Một cái sai được “thờ phụng” suốt hơn 20 năm

Ngô Huy Cương

4-3-2020

Luật Doanh nghiệp năm 2014 sai ngay từ tên gọi, cách tiếp cận, rồi kéo theo hàng loạt cái sai khác về pháp lý.

Thuật ngữ “doanh nghiệp” được sử dụng đặt tên cho đạo luật này có khởi đầu từ Luật Doanh nghiệp năm 1999 dưới cái gọi là “sáng kiến” của nhóm Lê Đăng Doanh.

Nhận xét rất đơn giản có thể thấy ngay: Trong đạo luật này qui định về các hình thức “doanh nghiệp”, nhưng chỉ có mỗi một hình thức gắn với tên gọi “doanh nghiệp” – đó là hình thức “doanh nghiệp tư nhân” – còn lại các hình thức “doanh nghiệp” khác đều được gọi là “công ty” (bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, và công ty hợp danh). Thế nhưng bản thân thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” cũng là một thuật ngữ thiếu chính xác về khoa học pháp lý mà đã được sử dụng từ năm 1990.

Tôi được nghe một vị tiến sĩ luật học bảo vệ ở Anh về kể chuyện lại rằng: Một người chủ doanh nghiệp tư nhân làm hồ sơ để đi làm việc ở nước ngoài. Khi dịch ra tiếng Anh, công chứng dịch “doanh nghiệp tư nhân” theo kiểu chữ đối chữ thành “private enterprise” làm người nước ngoài không hiểu đó là hình thức (hay tổ chức hay thực thể) kinh doanh gì. Vị tiến sĩ này phải dịch lại thành “sole trader”. Vậy là họ hiểu ngay.

Đúng vậy, bản chất của cái gọi là “doanh nghiệp tư nhân” chính là cá nhân kinh doanh hay thương nhân đơn lẻ.

Vậy công ty có khác gì với thương nhân đơn lẻ?

Công ty là pháp nhân kinh doanh, nói một cách nôm na. Và người ta còn gọi đó là pháp nhân thương mại.

Mọi người học luật đều biết chủ thể của pháp luật (chủ thể của quyền) bao gồm: thể nhân (tự nhiên nhân hay còn gọi là cá nhân), và pháp nhân (là chủ thể của pháp luật và có đời sống pháp lý do nhân cách hoá hay mô phỏng vị trí của thể nhân). Trong luật thương mại (với tư cách là một ngành luật), người ta gọi chung cả thương nhân đơn lẻ và công ty là thương nhân, và để phân biệt giữa hai loại thương nhân này (vì không thể khác chúng có qui chế pháp lý khác nhau), người ta gắn vào trước danh từ thương nhân những tính từ khác nhau, nên chúng được gọi là: “thương nhân thể nhân” (sole trader), và “thương nhân pháp nhân” hay gọi thông thường là công ty (company).

Vì thế, năm 1990 ta có hai đạo luật khác nhau được gọi là “Luật Công ty năm 1990” và “Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990”, có nghĩa là một đạo luật nói về thương nhân thể nhân và đạo luật khác nói về thương nhân pháp nhân.

Sáng kiến của “nhóm Lê Đăng Doanh” (các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa) đã gộp hai đạo luật này thành “Luật Doanh nghiệp năm 1999” với lập luận đơn giản và sai toét rằng bảo đảm một sân chơi chung, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và hợp thành một thứ như thể “Bộ luật về Thương nhân”.

Mọi người đều biết luật về thương nhân (với tư cách là một đạo luật về một chế định căn bản của ngành luật thương mại) chính là luật về mối quan hệ nội bộ của thương nhân. Đối với công ty nhiều thành viên thì luật này điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên công ty với nhau; giữa thành viên của công ty với công ty (pháp nhân). Đây là hai quan hệ cơ bản mà luật này điều chỉnh. Người ta điều chỉnh mối quan hệ của công ty và thành viên của công ty với người thứ ba chỉ nhằm bảo vệ chung cho cộng đồng và người thứ ba ngay tình.

Còn khi công ty hoạt động thì phải tuân thủ những luật khác, ví dụ mua bán hàng hoá; thuê nhân công; thuê trụ sở; vay ngân hàng; thuê vận chuyển; thuê tài chính; buôn lậu… Nói tóm lại nhiệm vụ bảo đảm công bằng, bình đẳng là nhiệm vụ của cả hệ thống pháp luật chứ không chỉ của luật thương nhân. Đối với công ty một thành viên thì luật này cũng điều chỉnh như vậy, trừ mối quan hệ giữa các thành viên công ty với nhau vì công ty chỉ có một thành viên. Đối với thương nhân thể nhân hay cái gọi là “doanh nghiệp tư nhân” thì luật này điều chỉnh quan hệ giữa chủ doanh nghiệp tư nhân (thương nhân) với doanh nghiệp (đơn thuần là một tổ hợp tài sản của thương nhân nhằm tiến hành một số hành vi thương mại nhất định) trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt vốn, tài sản, doanh thu, hoa lợi, lợi tức…, và dĩ nhiên là quan hệ giữa thương nhân và người thứ ba giống với công ty.

Tóm lại: luật điều tiết quan hệ nội bộ công ty là luật về quyền đối nhân (hành vi thương mại); và luật điều tiết quan hệ nội bộ doanh nghiệp tư nhân là luật về quyền đối vật là chủ yếu.

Thuật ngữ “doanh nghiệp” có ý nghĩa về kinh tế nhiều hơn ý nghĩa về pháp lý. Trước kia thuật ngữ “enterprise” được dịch ra tiếng Việt là “xí nghiệp” phản ánh nghĩa tài sản là chủ yếu.

Nhà làm luật nước ta không làm rõ được các vấn đề này mà cứ chạy theo mãi những cái sai hơn 20 năm qua. Nếu chúng ta vào google tra cứu thì thấy ngay có bao nhiêu nước có cái gọi là “Luật Doanh nghiệp”. Bên cạnh đạo luật về công ty, ở Anh Quốc cũng có một đạo luật về doanh nghiệp nhưng với ý nghĩa khác.

Chúng tôi góp ý nhiều năm rồi, viết cả giáo trình giảng dạy rồi mà mãi Quốc hội vẫn chưa hiểu.

Vì nhiều người chưa hiểu tại sao tôi lại phản ứng thái độ và việc làm của Quốc hội đối với luật lệ nên tôi phải viết vấn đề chuyên môn đơn giản này lên đây. Tôi đã tiết giảm đi nhiều vấn đề chuyên môn sâu đề các vị Đại biểu Quốc hội dễ tiếp cận.

Đó mới chỉ là một thuật ngữ. Nếu cần tôi sẽ viết những nội dung chuyên môn lên fb để cử tri tham khảo.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. – Rất ít người hiểu và quan tâm vấn đề này.
    -Mong Nguyễn Huy Cường có thể nói về thuế GIÁ trị gia tăng ,CÁCH ÁP DỤNG THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG của Vietnam và hậu quả hoàn thuế lâu nay của VN?

Leave a Reply to Pham Bon Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây