Nhìn thảm họa và so đối sách

Blog VOA

Trân Văn

10-3-2020

Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. Nguồn: VNExpress

Nếu đặt hàng loạt sự kiện liên quan đến thảm họa và đối sách bên cạnh nhau có thể nhìn thấy nhiều vấn đề ở tương lai gần và thấy “ấm no, hạnh phúc” đang ở rất xa…

***

– Ngày 3 tháng 3, trong phiên họp chính phủ theo định kỳ, ông Mai Tiến Dũng thay mặt chính phủ nhận định về tình hình kinh tế – xã hội của tháng 2, theo đó, tuy có nhiều dấu hiệu cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của kinh tế vĩ mô nhưng vẫn còn nhiều “điểm sáng”.

Chẳng hạn so với cùng kỳ năm ngoái thì: Giá cả ổn định. Cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng tăng. Kiểm soát được nhập siêu. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số vốn đăng ký tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại tăng.

Tuy nhiên ngay trong phiên họp vừa kể, cũng chính ông Dũng không chỉ tự che bớt… độ sáng của các “điểm sáng” mà còn gây hoang mang về yếu tố… “sáng”. Ví dụ, nếu du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống bị COVID-19 tác động mạnh thì tại sao doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng lại tăng? Nếu cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng thì có cần cam kết sẽ sớm ban hành một chỉ thị để đặt định các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19 (1)?

– Vài ngày sau, hôm 7 tháng 3, cũng dựa trên các số liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê của chính phủ công bố, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) nhận định: Kinh tế tháng 2 ‘ngấm đòn’ COVID-19 (3). Theo phân tích của TBKTSG, nếu lưu ý đến yếu tố tháng 2 năm nay không có nhiều ngày nghỉ Tết như tháng 2 năm ngoái thì sản xuất công nghiệp không những không tăng mà còn giảm trong hai lĩnh vực chính là chế tạo, chế biến.

Cũng theo TBKTSG, khó khăn đối với sản xuất công nghiệp chỉ mới bắt đầu và sẽ càng ngày càng tăng trong những tháng tới vì nguồn dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất của nhiều doanh nghiệp đang giảm. Nếu giao thương với Trung Quốc không sớm tái lập thì sản xuất công nghiệp trong các tháng tới có thể sẽ sớm sụt giảm.

So với cùng kỳ năm ngoái, tuy tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng có tăng 8,3% nhưng đó là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Nếu loại trừ tác động của lạm phát (tăng gần 6%) thì mức tăng thật của doanh số bán lẻ chỉ còn khoảng 2% hoặc 3%. Thậm chí so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu riêng từ bán lẻ và đặc biệt là doanh thu từ ăn uống, lưu trú giảm khoảng bảy lần!

Đừng so với cùng kỳ năm ngoái mà so với tháng trước đó thì số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập không những không tiếp tục ở mức cao giảm chừng 21%. Cho dù số doanh nghiệp mới thành lập không quan trọng bằng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và xin giải thể nhưng vì chính phủ không đề cập nên có thể nhiều người không biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này tăng 61,8% và 121%

– Hóa ra cùng dùng một nguồn nhưng có tới hai cách lựa chọn, giải thích – nhận định về các số liệu thống kê. Cách lựa chọn và giải thích – nhận định của chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội khác xa thực tế cuộc sống mà từ doanh nhân đến công dân đối diện, mục kích hàng ngày nên niềm tin vốn đã mỏng manh càng thêm dễ vỡ. Kêu gọi, thậm chí buộc công dân tin vào khả năng quản trị, điều hành của đảng, nhà nước có khác gì buộc đồng bào mặc áo cà sa khi đi với… ma!

***

Ba ngày sau khi giới thiệu những “điểm sáng” về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 năm nay, ngày 6 tháng 3, Thủ tướng Việt Nam ban hành một chỉ thị như đã hứa để đặt định “những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội” (Chỉ thị 11).

Theo Chỉ thị 11, chính phủ sẽ tung ra gói tín dụng 250.000 tỉ, gói tài khóa 30.000 tỉ và hàng loạt biện pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19 (3). Ví dụ hệ thống ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn – giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ,… với những khách hàng gặp khó khăn vì COVID-19. Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng sẽ dùng để thực hiện các giải pháp vừa kể.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí. Đề xuất các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước… Những giải pháp mà chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chi tiết hóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với COVID-19 được ước tính sẽ tiêu hết khoảng 30.000 tỉ đồng.

Trong Chỉ thị 11, những cơ quan khác như Bộ Giao thông – Vận tải được chỉ đạo là phải hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt… Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu – đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới…

Nhìn một cách tổng quát, những chỉ đạo vừa kể chẳng khác gì các… thân hữu, dẫu tẻ nhạt, vô vị nhưng người Việt thường xuyên phải… chạm mặt. Cứ dùng google để tra sẽ thấy cả triệu kết quả tương tự vì các giải pháp như vậy đã được chỉ đạo từ năm này qua năm khác, kể cả những năm không có… dịch! Nếu chính phủ tiếp tục được kiến tạo theo phương thức này, Chỉ thị 11 có thể đổi số, đổi ngày ban hành để đặt định các giải pháp… cấp bách đối phó với COVID… 20, COVID…. 21, COVID… 22,… trong tương lai cả gần lẫn xa!

***

Ngoài COVID-19, kinh tế – xã hội Việt Nam còn đối diện với những rủi ro khó lường từ hạn hán. Nước cho ăn uống, tắm giặt, trồng trọt, chăn nuôi đã và sẽ còn thiếu hụt trầm trọng cả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, miền Trung,… Đến giờ, tại ĐBSCL, hạn hán, nước mặn từ biển xâm nhập vào sông rạch, ruộng vườn đã vượt các kỷ lục của mùa khô 2015 – 2016 (vốn được xem là chưa từng có).

Đã có 5/13 tỉnh thành phố ở ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp (4). Tuy hạn hán và nước mặn xâm nhập ĐBSCL đã xuất hiện từ tháng 12 năm ngoái nhưng cuối tuần vừa qua, Thủ tướng mới thay mặt chính phủ loan báo, sẽ cấp cho mỗi tỉnh trong số năm tỉnh vừa công bố tình trạng khẩn cấp khoản tiền là 70 tỉ đồng/tỉnh (5).

Nhiều người đã đem khoản tiền 70 tỉ đồng mà chính phủ cấp cho mỗi tỉnh trong năm tỉnh đang chật vật xoay sở trước hạn hán, nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL, với khoản tiền 269 tỉ đồng mà chính quyền thành phố Hải Phòng dự tính sẽ dùng để mua quốc kỳ, ấm chén tặng các cư dân của thành phố này. Cần nhớ điều mà các viên chức thành phố Hải Phòng từng lưu ý: 269 tỉ ấy là tiền do Hải Phòng… làm ra (6)!

Vậy 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL có làm ra tiền không? Có! Cứ xem lại các số liệu của thập niên 1990, 2000 thì có thể thấy ĐBSCL từng làm ra rất nhiều tiền và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam của ĐBSCL chính là tiền đề để nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng làm ra… tiền. Còn chuyện ĐBSCL lụn bại vì biến đổi khí hậu, vì nước bị chặn ở thượng nguồn sông Mekong, thậm chí đối diện với nguy cơ mà nhiều chuyên gia ví von là “tan rã” thuộc… phạm trù điều hành, quản trị quốc gia.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã bỏ phiếu, nhất trí chi 269 tỉ mua quốc kỳ và ấm chén. Đó là tiền của Hải Phòng và là “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân thành phố Hải Phòng, đảng, nhà nước, quốc hội và chính phủ tôn trọng “ý chí, nguyện vọng” đó. Không cần phải bận tâm tới ĐBSCL vì đã có nghị quyết… “phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu”.

Trước nay, sở dĩ ĐBSCL chưa bao giờ được đầu tư thỏa đáng là do công quỹ thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong để chi thường xuyên, chính phủ “chưa thể cân đối, phân bổ ngân sách” và khả năng đầu tư thỏa đáng cho “vùng kinh tế trọng điểm” như ĐBSCL có lẽ sẽ còn rất lâu bởi ĐBSCL vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ còn phải dốc hết nội lực quốc gia cho những ý tưởng khác…

Cách nay mười ngày, khi nông dân ở ĐBSCL đã phải bỏ hoang hàng trăm ngàn héc ta ruộng vườn, khi không lúa, không trái cây, không tôm cá, thiếu cơm ăn, áo mặc đã hiển hiện, chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhiệm vụ xây dựng “Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu” để “phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu” nhằm “mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới” (7).

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cac-goi-ho-tro-phai-co-hieu-luc-ngay-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep-1190597.html

(2) https://www.thesaigontimes.vn/300763/kinh-te-thang-2-ngam-don-covid-19.html

(3) https://vnexpress.net/kinh-doanh/chinh-phu-tung-goi-ho-tro-280-000-ty-dong-cuu-doanh-nghiep-4065210.html

(4) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/

(5) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/

(6) https://tuoitre.vn/hai-phong-tang-co-am-chen-cho-tat-ca-ho-dan-nguoi-cam-dong-nguoi-khong-tan-thanh-20200303101309003.htm

(7) https://ndh.vn/thoi-su/xay-dung-de-an-phat-trien-doanh-nghiep-nha-nuoc-quy-mo-lon-1263963.html

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Những đất đai đó sẽ bị thâu tóm dần, để các tập đoàn kinh tế nhà nước ấy mang ra hợp tác với đối tác, để rồi đến cuối cùng ở nơi ấy có thể vẫn có những cánh đồng bất tận với kỹ thuật cao nhưng chẳng còn người nông dân nào được canh tác trên đó nữa.

Leave a Reply to HoWanShit Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây