Khi các nền kinh tế lớn viêm phổi cấp, cả thế giới lao đao

Vũ Thành Tự Anh

17-3-2020

Một số người so sánh tác động của COVID-19 với SARS năm 2003. Tuy nhiên, Việc so sánh này là vô cùng khập khiễng vì sức tàn phá và hệ lụy của COVID-19 ở các quốc gia chịu tác động cũng như đối với nền kinh tế thế giới là đặc biệt nghiêm trọng, đến mức không một đại dịch cận đại nào có thể so sánh được.

Dịch COVID-19 bùng nổ đúng vào giai đoạn dễ bị tổn thương của chu kỳ kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ ở mức 2,9% – thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Kết quả hoạt động của hầu hết các nền kinh kế quan trọng cuối năm 2019 vừa thấp vừa bất định: trong quý 4-2019, tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 2,1%, của Trung Quốc chỉ là 6% (thấp nhất trong 27 năm qua), còn của Nhật giảm 6,3%; trong tháng 12/2019, sản lượng công nghiệp của Đức và Pháp đều tăng trưởng âm, lần lượt là -3,5% và -2,6%.

Kinh tế của Trung Quốc trong quý I-2020 gần như đình trệ: Trong tháng 2, tiêu thụ than (chiếm khoảng 60% tiêu dùng năng lượng của TQ) giảm 38% so với cùng kỳ 2019. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2020 rơi tự do từ 50 xuống 35,7. Việc phong tỏa nhiều thành phố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển, khiến cho nguyên vật liệu sản xuất bị ách tắc, nhiều công nhân TQ không thể trở về nơi làm việc sau Tết, khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế toàn cầu không chỉ thể hiện ở các chỉ số tăng trưởng, mà quan trọng hơn, nằm ở những vấn đề có tính cơ cấu của các nền kinh tế lớn. Mỹ, Nhật, Anh và nhiều nước G20 đang thâm hụt ngân sách nặng nề và nợ công đã ở mức rất cao. Đồng thời, lãi suất ở các nền kinh tế quan trọng nhất trong G20 đều đang rất thấp, thậm chí bằng 0 ở nhiều nước EU và âm ở Nhật Bản. Hệ quả là chính phủ có rất ít dư địa để can thiệp về tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế khi đại dịch toàn cầu hoành hành.

Nếu như báo cáo mới nhất (1/2020) của IMF về triển vọng kinh tế toàn cầu còn dự báo kinh tế thế giới sẽ bình ổn và phục hồi nhẹ trong năm 2020 và 2021 thì bây giờ các nhà kinh tế bắt đầu nói đến hai chữ “suy thoái”.

Để khắc phục nguy cơ suy thoái toàn cầu buộc phải có những giải pháp toàn cầu. Nhưng đáng tiếc, thế giới lại đang xung đột và chia rẽ sâu sắc, tình trạng mà một số nhà quan sát dự báo sẽ trở thành “chiến tranh lạnh mới” với sự mâu thuẫn về lợi ích chiến lược cốt lõi giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga. Ở châu Âu, nước Anh đã ra khỏi EU và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của khối này. Ngay trong phạm vi từng nước, bất đồng giữa các đảng phái cũng đang gây ra sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước khác. Gần đây nhất, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia và nguy cơ leo thang xung đột quân sự ở Syria tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa, khiến thiện chí và nỗ lực phối hợp toàn cầu để chống đại dịch cũng những hậu quả kinh tế của nó trở nên xa vời.

Nhìn cận cảnh hơn, tác động khác biệt “một trời, một vực” đối với kinh tế toàn cầu của SARS và COVID-19 xuất phát từ các nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, so với COVID-19, phạm vi lây nhiễm của SARS tương đối hẹp (26 nước), rất tập trung (92% ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan), số lượng tử vong tổng cộng là 774 – chưa tới 12% số lượng tử vong do COVID-19 gây ra cho đến ngày 16/3/2020. Hơn nữa, dịch SARS kết thúc trong vòng 2 quý, nhờ vậy kinh tế toàn cầu đã hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V. Trái lại, COVID-19 xảy ra cho đến nay đã gần một quý, tâm điểm lan truyền di động (đợt 1 là TQ, đợt 2 là Hàn Quốc và Nhật Bản, đợt 3 là Ý, châu Âu và Mỹ v.v.), hết đợt này đến đợt khác nên kinh tế toàn cầu liên tục ở trạng thái “đóng cửa” từng phần và hết sức bấp bênh.

Thứ hai, khi SARS nổ ra và tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, các nền kinh tế này – đặc biệt là Trung Quốc – chưa quá quan trọng với kinh tế toàn cầu. Khi ấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc mới đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Đức, Nhật, Pháp) và chỉ chiếm 5% trong tổng xuất khẩu toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 13% xuất khẩu toàn cầu. Không những thế, các GVCs hiện chiếm khoảng 75% tăng trưởng thương mại toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục gây ra cú sốc to lớn cho tổng cung và sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương tự như thế về phía cầu – TQ hiện là nước nhập khẩu quan trọng nhất đối với hầu hết các nền kinh tế ở châu Á và là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Hoa Kỳ. Khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018 tiêu 277 tỷ đô-la cho du lịch nước ngoài. Tóm lại, Trung Quốc đang tạo ra một lượng cầu bên ngoài to lớn cho rất nhiều nền kinh tế.

Thứ ba, khác với SARS và các đại dịch toàn cầu gần đây, lần này COVID-19 phát tán mạnh nhất ở các nền kinh tế lớn nhất. Bảng 1 cho thấy 10 nền kinh tế lớn nhất cùng nhau tạo ra 66% GDP, 69% sản lượng công nghiệp chế biến – chế tạo (CB-CT), 46% xuất khẩu, và 56% xuất khẩu CB-CT toàn cầu. Và cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do COVID-19. Rõ ràng là với tầm quan trọng của mình, khi các quốc gia này viêm phổi, cả thế giới sẽ lao đao.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu COVID-19 có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020 hay không?

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả Vũ Thành Tự Anh là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng CSVN. Tôi thắc mắc tại sao bài phân tích khá quy mô này chỉ được ông ấy đăng trên Facebook, và chưa thấy báo lề đảng nào đăng?

  2. “Câu hỏi lớn đặt ra là liệu COVID-19 có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020 hay không?”
    -Dịch SARS năm 2003 bùng phát trước tiên tại TQ, Đảng CSTQ che dấu dịch bệnh đưa đến hậu quả nền KT TQ giảm tăng trưởng, gây nhiều khó khăn cho thu nhập, đời sống ng dân TQ. 17 năm sau, dịch virus corona cũng lại bùng phát trước tiên tại TQ & lần này dịch bệnh lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn SARS. Đảng CSTQ bài cũ soạn lại, vẫn che dấu dịch bệnh, kéo luôn cả nền KT Thế giới chịu chung khủng hoảng với TQ (tính đến ngày 17/3/20, dịch bệnh hiện đã lan rộng đến 165 quốc gia + vùng lãnh thổ & toàn bộ tất cả 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ đã có ca nhiễm). Tại sao cứ phải là TQ, mà dịch bệnh ko phát xuất từ Mỹ, EU? Vậy thì, dịch bệnh ko xảy ra tại TQ vào năm 2020 thì nó cũng phải xảy ra tại TQ vào năm 202x nào đó. Nếu ko có virus corona trong năm 2020, nền KT toàn cầu do cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng đã suy thoái phần nào rồi. Nay có thêm virus corona, nền KT toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy thoái hơn. Suy thoái rồi phục hồi lại là thương tình (chỉ tội cho ng lao động, làm công ăn lương), nhưng qua đó, virus corona giúp cho thấy nhiều điểm yếu trong thể chế của các QG trên Thế giới (như phương cách lãnh đạo trong phòng chống dịch, nguồn lực Y tế QG & việc điều hành), cũng như nhiều điểm yếu trong toàn cầu hóa nền KT Thế giới (thực chất toàn cầu hiện nay dựa trên cơ sở tạo ra lợi nhuận tối đa, ko mang tính sẻ chia giữa các QG, nên ko bền vững; phụ thuộc quá nhiều vào nền KT TQ). Từ virus corona, mỗi QG tự nhìn lại nội lực của mình, mà đề ra sách lược riêng để hình thành nên các đối tác hay liên minh KT phù hợp hơn, thực chất hơn, nhằm chống đỡ tốt hơn các dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Cám ơn virus corona đã xảy ra sớm trong năm 2020 (xảy ra trễ hơn có lẽ hậu quả nặng nề hơn khi TQ càng mạnh hơn, hung hăng hơn), virus corona giúp chỉ ra sự nguy hiểm của thể chế CSTQ phong kiến, độc tài, toàn trị đối với đất nc TQ, dân tộc Trung Hoa & đối với nhiều nc trên Thế giới, cũng như những yếu kém trong liên minh EU, tỉ như :
    1/TQ: Nền KT TQ đang chật vật với thương chiến Mỹ-Trung, tưởng như dc nhẹ gánh phần nào với việc ký Thỏa thuận giai đoạn 1 TQ-Mỹ vào ngày 15/1/2020 thì ngày 23/1/2020, dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát nên TQ phải phong tỏa TP.Vũ Hán, nguyên do Đảng CSTQ che dấu, bưng bít dịch bệnh (đúng là ý Trời?). Đòn giáng virus corona lây lan toàn bộ các Tỉnh, Thành TQ, gây đình trệ nền KT, làm khốn khổ cho ng dân TQ. Chính họ lãnh nhận hậu quả về sức khỏe, cái chết, thất nghiệp,…giờ còn phải mang ơn Tập Hoàng đế đã ra tay ban ơn cứu dân TQ thoát khỏi dịch bệnh. Qua dịch bệnh, Đảng CSTQ còn tuyên truyền với những công nghệ AI, camera (nhận diện khuôn mặt dù có đeo khẩu trang) phục vụ rất tốt cho việc kiểm soát dịch bệnh, nhờ đó dịch bệnh dc dập tắt, nên sẽ dc tiếp tục phát triển nhanh, mạnh đi vào nhiều lĩnh vực khác nữa. Dân TQ bị Đảng CSTQ dẫn vào tròng rồi. Từ giờ, họ càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn, triệt để hơn rồi (“trong nguy có cơ”, nhưng “nguy” (nguy hiểm, nguy hại) là dành cho ng dân TQ, còn “cơ” (cơ hội, cơ may) là dành cho lãnh đạo Tập Hoàng đế).
    2/Mỹ: Virus corona cho thấy nền KT Mỹ quá nguy hiểm khi phụ thuộc phần lớn vào xuất nhập khẩu với TQ. Vậy nên, qua virus corona, khẳng định hướng đi của Tổng thống Donal Trump thương chiến với TQ là ko sai, nc Mỹ ko thể & ko bao giờ phụ thuộc vào TQ (phụ thuộc Anh, Úc, Canada, Mexico, EU, Ấn, Nhật, Hàn, Đài Loan vẫn tốt hơn nhiều khi phụ thuôc vào TQ). Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết’ + “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” muốn trở nên hiện thực thì qua virus corona cho thấy, nền KT Mỹ giảm bớt hẳn phụ thuộc vào TQ là tốt.
    3/Anh: Ngày 31/1/2020, nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu sau 47 năm làm thành viên. May quá, Anh quốc rút ra khỏi EU kịp lúc trước khi virus corona xâm chiếm EU bắt đầu vào ngày 7/2/2020 tại Ý (đúng là ý Trời?).
    4/EU: Dịch bệnh bùng phát tại Châu Âu cho thấy liên minh EU quá lỏng lẻo, phối hợp phản ứng chậm chạp trong phòng chống dịch bệnh (đông nhưng ko tinh) . Virus corona cho thấy, giả sử khi Nga tấn công EU mà EU phản ứng chậm chạp như kiểu với dịch bệnh hiện nay, là EU bị Nga chiếm đóng nhẹ nhàng (trước đây Châu Âu đã từng bị Phát xít Đức chiếm đóng, nay Nga chiếm đóng Châu Âu có sao đâu, Châu Âu cũng quen việc bị chiếm đóng rồi). Mỹ để EU tự lo, có hậu phương Anh phía sau hổ trợ, còn Mỹ với quyết tâm đưa khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết’ + “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” biến thành hiện thực là việc làm rất đúng.
    4/Ý: Ngày 23/3/2020, Ý là thành viên đầu tiên trong nhóm các cường quốc công nghiệp G7 ký kết thỏa thuận thương mại với TQ, ủng hộ sáng kiến “Vành đai – Con đường” của TQ. Tính đến ngày 18/3/2020, Ý có 31.506 ca nhiễm & 2.503 ca tử vong do dịch bệnh virus corona phát xuất từ TQ. Vậy sau 01 năm làm ăn với Đảng CSTQ, Ý nhận dc kết quả là đứng đầu về số ca nhiễm, ca tử vong tại Châu Âu. (công dân Ý đầu tiên nhiễm virus corona dc Bộ Y tế Ý công bố ca vào ngày 7/2/2020).
    5/Iran: Thể chế thần quyền, độc tài, toàn trị Iran liên minh với Đảng CSTQ cũng nhận kết quả: tính đến ngày 18/3/2020, Iran có 16.169 ca nhiễm & 988 ca tử vong do dịch bệnh virus corona phát xuất từ TQ.
    Kết luận: Virus coona kềm Đảng CSTQ bớt hung hăng, mua thời gian cho các nc trên Thế giới nhìn rõ lại nội lực của đất nc mình, để vạch ra hướng đi cho tương lai, qua đó cũng là mua thời gian cho chiến tranh Thế giới 3 để ko bao giờ xảy ra.

  3. Khủng hoảng kinh tế thế giới lần này chắc còn nặng hơn gấp nhiều lần cách
    đây trên chục năm (2008) dưới thời cựu TT.Mỹ Obama ?
    Điều đó cho thấy khi đã có tính toàn cầu thì tất cả đều bị ảnh hưởng,tuỳ theo
    mức độ phụ thuộc nước ngoài nhiều hay it,nhất là nếu Tàu cộng dính líu vào
    như trướng hợp Australia về khai mỏ và số sinh viên Tàu qua dụ học.

  4. Tổng thống Đức nhận định : “Thế giới sau Covid-19 sẽ là một thế giới khác, theo hướng nào, là phụ thuộc vào chúng ta”.
    Không rõ có khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay không, có Cách mạng CN 4.0 hay không, nhưng theo tôi, sau đại dịch Covid-19, EU sẽ đánh giá những thể chế độc tài, vi phạm nhân quyền, tàn phá môi trường như TQ, Việt Nam, cũng như nhìn lại EVFTA với con mắt khác.
    Và họ sẽ tỏ thái độ khinh bỉ rõ ràng hơn, dứt khoát hơn!

  5. Có lẽ đại dịch này sẽ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu thật. Nhưng nhân dịp này, các bộ óc hàng đầu của thế giới nên họp nhau lại để nghĩ ra một mô hình “bền vững” cho thế giới.

    Tôi không phải là một kinh tế gia. Nhưng tôi thấy cái “mô hình phát triển” dựa trên kích thích tiêu thụ có cái gì đó không ổn và chắc không bền vững.

    Tài nguyên của trái đất có hạn. Dân số thế giới càng ngày càng tăng. Các vấn nạn môi trường càng ngày càng tồi tệ.

    Con người sẽ về đâu nếu “con người” cứ tiếp tục con đường “tiêu thụ”, “tiêu thụ”, và “tiêu thụ”???

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây