Về chuyện nồng độ cồn

Lê Nguyễn Duy Hậu

3-1-2020

Quốc hội Việt Nam ban đầu đã không thể quyết định được phương án nồng độ cồn cho phép phù hợp trong Luật Phòng Chống Tác Hại Bia, Rượu. Đó là thời gian rất khó khăn của các nghị sĩ khi họ bị xã hội công kích vì không đứng về phe người dân trong việc nêu cao khẩu hiệu “đã uống rượu thì không lái xe”.

Thế nhưng, một trong những lý do cho sự lưỡng lự này đó là… bản thân Quốc hội chưa hiểu hết được các hệ quả của việc đưa mức nồng độ cồn trong hơi thở cho phép khi điều khiển tất cả các phương tiện giao thông là 0 mg/1l khí thở.

Bản thân mình đã có không dưới ba bài viết (đăng trên trang cá nhân lẫn báo chí chính thống) về vấn đề này trong cả năm 2019. Ngay trong cao điểm của cuộc “tổng sỉ vả” xã hội dành cho các nghị sĩ Quốc hội, mình cũng là một tiếng nói khá hiếm hoi bênh vực quyết định của các đại biểu này.

Mình và một ĐBQH cũng cùng viết chung bài báo đăng trên VnExpress để giải thích những băn khoăn đó và đòi hỏi nên có những lập luận khoa học rõ hơn để tránh việc cảnh sát giao thông phạt cả người ăn trái cây như nhiều người lo ngại hiện nay. Tiếc rằng, đó không phải là tiếng nói được chú ý nhiều. Mình cũng nhận không ít gạch đá từ nhiều người, cho rằng mình dửng dưng với các vụ tai nạn thương tâm, là kẻ say rượu, là bợm nhậu…

Cuối cùng, vào ngày 24/6/2019, Luật Phòng Chống Tác Hại Bia, Rượu được thông qua với quy định cuối cùng là nồng độ cồn cho phép là bằng 0. Mình chỉ tin rằng rất có thể các quan ngại kể trên đã được giải quyết trong nghị trường, chứ việc thông qua luật không phải là kết quả của sức ép dư luận.

Ngày hôm nay, khi rất nhiều người quay mũi dùi sang chỉ trích cái ngưỡng nồng độ cồn oái ăm đó, xem đó là việc ngu xuẩn, chẹt đường sống của dân, thì mình lại không hề thấy một gương mặt nào trong số đó góp tiếng nói vào thời điểm tháng 6 năm 2019.

Chúng ta không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách chỉ trích người khác ngu xuẩn khi sản phẩm của họ có bất cập, trong khi lại giữ im lặng hoặc tệ hơn là áp lực họ khi họ cần ý kiến của chúng ta nhất.

Mình viết ra ở đây không phải để lên mặt với mọi người rằng “I told you so” vì suy cho cùng, luật nó tệ thì cả xã hội (trong đó có mình) bị ảnh hưởng. Nhưng đây là lúc chúng ta bớt xem bản thân thông minh hơn những người làm luật và rút ra bài học rằng trong làm chính sách, có khẩu hiểu dễ nhớ là rất tốt, nhưng đừng bao giờ coi những tiếng nói phản biện là lố bịch trước khi nghe cho hết lý lẽ của họ. Đó mới là dân chủ.

Luật có thể sửa được, nhưng không khí dân chủ một khi đã mất (bằng những cuộc tổng công kích cá nhân có quan điểm trái chiều) thì rất khó để xây dựng lại được.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. -Sáng ngày 28/12/2019, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức “Lễ phát động ra quân Năm An toàn Giao thông 2020 và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân năm 2020”. Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Năm nay, toàn quốc xảy ra trên 17.626 vụ, làm chết trên 7.624 người, bị thương trên 13.624 người.”. Cũng theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện tại có tới 40% tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Tính sơ bộ, số ng chết vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước khoảng 40% x 7.624 người = 3.050 người. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, dân Việt khi tham gia giao thông có liên quan đến rượu bia phải chịu mức phạt rất nặng rồi. Vậy còn lại về phía Chính phủ cũng phải có trách nhiệm rất lớn là làm tốt hơn nữa các công tác quản lý ATGT như: GPLX, đăng kiểm; kiểm tra GT về: tốc độ, tải trọng, số lượng,…; xóa các điểm đen GT, nút GT thắt cổ chai; tăng cường & bổ sung biển báo, kẻ vạch, phân luồng, lan can AT, chiếu sáng, đèn hiệu,….để 02 bên cùng phối hợp trong năm 2020, sẽ ko còn 3.050 người chết vì tai nạn giao thông do liên quan đến rượu bia nữa nhé. Hy vọng dc như vậy. (trong năm 2020, nếu số ng chết vì tai nạn giao thông giảm ko đáng kể, thì lỗi ko phải do khi tham gia giao thông có liên quan đến rượu bia. OK)
    P/s: Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực chỉ sau đó 02 ngày, tức ngày 01/01/2020. Nhằm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, trong đó nghiêm cấm hoàn toàn lái xe khi đã uống rượu, bia.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây