Chính trị duy ý chí

Mai Quốc Ấn

1-1-2020

Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Báo Một Thế Giới đã tổng kết về mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam bằng một câu chính xác: Kết thúc một ước mơ duy ý chí.

Đây không phải lần đầu những mục tiêu chính trị mang màu sắc duy ý chí gặp thất bại. Có những thất bại thậm chí trả giá rất lớn trên bình diện lợi ích dân tộc và hình ảnh đất nước.

Đọc tài liệu thật sâu và thấy thật khó hiểu khi những người chép sử dùng từ “đổi mới” (giữa thập kỷ 80) hay “cải cách ruộng đất” (giữa thập kỷ 50). Đổi mới ở chỗ nào khi tự đóng cửa và làm một quốc gia nông nghiệp trù phú phải chịu đói. Hết chịu nổi, phải mở cửa và gọi là “đổi mới”. Cải cách ở chỗ nào khi nhiều tinh hoa về kinh tế và văn hoá được đem đi đấu tố bởi thứ tội lỗi họ không hề có. Những trường hợp thực sự có công với “cách mạng” cũng bị tịch thu tài sản, thậm chí “tịch thu” sinh mệnh.

Đọc thôi mà không khỏi rùng mình…

Sẽ không cần nhắc sâu thêm những “bài học” lịch sử đối với một tổ chức chính trị có “truyền thống” rút sợi dây kinh nghiệm thành quen. Điều cần nhắc ở đây là sự duy ý chí chính trị thường sẽ đưa các quyền lực đi đến hình thái độc tài và kết thúc bằng diệt vong.

Quyền lực có tính tha hoá và tập trung quyền lực càng lớn thì tính tha hoá càng lớn. Sự duy ý chí chính trị cũng thế! Nó làm tha hoá các giá trị phổ quát, làm băng hoại những nền tảng cơ bản và “vay mượn” cả những thứ tốt đẹp của tương lai; để thoả mãn nhu cầu không giới hạn của lòng tham cá nhân/tổ chức nắm quyền cai trị.

Sự duy ý chí chính trị sẽ sinh ra một ý chí khác mang tính đối kháng: ý chí của tự do. Nó len lỏi cả trong những cá nhân hèn yếu nhất, sợ hãi nhất và bền bỉ tồn tại trong những cá nhân khác mạnh mẽ hơn. Thậm chí nó có cả trong sự thức tỉnh của những cá nhân thuộc tầng lớp cai trị.

Viết đến đây không thể không lần nữa cảm ơn một cựu chính khách mà người viết từng đánh giá xứng đáng tạc tượng khi còn sống: ông Mai Liêm Trực- người từng đánh cược sinh mệnh chính trị để đưa internet vào Việt Nam.

Để chí ít bây giờ các chính khách quyền lực nhất quốc gia có cơ hội nhìn thấy suy nghĩ nhân dân về chế độ cầm quyền. Nhân dân cũng “sáng mắt, sáng lòng” trước hiện thực tham nhũng, ô nhiễm và vô số bất cập thể chế.

Trong thời đại thông tin, sự minh bạch có giá trị chân thực hơn bất cứ thứ “mặt trời chân lý” hão huyền nào đó. Nên sự cởi mở hơn trên mạng xã hội trong những năm gần đây đã cho thấy có những sự “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến” mang tính bên trong của nền chính trị duy ý chí mặc dù những uyển từ, sao ngữ còn lặp lại như thói quen khó bỏ.

Có lẽ bất kỳ người cộng sản nào cũng nên đọc lại cặp phạm trù Nhân-Quả trước khi đưa ra một quyết định nào đó…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Mạnh Hùng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây