2019: Một năm đầy thách thức với thể chế dân chủ

Mai Vũ Phạm

1-1-2020

Năm 2019 là năm đánh dấu nhiều rủi ro và thách thức đối với thể chế dân chủ. Cụ thể, nhiều cuộc biểu tình lớn và kéo dài đã diễn ra ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, yêu cầu chính quyền xóa tham nhũng và cải cách chính trị. Sự bất bình của người dân với chính quyền và mất niềm tin vào dân chủ là điểm chung của nhiều cuộc biểu tình trong năm 2019.

Venezuela

Theo CIA World Factbook, Venezuela là quốc gia ở Nam Mỹ theo chế độ tổng thống, không phải chế độ cộng sản như Việt Nam hay Trung Quốc. Một số người lầm tưởng Venezuela theo thể chế “chủ nghĩa xã hội” – là cụm từ khá nhiều người Việt đánh đồng với “chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng “chủ nghĩa xã hội” mà báo chí nước ngoài thường đề cập khi viết về Venezuela không phải là thể chế chính trị (political system), mà là mô hình kinh tế (economic system).

Về mặt lý thuyết, Venezuela có ít nhất một yếu tố của thể chế dân chủ: Đa đảng. Nhưng đa đảng chắc chắn không phải là dân chủ nếu không có các cuộc bầu cử tự do, công bằng, cũng như chính quyền phải bảo đảm được quyền tự do tối thiểu của quốc dân.

Điểm chung giữa Venezuela và Việt Nam chính là sự độc tài chuyên chế của nhà cầm quyền. Venezuela được xây dựng trên nền tảng của thể chế dân chủ, nhưng dần bị phá hủy khi lãnh tụ độc tài thu tóm quyền lực và hủy hoại các định chế dân chủ. Ngược lại, Việt Nam bị nhấn chìm trong độc tài toàn trị: Chuyên chế từ thể chế đến bộ máy cầm quyền. Công bằng đánh giá, Venezuela vẫn có tự do chính trị hơn Việt Nam.

Các cuộc biểu tình lớn ở Venezuela đã thường xuyên xảy ra trong vài năm gần đây, nhằm phản đối kinh tế kém, siêu lạm phát, thức ăn khan hiếm, và các vi phạm nhân quyền dưới thời tổng thống Nicolás Maduro. Ngày 15/1/2019, Quốc hội Venezuela tuyên bố ông Maduro “tiếm quyền”, khiến nhiều nước trên thế giới không công nhận tính chính đáng của ông Maduro.

Ngày 23/1/2019, tại một quảng trường ở thủ đô Caracas, ông Guaidó tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, trước sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đồng thời, Mỹ và một vài nước cũng công nhận Guaidó là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Từ tháng 1/2019 cho đến nay, hàng loạt các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục, có khi lên đến hàng trăm ngàn người, đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở Venezuela. Tính đến nay, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ vì căng thẳng bạo lực. Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt tối đa lên Venezuela cũng như các quan chức quân đội hậu thuẫn ông Maduro. Bất chấp đối mặt với kinh tế suy thoái, sự phản đối của dân chúng và sự trừng phạt từ Mỹ, ông Maduro cho đến nay vẫn bám chặt quyền lực, trong sự ủng hộ của cả quân đội, lẫn Nga và Trung Quốc.

Biểu tình ở thủ đô Caracas ngày 23/1/2019. Nguồn: FEDERICO PARRA/AFP/Getty Images

Chile

Chile là một quốc gia ở Nam Mỹ, theo chế độ tổng thống, và từng được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia dân chủ ổn định nhất ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và phần lớn người dân cảm thấy nền kinh tế chỉ có lợi cho giới quyền lực. Bắt đầu từ tháng 10/2019, hàng chục ngàn người Chile, đặc biệt sinh viên, đã xuống đường phản đối bất bình đẳng kinh tế, giá cả tăng cao, và bạo lực cảnh sát. Cơ quan theo dõi nhân quyền của Chile cho biết, đã có 27 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 10/2019 do bạo lực leo thang.

Biểu tình ở Chile ngày 23/10/2019. Nguồn: PABLO VERA-AFP/ Getty Images

Bolivia

Cũng theo CIA World Factbook, Bolivia là một quốc gia Trung Nam Mỹ, theo chế độ tổng thống và từng được đánh giá là một trong những quốc gia dân chủ ổn định ở Nam Mỹ. Các cuộc biểu tình bạo lực đã bùng nổ sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 20/10/2019 để tiếp tục lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, chiến thắng này của ông Evo Morales không chính đáng, đi ngược lại quy định nhiệm kỳ của Hiến pháp.

Trước đó, ông Evo Morlaes đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm kéo dài nhiệm kỳ tổng thống, nhưng phần lớn người dân đã không chấp thuận cải cách này. Nghĩa là, ông Evo Morales cố ý bỏ mặc kết quả trưng cầu dân ý và Hiến pháp, để tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Thêm nữa, nhóm giám sát bầu cử của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) công bố kết quả kiểm tra, cho thấy “những bất thường nghiêm trọng” trong cuộc bầu cử tổng thống, bao gồm phiếu bầu ảo, phiếu bầu giả, và hành vi thao túng rõ ràng.

Thực tế, tỷ lệ tín nhiệm của ông Morales đã giảm mạnh từ nhiều năm trước do kinh tế chững lại trong khi ông chỉ tập trung củng cố quyền lực. Ngày 9/11, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Williams Kaliman, một đồng minh lâu năm của ông Morales, công khai tuyên bố: “lực lượng vũ trang sẽ không bao giờ đối đầu với người dân” và nói ông Morales nên từ chức để bảo đảm “hòa bình và duy trì ổn định ở Bolivia”. Sau khi không có được hậu thuẫn quan trọng của quân đội, Tổng thống Bolivia đã từ chức vào 10/11/2019, rồi bay tới Mexico tị nạn.

Có thể nói, người dân Bolivia đã phần nào mang lại chiến thắng cho nền dân chủ khi kiên trì buộc một tổng thống đang tìm mọi cách để duy trì quyền lực, phải từ chức.

Biểu tình ở Bolivia ngày 26/10/2019. Nguồn: Reuters

Haiti

Haiti là một nước Trung Mỹ, theo chế độ bán tổng thống (semi-presidential democracy). Người dân Haiti đã xuống đường phản đối chính quyền tham nhũng, đứng đầu là Tổng thống Haiti Jovenel Moise, trong hơn 1 năm qua.

Các báo cáo uy tín của tòa án tối cao Haiti chỉ ra các quan chức chính phủ cấp cao, trong đó có ông Jovenel Moïse, tổng thống thứ 42 của Haiti, đã lạm dụng hàng tỉ Mỹ kim. Các nhà phân tích cũng chỉ ra, Haiti đang đối mặt với cuộc khủng hoảng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng, khi nước này có rất nhiều triệu phú trong khi phần lớn dân số Haiti sống trong nghèo khổ, chi tiêu ít hơn 2 Mỹ kim một ngày.

Chính những bất bình đẳng và bộ máy tham nhũng là động lực để người dân Haiti xuống đường, yêu cầu chính phủ phải trừng phạt các quan chức tham nhũng, đặc biệt đòi ông Moise phải từ chức. Cho tới nay, ông Moise vẫn bám víu chiếc ghế tổng thống quyền lực. Nhưng điều đó không làm nản lòng người dân Haiti, bởi các đoàn thể vẫn kiên trì tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi thể chế chính trị có lợi cho toàn dân.

Biểu tình ở thủ đô Haiti ngày 13/10/2019. Nguồn: Rebecca Blackwell/AP Photo.

Algeria

Algeria là một quốc gia ở Bắc Phi theo chế độ tổng thống, CIA World Factbook cho biết. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình liên tục từ tháng 2/2019, yêu cầu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, phải từ chức khi ông này tuyên bố sẽ ra tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa, để kéo dài 20 năm cầm quyền của mình. Vào ngày 2/4/2019, ông Bouteflika tuyên bố từ chức dưới áp lực của quân đội.

Nhưng sau đó, vào cuối tháng 6/2019, hàng chục ngàn người lại xuống đường ở thủ đô Algiers đòi Tổng thống lâm thời Abdelkader Bensalah và Thủ tướng Noureddine Bedoui từ chức vì cho rằng 2 nhân vật này cùng phe với ông Bouteflika. Đầu tháng 12/2019, đông đảo người dân Algeria lại tiếp tục xuống đường, kêu gọi cải cách dân chủ thực sự.

Sudan

Sudan là một đất nước ở Đông Phi theo chế độ tổng thống. Giá cả bánh mì tăng cao chính là ngòi nổ cho các cuộc biểu tình khổng lồ, liên tục và đẫm máu diễn ra tại Sudan. Từ cuộc biểu tình chống tăng giá bánh mì, người dân Sudan đòi thay đổi chế độ, đòi Tổng thống Omar al-Bashir, là người đã nắm quyền hơn 30 năm, phải từ chức. Hơn một nữa dân số Sudan có độ tuổi dưới 30 và chính giới trẻ, đặc biệt phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong các cuộc biểu tình.

Cuối cùng, vào ngày 11/4/2019, ông Omar al-Bashir bị quân đội phế truất và bắt giữ. Cuối tháng 8/2019, ông Omar al-Bashir đã bị truy tố tội tham nhũng. Ông Omar al-Bashir thừa nhận đã nhận $37 triệu Mỹ kim từ Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman và 96 triệu Mỹ kim từ cựu vương Ả Rập Saudi Abdullah.

Hiện tại, Sudan đang thực hiện kế hoạch 3 năm chuyển tiếp tới dân chủ. Có thể thấy, các cuộc biểu tình nhẫn nại và kéo dài của giới trẻ Sudan là một chiến thắng cho nền dân chủ ở nước này khi đã loại bỏ thành công một nhà lãnh đạo cầm quyền hơn 3 thập niên.

Một phụ nữ trẻ lãnh đạo đoàn biểu tình ngày 8/4/2019 ở Sudan. Nguồn: Washington Post

Lebanon

Lebanon là một quốc gia ở Trung Đông, theo chế độ đại nghị. Cuối tháng 10/2019, hàng trăm ngàn người trên toàn quốc đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố khác nhau, yêu cầu thay đổi chế độ. Đây được cho là lần biểu tình lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang Lebanon cũng tuyên bố tham gia cùng đoàn người biểu tình chống lại chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri.

Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc biểu tình là do chính phủ Lebanon đòi đánh thuế vào việc sử dụng các ứng dụng trên Internet, như WhatsApp và Messenger, bắt mỗi người dân phải trả $6/tháng hoặc $72/năm khi sử dụng các ứng dụng này. Tuy nhiên, cội rễ của sự phản đối đến từ nền kinh tế suy kém với nạn tham nhũng tràn lan, dịch vụ công kém cỏi, và gần 40% thanh niên thất nghiệp.

Đối mặt với sức ép mạnh mẽ của người dân, chính phủ Lebanon đã phải đưa ra một số nhượng bộ, như ủy kế hoạch áp thuế đối với WhatsApp và Messenger, giảm một nửa lương của mình, trợ cấp xã hội cho người nghèo, cải cách chính phủ …, nhưng vẫn không xoa dịu được sự tức giận của người dân. Cuối cùng, nội các chính phủ, bao gồm Tổng thống Michelle Aoun, Thủ tướng Saad Hariri và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berry, đã từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Tuy nhiên, hiện tại Lebanon vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng khoảng vì vẫn đang đối mặt với tình trạng kinh tế yếu kém.

Biểu tình ở Lebanon ngày 24/10/2019. Nguồn: CNN

Columbia

Colombia là một nước Bắc Nam Mỹ, theo chế độ tổng thống. Ngày 21/11/2019, hàng chục nghìn người biểu tình đòi chính phủ của Tổng thống Ivan Duque giải quyết nạn tham nhũng, tăng lương tối thiểu và tăng chi tiêu cho giáo dục. Cuộc biểu tình ôn hòa, kết hợp với đình công, do các liên đoàn lao động phát động kéo dài hơn một tuần, thu hút mọi tầng lớp người dân Colombia. Tổng thống Duque, được đánh giá là kém cỏi, hiện đã cam kết sẽ tổ chức một “cuộc đối thoại quốc gia”.

Christopher Sabatini, một chuyên gia về các vấn đề châu Mỹ Latin, nói với tạp chí TIME, rằng: “Trong thời kỳ nội chiến, các cuộc biểu tình ngày càng thưa dần và hạn hẹp, luôn có bóng dáng của bạo lực ẩn trong các phong trào xã hội và các cuộc biểu tình. Nhưng hiện tại, hàng trăm ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Colombia, đánh dấu một sự thay đổi trong lịch sử các cuộc biểu tình của đất nước.

Người dân biểu tình ở TP Bogota, Columbia, ngày 21/11/2019. Nguồn: Daniel Garzon Herazo—NurPhoto/ Getty Images.

Iran

Còn Iran là một nước Trung Đông, theo chế độ thần quyền – quyền lực nằm trong tay các chức sắc tôn giáo. Vào giữa tháng 11/2019, một đợt tăng giá xăng bất ngờ ở Iran đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình rộng lớn trên khắp Iran. Ít nhất 180 người chết khi lực lượng vệ binh của chính quyền đã bắn vào người biểu tình. Đây được cho là bất ổn chính trị đẫm máu, tang tóc nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo cách đây 40 năm.

Biểu tình ở Iran ngày 27/12/2019. Nguồn: Hamed Malekpour/Agence France-Presse/ Getty Images

Iraq

Tương tự, Iraq là một nước ở Trung Đông nhưng theo chế độ đại nghị liên bang. Từ ngày 1/10/2019, các cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc, yêu cầu cải cách chính trị và giảm tham nhũng. Sự phản kháng của đông đảo người dân Iraq được đánh giá là lớn và quy mô nhất kể từ khi Mỹ tấn công quân sự lật đổ lãnh đạo độc tài Saddam Hussein năm 2003 đến nay. Người dân Iraq gọi đây là cuộc cách mạng xe Tuk-Tuk (là một loại xe thông dụng ở Iraq, có phần giống xe lam ở Sài Gòn).

Chính quyền của Thủ tướng Abdul Mahdi đã đóng Internet cũng như ngăn chặn truyền thông nước ngoài việc đưa tin về các cuộc biểu tình tại Iraq. Hơn 300 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Để xoa dịu sự bất bình của người dân, Thủ tướng Abdul Mahdi hứa sẽ cải cách chính trị và tuyên bố sẵn sàng từ chức. Tuy nhiên, căng thẳng giữa người dân và chính phủ vẫn đang tiếp diễn.

Biểu tình ở Iraq. Nguồn: Ahmed Jali/ EPA

Nga

Nga là một nước Đông Âu, theo chế độ bán tổng thống. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, Putin đã thực hiện hàng loạt các hành vi đậm chất chuyên chế, như xâm lược bán đảo Crimea, bịt miệng bất đồng chính kiến, ám sát nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov, tham chiến ở Syria, hậu thuẫn cho lãnh đạo độc tài Bashar al-Assad, và can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 bằng các chiến dịch tuyên truyền tin giả có lợi cho Donald Trump. Putin xem dân chủ là mối nguy với sự ổn định và phát triển của Nga. Bởi thế, hạ bệ uy tín của các thể chế dân chủ, cũng như tạo ra sự chia rẽ và bất ổn là một trong những chiến lược sống còn của Putin.

Hồi đầu tháng 8/2019, hàng chục ngàn người Nga đã tham dự các cuộc biểu tình yêu cầu bầu cử công bằng. Đây được cho là cuộc biểu tình lớn nhất ở Moscow kể từ năm 2011 với hàng nghìn người đã bị cảnh sát bắt giữ, gồm các lãnh đạo đối lập. Sau đó, các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra, yêu cầu chấm dứt đàn áp đối lập. Với bản chất tham quyền và giấc mơ gầy dựng lại một liên bang Xô Viết của Putin, Nga chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc biểu tình khác trong tương lai.

Biểu tình ở thủ đô Moscow ngày 10/8/2019. Nguồn: Reuters

Hong Kong

Hồng Kông hiện là đặc khu tự trị dưới quyền kiểm soát của nhà nước cộng sản Trung Quốc. Kể từ tháng 6/2019, các cuộc biểu tình khổng lồ, với sự tham gia của hàng triệu người, phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, người biểu tình đã mau chóng chuyển mục tiêu biểu tình, từ chống luật dẫn độ, sang yêu sách dân chủ cho HK. Cho tới nay, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng tuần với sự tham gia của rất nhiều sinh viên. Tuy nhiên, bạo lực leo thang giữa người biểu tình và cảnh sát đang trở thành mối lo ngại.

Tinh thần kiên cường và kỹ năng tổ chức các cuộc biểu tình quy mô và liên tục của người HK đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ và thán phục. Vì thế, nhiều người dân khắp nơi trên thế giới đã và đang ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ của HK.

Biểu tình ở Hồng Kông ngày 6/16/2019. Photo: Stephen J. Boitano & LightRocket/ Getty Images

Ấn Độ

Ấn Độ là một quốc gia Nam Á, theo chế độ đại nghị. Ấn là đất nước có nền dân chủ lớn nhất thế giới xét về dân số. Kể từ giữa tháng 12/2019, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở nhiều nơi, nhằm phản đối Luật Quốc tịch cải cách (Citizenship Amendment Act) đầy tranh cãi.

Để đối phó các cuộc biểu tình ôn hòa, chính phủ Ấn Độ đã cấm các cuộc tụ họp ở một số khu vực công cộng, đóng đường, khóa Internet, và bắt giữ những người tham gia biểu tình ôn hòa, trong đó có các trí thức tiêu biểu. Đóng cửa Internet để dập tắt làn sóng phản đối đã được Ấn Độ sử dụng nhiều hơn bất kỳ quốc gia độc nào khác trên thế giới. Hành động đàn áp và bắt bớ của chính phủ Ấn phần nào cho thấy, họ không chấp nhận bất đồng chính kiến – hành động đi ngược lại với tự do ngôn luận.

Sử gia Ramachandra Guha, là người viết tiểu sử cho nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng Mohandas Gandhi, cũng bị cảnh sát bắt giữ khi đang biểu tình ôn hòa. Ông Guha bày tỏ nỗi lo lắng đối với nền dân chủ Ấn Độ. Ông nói: “Do không có bất kỳ đối lập đáng tin cậy nào đối với đảng BJP, bầu không khí sợ hãi trong các nhóm tôn giáo thiểu số và các cuộc tấn công vào tự do báo chí, nên chúng tôi hiện chỉ ở mức dân chủ 40-60. Các phản ứng đậm chất độc tài của chính phủ trước các cuộc biểu tình ôn hòa đang khiến nhiều người dân Ấn lo sợ cho nền dân chủ của họ, trong đó tồn tại mối lo ngại rằng ‘nền dân chủ lớn nhất thế giới đang hướng về chủ nghĩa phát xít thời hiện đại’.

Biểu tình ở Ấn ngày 12/12/2019. Nguồn: Ajay Verma/ Reuters

Chúng ta học được gì từ các cuộc biểu tình lớn trong năm 2019?

Bài học quan trọng nhất: Xây dựng dân chủ thì rất khó khăn, nhưng duy trì dân chủ ổn định và phát triển như các quốc gia Bắc Âu, Canada, New Zealand … lại càng khó. Dân chủ như một khu vườn, cần sự chăm sóc và quan tâm thường xuyên của cử tri, thể hiện qua các hoạt động xã hội và chính trị.

Trong thời đại công nghệ số, nhiều lãnh đạo độc tài lợi dụng Internet để tuyên truyền bịa đặt và dối trá nhằm mị dân. Bởi thế, nền dân chủ khỏe mạnh đòi hỏi trách nhiệm công dân và ý thức cộng đồng cao, cũng như cử tri cần bỏ phiếu chọn lãnh đạo dựa trên thông tin đúng đắn. Nói cách khác, sự bền vững của dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào dân trí cao. Theo nghiên cứu, những người không có học thức caoít tham gia chính trị thường nghĩ rằng dân chủ không phải là thể chế tốt, và ưu ái chế độ độc tài chuyên chế.

Bài học quan trọng thứ hai: Chế độ tổng thống thường dễ lũng đoạn và hủy hoại thể chế dân chủ. Khuyết điểm lớn nhất của chế độ tổng thống chính là quyền lực tập trung quá lớn trong tay tổng thống; trong khi, loại bỏ một tổng thống sai phạm là rất khó khăn, tùy thuộc vào hiến pháp của mỗi nước. Điều này tạo điều kiện dễ dàng cho các tổng thống vô đạo đức và hám quyền thâu tóm quyền lực.

Nguyên tắc “phân quyền” là nền tảng của thể chế dân chủ, với quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, thay vì tập trung vào một cá nhân. Lịch sử thế giới đã chứng minh khi một cá nhân có trong tay quyền lực tuyệt đối, người đó sẽ bất chấp mọi thủ đoạn, như mua chuộc, thanh trừng… để thay đổi thời hạn nắm quyền nhằm bám víu quyền lực. Ngược lại, chế độ đại nghị có thể giảm bớt rủi ro quyền lực tập trung, mặc dù không phải là hoàn hảo. Theo Chỉ số Dân chủ uy tín (Democracy Index), 9 trong 10 quốc gia có nền dân chủ vững mạnh nhất theo chế độ đại nghị – cử tri bầu chọn các thành viên Quốc hội và cơ quan này sẽ chọn Thủ tướng đứng đầu chính phủ, thường là lãnh đạo của đảng chiếm thế đa số tại Quốc hội.

Bài học cuối cùng: biểu tình ôn hòa là vũ khí quan trọng bảo vệ và củng cố dân chủ. Phần lớn các nước có các cuộc biểu tình đều là dân chủ, theo chế độ tổng thống, có quyền tự do ngôn luận dù còn hạn chế (ngoại trừ đặc khu Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ). Ngược lại, người dân tại Việt Nam hoặc Trung Quốc hoàn toàn bị ngăn cấm bày tỏ quan điểm chính trị. Chính nhờ môi trường dân chủ, đề cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân, mà người dân nhiều nơi đã sử dụng quyền tự do còn hạn chế để xuống đường phản đối chính phủ.

Trường hợp Hồng Kông, sinh hoạt trong môi trường dân chủ hơn 50 năm giúp người HK tiếp cận với nền giáo dục nhân bản và các giá trị văn minh. Khi nào phần lớn người Việt vẫn không dứt bỏ những tật xấu ăn sâu vào ADN, như hám danh, trọng hình thức, vô cảm, dựa dẫm, để tiếp nhận các giá trị dân chủ tiến bộ, như bình đẳng, đạo đức, đối thoại, bao dung, công lý, hòa giải và hợp tác, thì con đường dân chủ đích thực sẽ còn đen như mực.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhìn toàn cảnh, các biến động trên không hẳn là thách thức đối với mô hình thể chế dân chủ nói chung trên toàn thế giới. Một số nước kể trên có nền dân chủ giả hiệu hoặc đã xuống cấp từ lâu, mà tổng thống chế quả thật cũng là một nguyên nhân.

    Tại nhiều nơi, các cuộc biểu tình là diễn biến đương nhiên phải có khi dân chúng bất bình. Đó là cách vận hành của những nền dân chủ đang có sinh khí. Sự mất ổn định trên bề mặt đòi hỏi chính quyền và xã hội phải tìm phương hướng giải quyết. Nếu vượt qua được khó khăn, các thể chế dân chủ ấy càng chứng tỏ vững mạnh. Một số trường hợp bất ổn hiện thời lại là nỗ lực để vươn tới một hệ thống dân chủ hơn cho tương lai. Tại những nước ấy, ta có thể mô tả tình hình là sự “thách thức nguyên trạng qua sinh hoạt dân chủ” thay vì sự “thách thức với thể chế dân chủ” như tác giả nêu lên trong tựa bài.

    Tại những xứ độc tài toàn trị mà tình hình đang có vẻ sóng yên biển lặng như Việt Nam và Trung Quốc, chưa có cái gọi là sinh hoạt dân chủ, cho nên chính quyền chưa bị thách thức dù đang đưa đất nước vào những ngả đường khả nghi — với những vấn nạn như bất bình đẳng thu nhập ngày càng sâu, quan chức nhũng lạm một cách bầy đàn và hệ thống, quyền và tài sản của người dân bị vi phạm trắng trợn, môi trường bị hủy hoại, một số vấn nạn xã hội và kinh tế coi mòi không có lối thoát với chính sách hiện hành, v.v. Sự “ổn định” tại những xứ ấy chỉ là giả tạo, và chỉ làm hài lòng những nhà độc tài có phần “lú” chứ vẫn có thể gây ác mộng cho một nhà độc tài tương đối biết nhìn xa.

Leave a Reply to Trần H. Cách Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây