COVID-19: Thế giới lo lắng, Việt Nam “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”

BTV Tiếng Dân

28-2-2020

Theo dữ liệu từ trang Worldometers cập nhập lúc 11h tối 27/2/2020, giờ Việt Nam, số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên tới 82.589 người, trong đó có 2.814 người tử vong.

Số ca nhiễm, số tử vong và số hồi phục trên toàn thế giới, tính đến 0h30′ sáng 28/2. Nguồn: Worldometers

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn ra thật khó lường. Ở Hàn Quốc, trong tuần trước chỉ có 31 ca nhiễm vào ngày 18/2, nhưng hiện tại đã tăng tới 1.766 ca, trong đó có 13 ca tử vong. Số người nhiễm mới ở Hàn Quốc (505 người) trong 24h qua, đã qua mặt Trung Quốc (450 người).

Tương tự như Hàn Quốc, các ca nhiễm COVID-19 ở Italy cũng tăng chóng mặt. Hôm 20/2, nước này chỉ có tổng cộng 3 ca nhiễm, nhưng chỉ một tuần sau đó, hiện đã tăng lên tới 528 ca, trong đó có 14 người tử vong. Italy cũng ghi nhận, một bệnh nhân nam đã lây nhiễm cho 13 người khác, trong đó có vợ và bạn bè của anh ta, theo báo Guardian.

Còn ở Iran, mặc dù có số ca nhiễm ít hơn Hàn Quốc và Italy, nhưng số người tử vong ở Iran cao nhất, chỉ sau Trung Quốc. Iran hiện có tổng cộng 26 người chết do dịch COVID-19, số người nhiễm 245, trong đó 106 người nhiễm mới trong vòng 24h qua.

Tổng số người nhiễm, số người nhiễm mới, tổng số người tử vong và số người tử vong mới của từng nước trên thế giới, tính đến 0h30′ sáng 28/2. Nguồn: Worldometers

Ở Iran, không chỉ dân thường bị nhiễm, mà virus này đã lây nhiễm cho 4 quan chức, tính đến thời điểm hiện tại. Đó là Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar; Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi; dân biểu Mahmoud Sadeghi – Đại biểu quốc hội Iran của thủ đô Tehran và dân biểu Mojtaba Zonnour, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại ở Quốc hội.

Phó Tổng thống Iran, bà Masoumeh Ebtekar là quan chức Iran mới nhất bị nhiễm virus corona. Ảnh chụp màn hình YouTube/ Times of Isreal

Đồ họa dưới đây của VnExpress cho thấy, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đã lan tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây lan toàn cầu, có mặt tại hầu hết các lục địa:

***

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới ngày càng nghiêm trọng, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ trái ngược. Từ ngày 13/2, là ngày phát hiện bệnh nhân thứ 16 nhiễm COVID-19 tới nay, quan chức ngành Y tế Việt Nam khẳng định, không phát hiện thêm bất cứ ca nhiễm nào nữa và 16 ca nhiễm đều đã được chữa khỏi, không có dấu hiệu tái phát.

Với các số liệu đẹp như vậy, ngày 25/2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tự tin tuyên bố: “Việt Nam thắng trận đầu chống Covid-19”. Nhưng trái với nỗ lực của bộ máy tuyên truyền đang tìm mọi cách tô hồng các thành tích trên, người dân vẫn hoang mang, vì không tin tưởng lời nói của quan chức VN.

“Thắng trận đầu” hay trận đầu chưa kết thúc?

Chiều 27/2/2020, VnExpress đưa tin: Việt Nam thêm 48 ca nghi nhiễm. Số liệu này được Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng VN xác nhận sau khi tổng hợp từ tất cả tỉnh thành. Theo bài báo, Việt Nam hiện đang có 79 trường hợp nghi nhiễm COVID-19, “cả nước có 4.939 người từng tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch” nhưng vẫn chỉ có 16 ca được xác nhận nhiễm bệnh.

Nhìn lại con số 16 ca nhiễm ở Việt Nam, có điểm cần lưu ý là 9 trong 16 ca này đều xuất phát từ ổ dịch Vĩnh Phúc, trong đó hầu hết là người nhà của cô Nguyễn Thị Dự, nữ công nhân từ ổ dịch Vũ Hán trở về. Chính báo chí “lề đảng” thừa nhận, một mình cô Dự này đã lây cho 6 người, bao gồm người thân và hàng xóm.

Nhưng lạ là sau khi virus từ cô Dự lây nhiễm qua 6 người thân quen của cô thì chúng dừng… lại, không lây nhiễm thêm nữa dù họ có tiếp xúc thêm nhiều người ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc. Chẳng hạn như, khi em gái cô Dự bị lây bệnh từ chị, nữ sinh này đã có ít nhất một ngày tiếp xúc với bạn học cùng lớp và thầy cô trong trường, trước khi bị cách ly. 

Một điểm đáng ngờ nữa là thái độ của cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp tử vong, ngay lập tức họ phủ nhận mối liên hệ với COVID-19. Đơn cử, trường hợp một người đàn ông Hàn Quốc gục chết bên lề đường ở TP Bắc Ninh. Ngày 26/2/2020, VietNamNet đưa tin: Người Hàn Quốc chết bên vệ đường ở Bắc Ninh không phải do Covid-19

Nạn nhân là ông Jung Jin Yong, 44 tuổi, làm việc tại công ty STN VINA, Việt Hùng, Quế Võ, tạm trú tại khách sạn Bắc Ninh, phường Ninh Xá. Người dân phát hiện ông này gục chết bên đường, đã đưa tin trên mạng xã hội.

Chỉ vài tiếng sau, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vội vã phủ nhận thông tin nạn nhân này chết không phải do dịch Covid-19, dù bệnh nhân chưa được xét nghiệm, cũng như chuyện xác định bệnh nhân có nhiễm virus hay không, không phải là nhiệm vụ của công an.

Theo ảnh chụp màn hình dưới đây, người đưa tin rõ ràng không nói ông Jung chết vì COVID-19, nhưng dường như có sự chỉ đạo rằng, phải phủ nhận mọi cái chết trên lãnh thổ VN có liên quan tới COVID-19, nên công an Bắc Ninh đã vội vã đưa tin, cái chết của ông Jung không liên quan tới dịch COVID-19, trong khi họ không nói rõ ông Jung chết vì nguyên nhân gì:

Một trong những người đưa tin trên mạng xã hội về cái chết của ông Jung Jin Yong. Nguồn: FB

Dường như virus chết người này sợ Việt Nam, nên người nước ngoài đến Việt Nam sẽ không có bệnh, cũng không hề chết. Chỉ khi trở về nước, họ mới bị nhiễm bệnh, như một người Hàn Quốc bị nhiễm COVID-19 sau khi trở về từ Việt Nam mà báo VnExpress đưa tin.

***

Ngoài ra, VN hiện vẫn áp dụng quy trình cách ly 14 ngày, dựa trên quy trình cách ly do Bắc Kinh áp dụng. Nhưng rõ ràng là quy trình này đã lỗi thời vì chính quyền tỉnh Hồ Bắc, TQ xác nhận, virus corona có thể ủ bệnh 27 ngày. Trang Worldometers cũng xác nhận tương tự, thời gian ủ bệnh của virus COVID-19 có thể lên tới 27 ngày. Còn thời gian ủ bệnh trung bình của loại virus này hiện có thể lên tới 24 ngày, gần gấp đôi thời gian cách ly mà Việt Nam đang áp dụng.

Một vấn đề đáng chú ý khác là khả năng giấu mình rất kỹ của COVID-19. Một nữ bệnh nhân ở tỉnh Tứ Xuyên, TQ, được xác nhận nhiễm nCoV sau 8 lần xét nghiệm âm tính. Nữ nhân viên khách sạn ở Trùng Khánh này từng tiếp xúc với một nhân viên nhiễm virus corona trong khách sạn, cô đã được theo dõi y tế từ ngày 2/2 và xét nghiệm 8 lần từ ngày 7 đến 23/2, nhưng đều cho kết quả âm tính. Sau 8 lần âm tính, kiểm tra lại thì dương tính.

Các thông tin trên cho thấy hai lỗ hổng khá nghiêm trọng trong cách phòng dịch ở Việt Nam. Thứ nhất, không có gì bảo đảm virus COVID-19 vào VN chỉ có thể ủ bệnh 14 ngày mà không thể ủ bệnh tới 24, thậm chí 27 ngày như ở các nước khác. Thứ hai, việc các bác sĩ ở TQ phải xét nghiệm hơn 8 lần mới phát hiện virus ở một ca bệnh, cho thấy, không có gì bảo đảm tất cả các kết quả xét nghiệm âm tính ở VN lâu nay là chính xác.

Ngay cả Nhật là một trong những nước có nền y học tiên tiến nhất thế giới cũng thú nhận điều này. Hai du khách Úc trên tàu Diamond Princess lúc đầu cho kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng đến khi về nước kiểm tra lại thì cho ra kết quả dương tính với COVID-19Nếu thật sự VN dập được dịch COVID-19, thì tại sao các nước khác không vội cử người sang VN học hỏi kinh nghiệm, quan trọng là sao người dân các nước không sang VN tránh dịch?

Sau khi bệnh nhân thứ 16 được phát hiện thì 2 tuần sau đó, ngành Y tế VN không phát hiện thêm ca nhiễm nào nữa, PTT Vũ Đức Đam dựa vào đó để tuyên bố VN đã “thắng trận đầu” dập dịch COVID-19. Nhưng các bằng chứng về khả năng biến hóa của COVID-19 cho thấy, không có gì bảo đảm “trận đầu” trong cuộc chiến chống đại dịch này ở VN đã kết thúc.

Vì sao các quan chức VN nóng lòng công bố thắng dịch?

Trong khi một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn rất tự tin về khả năng chống dịch của họ, thì có tiếng nói ngược ngay trong nội bộ đảng. Báo Thanh Niên dẫn lời Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Không công khai, không minh bạch, không tự giác sau này đều phải trả giá hết. Nhưng tựa bài báo sau đó được sửa lại thành: Người thuộc diện cách ly vì Covid-19 tại Hà Nội đang tăng rất nhanh.

Báo chí trong nước cũng đưa tin trái ngược với lời của các quan chức “mắc dịch” muốn công bố hết dịch. Báo GTVT đưa tin: Hà Nội: Cách ly, giám sát 778 người, thêm 1 ca nghi nhiễm tại Hoàng Mai. Zing có bài: Hà Nội tính tới phương án cách ly cả khu phố nếu dịch Covid-19 xảy ra. Báo Người Lao Động: Vừa công bố hết dịch Covid-19, Khánh Hòa lập thêm 2 khu cách ly.

Một trong những lý do có thể giải thích sự nóng vội của các quan chức VN là, dịch COVID-19 đã khiến kinh tế đất nước trì trệ, trong đó, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, kế đến là xuất khẩu. Hai ổ dịch lớn hiện là TQ và Hàn Quốc, lại là hai nước có lượng du khách vào VN đông nhất. Giới chức VN lo ngại, COVID-19 có thể “xóa sạch từ 5,9 tỷ USD đến 7,7 USD thu nhập du lịch của Việt Nam trong ba tháng tới“.

Nhưng rõ ràng là COVID-19 ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, chứ đâu chỉ riêng Việt Nam. Nếu nóng lòng muốn kinh tế tăng trưởng trở lại, mở cửa rước khách nước ngoài mang bệnh vào lây lan cho cả nước, dịch sẽ bùng phát, liệu chính phủ VN có đủ tiền bạc, nhân lực để chống dịch như ở bên Hàn? Liệu số tiền mà du khách nước ngoài mang tới, có đủ để bù số tiền mà chính phủ phải bỏ ra để chi cho dịch bệnh khi họ mang vào nước ta rồi lây khắp nơi?

_____

Mời đọc thêm: Dịch COVID-19 lan khắp các châu lục (LĐ). – Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng (TN). – Cách ly 92 người nghi nhiễm virus corona ở Việt Nam (Zing). – Hà Nội có thêm 1 ca nghi nhiễm Covid-19 ở Đông Anh, cách ly 23 người đến từ vùng dịch Hàn Quốc (ĐSVN). – Các địa phương chuẩn bị đón học sinh trở lại trường (VNE). – Lộ trình đi học lại dự kiến của học sinh TP.HCM (TT).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “rõ ràng là COVID-19 ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, chứ đâu chỉ riêng Việt Nam. Nếu nóng lòng muốn kinh tế tăng trưởng trở lại, mở cửa rước khách nước ngoài mang bệnh vào lây lan cho cả nước, dịch sẽ bùng phát, liệu chính phủ VN có đủ tiền bạc, nhân lực để chống dịch như ở bên Hàn? Liệu số tiền mà du khách nước ngoài mang tới, có đủ để bù số tiền mà chính phủ phải bỏ ra để chi cho dịch bệnh khi họ mang vào nước ta rồi lây khắp nơi?“.

    Rõ ràng là hành xử theo kiểu đầu tôm.

Leave a Reply to Dân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây