Bài viết của ông Phạm Quí Thọ về Chuyên chế

Jackhammer Nguyễn

26-1-2020

Từ ngữ…

Đã khá lâu, trên các mặt báo chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam người ta ít nghe đến cụm từ… “chuyên chính vô sản”. Điều này có thể được giải thích rằng Đảng muốn có một bộ mặt bên ngoài … hiếu hòa, thân thiện, vì sau vài chục năm hiểu sai, hay chẳng hiểu gì cả. Người Việt bây giờ cũng hiểu rằng “chuyên chính” là độc tài chứ không là gì khác.

Ông Phạm Quí Thọ, một cựu viên chức nhà nước hiện đang sống ở Hà Nội, đào xới lại khái niệm đó trong bài ông viết đăng trên trang BBC Việt ngữ: Chuyên chế khiến Đảng CSVN nỗ lực nhưng ‘cứ cải tiến lại cải lùi’?

Các bài viết của ông Phạm Quí Thọ là những bài tôi rất thích đọc vì được viết bởi một người bên trong hệ thống, có cái nhìn tiệm tiến về quá trình dân chủ hóa. Bài của ông đôi khi có những nét hơi nghịch nhau. Một mặt, ông nêu rất đúng bản chất vấn đề, mặt khác vấn đề của ông nêu ra lại không được diễn giải toàn vẹn.

Trong bài mới nhất mà tôi đề cập ở trên, ông nêu đúng bản chất của chế độ là chuyên chế. Đây là một nhận thức rất quan trọng, vì nó vượt ra uyển ngữ của Đảng Cộng sản là chuyên chính.

Cái từ chuyên chính nó mang một bộ mặt hiền hòa mà Đảng Cộng sản ngụy tạo trong từ ngữ, tuyên truyền, cách ăn cách nói, cách tổ chức của họ. Trong khi đó từ chuyên chế mang nghĩa rất rõ ràng, chỉ một cái xấu.

và bản chất

Nếu tôi hiểu đúng bài viết thì ông Phạm Quý Thọ muốn nói rằng từ năm 2016 đến nay, tính chuyên chế của Đảng Cộng sản tăng lên nhằm hai mục đích: Chống tham nhũng và đàn áp xã hội dân sự.

Việc đàn áp xã hội dân sự vì lo ngại rằng nó làm mất quyền lực của Đảng là một điều rất rõ ràng, chúng ta đã bàn rất nhiều, trên diễn đàn này cũng như nhiều diễn đàn khác.

Điều ông Phạm Quí Thọ đưa ra về phát triển kinh tế trong ba năm qua nhưng không tạo niềm tin về phát triển bền vững và chất lượng của sự phát triển, lại không thấy ông phân tích là nó có liên quan đến chuyên chế hay không. Có phải ông Thọ muốn nói sự chuyên chế sẽ làm sợ hãi các nhà đầu tư? Hay là các vụ án kinh tế bị hình sự hóa vì mục đích chính trị (phe phái ẩu đả nhau)?

Tác giả cũng đề cập tới một cụm từ xuất hiện khoảng chục năm gần đây trên báo chí Việt Nam, trong các diễn từ của Đảng là: Nhóm lợi ích. Nhưng tác giả, có lẽ do khuôn khổ bài viết, không phân tích thấu đáo chuyện này.

Tôi thì thấy rằng, nhóm lợi ích là một chuyện bình thường trong một xã hội bình thường, vì con người có lợi ích khác nhau, hay tập hợp lại với những người cùng lợi ích với mình nhằm tranh đấu cho lợi ích đó. Nếu nhóm lợi ích là một từ mang nghĩa xấu ở Việt Nam hiện nay, thì nói thẳng ra, là nó chỉ các phe phái trục lợi trong Đảng đấu đá với nhau. Xin đừng cưỡng đoạt ngôn ngữ Việt Nam bình thường, rất tội nghiệp.

Trong một xã hội dân chủ và minh bạch, các nhóm lợi ích lập tổ chức, đảng phái để cạnh tranh với nhau, dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp độc lập. Điều đó không có trong xã hội chuyên chế độc tài, từ đó các lợi ích chuyển sang dạng đấu đá để trục lợi, trục lợi tối đa có thể.

Cái gốc của vấn đề chuyên chế

Trong phần cuối của bài viết, ông Phạm Quí Thọ nêu ra hai điểm mà tôi rất đồng ý: chuyên chế có thể làm dân chúng căm thù nhà cầm quyền (chuyện Đồng Tâm), còn bọn trục lợi trong bộ máy cầm quyền thì giấu mình chờ thời.

Câu hỏi ông Thọ đặt ra cho Đảng Cộng sản là liệu Đảng có thể lãnh đạo kinh tế thị trường với hai hệ tư tưởng có bản chất trái ngược nhau. Đảng Cộng sản chắc chắn sẽ trả lời rằng: Được chứ! Chẳng phải là họ đã đề ra …kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đấy sao. Vấn đề nằm ở chỗ khác, ở chỗ là họ độc quyền lãnh đạo!

Tới đây chúng ta thấy được nguyên nhân của vấn đề mà ông Thọ nêu ra là, kinh tế phát triển nhưng không có chất lượng. Có chất lượng làm sao được khi có chỉ một đảng lãnh đạo? Vì các phe nhóm sẽ trục lợi nhân danh bất cứ cái gì có thể, không có tòa án để xử những hành động sai trái, thì làm sao mà phát triển có chất lượng cho được.

Tôi nghĩ rằng tác giả Phạm Quí Thọ hoàn toàn hiểu vấn đề đó nhưng vì lý do nào đấy nên ông không nêu ra. Nhưng có một chi tiết ông đã hàm ý rất nhiều nếu độc giả chú ý, đó là câu ông bình luận về vụ Đồng Tâm rằng: Lời kêu gọi Bộ chính trị (của Đảng Cộng sản) vào cuộc là một sự ngộ nhận đáng thương.

Sự chuyên chế của Đảng Cộng sản không bao giờ thay đổi, nó muốn độc quyền lãnh đạo và hưởng thụ. Nó vẫn là chuyên chế thời “chống tham nhũng” hiện nay, nhưng nó vẫn là chuyên chế khi tham nhũng lúc trước. Và mục đích cuối cùng của chuyên chế (hay chuyên chính nói cho đẹp hơn) là gì? Là tham nhũng chứ là gì nữa!

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Nếu TG Jackhammer Nguyễn đọc những dòng trong Lời nói đầu của bài: „Tư tưởng chuyên chính vô sản của C.Mác và sự vận dụng sáng tạo ở Việt Nam trong Đổi mới“ http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2592-tu-tuong-chuyen-chinh-vo-san-cua-cmac-va-su-van-dung-sang-tao-o-viet-nam-trong-doi-moi.html
    sẽ hiểu Việt nam vẫn có chủ trương giữ nguyên quan điểm „Chuyên chính vô sản“ – còn việc thực hiện thế nào, có đúng chủ trương không, thì lại sang khía cạnh khác.

    • Đọc những thứ “ný nuận chính trị” của lũ độc tài chỉ thấy thêm căm ghét lũ bịp bợm.
      Mà trong bài trên, Jackhammer Nguyễn có bảo ĐCSVN không “có chủ trương giữ nguyên quan điểm „Chuyên chính vô sản“ ở đoạn nào đâu bạn?

      • Gửi ĐG Khách: Do tôi đọc câu đầu của TG: „Đã khá lâu, trên các mặt báo chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam người ta ít nghe đến cụm từ… “chuyên chính vô sản”. Điều này có thể được giải thích rằng Đảng muốn có một bộ mặt bên ngoài … hiếu hòa, thân thiện …“ nên tôi muốn „lưu ý“ là để muốn nói là KHÔNG NHẮC ĐẾN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÒN TỒN TẠI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN MÀ NÓ CHỈ Ở DẠNG KHÁC VÀ KHÔNG THAY ĐỔI VỀ BẢN CHẤT“

  2. Chuyên chế như theo Đại từ điển VN (Nguyễn Như Ý) giải thích: „Nắm hết thảy mọi quyền lực trong tay và thi hành chế độ cai trị độc đoán; ví dụ Nhà nước phong kiến chuyên chế“ hay gắn hơn với thời đại (sau phong kiến) có cách giải thích của người sau này là Tổng thống Mỹ James Madison 1787/88 tại Federalist Papers (số 47): „Sự tập trung của bất cứ quyền lực nào, của quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào cùng những người như vậy, liệu là cá nhân, một số hay nhiều người, và liệu là truyền ngôi, tự xưng hay được lựa chọn, đều có quyền được định nghĩa chính xác là chế độ chuyên chế“. Người đứng đầu chế độ chuyên chế khi dùng nhiều bạo lực dã man để bảo vệ chế độ thì thường được coi là „Bạo chúa“ (nếu là cá nhân). Với tôi quyền lực mang tính cám dỗ không khác gì ma túy hạng nặng và do đó nó phá hủy mọi triều đại chuyên chế phong kiến trước đây sau 1 giai đoạn cầm quyền dẫn đến tha hóa trầm trọng. Tất nhiên khi đó vua chúa tự coi hay được coi bản thân là „con trời“ được quyền thế thiên hành đạo. Và sự lật đổ chế độ của các triều đại phong kiến diễn ra trong lịch sử lại thường do 1 cá nhân hay nhóm khác của triều đình gây ra hơn là từ phía Nhân dân. Ngày nay chính quyền nào dù chuyên chế nhưng trên cương lĩnh vẫn ghi là „Nhà nước của dân … „ và để dân tin thì không ít người tìm cách „bôi hồng“ hay nói sai sự thật nhưng nếu hàng ngày đọc tin không ai vì thế mà sợ phạm tội. Ngược lại đọc tin hàng ngày chỉ xử tội ai „nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước“ http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Thu-doan-xuyen-tac-vu-an-Chau-Van-Kham-boi-nho-chong-pha-Nha-nuoc-569663/ – có nghĩa là chỉ ai „bôi đen“ mới sợ phạm tội, còn „bôi hồng, không minh bạch thậm chí nói sai“ thì dù hiệu quả phá hủy 1 chế độ có khi còn lớn hơn „bôi đen, phản biện quá mức, thậm chí đả phá“ nhưng lại yên tâm không sợ ai phê phán hay buộc tội là chống chế độ – mặc dù cả khối các nước XHCN tự sụp đổ 1 trong những nguyên nhân chính là „mật ngọt chết ruồi“ (trích 1 đoạn văn thứ 4 Điểm 1 của Tài liệu nghiên cứu của VN sau đó: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hoc_gia_viet_nam_sup_do_lien_xo_tien_do_chu_nghia_xa_hoi-2.html: „… chuốc lấy sự thất bại thảm hại của mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực với nhiều khiếm khuyết của nó. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ chỉ chú trọng về mặt hình thức, phô trương một số mặt tiến bộ của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề về sở hữu để xóa bỏ chế độ người bóc lột người …“

  3. Thôi! Thôi! Hãy nói thẳng vào vấn đề, khỏi bàn dài dòng, vô bổ…
    Lenin nói toạc ra: Chế độ Liên Bang Xoviet chính là Chế độ độc tài (chuyên chế).
    Ông dung từ dictatorship. Chả phải che dấu bằng bất cứ uyển ngữ nào hết.

    Chỉ có điều, Lenin cắt nghĩa rằng “trước đây” giai cấp chuyên chế là Tư Bản (thống trị giai cấp vô sản).
    Còn “ngày nay” chế độ do ĐCSLX thành lập cũng là Chuyên Chế, nhưng là sự chuyên chế của giai cấp vô sản (thống trị các giai cấp “phi vô sản”).
    Tóm lại nhé: Dictatorship được CS Tàu và Việt dịch (cách lươn lẹo) là chuyên chính, thay cho độc tài, chuyên chế. Vậy thôi.

    Còn tác giả bài này (ông Jackhammer Nguyễn) chẳng cần dài dòng để hiểu bài của ông Phạm Quý Thọ.
    Sống trong nước, Phạm Quý Thọ hiểu về CS không thua (mà còn hơn hẳn) Jackhammer Nguyễn. Đó là sự trực tiếp trải nghiệm bản thân của ông Thọ.

    Giả sử, Jackhammer Nguyễn có dịp về VN, đóng vai Việt Kiều yêu nước, đó ông Jackhammer Nguyễn viết nổi một bài như bài của Phạm Quý Thọ. Nghĩa là vừa nói được suy nghĩ bản thân, vừa mang ý ca ngợi “đảng ta”, lại vừa an toàn cho bản thân. Và quan trọng nhất là được ngàn-vạn người đọc.
    Jackhammer sống ở nước ngoài, tha hồ viết, tha hồ thể hiện suy nghĩ bản thân và sự căm ghét độc tài… Nhưng thử hỏi: Có bao nhiêu người đọc?.

    Tóm lại: Tôi sống trong nước, rất biết ơn ông Jackhammer và tất cả quý vị viết bài cổ vũ dân chủ cho VN, nhưng tôi biết ơn ngàn lần những vị như Phạm Quý Thọ.

    • – “Chỉ có điều, Lenin cắt nghĩa rằng “trước đây” giai cấp chuyên chế là Tư Bản (thống trị giai cấp vô sản)”.

      Trớ trêu, cái “trước đây” của Lênin – không biết có phải sự thật hay không, nhưng chính nó lại là cái hiện tại của Việt Nam!
      Chẳng đại diện cho giai cấp cộng nhân nào, cho Vô sản nào, “chuyên chính vô sản” ở VN chính là “Chuyên chính của lũ lợn – Tư bản Đỏ”.
      Lời bình luận của ông Phạm Qúy Thọ về vụ Đồng Tâm rằng: “Lời kêu gọi Bộ chính trị (của Đảng Cộng sản) vào cuộc là một sự ngộ nhận đáng thương”, nhằm thức tỉnh nhân dân: Sử dụng “chuyên chính vô sản”, ĐCSVN chính là thủ phạm của vụ trấn áp nhân dân Đồng Tâm, đàn áp nhân dân VN – để củng cổ thể chế Độc tài của chúng ở VN.
      (Tôi cũng như bạn, rất biết ơn ông Jackhammer và tất cả quý vị viết bài cổ vũ dân chủ cho VN, nhưng tôi biết ơn ngàn lần những vị như Phạm Quý Thọ).

  4. “Cưỡng từ đoạt lý” Không phải là điều mới mẻ, các nhà biện thuyết ngày xưa đã dùng phương cách này, nhưng Lenin, nhà ly luận cs đại tài, là người đã sử dụng nó mọi lúc mọi nơi một cách nhuần nhuyễn nhất. Sau cách mạng 1917 ở Nga, phong trào cs lớn mạnh cùng với sự ra đời của nhiều quốc gia cs trong đó có Bắc Vn vào 1954 và toàn Vn 1974, các nhà nước cs đã xây dựng, cũng cố và phát triển một hệ thống tuyên truyền dựa trên dối gạt mà cốt lõi là hiếp dâm ý nghĩa của từ. Ngoài ví dụ tác giả nêu ra như “chuyên chính” thay cho “độc tài” nhằm giảm bớt sự ghê tởm, tăng cường tính khủng bố, chúng ta còn thấy cs đã hiếp dâm từ “làm chủ”. Người dân đã vì nó mà theo cs và vì tin nó nên chết trong tay cs. Dân miền Nam vốn đơn giản, thật thà nhưng không hề ngu dốt, họ đã nhận ra bố mặt của sự gian dối qua câu nói rất mộc mạc dễ thương “nói dzậy mà không phải dzậy, nó tệ hơn dzậy”. Có điều nhân dân với bàn tay không họ đành thất thủ và đang mong chờ một biến cố mới không biết khi nào sẽ xảy ra.
    Nguyệt Anh Vũ

Leave a Reply to Sóng ngầm Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây