Indonesia: “Chúng tôi đang cảnh giác cao độ” – Động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông

Dự án ĐSK Biển Đông

Nguồn: News.com.au

Biên dịch: Mai Hải Tiến

11-1-2020

Nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Indonesia ngày 7/1/2020, trước khi ít nhất hai trong số đó tiến về phía thềm lục địa của Việt Nam. Nguồn: Ryan Martinson/Marine Traffic.

Tuy Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát Biển Đông trong nhiều năm qua nhưng động thái gây hấn mới nhất đã bị phản tác dụng khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Indonesia.

Báo News Corp của Australia hôm 9-1 cho hay, Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ sau khi các tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các “tàu chiến bảo vệ bờ biển” (coast guard warships) xâm nhập vùng biển của họ.

Jakarta đã huy động quân đội và nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu tại quần đảo Natuna để đối phó với các cuộc xâm nhập bắt đầu vào cuối năm ngoái.

“Lực lượng hải quân và không quân của chúng tôi đã được trang bị vũ khí và triển khai đến Biển Bắc Natuna”, phát ngôn viên quân đội – Thiếu tướng Sisriadi nói vào cuối tuần. Lực lượng bao gồm sáu tàu chiến nhằm “xua đuổi các tàu nước ngoài”.

“Chúng tôi không chỉ triển khai tàu mà còn cả máy bay chiến đấu. Chúng tôi đang cảnh giác cao độ”, ông Sisriadi nói.

Quần đảo Natuna chiếm một vị trí chiến lược đặc biệt ở Biển Đông với trữ lượng dầu khí đáng kể và nằm trên các tuyến đường vận chuyển huyết mạch đi qua eo biển Malacca.

Không quân Indonesia đã triển khai bốn máy bay chiến đấu F-16 tới khu vực Biển Đông hôm 8-1. Bốn tàu hải quân nữa đã được điều động để tăng cường cho bốn tàu hiện đang ở thực địa.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang cuộc đối đầu.

Hai tàu cảnh sát biển có vũ trang được thêm vào hôm 8-1 đã được nhìn thấy đang rời khỏi Đá Chữ Thập, tiến về phía nam tới quần đảo Natuna.

Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) đang đối phó với sự xâm nhập bằng cách kích hoạt Trung tâm thông tin hàng hải tại các đảo để theo dõi và đánh chặn bất kỳ tàu nào được coi là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

“Trung tâm thông tin hàng hải tại các đảo sẽ có thể phát hiện và xác định mọi con tàu đi vào vùng biển Indonesia”, theo ông Sisriadi.

Đô đốc Embun nói với Cơ quan thông tấn Andalou rằng hai tàu chiến mới đã đến để củng cố sự hiện diện của Indonesia tại vùng biển Natuna. Nhiều tàu đã được triển khai đến khu vực hôm 8-1, nâng tổng số lên tám chiếc.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đối mặt với hành vi như vậy, Trung Quốc khăng khăng cho rằng vị trí 05 vĩ độ Bắc thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là lãnh thổ của họ”, ông Sisriadi nói thêm.

Trung Quốc không tách các lực lượng cảnh sát biển mang tính dân sự ra khỏi quân đội như các quốc gia khác vẫn làm. Thay vào đó, những con tàu này hoàn toàn được điều khiển, được điều hành và phối hợp với Hải quân Trung Quốc.

Hôm 8-1, một phát ngôn viên của không quân Indonesia đã xác nhận máy bay chiến đấu đã được triển khai.

“Họ đã thực hiện những cuộc tuần tra tiêu chuẩn để bảo vệ khu vực chủ quyền của chúng ta. Chúng vừa được diễn ra và họ đang tuần tra ở Natuna”, phát ngôn viên cho hay. “Chúng tôi không có lệnh bắt đầu một cuộc chiến với Trung Quốc”.

Đầu tuần này, Indonesia đã chỉ thị các đội tàu đánh cá của mình tập trung tại quần đảo này như một dấu hiệu thể hiện quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế.

Chỉ huy trưởng khu vực phòng thủ chung của Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, cho biết các tàu Trung Quốc đã được quan sát thấy đang đánh bắt cá bất hợp pháp.

“Các tàu được đi kèm với một vài tàu cảnh sát biển Trung Quốc và một tàu ngư chính”, ông Margono nói thêm. “Chúng tôi đang tập trung vào việc gia tăng sức mạnh quân sự ở đó. Chúng tôi sẽ triển khai thêm bốn tàu chiến để xua đuổi các tàu nước ngoài”.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã được xác định là Trung Quốc hải cảnh và Hải cảnh 35111.

Nhà nghiên cứu chính trị của Viện Khoa học Indonesia Muhammad Haripin nói rằng phản ứng của Jakarta sẽ rất mạnh mẽ.

“Họ phải bắt buộc phải có sự răn đe”, ông Haripin nói với BenarNews.

“Chính phủ cũng có thể đảm bảo an ninh cho ngư dân Indonesia để họ không ngại ra biển”.

Indonesia tuần trước đã đệ trình một công hàm chính thức phản đối Trung Quốc về các vi phạm đối với lãnh thổ của họ.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố rằng các hoạt động của tàu Trung Quốc là “thường lệ”. Nhiệm vụ của chúng là khẳng định quyền sở hữu của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa gần đó và “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển liên quan”.

“Cảnh sát biển Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách thực hiện các cuộc tuần tra thường lệ để duy trì trật tự hàng hải và bảo vệ người dân Trung Quốc, các quyền và lợi ích hợp pháp trong vùng biển liên quan”.

Đồng thời, ông Cảnh Sảng nói Bắc Kinh sẽ hoan nghênh đối thoại song phương với Jakarta để quản lý tranh chấp.

Phản pháo lại lời phát biểu từ phía Trung Quốc, một vị Bộ trưởng Indonesia hôm 5-11 đã từ chối lời kêu gọi đàm phán, khẳng định Indonesia sẽ không bao giờ đàm phán về quyền chủ quyền đối với vùng biển Natuna.

“Liên quan đến vụ việc tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu chính phủ, về nguyên tắc, Indonesia sẽ không bao giờ đàm phán với Trung Quốc”, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mahfud MD nói với truyền thông Indonesia.

Jakarta bác bỏ rằng họ có bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào chồng lấn với Trung Quốc. Thêm vào đó, Jakarta cũng liên tục bác bỏ tính hợp pháp của việc khẳng định quyền sở hữu của Bắc Kinh trong đường chín đoạn chiếm hơn 90% trên Biển Đông rộng 3,5 triệu km2.

“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc giải thích cơ sở pháp lý và đưa ra định nghĩa rõ ràng cho các yêu sách của họ đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên UNCLOS 1982”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia.

Bộ trưởng nội các Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 8-1 cho biết, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Indonesia đã không làm thay đổi lập trường của nước này về vấn đề lãnh thổ.

“Tôi không bán chủ quyền của mình để nhận nguồn đầu tư [từ Trung Quốc], không bao giờ. Tôi không ngu ngốc”, ông Pandjaitan khẳng định.

Bộ trưởng Mahfud cũng nói rõ: “Trung Quốc không có quyền yêu sách khu vực này. Nếu chúng ta đàm phán với họ, điều đó có nghĩa là chúng ta thừa nhận là có một tranh chấp lãnh thổ. Ở đây không có tranh chấp vì Indonesia là chủ sở hữu hợp pháp của toàn bộ khu vực. Việc đàm phán là không thể có. Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền của mình và trục xuất những kẻ xâm nhập bằng tất cả những gì chúng tôi có”.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thấy hành động yêu nước của lãnh đạo Indonesia mà căm hận thấu xương bọn CSVN hèn với giặc – ác với dân, “thà mất nước, không mất đảng!”

  2. nói cho cùng thì Đồng Tâm cũng chỉ là 1 phiên bản thu nhỏ của biển Đông mà thôi, nơi mà những kẻ không có 1 mảnh bằng chứng lận lưng nhưng lại giắt đầy súng đạn đi cướp chủ quyền của những người sở hữu hợp pháp.
    cho nên cũng không nên lấy làm lạ khi 1 kịch bản như Đồng Tâm sẽ diễn ra ở biển Đông.

Leave a Reply to khách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây