Tin tức và quan điểm, coi vậy chứ không dễ phân biệt

Jackhammer Nguyễn

16-2-2020

Vũ Hán

Trong những ngày đầu năm 2020, trên các trang đầu báo chí quốc tế tràn ngập những tin buồn về dịch bệnh tại Vũ Hán, người ta thấy các trang báo Trung Quốc lục địa lại chỉ là những tin ghi nhận sự nỗ lực của Đảng và Chính phủ, sự quyết tâm của “đội ngũ y bác sĩ”…

Những tin buồn về dịch bệnh Vũ Hán được những người cộng sản xếp vào “tin xấu”, còn những tin hoạt động phòng chống dịch bệnh của các lãnh đạo đảng là “tin tốt”.

Theo cách hiểu thông thường của người sống trong một xã hội bình thường thì tin (news) là những gì đã xảy ra, ở đâu, lúc nào, dính dáng tới ai. Tin là tin, chứ không có “tin tốt” hay “tin xấu”. Thế nhưng, trong một thể chế xã hội không có sự cạnh tranh chính trị, những người cộng sản không thích những tin có thể làm hại cho một toan tính gì đó của họ, họ gọi đó là “tin xấu”.

Khi các bác sĩ Vũ Hán phát hiện ra một loại bệnh dịch phổi mới, điều đó, nếu được đưa lên thành tin tức, nó sẽ gây bất lợi cho hội nghị đảng bộ Vũ Hán, vì thế “tin xấu” đó cần được che giấu đi. Các vị bác sĩ phải bị công an thẩm vấn và cấm đưa tin.

Kiểu đưa tin như thế được những người cộng sản luôn thực hiện với lý do là, nhằm mục đích giữ vững “ổn định chính trị”.

Ngoài việc đưa “tin tốt”, họ còn kèm theo các “tin tốt” này “đánh giá cao” của nhiều quan chức, mà những đánh giá này giống hệt nhau, không có đánh giá ngược lại.

Việc chỉ đưa “tin tốt”, kèm theo “đánh giá cao”, chỉ có một chiều, đưa đến hai hậu quả xấu:

1/ Dân chúng không biết chuyện gì xảy ra đã đành, mà các lãnh đạo quốc gia có khi cũng không biết nốt.

2/ Người ta nhầm giữa tin tức và quan điểm, và do không có quan điểm trái chiều, nên xã hội không đa dạng, người ta cứ tưởng một quan điểm nào đó là cái xảy ra (news) chứ không phải là ý chí của ai đó. Mà ý chí, mong muốn của một người, của một nhóm có thể đúng, có thể sai, có thể đúng trong lúc này, sai trong lúc khác.

Xã hội vận hành trên toàn là “tin tốt” và “quan điểm đánh giá cao”, như vậy trở thành một xã hội mù lòa, dễ sụp đổ khi có khủng hoảng. Vũ Hán đang là ví dụ cho một kiểu vận hành kiểu này.

Hải ngoại

Nhưng kiểu “tin tốt” và “đánh giá cao” như vậy không phải là độc quyền của những người cộng sản.

Nếu chúng ta quan sát các kênh truyền thông của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, ta dễ nhận ra những điểm tương đồng, chỉ có điều là, nội dung ngược lại với những gì của truyền thông nhà nước cộng sản. Một phát biểu của ai đó không làm hài lòng “các bậc trưởng thượng”, lập tức nhận được búa rìu dư luận, một nhận xét về buổi lễ chào cờ, một buổi biểu tình, mà trái ý những “nhà tổ chức” sẽ bị chỉ trích nặng nề,…

Dĩ nhiên bất cứ cơ quan truyền thông nào cũng có quan điểm, hay sự thiên vị (bias) của họ cả, nhưng nếu ta để ý thì truyền thông phương Tây cố gắng hạn chế điều đó. Họ phân biệt rõ trên trang báo nơi nào là news, nơi nào là quan điểm (opinions), và họ cố gắng đưa những ý kiến ngược lại, với chính quan điểm của họ, về một vấn đề nào đó.

Không rõ có phải người Việt chúng ta đã quen với một truyền thống “quân – sư – phụ” hà khắc hay không, mà không chỉ trong nước bị áp đặt bởi chuyên chế cộng sản, ngay cả khi sống trong một xã hội tự do rồi, vẫn không thích nghe những gì trái ý, dẫn đến nhầm lẫn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ nhầm quan điểm và tin tức.

Người Việt ta rất thích những kiểu phỏng vấn “tung hứng” (người Mỹ họ gọi là friendly interview). Thế cho nên, một vị “chuyên gia” kia rất bực tức với một tờ báo nọ, vì tờ báo ấy để cho khán thính giả chỉ trích buổi phỏng vấn của ông ta.

Nước Mỹ

Nhưng phàm con người, có ai không thích những lời ngọt ngào, ông Trump thì chỉ thích Friendly Interview với Fox mà thôi, vì New York Times, hay CBS, hay hỏi ông những câu xóc óc, không friendly chút nào cả.

Và nước Mỹ, với sự chia rẽ về ý thức hệ, về bất bình đẳng xã hội, lại đang hướng đến một trạng thái nhầm lẫn rất hỗn độn của dân chúng về News và Opinions. Mạnh ai người nấy sống trong cái không khí quan điểm của mình. Điều này được thúc đẩy bởi mạng xã hội, ai cũng có thể đưa quan điểm của mình, và cứ muốn nghe cái gì mình thích. Cái gì trái ý là… fake news!

Nhưng xã hội Mỹ nói riêng, và phương Tây nói chung, đã có một nền báo chí độc lập, thường hay đối diện với nhà cầm quyền, chứ không chạy sau lưng nhà cầm quyền. Ông Trump dù có căm ghét báo chí đối lập như thế nào đi nữa, dù ông từng gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, ông cũng không làm gì được nền báo chí tự do ấy.

Xã hội Mỹ vẫn là một xã hội đa dạng, nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nó tránh cho cái cảnh sửng sốt, hớt hơ hớt hải như người Trung Quốc ở Vũ Hán, và cả những nhà lãnh đạo cộng sản của họ ở Bắc Kinh nữa. Những người Việt sống ở Mỹ, được hưởng một nền báo chí tự do, cũng nên có những tranh luận đa dạng, phân biệt rõ cái gì xảy ra, và cái gì là quan điểm.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. -“Xã hội vận hành trên toàn là “tin tốt” và “quan điểm đánh giá cao”, như vậy trở thành một xã hội mù lòa, dễ sụp đổ khi có khủng hoảng.” ( Trích )
    J.Nguyễn nên lấy dẫn chứng hơn 700 tờ báo đảng chỉ được quyền đưa tin và nêu quan điểm theo tuyên giáo T.Ư, bài viết sẽ thuyết phục hơn đấy . Và xã hội VN sẽ thế nào nhỉ ?
    -Trong bài “Thế ông Trần Lương muốn chúng tôi phải làm gì ?”, ông TL cũng muốn bày tỏ quan điểm đấy nhưng trái với quan điểm của J.Nguyễn , Nguyễn có vẻ không muốn ông ấy nêu ý kiến đó qua cách vấn nạn người ta dù Nguyễn không phải là chính quyền CS ? Điều nầy giải thích thế nào nhỉ ?

  2. Đừng đọc những gì trí thức nhà nó viết, hãy nhìn kỹ những gì chúng làm
    Điếm đàng, bợ đỡ mưu cầu danh lợi là bản chất trí thức nhà nó, vì chúng đã quen kí sinh trên con quỷ đỏ

  3. Trích: “Kiểu đưa tin như thế được những người cộng sản luôn thực hiện với lý do là, nhằm mục đích giữ vững “ổn định chính trị”.”

    Người cộng sản ở Trung Quốc hay ở Việt Nam đều đang bị bắt làm con tin bởi khái niệm gọi là “ổn định chính trị”.

    Ở hải ngoại, người Việt tị nạn cộng sản không có não trạng con tin như vậy, mà chỉ bắt gặp chướng ngại là “cái tôi” to đùng của dăm ba vị “lãnh đạo cộng đồng” ưa bày tỏ sự giận dỗi(!) với các báo đài “thân hữu”. (Họ không biết thái độ giẫy đành đạch như vậy là rất con nít!)

Leave a Reply to NGUYEN TIN Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây