virus ngày càng khó tìm một sinh vật chủ có thể bị lây nhiễm. Hiện tượng này được gọi là miễn nhiễm cộng đồng (herd immunity).

Sự lan truyền rộng rãi, không thể ngăn chặn của virus corona chính là một kết cuộc mà các chuyên gia đang dựng mô hình trong các kịch bản tồi tệ nhất của họ. Họ cho rằng với những gì người ta biết về virus corona, rốt cuộc nó có thể sẽ lây nhiễm khoảng 60% dân số thế giới, thậm chí chỉ trong vòng một năm.

Các con số đó không phải là đoán mò. Chúng dựa trên thời điểm mà các nhà dịch tễ học cho là sự miễn nhiễm cộng đồng bắt đầu có tác dụng đối với riêng loại virus này.

Hồi tuần trước, ý tưởng miễn nhiễm cộng đồng đã bùng nổ trên các dòng tít lớn sau khi thủ tướng Anh Boris Johnson ngỏ ý chiến lược chính thức của nước này có thể là mím môi thật chặt và để mặc cho dịch bệnh hoành hành. Trưởng cố vấn khoa học của chính phủ, Patrick Vallance, nói rằng, Anh quốc cần phải “xây dựng một dạng miễn nhiễm cộng đồng nào đó, để rồi sẽ có thêm nhiều người miễn nhiễm với bệnh này và chúng ta giảm được sự lây lan“.

Hôm qua, thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, cũng có giọng điệu tương tự, khi nói, “Chúng ta có thể làm chậm đà lây lan của virus đồng thời xây dựng tính miễn nhiễm cộng đồng theo một cách thức có kiểm soát“.

Nhưng nhắm tới miễn nhiễm cộng đồng ngay lập tức sẽ là một chiến lược thảm bại, theo các mô hình mới nhất. Đó là vì sẽ có quá nhiều người phát bệnh nặng – và một sự bùng nổ bất chợt về số người bệnh cần nhập viện hoặc vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) sẽ làm quá tải các bệnh viện.

Anh quốc trong tuần này ra chỉ dấu, thay vì đi theo đường hướng ấy, họ sẽ gia tăng các biện pháp trấn áp virus, bao gồm khuyến cáo người dân không tụ tập đông người. Hãm đà cơn dịch có thể cứu được các hệ thống y tế và nhiều mạng người, nhưng cuối cùng kết quả có thể cũng vẫn vậy. Đó là, ngay cả khi cơn đại dịch được kéo giãn ra theo thời gian, vẫn cần đến sự miễn nhiễm cộng đồng để kết liễu nó.

Như Matt Hancock, bộ trưởng y tế và chăm sóc xã hội Anh quốc, giải thích sau khi chính phủ Anh bị chỉ trích: “Miễn nhiễm cộng đồng không phải là mục tiêu hay chính sách của chúng tôi. Đó là một khái niệm khoa học“.

Nhưng miễn nhiễm cộng đồng thật ra là gì?

Khi có đủ thành phần dân số đề kháng được một loại virus, sự lây lan của nó dừng lại một cách tự nhiên vì không có đủ người có khả năng truyền bệnh. Như thế, cả cộng đồng (“herd” trong tiếng Anh, nghĩa là “đàn”) được miễn nhiễm, ngay cả khi nhiều cá thể trong đó vẫn chưa miễn nhiễm.

Ước lượng virus corona mang tỉ lệ tử vong khoảng 1% trên mỗi trường hợp lây nhiễm, nhưng điều này được xem là không chắc chắn, và tỉ lệ tử vong trên số trường hợp được nhập viện còn cao hơn. Thật là kinh dị khi mường tượng viễn cảnh hàng tỉ người bị nhiễm virus corona, nhưng chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện miễn nhiễm cộng đồng trong những cơn dịch mới đây.

Hãy xét virus Zika, một cơn bệnh do muỗi lan truyền từng gây ra cơn hoảng loạn dịch bệnh vào năm 2015 vì có mối liên hệ với những trường hợp khuyết tật bẩm sinh.

Hai năm sau, vào năm 2017, hầu như chẳng còn ai lo ngại về nó. Một nghiên cứu ở Brazil phát hiện bằng cách kiểm tra mẫu máu rằng 63% dân số của thành phố ven biển miền đông bắc Salvador đã bị phơi nhiễm trước Zika; các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng, miễn nhiễm cộng đồng đã phá tan cơn dịch.

Thuốc chủng cũng tạo ra miễn nhiễm cộng đồng, dù được cấp phát rộng rãi hay đôi khi chỉ được cấp phát trong một “vành đai” xung quanh một trường hợp mới của một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp. Đó là cách mà những bệnh như đậu mùa được trừ tiệt và tại sao bệnh lao gần như được xóa bỏ. Nhiều nỗ lực chế tạo thuốc chủng đang được tiến hành đối với virus corona, nhưng có thể tất cả đều chưa hoàn tất trong vòng hơn một năm tới.

Ngay cả đến lúc đó, các nhà sản xuất thuốc chủng có thể thấy mình đang trong một cuộc đua thất bại với thiên nhiên để xem ai bảo vệ cộng đồng trước. Đó chính là một phần câu chuyện đã xảy ra hồi năm 2017, khi nhà sản xuất thuốc Sanofi âm thầm dẹp bỏ một dự án bào chế thuốc ngừa Zika sau khi nguồn tài trợ cạn kiệt: Đơn giản là không còn thị trường cho nó.

Virus corona hãy còn mới, do đó có vẻ không ai miễn nhiễm đối với nó: Đây là nguyên do nó lây lan và tại sao nó có thể có những tác động trầm trọng nơi một số người.

Để cho sự miễn nhiễm cộng đồng bám rễ, con người phải phát triển được sức đề kháng sau khi nhiễm bệnh. Điều đó đã xảy ra với nhiều loại virus: người bị nhiễm bệnh và hồi phục tự tạo được sức đề kháng và không mắc bệnh trở lại, vì hệ thống miễn nhiễm của họ có đủ kháng thể để đánh bại virus.

Khoảng 80 ngàn người đã hồi phục từ virus corona, và rất có thể là giờ đây họ đề kháng được bệnh này, mặc dù chưa biết mức độ miễn nhiễm cao đến đâu. “Tôi sẽ ngạc nhiên, nhưng không hoàn toàn ngạc nhiên, nếu người ta không trở nên miễn nhiễm“, Myron Levine, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường University of Maryland, nói. Một số virus, như cúm, quả đã tìm ra những cách thức tự biến đổi không ngừng, đó là lý do khiến sự miễn nhiễm đối với những loại virus theo mùa như vậy không bao giờ đầy đủ.

Khi nào chúng ta đạt được miễn nhiễm?

Thời điểm mà chúng ta đạt miễn nhiễm cộng đồng có liên quan một cách toán học tới khuynh hướng lây lan của virus, được biểu diễn bằng con số sinh sản của nó, hay R0. Các nhà khoa học ước lượng R0 của virus corona là giữa 2 và 2.5, nghĩa là mỗi người bị lây nhiễm, truyền bệnh cho khoảng hai người khác, nếu không có những biện pháp kiểm soát truyền nhiễm.

Để hình dung ra cách thức sự miễn nhiễm cộng đồng có tác dụng, hãy nghĩ đến số trường hợp virus corona đang nhân lên trong một dân số dễ bị lây nhiễm theo cách này: 1, 2, 4, 8, 16, và cứ thế tiếp tục. Nhưng nếu một nửa dân số miễn nhiễm, một nửa số vụ lây nhiễm sẽ không bao giờ xảy ra, và do đó tốc độ lây lan trên thực tế giảm đi phân nửa. Khi đó, theo Trung tâm Truyền thông Khoa học, cơn dịch chỉ còn tiếp diễn âm ỉ như thế này: 1, 1, 1, 1 … Cơn dịch bị dập tắt khi tỉ lệ lây nhiễm ít hơn 1.

Tỉ lệ lây lan của con virus hiện tại cao hơn bệnh cúm thông thường, nhưng tương tự những bệnh cúm mới xuất hiện đã đôi lần quét qua toàn cầu trước đây. “Nó giống với đại dịch cúm năm 1918, và điều đó ám chỉ rằng việc chấm dứt được cơn dịch này sẽ đòi hỏi gần 50% dân số trở nên miễn nhiễm, hoặc là nhờ một thuốc chủng, mà hiện chưa xuất hiện trong tầm mắt, hoặc là nhờ sự lây nhiễm tự nhiên“, nhà dịch tễ học Marc Lipsitch của trường Harvard University nói với một nhóm chuyên gia qua một cuộc hội luận bằng video hồi cuối tuần này.

Một virus càng lây lan mạnh, thì càng cần phải có nhiều người miễn nhiễm để đạt đến miễn nhiễm cộng đồng. Bệnh sởi, một trong những bệnh dễ dàng lây nhiễm nhất, với R0 trên 12, đòi hỏi khoảng 90% dân chúng miễn nhiễm để giúp những người không được bảo vệ trong cộng đồng khỏi bị lây nhiễm một cách tự nhiên. Đó là tại sao những ổ dịch mới có thể manh nha khi chỉ có một số nhỏ người quyết định không đi chích ngừa sởi.

Tương tự, nếu virus corona lây lan dễ hơn là các chuyên gia nghĩ, sẽ cần có thêm nhiều người lây nhiễm trước khi đạt đến miễn nhiễm cộng đồng. Với R0 bằng 3, chẳng hạn, 66% dân số sẽ phải miễn nhiễm trước khi hiệu ứng bắt đầu có tác dụng, theo mô hình đơn giản nhất.

Dù cho đó là 50% hay 60% hay 80%, các con số đó ám chỉ hàng tỉ người lây nhiễm và hàng triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới, dù cho khi đại dịch diễn ra càng chậm, ta càng có thêm cơ may được cứu bằng những thứ thuốc điều trị hoặc thuốc chủng.

Những mô hình dịch tễ học mới nhất được phát triển ở Anh quốc hiện nay đều khuyến nghị việc “trấn áp” gắt gao đối với virus corona. Chiến thuật căn bản đang được hối thúc là cách ly người bệnh, cố gắng giảm thiểu 75% tiếp xúc xã hội, và đóng cửa các trường học. Các biện pháp tốn kém về kinh tế ấy có thể sẽ tiếp tục trong nhiều tháng.

Trấn áp sự lan truyền có nghĩa là chúng ta sẽ không xây dựng được miễn nhiễm cộng đồng“, Azra Ghani, trưởng nhóm dịch tễ học đang làm việc với mô hình mới về cơn dịch tại trường Imperial College London, nhận xét. Cái giá phải trả cho thành công là “chúng ta đang đưa mọi hoạt động xuống thấp đến mức mà chúng ta phải có để duy trì các biện pháp đó“.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thủ tướng Anh Boris JOHNSON đành CHẤP NHẬN LÁI XE bên phải TRONG VIỆC CHỐNG “SIÊU VI TRÙNG TRUNG C..UỐC” (dùng chữ ĐÚNG và CHÍNH XÁC như TT TRUMP như DỊCH CÚM TÂY BÁN NHA năm 1918 tại ÂU CHÂU khiến gần 100 triệu người chết !!) Khi Thủ tướng Anh Boris JOHNSON không dừng không nghe lời Cố vấn Y tế theo CHIẾN LƯỢC “miễn nhiễm cộng đồng” khi Thủ tướng Anh Boris JOHNSON nhìn thất ĐƯỜNG BIỂU DIỄN ĐẠI DỊCH tại ANH do “SIÊU VI TRÙNG TRUNG C..UỐC” lại ĐỒNG DẠNG TIẾN HÓA y hệt như ĐƯỜNG BIỂU DIỄN ĐẠI DỊCH tại Ý và tại PHÁP

    Đại Từ mẫu Angela MERKEL đã quyết định ĐÚNG ĐẮN cho Nước Đức

    Bác Tể tướng Anh Boris JOHNSON đầu Vàng đang đùa chơi Canh bạc Tử thần !
    ********************************************


    Chọn chiến lược ‘miễn dịch cộng đồng’ :
    Khác nào đùa với Tử thần chết như không !
    Dí đầu nòng súng vào Thái dương cò bóp
    Chẳng phải 1 mà 6 viên ‘kẹo’ đạn đồng
    Ổ xoay súng ngắn quả súng Lục súng Sáu
    Xác suất ‘Chết’ bằng 1 nổ óc tung lên không
    Thủ tướng Anh đầu Vàng giỡn chơi Canh bạc
    Tử thần đợi Dân Anh lái xe bên trái lao xuống sông !
    Xứ Sương mù hàng triệu Liêu Trai Vũ Hán
    Rủ về khi hoàng hôn rơi xuống Luân Đôn
    Chọn ‘miễn dịch cộng đồng’ chống Đại dịch
    Thống kê Y tế Nước Anh tử thi đầy đồng !

    TỶ LƯƠNG DÂN

  2. “Nếu virus tiếp tục lây lan, sẽ đến lúc số người lây nhiễm đủ nhiều và (nếu họ sống sót) trở nên miễn nhiễm. Khi đó cơn dịch sẽ tự tàn lụi vì virus ngày càng khó tìm một sinh vật chủ có thể bị lây nhiễm. Hiện tượng này được gọi là miễn nhiễm cộng đồng (herd immunity).”
    -Lý luận “miễn nhiễm cộng đồng” áp vào trường hợp virus corona là sai. Với virus corona, ng nhiễm có thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày, họ ko biết mình bị nhiễm, nên trong khoảng thời gian 14 ngày, từ 01 ng nhiễm ban đầu có thể lây lan cho ng nhiễm khác + ng nghi nhiễm lên đến 280 ng, nếu họ ko bị cách ly (theo lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: ‘1 người nhiễm Covid-19 phải cách ly 280 người’). Khi xét nghiệm biết họ nhiễm, các ban ngành điều tra dịch tễ, lúc đó có thể họ đã làm cho khoảng 15~20 ng bị nhiễm. Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh lây lan rất nhanh dẫn đến mất kiểm soát nếu Chính phủ ko có biện pháp cách ly triệt để, cương quyết. Giả thiết Chính phủ áp dụng PA miễn nhiễm cộng đồng thì lúc “cơn dịch sẽ tự tàn lụi vì virus ngày càng khó tìm một sinh vật chủ có thể bị lây nhiễm” là đất nc chỉ còn lại những ng có tuổi dưới 50 tuổi, trên 50 tuổi chết hết rồi (Thống kê của Viện Y tế cao cấp Ý (ISS) trên 8.342 bệnh nhân COVID-19 tính tới ngày 9/3/2020 cho thấy: trong 100 ca nhiễm thì số ng trên 50 tuổi chiếm khoảng 75 ca).

  3. Khi chưa tìm ra thuốc chủng và thuốc ngừa, biện pháp tốt nhất là hạn chế đến mức có thể nhất sự lây lan. Nếu không làm tốt, để bùng phát thì lấy đâu ra phương tiện để cứu chữa :giường bệnh, ô xy ,máy thở,máu dự trữ…. và lúc đó sẽ là thảm họa vì ngoài tầm kiểm soát. Người ta không thể tránh mãi được vi rút, một lúc nào đó sẽ phải gặp nó, nhưng vấn đề sẽ đơn giản hơn khi người ta có thuốc đặc trị và một cơ thể khỏe mạnh vì đã được tập dượt ….

Leave a Reply to vdk1509 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây