Căn cứ nào để điều quân, sát hại cụ Lê Đình Kình?

Vũ Hữu Sự

2-2-2020

Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 là một bộ luật rất hoàn chỉnh, với 26 nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, được quy định tại chương II, từ điều 7 đến điều 33, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc “bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (điều 10: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người )”, và nguyên tắc “suy đoán vô tội (điều 13: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội)”.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự không được phép làm bất cứ điều gì ngoài những quy định trong bộ luật TTHS.

Theo bộ luật này, thì trừ trường hợp phạm tội quả tang và người đang có lệnh truy nã. Bất cứ ai bị bắt đều phải có quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can tạm giam để điều tra, được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Không được phép bắt người vào ban đêm. Trước khi bị bắt, bị áp giải về trại tạm giam, người bị bắt phải được nghe công bố quyết định khởi tố bị can, được nghe lệnh bắt bị can tạm giam để điều tra, được nghe giải thích quyền và nghĩa vụ của mình khi chấp hành quyết định và lệnh, được nhận quyết định và lệnh đó. Việc bắt người phải được lập biên bản. Mọi việc phải diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương.

Cho đến 3 giờ ngày 9/1/2020, cụ Lê Đình Kình cũng như toàn thể dân làng Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, không ai bị khởi tố bị can, không ai có lệnh bắt tạm giam để điều tra, được VKS cùng cấp phê chuẩn. Cả làng Hoành không ai có hành vi phạm tội quả tang, không ai chứa chấp tội phạm bị truy nã. Làng Hoành cũng không có lực lượng khủng bố ẩn nấp.

Vậy, căn cứ nào để điều động một lực lượng vũ trang cỡ trung đoàn, được “trang bị tận răng” toàn vũ khí tối tân, đến tấn công một ngôi làng không có bất cứ một hành vi vi phạm pháp luật nào, vào ban đêm?

Câu trả lời là không. Không có bất cứ căn cứ pháp luật nào cho phép điều lực lượng đó đến tấn công làng Hoành, việc điều quân ban ngày cũng không được phép, nói gì ban đêm? Việc điều quân đó là trái pháp luật.

Điều quân đến để “đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) việc thi công tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn” như báo điện tử Hà Nội Mới (cơ quan của thành ủy ĐCS Việt Nam thành phố Hà Nội. Tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô) đưa tin ngày 13/1/2020 ư? Sân bay Miếu Môn ở cách làng Hoành khoảng 2 km, tại sao không đưa quân đến đó để bảo vệ ANTT, mà lại đưa quân đến tấn công làng Hoành?

Ban đêm, lực lượng quân đội không thi công tường rào, làm gì có ai gây mất ANTT ở đó mà đảm bảo? Tại sao để đảm bảo ANTT việc thi công tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn mà lại không đóng quân tại địa điểm xây dựng tường rào đó, để nếu khi thi công, người dân làng Hoành kéo đến ngăn cản thì bắt quả tang hành vi “chống người thi hành công vụ” một cách đàng hoàng, đúng quy định của bộ luật TTHS?

Cũng tờ báo trên cho biết vào ngày 13/1/2020 rằng “khi lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng (ở làng Hoành) đã lên kế hoạch, chuẩn bị bom xăng, lựu đạn và hung khí tự chế nhằm tấn công lực lượng chức năng, thậm chí chúng còn hung hăng tuyên bố chấp nhận đổ máu, giữ đất đến cùng trên mạng xã hội Facebook. Có đối tượng còn manh động mang dao đến tận nhà, đe dọa chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, dọa chém cán bộ ban chỉ huy quân sự xã”.

Ơ hay, nếu đúng như vậy thì các đối tượng đó đã có những hành vi có dấu hiệu cấu thành các tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự”, “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ”, và “đe dọa giết người”, được quy định tại các điều 230; 233 và 133 BLHS năm 2015.

Lực lượng công an Việt Nam vẫn tự hào là “giỏi nhất thế giới”, tại sao cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội không xác định được ai ở làng Hoành đã có những hành vi đó để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam họ để điều tra, rồi cứ đàng hoàng giữa thanh thiên bạch nhật, mời chính quyền xã Đồng Tâm đến chứng kiến, đọc quyết định khởi tố bị can, đọc lệnh bắt tạm giam cho họ nghe rồi còng tay họ lại, theo đúng quy định của bộ luật TTHS?

Không có người dân làng Hoành nào bị khởi tố bị can và [không] có lệnh bắt tạm giam, điều đó có nghĩa là người dân làng Hoành không có những hành vi như báo điện tử Hà Nội Mới đã nói ở trên. Tờ báo này đã dựng đứng, vu khống cho người dân làng Hoành. Và cuộc tấn công vào làng Hoành lúc 3 giờ ngày 9/1/2020 là hoàn toàn trái pháp luật.

Căn cứ nào để sát hại cụ Lê Đình Kình? Khi trả xác cụ Lê Đình Kình cho thân nhân, UBND xã Đồng Tâm đã bắt thân nhân của cụ phải ký vào biên bản là cụ chết ở đồng Sênh. Nhưng cụ bà Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình) lại khẳng định cụ Kình bị sát hại tại nhà riêng.

Theo cụ Thành, cụ và cụ Kình đang ngủ thì CSCĐ phá cửa, ném lựu đạn khói vào nơi hai cụ đang nằm rồi xông vào. Cụ Thành bị lôi ra ngoài, còn cụ Kình bị bắn vào đầu gối, vào tim và vào đầu ở cự li rất gần. Bắn xong, thấy máu chảy rất nhiều, những người bắn đã lấy quần áo trong nhà lau máu rồi nhét vào cái bao tải.

Báo điện tử Việtnamnet ngày 10/1/2020 cho biết, theo báo cáo của công an TP Hà Nội, thì khi bị bắn chết, trên tay cụ Lê Đình Kình vẫn cầm một trái lựu đạn.

Thông tin về một cụ già 84 tuổi, sức yếu, chân đi tập tễnh, hậu quả của cú đạp gẫy chân năm 2017 do công an TP Hà Nội gây ra, lúc bị tước đoạt mạng sống một cách trái pháp luật, trong tay vẫn cầm một trái lựu đạn, khiến tôi nhớ đến một sự kiện.

Ngày 16/3/1968, đại đội Charle thuộc tiểu đoàn số 1, trung đoàn bộ binh số 20, lữ đoàn bộ binh số 11, sư đoàn bộ binh số 20 quân đội Hoa Kỳ, đã kéo vào thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nơi không có bất cứ một lực lượng vũ trang nào của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, thẳng tay bắn giết những người dân tay không tấc sắt. khiến cho 504 dân thường thiệt mạng.

Chuẩn úy Hugh Thompson jr, 24 tuổi, phi công trực thăng, đã kể với báo chí rằng anh tận mắt thấy đại úy Medina bắn thẳng vào đầu một phụ nữ không có bất cứ một thứ gì trong tay. Bị báo chí chất vấn, viên đại úy này căng cổ cãi: “Trong tay người phụ nữ ấy cầm một trái lựu đạn”. Không biết “trái lựu đạn” trong tay người phụ nữ xứ Quảng có giống với “trái lựu đạn” mà cụ Lê Đình Kình “cầm trong tay” lúc bị CSCĐ chĩa súng sát tim bóp cò hay không?

Việc điều động một lực lượng CSCĐ cỡ trung đoàn, được trang bị tối tân, tấn công làng Hoành, một ngôi làng không có bất cứ một hành vi vi phạm pháp luật nào, vào ban đêm, giết một đảng viên 84 tuổi đời, gần 60 tuổi đảng, một cách hết sức dã man, là hành vi chà đạp lên pháp luật. Kẻ nào ra lệnh điều quân tấn công làng Hoành vào ban đêm? Kẻ nào ra lệnh hành quyết đảng viên gần 60 tuổi đảng Lê Đình Kình? Kẻ nào thực thi lệnh hành quyết đó?

Nếu không đưa được 3 tên này ra vành móng ngựa để xử lý chúng theo đúng quy định của bộ luật TTHS và BLHS, để chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thì rõ ràng đây là một vụ dùng luật rừng trong một đất nước đã có cả một rừng luật, cụ thể là bộ luật TTHS và BLHS có cũng như không. Và vụ này rất có thể sẽ trở thành một tiền lệ: Không cần bất cứ luật nào. Hễ không ưa ai thì cứ việc đưa quân đến, kề súng vào tim vào óc người đó mà bóp cò.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi, một cựu phóng viên không rành về luật. Rất có thể là tôi sai, vì còn những căn cứ khác của luật để ngành công an căn cứ vào đó để điều quân và hành quyết cụ Lê Đình Kình mà tôi chưa biết hoặc không biết. Rất mong ngành công an cho tôi một câu trả lời chính thức, thuyết phục, để tôi được “sáng mắt sáng lòng”.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  3. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng

  4. Thí Sĩ Bùi Chí Vịnh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn mạng

  5. Nếu Nhà báo Vũ Hữu Sự đã nói đến luật pháp thì để hiểu vụ tấn công vào Làng Hoành dưa trên căn cứ nào thì theo nhận thức của tôi là cơ sở cho vụ tấn công nằm trong Đ. 30 Khoản 2 Luật chống khủng bố https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-phong-chong-khung-bo-nam-2013-197298.aspx có nội dung „Biện pháp khẩn cấp chống khủng bố“ và theo những gì diễn ra sau đó: Khen thưởng … tức thời – cho thấy nó đã được cấp cao nhất chấp thuận, bật đèn xanh.

Leave a Reply to Sóng ngầm Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây