Dân Việt có nên tự tin về khả năng phòng dịch COVID-19?

BTV Tiếng Dân

19-3-2020

Ngày 18/3/2020 đánh dấu một nấc thang mới của cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi COVID-19, khi số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã chính thức vượt mốc 200.000 ca chiều qua. Châu Âu hiện trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Thậm chí, lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Âu vượt châu Á​. Tính đến 6h tối giờ VN, châu Âu ghi nhận ít nhất 3.421 ca tử vong, vượt qua 3.384 ca tử vong ở châu Á.  

Chỉ riêng ở Italy, đến hết ngày 18/3, đất nước này đã có ít nhất 35.713 ca nhiễm và gần 3.000 ca tử vong. Theo sau Ý là Tây Ban Nha, có gần 14.000 ca nhiễm và 623 ca tử vong. Nước Đức hiện trở thành ổ dịch lớn thứ 3 ở châu Âu với gần 12.000 ca nhiễm nhưng may mắn là nước này có số người chết thấp: 27 người.

Ngay sát ổ dịch châu Âu là ổ dịch cũng có quy mô rất lớn, đó là vùng Trung Đông. Chỉ riêng Iran đã có 17.361 người nhiễm và 1.135 người chết. Dịch bệnh ở Hoa Kỳ cũng đang diễn biến phức tạp với hơn 8.000 người nhiễm và 125 người chết.

Ở VN, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng. Chỉ trong buổi tối 18/3/2020, VN ghi nhận thêm 8 ca dương tính nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 76, VnExpress đưa tin. Trong 8 ca này, đa số là người Việt Nam, chỉ có một người quốc tịch Đức, hai người quốc tịch Pháp, đều có quá trình di chuyển qua nhiều địa điểm trước khi được cách ly. Bài báo còn lưu ý, trước đó, Bộ Y tế “công bố hai ca nhiễm nCoV, gồm một người Mỹ ở Đà Nẵng và một người Việt ở Ninh Thuận mới đi Malaysia về”. Nghĩa là tính cả ngày 18/3, VN có thêm 10 ca nhiễm mới.

Thời điểm bệnh nhân thứ 17 xuất hiện đã phá tan mọi ảo tưởng về “thắng lợi” của VN trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Chỉ hơn 10 ngày qua, VN đã công bố thêm 60 ca nhiễm mới. Mọi kế hoạch cho học sinh, sinh viên đi học lại đều bị hoãn. Chính phủ đã quyết định ngừng cấp visa đối với công dân tất cả các nước kể từ 0 giờ ngày 18/3 trong vòng 30 ngày. Nền kinh tế tiếp tục rơi vào trì trệ, ngành du lịch gần như đóng cửa.

Trong tình hình này, vẫn có luồng dư luận lạc quan trên các báo “lề đảng”. Vẫn có người tin vào khả năng “phòng dịch” của các lực lượng chức năng của đảng và nhà nước. Vẫn có người lạc quan rằng VN sắp vào mùa nắng nóng trên cả nước nên sẽ sớm hết dịch và rằng, người VN miễn dịch tốt nên không sợ dịch.

Báo Thanh Niên viết: Người trẻ khắp nơi trên thế giới ca ngợi Việt Nam phòng dịch Covid-19 hiệu quả. Nhìn lại nội dung bài báo mới thấy “người trẻ khắp nơi trên thế giới” hóa ra là “ông bầu” Lương Trọng Nghĩa và 4 du học sinh Việt Nam ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và Ý. 

Nhìn lại thực tế khả năng “phòng dịch” của VN

Một luận điểm thường được các tuyên truyền viên của chế độ lặp lại là, số ca nhiễm bệnh được công bố ở VN vẫn thấp so với tình hình thế giới. Dù VN đã có 76 ca nhiễm, trong đó 60 ca nhiễm xuất hiện chỉ hơn 10 ngày qua, nhưng so với ổ dịch châu Âu đã có khoảng 8 vạn người thì tình hình dịch ở VN hiện nay mới chỉ tiệm cận chứ chưa tới ngưỡng vỡ trận. Hơn nữa, vụ Chính phủ ngừng cấp visa cho công dân tất cả các nước, rõ ràng có thể hạn chế số người nước ngoài mang bệnh vào VN.

Nhưng điều đó không có nghĩa mọi ngả đường để virus COVID-19 vào VN đều đã bị đóng lại. Vẫn còn những dòng người VN từ các ổ dịch ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông, TQ… trở về. Chiều 18/3, VnExpress đưa tin: Gần 1.000 người Việt Nam từ châu Âu về Nội Bài. Thủ tục nhập cảnh có thêm các bước: “Khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay và đi cách ly tập trung (nếu đến từ vùng dịch)”.

Cũng theo VnExpress, Bộ Y tế đang tìm người trên 14 chuyến bay có nCoV. Đây là 14 chuyến bay có người nhiễm COVID-19 đã nhập cảnh vào VN từ ngày 4 đến 16/3. Hiện các lực lượng chức năng VN đang cuống cuồng tìm người trên 14 chuyến bay này để cách ly.

Có thể nhà chức trách không tìm ra được những du khách nói trên, vì sau khi vào VN, để lại virus, có thể đã về nước hoặc tiếp tục di chuyển sang nước khác, như chuyến bay VJ826 của Vietjet Air từ Malaysia đến Sài Gòn ngày 4/3, cách đây hơn 2 tuần, nên khả năng rất cao là không ít du khách trên chuyến này đã không còn ở VN. Cho nên, nếu có người nhiễm bệnh thì cũng không thể tìm ra để hỏi xem người đó đã ghé thăm những chỗ nào ở VN. Hơn nữa, không có gì bảo đảm chỉ có đúng 14 chuyến bay chở COVID-19 vào VN từ ngày 4 đến 16/3. 

***

Thế khó của Chính phủ VN hiện tại là đã lỡ gọi kiều bào hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm”, trước khi dịch bùng phát thì họ vẫn đều đặn gửi ngoại tệ về nước, tạo nên nguồn thu không nhỏ cho chế độ. Bây giờ chẳng lẽ lúc có dịch lại đóng cửa, quay lưng với họ? Cho nên vẫn phải đón họ về và phục vụ họ trong thời gian cách ly.

Cả Hà Nội, Sài GònBình Thuận đều chuẩn bị kế hoạch huy động sinh viên ngành y các trường đại học, cao đẳng tham gia chống dịch. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng dịch VN bắt đầu “xuống sức” và phải tính đường huy động cả các lực lượng dự bị bên ngoài.

Một hệ thống phòng dịch sẽ “vỡ trận” trước COVID-19 khi hội đủ các điều kiện: 1. Không còn đủ giường bệnh cho các ca nghi nhiễm và không còn đủ chỗ cách ly tập trung; 2. Phát hiện nhiều ca lây nhiễm nội địa nhưng không thể truy ra được nguồn gốc. Ý là điển hình của các biểu hiện này, nhưng Việt Nam thì chưa đến.  

Mặc dù VN đã có 76 ca nhiễm nhưng theo báo “lề đảng” thì tất cả các ca nhiễm này đều truy ra được nguồn gốc, liên quan đến các chuyến bay chở COVID-19 từ nước ngoài vào. Các điểm cách ly tập trung và hệ thống bệnh viện hiện cũng chưa có dấu hiệu quá tải. Nhưng nếu dòng người VN từ các ổ dịch nước ngoài tiếp tục đổ về thì hệ thống phòng dịch VN khó mà chịu đựng được nữa. Đó là chưa nói đến các ca bệnh tìm ẩn trong cộng đồng nhưng vẫn chưa phát hiện được.

Về thông tin cho rằng, thời tiết nóng có thể hạn chế COVID-19, cần nhắc lại bài báo trên CNN: Liệu thời tiết nóng có thể giúp chống lại virus Corona? Singapore và Australia cho thấy câu trả lời là không. Singapore là nước rất gần đường xích đạo, thời tiết hiện đang khá nóng. Còn Australia chỉ vừa thoát khỏi đợt cháy rừng kỷ lục, nhiệt độ trung bình hiện vẫn còn cao, nhưng Australia hiện có 565 ca nhiễm, tăng 110 ca trong 24h qua. 

Sự bùng phát của COVID-19 đã khiến một số người quên rằng trước khi có đại dịch, VN đã là nước ô nhiễm và hiện vẫn ô nhiễm trầm trọng. Ô nhiễm là một trong các nguyên nhân dẫn đến hàng chục vạn ca nhiễm ung thư mới mỗi năm ở VN. Tuy COVID-19 gây tử vong không cao, nhưng lại dễ dẫn đến chết người khi những người nhiễm đã có bệnh từ trước.

Nhiều người Việt đang mắc phải các bệnh nền khác, như ung thư, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… Các căn bệnh này luôn sẵn sàng phối hợp với COVID-19 để tấn công và giết chết bệnh nhân. Hiện tại, tuy Việt Nam chưa có ca tử vong nào do nhiễm COVID-19, nhưng khi số ca nhiễm tăng, tỉ lệ chết người có khả năng cao hơn các nước khác, do người bị nhiễm đã mắc các chứng bệnh nền trước đó.

Tóm lại, lãnh đạo VN vẫn chưa dám xác lập một tầm nhìn dài hạn để chống COVID-19. Trong khi các nước bị nhiễm đã xác định sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi các tổn thất do đại dịch gây ra, thì VN vẫn “kiên quyết” xác định mục tiêu tính bằng tháng. Rõ ràng là lãnh đạo VN vẫn xem thường COVID-19 và tự đề cao khả năng chống dịch của họ, trước đại dịch này.

_____

Mời đọc thêm: Thế giới đã có hơn 200.000 người nhiễm virus Corona, hơn 8.000 người chết (TN). – COVID-19 đã phủ kín châu Âu (GĐ). Số ca tử vong ở Italy vượt 2.500, gần 200.000 ca nhiễm trên toàn cầu (Zing). – Nhân vật hoàng gia đầu tiên trên thế giới mắc Covid-19 (TP/Soha). – Singapore, Đài Loan và Hong Kong đối mặt làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2 (TT). – Virus Corona có thể sống nhiều giờ trong không khí và nhiều ngày trên bề mặt các vật thể, theo nghiên cứu mới của Hoa Kỳ (CNBC). 

76 người mắc Covid-19 ở Việt Nam (Zing). – Công bố 8 ca Covid-19 mới, thêm Hải Dương, Phú Thọ có người mắc (VNN). – Việt Nam: 126 ca nghi mắc Covid-19, hơn 31.600 người phải theo dõi y tế (CafeBiz). – Phòng chống COVID-19: Làm thế nào ngăn tình trạng “trong đánh ra, ngoài đánh vào”? (VTV). – Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt, Malaysia hạn chế lao động nhập cảnh (TP). – Phòng chống Covid-19: Đài Loan tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ 19.3 (TN). – Dịch corona: VN ngừng cấp visa toàn cầu (VOA).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi cho rằng những chuyện kém logic thường xảy ra ở chế độ độc tài, ví dụ như: số người TQ thiệt mạng trong nạn dịch thì không tương đương với ngừơi chết tại các nước nhỏ trong cuộc giao tranh Gạc ma , hay chiến tranh biên giới 1979 gì đấy.

  2. VN ít có ca nhiễm vì số thử nghiệm ít, khoảng 50 thử nghiệm trên mỗi triệu dân, thuộc loại thấp trên thế giới. Nam Hàn có số thử nghiệm cao nhất, 5200 trên mỗi triệu dân.
    Chính con số ca nhiễm ít ỏi đã tạo ra niềm lạc quan không đúng chỗ.

Leave a Reply to TIEN THANG B7 Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây