“Trump sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”?

Mai V. Phạm

30-12-2019

Trong bài viết mới đây, tôi nhấn mạnh việc áp thuế quan của Trump lên hàng nhập khẩu Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ phải chịu thiệt hại hơn 300 tỉ Mỹ kim và kinh tế toàn cầu mất khoảng 700 tỉ Mỹ kim. Tuy nhiên, có một vài người Việt đã lên án tôi, cho rằng Mỹ không hề bị thiệt hại. Tất nhiên, điều này là sai bởi lịch sử và kiến thức cơ bản chỉ ra rằng: không có phe chiến thắng trong tranh chấp thương mại.

Như giáo sư Esward Prasad, cũng là chuyên gia thương mại uy tín của Đại học Cornell, nhấn mạnh: “Trump là món quà từ Trời ban tặng cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã thao túng các qui tắc, nhưng cách đối phó của Trump là phản tác dụng. Cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho tất cả các bên: làm rối loạn kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng, cản trở xuất khẩu và gây thiệt hại cho sự tăng trưởng”.

Các tổng thống Cộng hòa trước Trump, gồm Ronald Reagan, Richard Nixon, và George W. Bush, đã từng áp thuế quan lên các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian, tất cả đều phải chấm dứt kế hoạch áp thuế vì thiệt hại đáng kể lên kinh tế Mỹ và thế giới.

Mỹ thiệt hại ra sao từ chính sách thuế quan của Trump?

Thuế quan (tarrif) đơn giản là thuế phải trả trên hàng nhập khẩu. Thông thường, thuế được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá giao dịch mà người mua trả cho người bán nước ngoài. Mặc dù thuế quan được áp dụng đối với hàng hóa đến từ mỗi quốc gia, nhưng không phải quốc gia đó trả thuế. Thay vào đó sẽ là các nhà nhập khẩu, bao gồm các công ty và tập đoàn.

Khi Fox News phỏng vấn cố vấn kinh tế hiện tại của Nhà Trắng, người dẫn chương trình Chris Wallace, nói: “Thực tế Trung Quốc không phải là nước trả tiền thuế, mà là các hãng của Mỹ nhập khẩu hàng Trung Quốc, tức các công ty của Mỹ trả thuế. Việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng ở Mỹ”. Đáp lời ông Chris Wallace, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow trả lời: “Đúng vậy… Cả hai bên đều phải trả tiền thuế”.

Để bảo đảm lợi nhuận, các công ty thường nâng giá thành sản phẩm để bù thuế. Một cách đơn giản, thuế quan mà Trump áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ được chuyển qua cho người tiêu dùng Mỹ dưới hình thức giá cả các mặt hàng cao hơn.

Jason Furman, giáo sư thực hành chính sách kinh tế tại đại học Harvard Kennedy và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng từ năm 2013 – 2017, viết: “Chiến lược đối phó Trung Quốc của Tổng thống Trump đang thất bại. Cách tiếp cận cứng rắn hơn của ông Trump đã không mang lại sự nhượng bộ ý nghĩa nào từ phía Trung Quốc, ngày càng gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc hòa nhập hơn với phần còn lại của thế giới, trong khi Mỹ bị cô lập hơn. Để đối phó các thông lệ kinh tế không công bằng của Trung Quốc, Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh và các tổ chức quốc tế, nhằm thúc đẩy một loạt các yêu cầu chuyên môn hơn”.

Theo nghiên cứu mới nhất của cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) (1), chính sách thuế quan của Trump không giúp lĩnh vực sản xuất phát triển, ngược lại gây mất việc làm. Các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm. Giá tiêu dùng cao hơn sẽ làm cho các sản phẩm trở nên kém cạnh tranh. Vì thế, nếu mục tiêu của Trump nhằm tạo lợi thế cho thị trường Mỹ, thì mục tiêu đó đã bị phá vỡ bởi các nhà sản xuất phải tăng giá để bù thuế quan cao hơn và khiến thị trường Mỹ mất ưu thế.

Các kết luận của nghiên cứu cũng tái khẳng định những dự đoán của các nhà kinh tế, rằng chính sách thuế quan của Trump có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hơn là giúp nó phát triển, đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Theo các dữ liệu được phân tích bởi một tổ chức thương mại, chính sách áp thuế lên hàng Trung Quốc của Trump khiến bang Texas phải chịu thiệt hại nặng nề nhất, gần 5 tỉ Mỹ kim. Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ nông dân tự tử tăng cao trong thời gian gần đây.

Thêm nữa, khi các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn vì chính sách thuế của Trump với Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ là sự lựa chọn thay thế. Theo một báo cáo trích dẫn dữ liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 9 tháng đầu năm 2019, hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng vọt lên 35% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn chung, Việt Nam đang hưởng lợi kinh tế, dù không lớn, từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể nói, Trump phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam được tiếp cận với Mỹ hơn.

Tóm lại, không có một bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Trung Quốc đang “sụp đổ chính trị” từ chính sách thuế quan của Trump. Ngược lại, nhiều bằng chứng xác nhận, chính sách thương mại mà Trump theo đuổi đều khiến Mỹ và Trung Quốc phải chịu thiệt hại kinh tế.

Thay Lời Kết

Câu chuyện bó đũa tạo sức mạnh không xa lạ với người Việt. Trung Quốc hiện tại không phải là Liên Xô. Như sử gia Melvyn Leffler phân tích: “Không giống như các nhà lãnh đạo Liên Xô tách biệt nền kinh tế của họ khỏi tư bản phương Tây ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc đã biến mình thành trung tâm của một thị trường tư bản quốc tế”. Nói cách khác, phần lớn các tập đoàn lớn trên thế giới đang nhờ vào thị trường Trung Quốc để tồn tại và phát triển.

Không một chế độ hung bạo nào có thể tồn tại mãi mãi. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao cô lập nước Mỹ, bao gồm tấn công đồng minhtừ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới mà Trump đang theo đuổi, bất chấp phản đối của lưỡng đảng, chỉ giúp chế độ cộng sản Trung Quốc kéo dài tuổi thọ mà thôi.

Như Giáo sư kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini nhấn mạnh: “Một Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, đơn phương, và phi tự do nhằm chống lại các đồng minh của Mỹ, khiến phương Tây bị chia rẽ, và không sẵn lòng bảo vệ và cải cách trật tự thế giới tự do mà nó đã tạo ra. Người Trung Quốc có lẽ thích Trump tái đắc cử vào năm 2020. Ông Trump có thể gây ra phiền toái trong ngắn hạn, nhưng, khi có đủ thời gian tại vị, ông ta sẽ phá hủy các liên minh chiến lược tạo nền tảng cho quyền lực mềm và cứng của Mỹ. Giống như hiện thân của “Ứng cử viên Mãn Châu” (2), Trump sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại (Make China Great Again)”.

Trump chắc chắn không thể nào kiềm chế được Trung Quốc nếu tiếp tục chối bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Để làm suy yếu sự trỗi dậy của các nhà nước độc đoán đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các nền dân chủ.

­­­­­­­­­­­­­­­­­­___________

(1) Cục Dự trữ Liên bang FED là Ngân hàng Trung ương Mỹ, có vai trò hết sức quan trọng với chính sách tiền tệ của Mỹ và thế giới.

(2) Ứng cử viên Mãn Châu (The Manchurian Candidate) là một bộ phim nổi tiếng đề cập đến một mưu đồ cộng sản trong việc sử dụng người con trai bị tẩy não của một gia đình cánh hữu nhằm lật đổ hệ thống chính trị Mỹ. “Ứng cử viên Manchurian” cũng được dùng để ám chỉ một người, đặc biệt là một chính trị gia, bị sử dụng như một con rối bởi đối thủ và kẻ thù. Thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ sự không trung thành hoặc tham nhũng, cho dù vô tình hay cố ý.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Trung quốc thật sự đã phat trien ba thập niên qua và trải qua ba đời tổng thống tiền nhiệm và nếu Hillary đắc cử tổng thống thì xem như 4 đời…Nhưng với kỷ nguyên Trump mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn
    Cử làm thống kê trên toàn thế giới TQ vĩ đại chỗ nào….? có từng đoàn người di dân xâm nhập TQ như xâm nhập vào Mỹ không

  2. Vấn đề bây giờ là đám dân Trung cuốc đang sẵn sàng chém giết nhau vì đói. Cu Tập bây giờ không dám ra ngoài đường

  3. “Cuộc chiến” này thực chất có phải là cuộc chiến thương mại đâu? Do đó, không nên nhìn đơn giản chỉ ở vấn đề hơn/thiệt, lời/lỗ. Cả hai bên đều thiệt. Cả hai bên đều lỗ. Cuộc chiến này là cuộc chiến quyết định ai sẽ dẫn đầu thế giới trong những thập niên tới. Nhất là về công nghệ. Người Mỹ lo ngại sẽ mất ngôi bá chủ. Người Mỹ phản ứng là phải.

  4. “không có phe chiến thắng trong tranh chấp thương mại.”
    -Chính xác, nhưng có phe thiệt hại nhiều & có phe thiệt hại ít (thiệt hại mà bằng nhau thì tranh chấp thương mại làm gì. He…he…). Và phe thiệt hại ít là ng chiến thắng.
    “Để bảo đảm lợi nhuận, các công ty thường nâng giá thành sản phẩm để bù thuế.”
    -Khi mức thuế hàng hóa nhập vào Mỹ tăng lên rất cao thì việc nâng giá thành là ko khả thi, vì ng tiêu dùng ko ai bỏ tiền ra mua hàng hóa với giá tăng gấp 2~3 lần trong khi lương tháng ko tăng. Lúc này, các Cty nhập khẩu bắt buộc phải đi đến các nc khác ngoài TQ tìm kiếm NCC → các nguồn hàng nhập khẩu vào Mỹ đa dạng hơn, Mỹ ko phụ thuộc nhập khẩu vào nền KT TQ.
    “Việt Nam đang hưởng lợi kinh tế, dù không lớn, từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.”
    -Ko những VN mà còn nhiều nc khác nữa “đang hưởng lợi kinh tế”. Trước đây TQ hưởng trọn gói, thì giờ Mỹ chia sẻ cho nhiều nc khác dc hưởng. Cám ơn nc Mỹ.
    “phần lớn các tập đoàn lớn trên thế giới đang nhờ vào thị trường Trung Quốc để tồn tại và phát triển.”
    -Điều này rấy nguy hiểm vì “KHÔNG BỎ TẤT CẢ TRỨNG VÀO CÙNG 1 GIỎ”. Nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy “các tập đoàn lớn trên thế giới” tìm kiếm & có thêm nhiều thị trường khác nữa, tránh dc phần nào khủng hoảng khi thị trường TQ hay xã hội TQ có biến động.
    “Trump chắc chắn không thể nào kiềm chế được Trung Quốc nếu tiếp tục chối bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á.”
    -Các đời Tổng thống Mỹ trước Tổng Thống Donald Trump đã thể hiện “vai trò lãnh đạo toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á.” nhưng chỉ làm TQ mạnh mẽ hơn & hung hăng hơn. Vậy hãy để “các đồng minh ở châu Âu và châu Á” tự xử công việc của mình sẽ giúp họ năng động hơn, tự tin hơn, còn Mỹ nên trở về xây dựng lại hậu phương Châu Mỹ.

  5. “Thông thường, thuế được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá giao dịch mà người mua trả cho người bán nước ngoài” Theo luật lệ Tài chính công thì thuế là một loại phí được cơ quan thuế thu cho ngân sach nhà nước chứ không phải là để cho người mua trả cho người bán nước ngoài

Leave a Reply to Dân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây