“Đất đại thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý” – Khái niệm này đã sai từ bản chất

Trương Nhân Tuấn

11-1-2020

Vụ “cưỡng chế” Đồng Tâm không chỉ để lộ ra sự “vô năng” của ông Nguyễn Đức Chung trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai lưu cữu từ năm 2017 đến nay, mà còn thể hiện sự lạm dụng quyền lực đến mức “sỗ sàng” của công an Hà Nội.

Công an là người “thi hành luật” vì vậy làm gì cũng phải “chiếu theo luật mà làm”.

Vụ “tấn công” nhà cụ Kình vào lúc 4 giờ sáng không phải là việc “thi hành công vụ” trong nội dung “cưỡng chế” nhằm thi hành “quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm”.

Công vụ là những việc “công”, khi “thi hành” sẽ đem lại lợi ích cho nhân quần, xã hội.

Việc đánh vào nhà cụ Kình, lý do còn chờ công an Hà Nội giải thích, nhưng việc này không hề đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội. Vụ “đánh úp” vào xã Đồng Tâm vì vậy không thể gọi là việc “thi hành công vụ”.

Công an Hà nội đã “vi phạm luật” khi họ nại lý do “thi hành công vụ cưỡng chế đất”. Đất và nhà cụ Kình không phải là đối tượng cưỡng chế.

Công an cũng vi phạm luật về cưỡng chế. Luật chỉ cho phép “thi hành cưỡng chế” từ 6 giờ sáng.

Với một lực lượng nhân viên công lực đông đảo, với súng ống, dùi cui, hơi cay… đánh vào nhà dân lúc 4 giờ sáng, công an Hà Nội đã lạm dụng quyền lực một cách tệ hại.

Hiến pháp 2003 ghi: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Đại khái được hiểu là “đất đại thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Khái niệm này đã sai từ bản chất.

Luật của CHXHCNVN ngày hôm nay đi ngược lại nội dung toàn diện các bộ luật khác của các nhà nước tiền nhiệm, từ các triều đại phong kiến cho tới nhà nước bảo hộ Pháp.

Không có bộ luật nào của VN, từ bất cứ thời kỳ nào trước đây, qui định rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” hay thuộc sở hữu của một triều đại, một vị vua chúa nào. Thời kỳ nào, chế độ nào cũng nhìn nhận và phân biệt sở hữu tư nhân và sở hữu “công” (tư điền với công điền).

Luật pháp VN hôm nay chỉ là “cái dấu ngoặc ngoại lệ” của luật VN trong suốt thời gian lập nước và mở nước của tổ tiên người Việt. Luật này phủ nhận công lao mở nước và khai khẩn đất đai của người dân, đi ngược lại tập quán của dân tộc, và nhân dân cả thế giới. Vì vậy luật này đã sai từ bản chất.

Luật này lại qui định “Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. “Nhà nước” là ai?

Nhà nước CHXHCNVN nói là “của dân do dân và vì dân” nhưng thực tế những vụ cưỡng chế đất đai cho thấy “nhà nước” này là nhà nước của “công an, quân đội”, của “tài phiệt đỏ”, của quan chức lộng quyền.

Nhà nước VN nhân danh đủ thứ, đại diện đủ thứ, làm đủ thứ việc. Điều mâu thuẫn trọng đại là “nhà nước” không có trách nhiệm nào, trước pháp luật, về những chuyện “nhà nước” làm sai.

Vì vậy các quan tham, các tài phiệt đỏ… núp sau lưng “nhà nước” làm những việc sai phạm, trái luật mà không có cách chi trừng phạt.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Chắc ông Trương Nhân Tuấn chưa chịu theo dõi và quan sát cho kỹ nên mới đổ lỗi cho chủ tịch và công an thành phố Hà Nội. Điều động được ba nghìn cảnh sát cơ động là khả năng của Bộ Công An. Bộ này sau đó độc quyền công bố thông tin. Nay, quốc dân chứng kiến đơn do chủ tịch nước ký để truy tặng huân chương cho ba sĩ quan công an bỏ mạng trong vụ Đồng Tâm. Vậy đây rõ ràng là hành động xuất phát từ “chủ trương lớn” của đảng (ta).

  2. Theo tác gỉả, “Đất đại thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý” – Khái niệm này đã sai từ bản chất”.
    Nhưng sai ở chỗ nào? Không thể bảo khái niệm ấy là sai, chỉ vì trong lịch sử VN chưa hề có băng đảng tội phạm nào có tổ chức cấp NHÀ NƯỚC được cầm quyền thống trị, như ĐCSVN!

    Người đoc chỉ thấy, khái niệm ấy nó hoàn toàn ĐÚNG với BẢN CHẤT – bản chất cái “nhà nước” của lũ kẻ cướp côn đồ – mang danh ĐCSVN.

Leave a Reply to Nacdanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây